14/04/1944: Nổ tàu hàng tại Bombay, Ấn Độ

Nguồn: Explosion on cargo ship rocks Bombay, India, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, tàu hàng Fort Stikine đã phát nổ tại bến cảng Bombay, Ấn Độ (nay là Mumbai), khiến 1.300 người thiệt mạng và 3.000 người khác bị thương. Do vụ việc xảy ra trong Thế chiến II, nên một số giả thuyết ban đầu cho rằng nguyên nhân là do sự phá hoại của Nhật Bản, nhưng thực tế, đây chỉ đơn giản là một tai nạn thảm khốc.

Fort Stikine là một tàu hơi nước nặng 8.000 tấn do Canada đóng. Ngày 24/2, con tàu khởi hành từ Birkenhead, Anh và đã dừng lại ở Karachi, Pakistan trước khi cập cảng Bombay. Trên tàu là hàng trăm kiện bông, vàng thỏi, và đáng chú ý nhất là 300 tấn trinitrotoluen, thường được gọi là TNT hoặc thuốc nổ. Điều khó hiểu là bông lại được lưu trữ ngay ở tầng bên dưới thuốc nổ, dù bông là vật cực kỳ dễ cháy.

Giữa lúc chất hàng, người ta đã nhìn thấy khói bốc ra từ các kiện bông và lính cứu hỏa được cử đến để điều tra. Tuy nhiên, các biện pháp khẩn cấp như bơm nước vào khoang tàu chứa bông đã không được thực hiện. Thay vào đó, khoảng 60 lính cứu hỏa đã cố dập lửa bằng vòi nước suốt cả chiều. Thật không may, những khối thuốc nổ TNT đã không được dỡ xuống trong suốt quá trình chữa cháy.

Sau cùng, nhóm lính cứu hỏa được lệnh rời khỏi tàu nhưng vẫn tiếp tục dập lửa từ trên bến cảng. Đáng tiếc đó là việc làm vô vọng. Thuốc nổ TNT đã bị kích nổ, và vào lúc 4:07 chiều, vụ nổ xảy ra làm rung chuyển vùng vịnh. Lực đẩy của vụ nổ đã nâng một con tàu nặng 4.000 tấn đậu gần đó từ vịnh lên đất liền. Những cửa sổ nằm cách xa cả dặm cũng bị vỡ tan. Một thỏi vàng nặng hơn 12kg từ Fort Stikine, trị giá hàng nghìn đô la, được tìm thấy cách đó một dặm. Toàn bộ những người ở gần con tàu đều thiệt mạng.

Mười hai tàu khác tại bến cảng đã bị phá hủy hoàn toàn, trong khi nhiều tàu khác bị hư hại nghiêm trọng. Đám cháy lan khắp cảng, gây thêm một loạt các vụ nổ khác. Quân đội được điều đến để dập tắt đám cháy và một số tòa nhà đã bị phá dỡ để ngăn chặn nó lan rộng. Khu thương mại chính của Bombay trở nên không an toàn suốt ba ngày sau vụ nổ.