Liệu tăng chi tiêu có giúp Anh cải thiện năng lực quốc phòng?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Stuart Dee & Lucia Retter, “The UK Is Boosting Defence Spending. But Will It Boost Defence?”, RAND, 26/04/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Trong tuần này tại Warsaw, Thủ tướng Anh đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2030, với mức tăng tích lũy trong khoảng thời gian đó là 75 tỷ bảng Anh. Thông tin chi tiết hơn được đưa ra trong tài liệu được xuất bản sau đó, trình bày một loạt thông báo chính sách, bao gồm việc thành lập Cơ quan Đổi mới Quốc phòng mới, các chiến lược mới về đạn dược và đảm bảo khả năng chống chịu,  cũng như những thay đổi mới được đề xuất đối với Mô hình Levene (Levene Model), vốn đã xác định cấu trúc phát triển và mua sắm năng lực của Anh từ năm 2011.

Thông báo của Thủ tướng đưa nước Anh vượt trên mục tiêu của NATO rằng các thành viên nên chi 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Lần tăng ngân sách mới nhất này là một phản ứng rõ ràng trước bối cảnh địa chính trị đang thay đổi và đầy thách thức. Và không phải chỉ nước Anh mới có động thái tương tự: 10 thành viên NATO châu Âu, bao gồm cả Anh, hiện đang đạt hoặc vượt mục tiêu 2%. Chỉ riêng Ba Lan đã tăng hơn gấp đôi ngân sách quốc phòng kể từ năm 2014 và hiện chi 3,8% GDP, tương đương khoảng 31,6 tỷ USD. Đức, một nền kinh tế có thể so sánh trực tiếp hơn với Anh, đã tăng chi tiêu đáng kể trong những năm gần đây và hiện có ngân sách quốc phòng là 66,8 tỷ USD, mặc dù Berlin chưa đáp ứng được mục tiêu 2% của NATO.

Tuyên bố này gửi đi những tín hiệu quan trọng về ý định và cam kết của Anh đối với quốc phòng và an ninh, nhưng nếu được thực hiện, liệu việc tăng chi tiêu có thúc đẩy đáng kể năng lực quốc phòng của Anh?

Vấn đề nằm ở chi tiết. Thứ nhất, như Viện Nghiên cứu Tài chính đã lưu ý, con số 75 tỷ bảng giả định chi tiêu ở mức “ổn định” (ví dụ: ngân sách quốc phòng không thay đổi theo từng năm). Một hồ sơ chi tiêu hoàn toàn ổn định là điều khó có khả năng xảy ra (thực tế, nếu tính đến lạm phát, nó sẽ khiến chi tiêu quốc phòng Anh giảm xuống dưới mục tiêu 2%). Theo góc độ này, mặc dù đây là khoản tiền “trời cho”, nhưng không nên coi đó là 75 tỷ bảng “tiền mới”.

Thứ hai, cần lưu ý rằng, con số 2,5% GDP đạt được bằng việc bao hàm các yếu tố như đóng góp của lương hưu quân sự và chi phí tình báo để hỗ trợ ngân sách quốc phòng tính theo tỷ lệ GDP. Mặc dù điều này là được phép theo quy định của NATO, nhưng cách tính đó không phải luôn luôn là một phần trong cơ sở đánh giá của Anh trong quá khứ.

Thứ ba, hiện chưa rõ khoản tiền “trời cho” này sẽ được sử dụng như thế nào. Trong đánh giá Kế hoạch Trang thiết bị Quốc phòng đến năm 2033 (Tháng 12 năm 2023), Văn phòng Kiểm toán Quốc gia đã xác định một khoản thiếu hụt tài chính “từ 7,6 tỷ bảng đến 29,8 tỷ bảng, tùy thuộc vào các rủi ro hoặc cơ hội phát sinh”. Bao nhiêu trong số khoản tiền “trời cho” này được định sẵn để bù đắp các khoản chi vượt ngân sách hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng giả sử ít nhất một phần trong số đó được triển khai để trang trải các khoản thiếu hụt, thì nó sẽ không góp phần nâng cao các loại năng lực quốc phòng ngoài dự kiến.

Thứ tư, vẫn còn những câu hỏi về cách thức đưa cơ sở công nghiệp quốc phòng của Anh vào tình trạng sẵn sàng chiến tranh, khi mà nó đang phải gồng gánh quá nhiều nhu cầu quốc phòng ở thời điểm hiện tại. Anh duy trì một loạt các cam kết quốc phòng quốc tế, điều này phân biệt các ưu tiên chi tiêu quốc phòng của Anh với các cường quốc có quy mô tương tự. Cơ sở hạ tầng công nghiệp của Anh đã và đang tăng cường nỗ lực để thực hiện các cam kết quốc tế đầy tham vọng, bao gồm Hiệp định Chiến đấu trên Không Toàn cầu (GCAP) của Anh, Ý và Nhật Bản, và AUKUS, một chương trình tàu ngầm hạt nhân và công nghệ tiên tiến ba bên được lên kế hoạch với Mỹ và Úc. Nghiên cứu của RAND liên tục cho thấy kỹ năng của lực lượng lao động và những hạn chế của chuỗi cung ứng cản trở khả năng “tăng vọt” nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng để đáp ứng nhu cầu của chính phủ, ngay cả khi nhu cầu này đã được lên kế hoạch rõ ràng. Đây có thể là một trở ngại.

Bên cạnh những cân nhắc quan trọng này, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực: tham vọng triển khai Chiến lược Quốc phòng và Khả năng Thích ứng của Quốc gia là rất cần thiết và nếu được lồng ghép vào mô hình khả năng thích ứng xã hội, thì nó có tiềm năng tạo ra tác động đáng kể. Tương tự, Cơ quan Đổi mới Quốc phòng được đề xuất đặt trọng tâm đáng hoan nghênh vào việc thương mại hóa và xúc tiến nghiên cứu và phát triển giai đoạn đầu của ngành quốc phòng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt liên quan tới các công nghệ then chốt, nơi quốc phòng có nguy cơ tụt hậu. Tương tự, như đã được đề cập gần đây trong bình luận của RAND Europe, tham vọng của Mô hình Mua sắm Tích hợp mới là đáng khen ngợi, mặc dù bắt nguồn từ các khái niệm vốn khó thực hiện trong lịch sử.

Có nhiều điều đáng hoan nghênh trong tuyên bố: nó có ý nghĩa tượng trưng, ​​cả với các đồng minh của Anh ở châu Âu và xuyên Đại Tây Dương, cũng như đối với các đối thủ của họ, đặc biệt lưu ý rằng chi tiêu quốc phòng của Nga, theo SIPRI, đã tăng 24% vào năm ngoái và dự kiến ​​sẽ sớm đạt 6% GDP. Đã có một số tuyên bố rất cần thiết về đổi mới và quốc phòng, cũng như những thay đổi đối với Mô hình Levene. Vấn đề then chốt nằm ở việc thực hiện tất cả các sáng kiến ​​này.

Stuart Dee và Lucia Retter là chuyên gia nghiên cứu về quốc phòng tại RAND Europe.