Năm kịch bản cho nước Nga tương lai (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Stephen Kotkin, “The Five Futures of Russia,” Foreign Affairs, 18/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1

NGA TRỞ THÀNH NƯỚC CHƯ HẦU

Giới tinh hoa Nga ủng hộ Putin thường khoe khoang rằng họ đã phát triển được một lựa chọn tốt hơn phương Tây. Quả thật, quan hệ Trung-Nga đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà phân tích biết về lịch sử chông gai giữa Bắc Kinh và Moscow, bao gồm cả sự chia rẽ Trung-Xô nổi tiếng hồi những năm 1960, lên đến đỉnh điểm là một cuộc chiến biên giới. Dù xung đột đã chính thức được giải quyết bằng việc phân định biên giới, Nga vẫn là quốc gia duy nhất đang kiểm soát phần lãnh thổ chiếm được từ Nhà Thanh nhờ những gì Trung Quốc gọi là những hiệp ước bất bình đẳng. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cản Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ song phương, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn, vốn đã gia tăng về tần suất và phạm vi địa lý suốt 20 năm qua. Hai nước cũng chia sẻ về những bất bình của Nga liên quan đến việc NATO mở rộng và phương Tây can thiệp vào Ukraine, nơi sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga vẫn đóng vai trò quan trọng.

Việc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau đã có từ trước khi Putin và Tập lên nắm quyền. Trong những năm 1980, chính Đặng Tiểu Bình là người đã tách Trung Quốc khỏi Moscow, một hành động có tính bước ngoặt hơn cả điều mà Mao Trạch Đông đã thực hiện trong thập niên 1960 và 1970. Đặng đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc giành được quyền tiếp cận thị trường nội địa Mỹ, vốn là thủ thuật đã tạo ra sự biến đổi ở Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc và Đài Loan. Việc Đặng “ly hôn” với Liên Xô cộng sản để bước vào cuộc “hôn nhân kinh tế” trên thực tế với các nhà tư bản Mỹ và châu Âu đã mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng đáng kinh ngạc, khai sinh ra tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga vẫn gắn bó với nhau. Người kế nhiệm được lựa chọn cẩn thận của Đặng, Giang Trạch Dân, vốn từng được đào tạo tại một nhà máy của Liên Xô, đã tìm cách đưa Nga trở lại làm “tình nhân” mà không phá vỡ quan hệ hôn nhân Mỹ-Trung. Giang đã ra lệnh giúp hồi sinh tổ hợp công nghiệp quốc phòng bị bỏ hoang của Nga và hiện đại hóa ngành sản xuất vũ khí và quân sự của chính Trung Quốc. Năm 1996, Giang và Yeltsin tuyên bố “quan hệ đối tác chiến lược.” Dù thương mại song phương còn ở mức khiêm tốn, sự bùng nổ kinh tế trong nước của Trung Quốc đã gián tiếp hồi sinh nền sản xuất dân sự thời Xô-viết bằng cách nâng mức cầu toàn cầu, theo đó nâng giá các đầu vào công nghiệp mà Liên Xô đã sản xuất với chất lượng thấp nhưng số lượng cao, từ thép đến phân bón. Tương tự như cách Mỹ giúp hình thành tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Trung Quốc cũng góp phần tạo nên tầng lớp trung lưu ở Nga và sự bùng nổ kinh tế của Putin.

Tuy nhiên, quan hệ xã hội và văn hóa giữa hai dân tộc vẫn rất mong manh. Về mặt văn hoá, người Nga là người châu Âu, và có rất ít người Nga biết nói tiếng Trung (so với tiếng Anh). Dù một số người Trung Quốc lớn tuổi có thể nói tiếng Nga, vốn là di sản từ thời Moscow còn là trung tâm của thế giới cộng sản, nhưng con số đó không lớn, và giai đoạn mà một lượng lớn sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Nga đã trở thành ký ức xa vời. Người Nga lo ngại về sức mạnh của Trung Quốc, trong khi nhiều người Trung Quốc đã chế nhạo Nga trên mạng. Và những người ủng hộ trung thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn không chịu tha thứ cho việc Moscow huỷ hoại chủ nghĩa cộng sản trên khắp lục địa Á-Âu và Đông Âu.

Tuy nhiên, quan hệ cá nhân sâu sắc giữa Putin và Tập đã bù đắp cho những nền tảng mong manh này. Hai người đàn ông đã xây dựng tình anh em thân thiết khi gặp nhau tới 42 lần (một con số đáng kinh ngạc) trong thời gian cầm quyền, công khai ca ngợi nhau là “bạn thân nhất của tôi” (Tập nói về Putin) và “bạn thân” (Putin nói về Tập). Tình đoàn kết độc tài giữa hai tâm hồn đồng điệu này được củng cố bởi chủ nghĩa chống phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa chống Mỹ, đã có từ lâu. Khi Trung Quốc chuyển từ đối tác cấp dưới thành đối tác cấp cao, hai nước láng giềng đã nâng cấp quan hệ, công bố “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2013. Về mặt chính thức, thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã vượt 230 tỷ USD vào năm 2023, dù con số này chỉ dao động quanh mức 16 tỷ USD ba thập niên trước đó và chỉ ở mức 78 tỷ USD vào giữa những năm 2010 (sau khi điều chỉnh theo lạm phát). Hơn nữa, số liệu của năm 2023 không bao gồm hàng chục tỷ USD thương mại song phương được ngụy trang thông qua các bên thứ ba, như Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Đến nay, Trung Quốc vẫn mua động cơ máy bay quân sự từ Nga. Nhưng trong các lĩnh vực khác, sự phụ thuộc là theo chiều ngược lại. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy nhanh việc ngành công nghiệp xe hơi nội địa của Nga rơi vào tay Trung Quốc. Moscow hiện đang có một lượng dự trữ nhân dân tệ đáng kể, vốn chỉ có thể được sử dụng cho hàng hóa Trung Quốc. Nhưng bất chấp vô số cuộc họp suốt hàng chục năm qua, vẫn chưa có một thỏa thuận cuối cùng về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới từ Siberia đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh phải phụ thuộc vào Nga về năng lượng hoặc bất cứ thứ gì khác. Ngược lại, Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời và gió, đồng thời đang nỗ lực thay thế Nga để trở thành nước dẫn đầu thế giới về năng lượng hạt nhân.

Giới tinh hoa Nga, ngay cả khi họ kịch liệt lên án “quyết tâm” của Mỹ nhằm chinh phục hoặc chia cắt đất nước của họ, nhìn chung vẫn không lên tiếng phản đối việc Putin phục tùng Trung Quốc. Gần đây, các nhà bình luận Nga bắt đầu nhắc lại câu chuyện của Alexander Nevsky, Đại Vương công Novgorod hồi thế kỷ 13, một trong những vùng đất sau này sẽ hợp nhất thành Muscovy, tiền thân của Đế quốc Nga. Khi đối mặt với kẻ thù trên hai mặt trận, Nevsky đã chọn chiến đấu với quân thập tự chinh ở phía tây và đánh bại quân Teuton trong Trận Hồ Chudskoe, nhưng chấp nhận phục tùng quân Mông Cổ xâm lược ở phía đông, vượt Trung Á đến thủ đô của Hãn quốc Kim Trướng thuộc Mông Cổ để được công nhận là đại vương công của Nga. Trong câu chuyện này, những người theo Cơ đốc giáo phương Tây đã quyết tâm làm suy yếu bản sắc Cơ đốc giáo phương Đông của Nga, còn người Mông Cổ chỉ đơn giản muốn Nga tỏ lòng kính trọng. Và hàm ý là sự phục tùng Trung Quốc ngày nay không đòi hỏi Nga phải từ bỏ bản sắc của mình, nhưng nếu Nga thất bại trước phương Tây thì họ chắc chắn sẽ mất đi bản sắc.

Thật vớ vẩn. Người Nga đã phải mất hàng thế kỷ mới thoát khỏi cái mà sách giáo khoa ở trường của họ gọi chung là “ách” Mông Cổ, nhưng nước Nga vẫn tồn tại qua nhiều thế kỷ trong quan hệ với phương Tây mà chưa bao giờ trở thành phương Tây. Tuy nhiên, không phải phương Tây không nhất thiết có nghĩa là chống phương Tây – tất nhiên là trừ phi người ta đang cố gắng bảo vệ một chế độ phi tự do trong một trật tự thế giới tự do. Nước Nga đã tồn tại trong biên giới hậu Xô-viết suốt 20 năm trước khi Putin quyết định rằng tình hình là không thể chấp nhận được nữa. Giờ đây, sau khi đã đốt cháy cây cầu nối với phương Tây và đổ lỗi cho phương Tây về hành động đó, ông chẳng còn cách nào khác ngoài việc dựa vào thiện chí của Trung Quốc.

Sự mất cân bằng lớn và ngày càng gia tăng trong quan hệ Nga-Trung đã khiến nhiều nhà phân tích gọi Nga là chư hầu của Trung Quốc. Nhưng chỉ có Trung Quốc mới có thể quyết định việc một quốc gia có khác trở thành chư hầu của họ hay không, và theo đó, Bắc Kinh sẽ phải quyết định chính sách, thậm chí cả nhân sự ở Nga, đồng thời gánh vác phần lớn trách nhiệm. Hiện tại, Trung Quốc không có nghĩa vụ hiệp ước ràng buộc nào với Nga. Putin chỉ có lời nói của Tập, một người đã 70 tuổi – và cũng có thể chết. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục tố cáo nỗ lực bá quyền của Mỹ và hợp tác chặt chẽ với nhau. Một cam kết chung nhằm mang lại trật tự thế giới an toàn hơn cho chế độ chuyên chế của họ và giúp họ thống trị khu vực của mình đang thúc đẩy một chế độ chư hầu trên thực tế, dù cả hai đều không mong muốn điều đó.

NGA TRỞ THÀNH TRIỀU TIÊN

Khi sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc, Putin hoặc người kế nhiệm ông có thể lấy cảm hứng (một cách nghịch lý) từ trải nghiệm của Triều Tiên. Và điều đó có thể khiến Tập Cận Bình hoặc người kế nhiệm ông phải suy nghĩ lại. Khi Bắc Kinh can thiệp để giải cứu Bình Nhưỡng trong Chiến tranh Triều Tiên, Mao đã nhắc đến một câu tục ngữ, rằng nếu môi hở (Triều Tiên) thì răng lạnh (Trung Quốc). Phép ẩn dụ này vừa hàm ý về một vùng đệm, vừa hàm ý về một điều kiện phụ thuộc lẫn nhau. Trong những năm qua, một số nhà bình luận Trung Quốc đã nghi ngờ giá trị của việc hỗ trợ Triều Tiên, đặc biệt là sau vụ thử hạt nhân đầy thách thức của nước này vào năm 2006. Đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, mà Trung Quốc cũng tham gia, giới lãnh đạo Triều Tiên đã tích cực thúc đẩy các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể nhắm đến không chỉ Seoul và Tokyo, mà còn cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Bình Nhưỡng vào năm 2018. Do Triều Tiên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về lương thực, nhiên liệu, và nhiều thứ khác, Bắc Kinh dường như đang kẹp Kim Jong Un trong một chiếc kìm sắt.

Tuy nhiên, những người trung thành với Bình Nhưỡng đôi khi vẫn cảnh báo rằng răng có thể cắn vào môi. Như giới cầm quyền ở Bắc Kinh đã nhiều lần nhận ra, Kim không phải lúc nào cũng vâng lời những người bảo trợ của mình. Năm 2017, ông ra lệnh sát hại người anh cùng cha khác mẹ là Kim Jong Nam, vốn đang được Trung Quốc bảo vệ ở nước ngoài. Kim dám bất chấp tất cả vì ông biết rằng dù mình có chọc giận Bắc Kinh đến mức nào thì Trung Quốc cũng không muốn chế độ ở Bình Nhưỡng sụp đổ. Nếu nhà nước Triều Tiên tan rã, bán đảo sẽ được thống nhất dưới chế độ Hàn Quốc, một đồng minh hiệp ước của Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc cuối cùng đã thua trong Chiến tranh Triều Tiên, vốn đang trong tình trạng đình chiến trong hơn 70 năm qua. Việc mất đi vùng đệm Triều Tiên có thể làm phức tạp thêm các lựa chọn và lịch trình nội bộ của Bắc Kinh liên quan đến việc thống nhất với Đài Loan, vì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một môi trường thù địch hơn ở ngay gần kề. Trong lịch sử, bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên thường có xu hướng lan sang Trung Quốc, và làn sóng người tị nạn có thể gây bất ổn cho vùng đông bắc Trung Quốc và thậm chí xa hơn. Vì vậy, Bắc Kinh dường như đang mắc kẹt trong một dạng phụ thuộc ngược với Bình Nhưỡng. Tập sẽ không muốn rơi vào tình thế tương tự với Moscow.

Nga và Triều Tiên khác nhau hoàn toàn. Diện tích lãnh thổ của Nga gấp hơn 142 lần Triều Tiên. Và dù mỗi người kế nhiệm trong gia đình Kim đều được đảng cộng sản phê chuẩn làm lãnh đạo, Triều Tiên thực chất đi theo chế độ cha truyền con nối, thứ mà Nga không có. Triều Tiên cũng là một đồng minh hiệp ước chính thức của Trung Quốc, thực ra là đồng minh duy nhất của Bắc Kinh trên thế giới, cả hai đã ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1961. (Một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không còn có nghĩa vụ phải bảo vệ Triều Tiên trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công bởi vì Bình Nhưỡng đã phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng hiệp ước phòng thủ vẫn chưa bị bãi bỏ.) Triều Tiên cũng phải đối mặt với một nhà nước đối thủ là Hàn Quốc, do đó họ giống với Đông Đức (không còn tồn tại) hơn là với Nga.

Bất chấp những khác biệt này và cả những khác biệt khác, Nga vẫn có thể trở thành một Triều Tiên khổng lồ: đàn áp trong nước, bị cô lập, và vi phạm luật lệ quốc tế, được trang bị vũ khí hạt nhân, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nhưng vẫn có thể chống lại Bắc Kinh. Hiện chưa rõ Putin đã tiết lộ bao nhiêu về kế hoạch Ukraine của mình với Bắc Kinh vào tháng 2/2022, khi ông đưa ra tuyên bố chung về “quan hệ đối tác không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga – theo đó khiến Tập trông như đã tán thành hành động xâm lược của Nga. Không lâu sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình cho Ukraine, Tập đã tới Moscow để dự hội nghị thượng đỉnh, xuất hiện cùng Putin trên chiếc cầu thang được trang trí công phu ở Điện Kremlin mà vào năm 1939, Joachim von Ribbentrop, Ngoại trưởng Đức dưới thời Đức Quốc Xã, từng xuất hiện cùng với Stalin và Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov sau khi củng cố hiệp ước Hitler-Stalin. Nhưng một phát ngôn viên của Điện Kremlin đã bác bỏ khả năng hòa bình, dù chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chấp nhận rằng tài liệu mơ hồ của Trung Quốc là đáng để thảo luận. (Phái đoàn hòa bình cấp thấp của Trung Quốc tới Kyiv đã thất bại.) Sau đó, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc khoe khoang với toàn thế giới và đặc biệt là với châu Âu rằng Tập đã buộc Nga cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, chế độ của Putin lại tuyên bố họ đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus (Trung Quốc đã chỉ trích việc triển khai vũ khí.) Có lẽ không có hành động nào trong số này là nhằm mục đích xúc phạm trực tiếp. Nhưng chúng khiến các nhà quan sát băn khoăn về diễn biến ở Nga theo hướng kịch bản Triều Tiên, vì ngay cả khi không nằm trong chủ đích, các hành động trên đã cho thấy khả năng Moscow có thể khiến Bắc Kinh bối rối mà không phải gánh chịu hậu quả.

Kể từ cuộc binh biến của Prigozhin, Tập đã nhiều lần nhấn mạnh điều mà ông gọi là “lợi ích cơ bản của hai nước và nhân dân hai nước,” ngụ ý rằng quan hệ đặc biệt giữa hai nước sẽ tồn tại lâu hơn chế độ lãnh đạo hiện tại ở Điện Kremlin. Trên thực tế, một Trung Quốc chuyên chế sẽ không dám để mất Nga nếu điều đó đồng nghĩa với việc xuất hiện một nước Nga thân Mỹ ở biên giới phía bắc, một kịch bản song song, nhưng lại nguy hiểm hơn nhiều so với một bán đảo Triều Tiên thống nhất thân Mỹ. Trước hết, việc tiếp cận dầu khí của Nga, một trong các biện pháp bảo vệ của Trung Quốc nếu bị phong tỏa trên biển, sẽ gặp rủi ro. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc chỉ thu được rất ít lợi ích vật chất từ Nga, thì việc ngăn chặn Nga quay sang phương Tây vẫn là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu. Một nước Nga nghiêng về phía Mỹ sẽ cho phép phương Tây tăng cường giám sát Trung Quốc (tương tự như việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon nối lại quan hệ với Mao đã cho phép phương Tây giám sát Liên Xô từ Tân Cương). Tệ hơn nữa, Trung Quốc sẽ đột ngột cần phải đưa một lực lượng quân sự đáng kể từ các nơi khác đến bảo vệ biên giới phía bắc rộng lớn của mình. Vì vậy, Trung Quốc cũng phải sẵn sàng chấp nhận hành vi kiểu Triều Tiên từ Moscow.

NGA RƠI VÀO HỖN LOẠN

Chế độ của Putin sử dụng mối đe dọa từ sự hỗn loạn và bất định để ngăn chặn những thách thức và thay đổi nội bộ. Nhưng trong lúc họ gieo rắc hỗn loạn ở nước ngoài, từ Đông Âu đến Trung Phi và Trung Đông, chính Nga cũng có thể trở thành nạn nhân của sự hỗn loạn đó. Chế độ Putin ít nhiều có vẻ ổn định ngay cả dưới áp lực cực độ của chiến tranh quy mô lớn, và những dự đoán về sự sụp đổ do các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây đã không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, các quốc gia Nga do St. Petersburg và Moscow lần lượt cai quản đều đã tan rã trong hơn 100 năm qua, cả hai lần đều bất ngờ nhưng là tan rã hoàn toàn. Có nhiều nguyên nhân giả định hợp lý cho sự tan rã trong tương lai gần: một cuộc nổi loạn trong nước vượt khỏi tầm kiểm soát, một hoặc nhiều thảm họa tự nhiên vượt quá khả năng quản lý của chính quyền, một tai nạn hoặc cố ý phá hoại các cơ sở hạt nhân, cái chết vô tình hoặc không vô tình của nhà lãnh đạo. Những quốc gia như Nga, với thể chế suy thoái và thiếu hụt tính chính danh, có thể dễ dàng bị tác động bởi những đợt thử thách căng thẳng bất ngờ. Hỗn loạn có thể là cái giá phải trả cho sự thất bại trong việc củng cố đất nước.

Tuy nhiên, bất chấp tình trạng hỗn loạn, Nga sẽ không tan rã theo kiểu Liên Xô. Như nhà phân tích chính cuối cùng của KGB từng than thở, Liên bang Xô-viết giống như một thanh chocolate: 15 nước cộng hòa liên bang đã được phân định rõ ràng như những mẩu nhỏ trên thanh chocolate, sẵn sàng bị bẻ gãy. Ngược lại, Liên bang Nga hiện bao gồm các đơn vị lãnh thổ không dựa trên sắc tộc và không có tư cách bán quốc gia (quasi-state). Các chủ thể tương đương cấp quốc gia hầu hết đều không có đa số chính thức và thường nằm sâu trong lục địa, chẳng hạn như Tatarstan, Bashkorto­stan, Mari El, và Yakutia. Nhưng Liên bang Nga có thể tan rã một phần ở các khu vực biên giới đầy biến động như Bắc Caucasus. Kaliningrad – một tỉnh nhỏ của Nga bị cô lập về mặt địa lý với phần còn lại của liên bang và nằm giữa Lít-va và Ba Lan, cách đất Nga hơn 400 dặm – cũng có thể dễ bị tổn thương.

Nếu sự hỗn loạn nhấn chìm Moscow, Trung Quốc có thể tái chiếm những vùng đất rộng lớn thuộc lưu vực sông Amur mà dòng họ Romanov đã chiếm đoạt từ Nhà Thanh. Trong khi đó, Nhật Bản có thể cưỡng bức thực thi các yêu sách của mình đối với Lãnh thổ phía Bắc, mà người Nga gọi là Quần đảo Kuril và Đảo Sakhalin, cả hai nơi đều từng do người Nhật cai trị, và là một phần của lục địa Viễn Đông Nga mà Nhật chiếm đóng trong cuộc nội chiến ở Nga. Đến lượt mình, Phần Lan có thể tìm cách giành lại vùng Karelia mà họ từng cai trị. Những hành động như vậy có thể khiến liên bang sụp đổ hoàn toàn, nhưng cũng có thể phản tác dụng bằng cách kích động một cuộc phản kháng quần chúng ở Nga.

Trong bối cảnh hỗn loạn, ngay cả khi không bị mất lãnh thổ lớn, thì các băng nhóm tội phạm truyền thống và tội phạm mạng vẫn có thể hoạt động mà không bị trừng phạt. Vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học, cũng như các nhà khoa học phát triển chúng, có thể bị phân tán. Về cơ bản, người ta đã tránh được cơn ác mộng theo sau sự sụp đổ của Liên Xô, một phần vì nhiều nhà khoa học Liên Xô tin rằng một nước Nga tốt đẹp hơn có thể xuất hiện. Nhưng nếu nước Nga tan rã, thì chẳng thể đoán trước được người Nga sẽ cân nhắc giữa hy vọng và giận dữ như thế nào. Sự hỗn loạn không nhất thiết dẫn đến kịch bản ngày tận thế. Nhưng nó có thể xảy ra. Và ngày tận thế có thể chỉ bị trì hoãn, thay vì được ngăn chặn hoàn toàn.

(còn tiếp 1 phần)