Nhật Bản tăng cường liên minh với Mỹ để phòng ngừa Trung Quốc

Nguồn: Gideon Rachman, “Japan doubles down on the US alliance as China looms,” Financial Times, 08/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tokyo và Washington đều quyết tâm ngăn chặn Bắc Kinh thống trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Fumio Kishida vốn thiếu sức hút và không được yêu thích ở quê nhà, nhưng khi Thủ tướng Nhật tới thăm Washington trong tuần này, ông sẽ được chào đón như một người hùng.

Sự ủng hộ mà chính quyền Biden dành cho Kishida vượt xa những hỗ trợ thông thường đối với một đồng minh thân cận. Dưới thời Kishida, Nhật Bản đã thực hiện một số thay đổi quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại và an ninh kể từ Thế chiến II. Những thay đổi này được thúc đẩy bởi quyết tâm của người Nhật trong việc ngăn chặn một Trung Quốc chuyên chế thống trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sự gần gũi ngày càng tăng giữa Washington và Tokyo sẽ được thể hiện khi Kishida phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào thứ Năm. Kế hoạch để các chỉ huy quân sự Mỹ và Nhật hợp tác cùng nhau ở Tokyo cũng sẽ được công bố trong tuần này. Trong tương lai, một số kế hoạch quân sự mà Mỹ hiện đang triển khai từ Hawaii sẽ được thực hiện từ Nhật Bản. Cũng có khả năng Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác công nghệ với AUKUS – hiệp ước an ninh Australia-Anh-Mỹ.

Phần cuối cùng trong chuyến thăm Washington của Kishida sẽ là hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ, và Philippines, nhấn mạnh quyết tâm chung của Washington và Tokyo trong việc hỗ trợ Philippines, khi họ chịu áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tất cả những sáng kiến này được xây dựng dựa trên những thay đổi lớn đã được thực hiện trong chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản. Dưới sự lãnh đạo của Kishida, Nhật Bản đã cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và đạt mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2027. Để thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu Thế chiến II, chính phủ Kishida cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí truyền thống của nước này. Giờ đây, Nhật Bản sẽ cho phép bán ra nước ngoài loại máy bay chiến đấu mới mà nước này đang cùng phát triển với Anh và Ý. Chính phủ nước này cũng đã củng cố quan hệ với Hàn Quốc, hàn gắn rạn nứt giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong chừng mực nào đó, điều đáng ngạc nhiên là tất cả những thay đổi này lại xảy ra dưới thời Kishida, một người có phong cách ôn hòa, chứ không phải dưới thời Shinzo Abe, vị thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn. Nhưng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào năm 2022 về cơ bản đã thay đổi tư duy địa chính trị ở Nhật Bản, cho phép Kishida thúc đẩy những thay đổi mà Abe từng ủng hộ.

Một số nước châu Á quan trọng – chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia – tin rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine không có tác động gì đến an ninh quốc gia của chính họ. Nhưng Nhật Bản lại có cái nhìn rất khác. Kishida đã nhiều lần nói rằng “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai” – nhắc đến hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc, cũng như các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, như bằng chứng về mối đe dọa chiến tranh đang gia tăng.

Lịch sử và địa lý đều đóng một vai trò nhất định trong việc Nhật Bản cảnh giác với Nga, nước láng giềng của họ. Tokyo gần Vladivostok hơn Bắc Kinh. Và sự cạnh tranh giữa hai nước đã bắt nguồn từ chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905.

Tuy nhiên, chính những tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với cách hành xử trong tương lai của Trung Quốc và Triều Tiên mới thực sự khiến Nhật Bản phải cảnh giác. Chính phủ Kishida cho rằng cuộc xung đột đã đẩy Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau hơn. Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tuần tra chung với máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản vào tháng 12. Trung Quốc cũng đang giúp duy trì nền kinh tế Nga, trong khi quan hệ quân sự của Nga với Triều Tiên ngày càng trở nên thân thiết hơn. Từ góc nhìn của Tokyo, những diễn biến này ngày càng giống như những mối đe dọa có liên quan với nhau.

Niềm tin ở đây là người Nhật đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm, trong một khu vực nguy hiểm, và để đáp trả, họ cần phải xích lại gần hơn với Mỹ, vượt ra ngoài giới tinh hoa hoạch định chính sách của Tokyo. Nếu là trong những thời đại trước, những động thái diều hâu của Kishida có thể đã bị công chúng phản đối dữ dội – nhưng không phải bây giờ. Yasushi Watanabe, giáo sư tại Đại học Keio, nói rằng khi ông bắt đầu giảng dạy cách đây 25 năm, chỉ 50% các sinh viên của ông có quan điểm ủng hộ liên minh an ninh Mỹ-Nhật. Ngày nay, tỷ lệ ủng hộ là 90%.

Dù vậy, Nhật Bản, giống như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, rất lo lắng về chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ, và những điều không thể đoán trước có thể xuất phát từ chính quyền Trump thứ hai. Đội ngũ của Kishida biết rằng họ không còn có thể dựa vào sự đồng thuận lưỡng đảng làm nền tảng cho chính sách đối ngoại Mỹ, khiến việc đưa ra một thông điệp làm hài lòng cả hai phe ở Washington trở nên phức tạp hơn nhiều.

Vì vậy, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ sử dụng bài phát biểu của mình trước Quốc hội Mỹ để kêu gọi các lợi ích cũng như giá trị Mỹ. Kishida sẽ lập luận rằng Nhật Bản hiện là đối tác toàn cầu quan trọng của Mỹ trong việc bảo vệ thế giới dân chủ. Nhưng chính quyền Nhật Bản hiểu rằng nước Mỹ rất khó đoán – và ngày càng trở nên khó đoán. Kết quả là Tokyo đã kín đáo thực hiện một số biện pháp phòng bị nước đôi. Quyết định của Nhật Bản về việc phát triển máy bay chiến đấu mới với Anh và Ý là một ví dụ về việc nước này tiếp cận với các cường quốc dân chủ tầm trung khác.

Đối với chính quyền Biden, vốn đang bị bao vây bởi các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine, quan hệ Mỹ-Nhật là một điểm sáng hiếm hoi và rõ ràng trong một thế giới ngày càng nhiều rắc rối.

Joe Biden và nhóm của ông coi việc chống lại sức mạnh của Trung Quốc là “thách thức ngày càng cấp bách” đối với chính sách đối ngoại Mỹ. Các nhà sử học tương lai có thể sẽ đánh giá những nỗ lực này – trong đó Nhật Bản đóng vai trò trung tâm – là thành công. Nhưng liệu cử tri Mỹ có chú ý hay quan tâm đến điều đó hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác.