Nguồn: Bret Stephens, “Who’s in More Trouble: Israel or Iran?,” New York Times, 21/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Một người bạn sắc sảo của tôi gần đây đã nhận xét rằng cốt lõi của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông là một câu hỏi về hai thời điểm: Liệu thời điểm nào có khả năng bị đảo ngược cao hơn: năm 1948 hay năm 1979?
Hai năm được đề cập đến lần lượt là năm thành lập nhà nước Israel, và năm diễn ra cách mạng Iran. Hàm ý của câu hỏi này là việc phải lựa chọn một trong hai: Nhà nước Do Thái và Cộng hòa Hồi giáo không thể cùng tồn tại vĩnh viễn, chí ít là chừng nào Iran còn tiếp tục tìm cách tiêu diệt Israel. Trong những ngày gần đây, hai yếu tố tiềm năng có thể dẫn đến sự sụp đổ của hai nước này đã được chú ý.
Đầu tiên, Karim Khan, công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, đã thông báo rằng ông sẽ nộp đơn xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel.
Quyết định này khó có thể dẫn đến bất kỳ vụ bắt giữ nào, chứ đừng nói đến kết án hình sự: Chính quyền Biden đã lên án quyết định này, và ngay cả những quốc gia kém thân thiện hơn với Israel có lẽ cũng không dám bắt giữ nhà lãnh đạo của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và một cơ quan tình báo hùng mạnh.
Nhưng thông báo này là một phần trong một chiến lược rộng hơn, mà các đối thủ của Israel tin rằng cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước Do Thái bằng cách khiến nó mất đi tính chính danh và bị cô lập quốc tế, theo đó dẫn đến sụp đổ nội bộ hoặc bị nước ngoài chinh phục. Ngay cả quyết định của Khan tìm cách bắt giữ ba thủ lĩnh Hamas cùng với Netanyahu và Gallant cũng là một phần của chiến lược tổng thể, vì nó đặt các nhà lãnh đạo Israel ngang hàng với ba kẻ khủng bố.
Tiếp đến cái chết của Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, cùng với Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian, và sáu người khác. Nhiều khả năng là do tai nạn – “nhiều khả năng” là bởi không thể loại trừ hoàn toàn khả năng chiếc trực thăng chở họ đã bị bắn hạ bởi những kẻ phá hoại trong hoặc ngoài nước.
Bất kể nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay là gì, thì nó đều bộc lộ và báo hiệu sự yếu kém của chế độ Iran.
Bộc lộ sự yếu kém là vì các quốc gia hùng mạnh đáng lẽ phải có những chuyến bay VIP không gặp sự cố (ngoại lệ đáng chú ý là vụ tai nạn máy bay khiến Tổng thống Lech Kaczynski của Ba Lan và 95 người khác thiệt mạng vào năm 2010). Và báo hiệu sự yếu kém là vì Raisi – một nhân vật cực kỳ cứng rắn, từng làm công tố viên vào những năm 1980, đã đưa hàng nghìn tù nhân lên giá treo cổ – được nhiều người xem là người kế nhiệm Lãnh tụ Tối cao 85 tuổi của Iran, Ayatollah Ali Khamenei.
Giờ đây, trong vòng 50 ngày, Iran phải tổ chức các cuộc bầu cử sẽ chỉ cho thấy sự mất lòng dân sâu sắc của chế độ này: Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã giảm suốt nhiều năm do Khamenei giới hạn danh sách chỉ gồm những ứng viên có đường lối cứng rắn nhất. Điều đó cũng tạo tiền đề cho một cuộc tranh giành quyền lực để trở thành người kế vị ông, đặc biệt là khi đa số đều không muốn trao vị trí này cho người con trai không được lòng dân của Khamenei, Mojtaba, và trên thực tế đã biến chế độ này thành kiểu chế độ quân chủ mà nó vốn muốn thay thế.
Thêm vào đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng – đồng rial của Iran hiện giao dịch ở mức khoảng 577.000 rial đổi một đô la trên thị trường chợ đen – cùng với cơn giận dữ kéo dài về việc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình năm 2022. Khả năng xảy ra bất ổn nghiêm trọng hoặc sụp đổ chế độ đột ngột là hoàn toàn có thật.
Vậy quốc gia nào dễ bị tổn thương hơn: Israel hay Iran?
Rủi ro nghiêm trọng nhất đối với Israel, như cựu tổng thống Iran Akbar Rafsanjani từng nói, là: “Việc sử dụng dù chỉ một quả bom hạt nhân bên trong Israel cũng có thể huỷ diệt mọi thứ, tuy nhiên nó sẽ chỉ gây hại tương đối cho thế giới Hồi giáo. Không có gì là phi lý khi nghĩ tới một tình huống như vậy.” Khả năng hạt nhân ngày càng mở rộng của Iran (và việc họ cố tình che giấu khả năng đó) nên khiến thế giới phương Tây phải cảnh giác hơn.
Nhưng mối nguy đối với Israel từ các động thái tại ICC – hoặc từ các cuộc biểu tình ở các đại học Mỹ, các nỗ lực tẩy chay và tháo vốn, hoặc các loại cấm vận vũ khí khác nhau – là rất nhỏ. Trái ngược với một số ý kiến, người Israel không phải là “thực dân đến định cư.” Người Do Thái tin rằng họ xuất thân từ đất Israel bởi vì đúng là như vậy. Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái cũng không phải là một dự án thực dân, mà là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân lâu đời nhất trong lịch sử, bắt đầu từ thời La Mã, nếu không muốn nói là từ thời người Do Thái bị giam cầm ở Babylon.
Đối với ý tưởng rằng người Do Thái Israel, giống như người Pháp gốc Algeria (pieds-noirs), nên quay về vùng đất của tổ tiên họ – Vậy thì vùng đất là ở đâu và nó là gì? Phải chăng là vùng đất của những cuộc diệt chủng pogrom ở Nga, hay những vụ thảm sát ở Ả Rập, hay Thảm hoạ Holocaust? Những nhà phê bình gay gắt nhất của Israel thường bỏ sót điểm này, nhưng người Israel thì không: Họ không còn nơi nào khác để đi, và thực tế đó càng được nhấn mạnh bởi làn sóng hận thù hiện đang nhấn chìm các cộng đồng người Do Thái hải ngoại. Áp lực buộc người Israel phải nhượng bộ khi đối mặt với kẻ thù càng lớn, thì chủ nghĩa Phục quốc Do Thái sẽ càng sôi sục. Không gì khắc họa rõ nét bản sắc Do Thái bằng những định kiến được nhắc nhở người ta mỗi ngày này.
Đối với Iran, mối đe dọa chính đối với chế độ lại đến từ bên trong và bên dưới. Người ta có thể dễ dàng quên mất rằng: trước cuộc biểu tình rầm rộ năm 2022 về vấn đề khăn trùm đầu và rộng hơn là quyền phụ nữ, đã từng có cuộc biểu tình rầm rộ năm 2019 về giá nhiên liệu và cuộc biểu tình năm 2018 về điều kiện kinh tế. Lùi về xa hơn, còn có cuộc Cách mạng Xanh vào năm 2009 xoay quanh cuộc bầu cử bị đánh cắp, hay các cuộc biểu tình của sinh viên Iran năm 1999.
Dù chế độ Iran đã dần thành thạo trong việc trấn áp bất đồng chính kiến thông qua các biện pháp cực kỳ bạo lực – đồng nghiệp của tôi Nick Kristof đã từng viết về việc sử dụng cưỡng hiếp tập thể như một biện pháp trấn áp phe đối lập (điều mà bằng cách nào đó lại không tạo ra nhiều sự phẫn nộ ở những nơi như Columbia hay Berkeley) – tần suất gia tăng và sự kéo dài của những cuộc biểu tình này đang nói lên điều gì đó.
Trên thực tế, nó nói lên tận hai điều: Sự phẫn nộ của công chúng đối với chế độ Iran đang tiếp tục gia tăng, trong khi các cơ sở ủng hộ chế độ này ngày càng thu hẹp. Với cái chết của Raisi, cơ sở đang suy yếu đó có thể đồng thời bị chia cắt. Một định luật kinh tế không chính thức, được đặt theo tên của Herbert Stein quá cố, cho rằng “những xu hướng không thể tiếp tục sẽ không thể tiếp tục.” Định luật này cũng nên trở thành định luật cho sự sống còn chính trị.
Giống như Iran, Israel vẫn có những điểm yếu lớn ở trong nước, chỉ một vài trong số đó đã nổi lên khi người ta phản đối cải cách tư pháp diễn ra trước sự kiện ngày 7/10. Chưa kể đến là chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, sự phản kháng của những người theo Chính thống giáo cực đoan đối với việc thực hiện nghĩa vụ công dân của họ, hoặc vấn đề về một nhà nước Palestine cuối cùng. Nhưng không điều nào trong số này gây nguy hiểm cho niềm tin sâu sắc nhất của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái: rằng người Do Thái có quyền tự cai trị như một quốc gia có chủ quyền trên quê hương nguyên thủy của họ.
Đối với những người cai trị Iran, rủi ro là nghiêm trọng hơn. Họ luôn tự nhận mình là đội tiên phong của một cuộc cách mạng Hồi giáo, nhưng dường như họ đã quên rằng các cuộc cách mạng cũng có lịch sử suy tàn của riêng chúng. Người dân Iran nhìn chung không muốn trở thành người Hồi giáo. Nhưng người Israel muốn và sẽ chiến đấu để duy trì bản sắc của chính mình.
Bret Stephens là người phụ trách chuyên mục Bình luận trên tờ New York Times, chuyên viết về chính sách đối ngoại, chính trị nội bộ Mỹ, và các vấn đề văn hóa.