08/06/1968: Nghi phạm ám sát Martin Luther King Jr. bị bắt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: James Earl Ray, suspect in Martin Luther King Jr. assassination, is arrested, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1968, James Earl Ray, một tù nhân vượt ngục người Mỹ, đã bị bắt ở London, Anh và bị buộc tội ám sát nhà lãnh đạo dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King Jr.

Vào ngày 04/04/1968, tại Memphis, khi đang đứng trên ban công bên ngoài căn phòng tầng hai của mình tại Motel Lorraine, King đã bị trọng thương do trúng đạn của một tay súng bắn tỉa. Tối hôm đó, một khẩu súng săn Remington .30-06 đã được tìm thấy trên vỉa hè gần một căn nhà trọ cách Motel Lorraine chỉ một dãy nhà. Trong vài tuần tiếp theo, khẩu súng săn, lời khai của các nhân chứng, và dấu vân tay trên vũ khí đều chỉ ra một nghi phạm duy nhất: tên tội phạm vượt ngục James Earl Ray.

Là một tên trộm vặt, Ray đã trốn thoát khỏi nhà tù Missouri vào tháng 4/1967 khi đang thụ án vì tội cướp giật. Sang tháng 5/1968, người ta đã phát động một cuộc truy lùng Ray trên quy mô lớn. Cuối cùng, FBI xác định rằng hắn đã lấy được hộ chiếu Canada dưới một danh tính giả, vốn là điều tương đối dễ dàng vào thời điểm đó.

Vào ngày 08/06, các nhà điều tra của Scotland Yard đã bắt giữ Ray tại một sân bay ở London. Khi đó, hắn đang cố gắng bay đến Bỉ, với mục tiêu cuối cùng mà hắn thừa nhận sau này là đến Rhodesia. Vào thời điểm đó, Rhodesia (nay gọi là Zimbabwe) được cai trị bởi một chính phủ thiểu số da trắng áp bức và bị quốc tế lên án. Sau khi bị dẫn độ về Mỹ, Ray đã ra tòa trước thẩm phán Memphis vào tháng 3/1969 và nhận tội giết King để tránh phải ngồi ghế điện. Hắn bị kết án 99 năm tù.

Ba ngày sau, Ray rút lại lời nhận tội của mình, tuyên bố bản thân vô tội trong vụ ám sát King và đã bị gài bẫy thành kẻ chịu tội thế mạng trong một âm mưu lớn hơn. Hắn khai rằng vào năm 1967, một người đàn ông bí ẩn tên là “Raoul” đã tiếp cận và chiêu mộ hắn vào một đường dây buôn lậu súng. Tuy nhiên, đến ngày 04/04/1968, hắn nhận ra rằng mình sẽ là kẻ thế mạng cho vụ ám sát King nên đã vội chạy trốn sang Canada. Lời thỉnh cầu của Ray đã bị bác bỏ, cùng với hàng tá các yêu cầu xét xử lại khác trong suốt 29 năm tiếp theo.

Vào thập niên 1990, vợ và các con của Martin Luther King Jr. đã công khai ủng hộ Ray và những tuyên bố của hắn. Họ nói rằng Ray vô tội và suy đoán về một âm mưu ám sát liên quan đến chính phủ và quân đội Mỹ. Theo những người ủng hộ thuyết âm mưu, chính quyền Mỹ có liên quan đến vụ việc này. Giám đốc FBI J. Edgar Hoover bị ám ảnh bởi King, người mà ông cho rằng đang chịu ảnh hưởng của cộng sản. Trong sáu năm cuối đời, King liên tục bị FBI nghe lén và quấy rối. Trước khi qua đời, King cũng bị tình báo quân đội Mỹ theo dõi, những người có thể đã giám sát King sau khi ông công khai lên án Chiến tranh Việt Nam vào năm 1967. Hơn nữa, bằng cách kêu gọi cải cách kinh tế triệt để vào năm 1968, bao gồm cả việc đảm bảo thu nhập hàng năm cho tất cả mọi người, King đã làm phật lòng chính phủ Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.

Trong những năm sau đó, vụ ám sát đã được Ủy ban Chọn lọc Hạ viện, Văn phòng Chưởng lý Hạt Shelby, Tennessee, và Bộ Tư pháp Mỹ xem xét lại ba lần. Tất cả các cuộc điều tra này đều kết thúc với cùng một kết luận: James Earl Ray đã giết Martin Luther King Jr. Ủy ban Hạ viện thừa nhận rằng có thể đã tồn tại một âm mưu cấp thấp, liên quan đến một hoặc nhiều đồng phạm của Ray, nhưng không thể tìm thấy bằng chứng nào chứng minh điều này một cách dứt khoát. Ngoài hàng núi bằng chứng chống lại hắn ta như dấu vân tay trên hung khí giết người và việc thừa nhận có mặt tại nhà trọ vào ngày 04/04, Ray còn có một động cơ rõ ràng trong vụ ám sát King: lòng hận thù. Theo gia đình và bạn bè, hắn là một kẻ phân biệt chủng tộc công khai và từng nói với họ về ý định giết King. Ray qua đời năm 1998.