Việc Hong Kong mất tự do cho thấy ưu tiên của Tập Cận Bình

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Hong Kong’s lost freedom shows Xi Jinping’s priorities,” Nikkei Asia, 04/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự cố Đồng La Loan Thư Điếm là điềm báo về nguyên tắc “an ninh là trên hết” của chế độ Tập Cận Bình.

Trung Quốc đang hướng tới một nền kinh tế cởi mở hơn? Hay họ muốn ưu tiên an ninh quốc gia? Đây có lẽ là câu hỏi hóc búa nhất mà các nhà đầu tư toàn cầu phải đối mặt khi cân nhắc tình hình Trung Quốc ngày nay.

Trong khi chế độ cộng sản chủ trương “mở cửa nền kinh tế với tiêu chuẩn cao” để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%, họ cũng đang thúc đẩy việc hiện thực hóa an ninh quốc gia kiểu Trung Quốc, trong đó “an ninh chính trị” và “an ninh chế độ” là các ưu tiên hàng đầu, vượt trên các chính sách khác, bao gồm cả các chính sách kinh tế.

Việc hai trợ lý thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình lần lượt chịu trách nhiệm về kinh tế và an ninh – vốn là hai lĩnh vực trái ngược nhau – càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Thủ tướng Lý Cường phụ trách các vấn đề kinh tế, trong khi Thái Kỳ là ông trùm an ninh.

Một chuyên gia về chính sách và lịch sử Hong Kong cho biết, nếu có manh mối nào để hiểu những thông điệp mâu thuẫn thì nó sẽ nằm ở chính Hong Kong, từ những biến đổi mà thành phố này trải qua trong thập niên vừa qua dưới thời Tập Cận Bình.

Hong Kong đã phát triển thịnh vượng nhờ bầu không khí tự do và hệ thống “thông luật” hoạt động theo công thức “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc. Thành phố này cũng đã mang về khối tài sản khổng lồ cho đại lục.

Tuy nhiên, các quyền tự do của nó đang dần biến mất.

Thủ tướng Lý Cường phụ trách nền kinh tế Trung Quốc trong khi Thái Kỳ đứng đầu bộ máy an ninh của chính phủ. (Nguồn ảnh của Yusuke Hinata)

Năm 2019, trước khi COVID-19 bắt đầu lan rộng, khoảng 1 triệu người đã xuống đường ở Hong Kong trong một cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ, nhằm phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền địa phương.

Một năm sau đó, chính quyền Tập nhanh chóng ban hành và thực thi luật an ninh quốc gia Hong Kong.

Trên cơ sở mở rộng các luật do Bắc Kinh áp đặt, vào tháng trước, chính quyền Hong Kong đã bắt đầu áp dụng luật an ninh quốc gia của riêng đặc khu, được gọi là Điều 23 (Article 23), chỉ vài ngày sau khi nó được các nhà lập pháp thành phố thông qua.

Đạo luật gây tranh cãi này dự kiến sẽ trấn áp hoạt động gián điệp, ăn cắp bí mật nhà nước, phản quốc, kích động nổi loạn, và sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào an ninh quốc gia. Vấn đề là những vi phạm này được định nghĩa một cách rất mơ hồ.

So với cuộc biểu tình rầm rộ năm 2019, việc triển khai thực thi Điều 23 hồi tháng trước ít được truyền thông quốc tế đưa tin hơn. Đạo luật này đã bị người dân Hong Kong phản đối mạnh mẽ suốt hàng chục năm. Năm 2003, khoảng 500.000 người từng tụ tập để biểu tình phản đối nỗ lực thông qua Điều 23.

Năm 2019, người Hong Kong xuống đường phản đối dự luật dẫn độ mà họ lo ngại sẽ được sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến. (Ảnh của Kosaku Mimura)

Việc thực thi Điều 23 là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài tự do báo chí ở Hong Kong. Đài Á Châu Tự do do Mỹ tài trợ đã tuyên bố đóng cửa văn phòng tại Hong Kong, do lo ngại về vấn đề an toàn khi luật mới được áp dụng.

Điều nên được nhắc lại là một sự việc đã xảy ra ở Hong Kong cách đây gần 10 năm.

Cuối năm 2015, năm cá nhân có liên quan đến Đồng La Loan Thư Điếm (Causeway Bay Books) – một hiệu sách chuyên xuất bản và bán các sách chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Tập Cận Bình – đã lần lượt mất tích.

Năm người – gồm bốn người Hong Kong và một người quốc tịch Thụy Điển sinh ra ở Trung Quốc – sau đó được phát hiện đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ. Riêng công dân Thụy Điển đã bị bắt cóc từ một khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan.

Các vụ “mất tích” xảy ra bất chấp mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của Hong Kong. Điều trớ trêu là chúng cũng diễn ra sau khi đại lục ban hành luật an ninh quốc gia.

Khi nhìn lại, vụ việc này là khởi đầu cho hồi kết của một Hong Kong tự do. Con ngỗng đẻ trứng vàng đã bị giết, ảnh hưởng nặng nề không chỉ đến nền kinh tế Hong Kong mà còn cả Trung Quốc đại lục trong những năm tới.

Việc đánh mất tự do đã buộc người dân Hong Kong phải điều chỉnh cả về mặt kinh tế lẫn tâm lý, và nhiều người trong số họ đã quyết định rời quê hương. Một số người đã đến thăm hiệu sách Đồng La Loan Thư Điếm đã được tái sinh ở trung tâm Đài Bắc.

Lâm Vinh Cơ, chủ sở hữu của Đồng La Loan Thư Điếm, tại cửa hàng của mình ở Đài Bắc, Đài Loan, vào năm 2021. © Getty Images

Hiệu sách Đồng La Loan Thư Điếm đầu tiên đã buộc phải đóng cửa từ nhiều năm trước. Vị quản lý, Lâm Vinh Cơ, cũng là một trong số những người bị bắt cóc năm 2015, sau đó đã di cư sang Đài Loan. Ông đã mở lại Đồng La Loan Thư Điếm ở hòn đảo này vào năm 2020.

Trong số những vị khách thường xuyên đến thăm ông có một cặp vợ chồng ở độ tuổi 30 và 40, những người mới di cư từ Hong Kong đến Thành phố Tân Bắc, một khu dân cư gần Đài Bắc.

Họ nói “Trò chuyện và trao đổi quan điểm với ông Lâm và những người khách đến tập trung ở đây là niềm vui trong cuộc sống của chúng tôi ở Đài Loan.”

Vì không bị hạn chế quyền tự do ngôn luận, cửa hàng mới này chứa đầy đủ mọi thể loại tài liệu, bao gồm các tác phẩm chỉ trích chế độ cộng sản ở đại lục và kho lưu trữ hình ảnh về các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Hiệu sách này là loại thiên đường không còn tồn tại ở Hong Kong.

Ủng hộ một khái niệm an ninh quốc gia toàn diện, chính quyền Tập đã lần lượt ban hành luật chống gián điệp vào năm 2014, và sau đó là luật an ninh quốc gia vào năm 2015, đặt mọi hoạt động chính trị, kinh tế, và xã hội dưới chiếc ô an ninh quốc gia.

Các động thái này có lẽ đã xuất hiện khá đột ngột. Nhưng vẫn có một dấu hiệu quan trọng bị bỏ qua tại cuộc họp của Đảng Cộng sản được tổ chức vào tháng 11/2013, một năm sau khi Tập lên nắm quyền lãnh đạo đảng với tư cách là tổng bí thư.

Ngay khi cuộc họp – tức hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản – kết thúc, một thông báo đã bất ngờ được đưa ra thông qua Tân Hoa Xã.

Khi ấy, khán giả quốc tế đang chờ đợi thông cáo chung của hội nghị trung ương ba, vốn sẽ tiết lộ các chính sách kinh tế trung và dài hạn của chính quyền Tập. Nhưng thay vào đó, truyền thông nhà nước đưa tin rằng đã có quyết định thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia.

Vì không có lời giải thích chi tiết nào về ủy ban, nên không ai có thể hiểu rõ thông báo này. Nhưng bây giờ nhìn lại, nó chính là điềm báo về nguyên tắc an ninh quốc gia là trên hết của chính quyền Tập.

Hàng chục ngàn người tụ tập trên đường phố Hong Kong vào năm 2003 để phản đối kế hoạch của chính phủ Hong Kong nhằm ban hành dự luật chống lật đổ mà các nhà phê bình lo ngại sẽ hạn chế quyền tự do dân sự. © AP

Tên đầy đủ của tổ chức mới – Ủy ban An ninh Quốc gia trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cho thấy rõ rằng ủy ban này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương. Và tên gọi này đã được công bố vào tháng 1/2014.

Tập là người đứng đầu uỷ ban, trong khi Thái Kỳ được bổ nhiệm làm cấp phó, người phụ trách quản lý ủy ban trên thực tế. Vào thời điểm đó, không ai trong đảng có thể đoán trước được việc Thái sẽ thăng tiến qua nhiều cấp bậc để trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực.

Kể từ đó, Ủy ban An ninh Quốc gia đóng vai trò là trung tâm chỉ huy của Trung Quốc, không chỉ về hệ thống luật pháp liên quan đến an ninh quốc gia, mà còn về các động thái nhằm tước đoạt các quyền tự do của Hong Kong. Những sự cố chưa từng có tiền lệ, tương tự như Đồng La Loan Thư Điếm, đang chực chờ xảy ra.

Mục tiêu cuối cùng của nguyên tắc an ninh quốc gia trên hết là bảo đảm “an ninh chính trị” và “an ninh chế độ.” Nói cách khác, mục tiêu là bảo vệ chế độ cộng sản hiện tại do Tập lãnh đạo. Theo một nghĩa nào đó, ngay cả cuộc đàn áp Đồng La Loan Thư Điếm cũng nhằm đảm bảo an ninh cho chính quyền Tập.

Nhưng để duy trì an ninh theo kiểu này, cần phải làm gì đó để giải quyết việc giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với các chủ tịch nước ở Trung Quốc. “Làm gì đó” sau cùng chính là bản sửa đổi hiến pháp quốc gia được công bố đột ngột vào năm 2018, loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Đến tháng 10/2022, Tập chính thức đảm nhận nhiệm kỳ tổng bí thư 5 năm lần thứ ba chưa từng có trong lịch sử. Mọi thứ đã được bắt đầu từ khoảng năm 2015 để mở đường cho sự cai trị kéo dài của ông.

Khu tài chính ở Singapore, một trong những điểm đến của các công ty nước ngoài đang chạy trốn khỏi Hong Kong. (Ảnh của Akira Kodaka)

Năm 2023, luật chống gián điệp sửa đổi của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Theo đó, hoạt động gián điệp có thể được giải thích theo phạm vi rất rộng, và không thể xác định rõ hoạt động nào có thể khiến một người bị buộc tội. Việc kết luận một người có phạm tội gián điệp hay không dường như hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền. Do đó, các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đành phó mặc vào lòng nhân từ của các cơ quan chức năng, không bao giờ biết liệu một trong những giám đốc điều hành hoặc nhân viên của họ có thể bị giam giữ hay không, bị giam khi nào, hoặc vì lý do gì.

Tuy nhiên, xét đến việc nguyên tắc an ninh quốc gia là trên hết của Tập và sự thịnh vượng của Hong Kong không thể cùng tồn tại, thành phố này đang đạt đến điểm bùng phát, khi các doanh nghiệp và người dân đang cố gắng thoát khỏi áp lực đè nặng lên họ.

Một số công ty nước ngoài đã thu hẹp quy mô hoạt động tại Hong Kong, chuyển đến Singapore và các trung tâm khác. Nhiều người Hong Kong cũng đang bắt đầu di cư sang Anh, Đài Loan, Canada, và Nhật Bản.

Việc di dời hoạt động kinh doanh và sự lo lắng của người dân cũng đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Hong Kong. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Trung Quốc đại lục.

Tình hình hiện tại của Hong Kong cho thấy chính sách kinh tế của Trung Quốc mâu thuẫn như thế nào. Bằng cách nhìn qua lăng kính của Hong Kong, người ta có thể biết được các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh đang nghĩ gì.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.