Nguồn: Phùng Thiệu Lôi, “冯绍雷:当今中、美、俄三边关系的主要问题”, Aisixiang, 20/05/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Trên thực tế, vẫn luôn có nhiều tranh cãi trong giới học thuật về thuật ngữ “quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga”. Trước hết, quan hệ ba bên Trung-Mỹ-Nga hiện nay có phải là tam giác đối địch giữa Trung Quốc, Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh không? Tác giả cho rằng có rất nhiều điểm khác biệt. Dù là ý chí chủ quan hay cấu trúc môi trường khách quan thì cũng đều đã trải qua những thay đổi mang tính căn bản. Đây cũng có thể là lý do khiến mọi người thích dùng “quan hệ ba bên” hay “quan hệ tam phương” hơn là “quan hệ tam giác” với hàm ý mang tính đối đầu chiến lược. Vấn đề mấu chốt là hy vọng có sự khác biệt ở đây.
Tiếp đó, liệu có phải quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ, Nga mang một vài hình thức biểu hiện cụ thể phổ biến trong quan hệ quốc tế? Ví dụ như, có “diễn đàn chính thức ba bên” không? Giữa ba bên có một mối quan hệ kinh tế và thương mại độc đáo không? Có những hiệp định quốc tế riêng biệt để hạn chế lẫn nhau không? Không có. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc, Mỹ và Nga đang tương tác với nhau một cách vừa tế nhị nhưng cũng vừa thu hút sự chú ý. Dù sự tương tác giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga lúc gần lúc xa, yêu ghét lẫn lộn, khi sâu sắc khi lạnh nhạt, thì cũng đều có tác động sâu sắc đến tình hình quốc tế ở cả hiện tại và tương lai.
Trên thực tế, “quan hệ ba bên” hay “quan hệ tam phương” là một phạm trù tương đối cơ bản trong lịch sử quốc tế. Đằng sau bất kỳ mối quan hệ song phương hay đa phương nào cũng đều tồn tại cái bóng của một hay một vài quốc gia đóng vai trò là “bên thứ ba”. Từ đó, hãy bàn về ba vấn đề liên quan.
Vấn đề thứ nhất: Quan hệ ba bên Trung-Mỹ-Nga sẽ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh hay sẽ là một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”?
Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20 có ba yếu tố cụ thể.
Sự đối lập cao độ về ý thức hệ là một đặc điểm lớn của Chiến tranh Lạnh. Nhưng liệu đây có phải là mô hình quốc tế mà hậu thế có thể sao chép? Ta có thể tiến hành quan sát kỹ hơn từ ít nhất hai khía cạnh.
Thứ nhất, bất kể hệ thống Xô Viết tốt xấu ra sao, thì liệu đó có phải là “chủ nghĩa xã hội tiêu chuẩn” không? Nói cách khác, mặc dù Chiến tranh Lạnh đầy rẫy sự cạnh tranh về ý thức hệ, nhưng liệu đó có phải là cuộc cạnh tranh giữa hai ý thức hệ là chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội thực sự thể hiện bản chất và tinh thần của chủ nghĩa Mác, hay không? Theo quan điểm của tác giả, những gì mà phương Tây phải đối mặt trong Chiến tranh Lạnh chỉ là một mô hình thể chế được sinh ra trong những điều kiện lịch sử cụ thể và được tiếp nối từ thời Lênin và Stalin, nhưng đã bị biến dạng rất nhiều. Ít nhất thì nếu nhìn từ con mắt ngày nay, đặc biệt là đối với mô hình Xô Viết sau những năm 1960, liệu đây có còn là mô hình hệ thống xã hội mà người ta theo đuổi? Câu trả lời sẽ để lại rất nhiều nghi vấn.
Thứ hai, liệu mô hình tư bản chủ nghĩa do Mỹ và châu Âu đại diện có phải là mục tiêu tối thượng có thể được sao chép khắp nơi mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì? Cũng không phải vậy. Do đó, sự đối đầu về ý thức hệ lúc đó là một mô hình khái niệm vừa được phóng đại, lại vừa được đơn giản hóa, được sử dụng với mục đích phân chia phe phái. Con người thời nay lại càng khó chấp nhận hơn đối với việc tiếp tục sử dụng một hệ tư tưởng đơn giản như vậy để định hình một hiện thực quốc tế đã có nhiều thay đổi lớn lao.
Các tập đoàn quân sự và chính trị phân cực đã cấu thành các liên minh và hoạch định các ranh giới, đây là một đặc điểm khác của Chiến tranh Lạnh, ví dụ như Hiệp ước Warsaw và NATO lúc đó. Không những chính trị, kinh tế, quân sự, tư tưởng phải có tính nhất quán cao độ, mà còn “phi ngã tộc loại”[1] và “đảng đồng phạt dị”.[2] Tuy nhiên, cấu trúc của cộng đồng quốc tế ngày nay đã trải qua những thay đổi lớn lao. Một số người cho rằng, cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc với mọi chỉ số sức mạnh vượt trội, đã khiến cộng đồng quốc tế rơi vào tình trạng đối đầu lưỡng cực. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, thế giới hiện nay giống như đang ở trong trạng thái đa cực-đa dạng-đa nguyên hơn. Cũng tức là, thế giới có nhiều chứ không chỉ hai trung tâm quyền lực, có lối sống xã hội đa dạng và có các quốc gia với nền chính trị được xây dựng trên bối cảnh các hình thái văn minh đa dạng. Đây là bức tranh thế giới gần gũi hơn với hiện thực, chứ không hề chỉ là “cuộc đối đầu lưỡng cực giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ví dụ, sức mạnh quân sự của Nga, đặc biệt là số lượng và chất lượng của vũ khí chiến lược, không chỉ vượt trội so với Trung Quốc, mà thậm chí còn thắng thế trước Mỹ ở một vài phương diện. Một ví dụ khác, với tư cách là một cộng đồng chính trị và kinh tế, Liên minh Châu Âu dù đang trải qua thách thức của “Brexit” thì vẫn là một bên có sức ảnh hưởng toàn cầu về chính trị, kinh tế, văn hóa và đang ngày càng trở nên độc lập hơn. Ở đây vẫn chưa đề cập đến những trung tâm quyền lực giàu bản sắc và vượt trội hẳn lên như ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản. Ngay cả khi NATO tồn tại, thì tổ chức này cũng đã không còn có được cơ cấu quyền lực và tính chính danh như cách mà Mỹ đã hiệu triệu cả thế giới vào thời điểm đó. Mặc dù cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ là một đặc điểm nổi bật của bối cảnh quốc tế hiện nay, nhưng mâu thuẫn giữa hai quốc gia này không thể thay thế hay bao trùm toàn bộ cấu trúc đa cực-đa dạng-đa nguyên của cộng đồng quốc tế.
Cuộc đối đầu chiến lược toàn cầu được đặc trưng bởi thế cân bằng vũ khí hạt nhân là đặc điểm thứ ba của mô hình Chiến tranh Lạnh. Tình hình lúc ấy khiến người ta kinh hãi, mà cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba có thể là một ví dụ tiêu biểu. Cuối tháng 10 năm 1962, Nhà Trắng nhận được tin báo từ CIA rằng Liên Xô đã bí mật triển khai một loạt tên lửa ở Cuba trong vài tháng qua. Các thành phố lớn ở Mỹ đã nằm trong tầm bắn của tên lửa và một cuộc chiến tranh tàn khốc sắp xảy đến. Mặc dù cuộc khủng hoảng kéo dài 13 ngày này cuối cùng đã kết thúc với một thỏa hiệp chung, nhưng vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào năm 1986 đã khiến thế giới được chứng kiến một vở kịch sống động mà trong đó, các mối đe dọa hạt nhân có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bài học mà thế giới lĩnh hội được từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cho đến sự cố Chernobyl là, một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ mang đến sự hủy diệt cho toàn nhân loại. Một điều khác trong Chiến tranh Lạnh mà ta không nên lãng quên là, Trung Quốc và Liên Xô đã từng xây dựng một liên minh chặt chẽ vào đầu những năm 1960 rồi sau đó nhanh chóng rơi vào cuộc chiến đảo Trân Bảo (Damansky) năm 1969. Khi đó, ở biên giới Trung-Xô có đến hàng triệu quân binh cùng sự hậu thuẫn của các vũ khí hạt nhân chiến lược. Nếu chiến tranh nổ ra, kết quả sẽ bi thảm đến mức nào? Đó là còn chưa kể đến quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc không biết sẽ bị trì hoãn thêm bao nhiêu năm nữa.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 và quan hệ Trung-Mỹ suy giảm mạnh mẽ, lập trường vững vàng của Trung Quốc trong việc đáp trả những hành động khiêu khích của Mỹ cho thấy sự khác biệt quan trọng trong quan hệ giữa các nước lớn ngày nay so với cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh đặc điểm của thời đại ngày nay vẫn là “hòa bình và phát triển”, phía Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ không đi theo nhịp điệu của Mỹ, điều này thể hiện quyết tâm vững chắc của nước này trong việc bảo vệ nền hòa bình thế giới, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của mình để phát triển hòa bình. Đồng thời, với tiền đề là thế giới vẫn đang trong giai đoạn “đa cực” và Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, việc quay trở lại cuộc đối đầu kiểu siêu cường giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh sẽ đi ngược lại với yêu cầu phát triển của thời đại và không phù hợp với những đặc trưng cơ bản của cơ cấu quyền lực quốc tế. Điều đáng chú ý là, các tài liệu mới nhất đến từ nhiều tổ chức nghiên cứu uy tín của Nga đã chỉ ra rằng: Chưa có đủ bằng chứng cho quan điểm “sự phân lưỡng cực mới” đang phổ biến ngày nay; đồng thời đưa “tránh để thế giới tái phân lưỡng cực” vào danh sách phương hướng mà tất cả các bên nên nỗ lực.
Những phân tích trên nhằm nhấn mạnh rằng, nguyên nhân khiến “Chiến tranh Lạnh mới” không được ưa chuộng là bởi hàng loạt điều kiện chủ quan và khách quan đã nảy sinh những thay đổi mang tính căn bản. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi yếu tố châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh lúc đó đã hoàn toàn biến mất. Người ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những xung đột quốc tế mang tính đối đầu có quy mô lớn.
Vào hơn 100 năm trước khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, năm 1835, nhà sử học người Pháp Tocqueville đã đưa lời dự đoán: Khi các nước khác bị hạn chế hoặc không có hành động gì, thì chỉ có hai nước Mỹ và Nga, một nước từ Đông sang Tây và nước kia từ Tây sang Đông, sẽ nhanh chóng bành trướng. Hai cường quốc mở rộng lãnh thổ một cách nhanh chóng và một ngày nào đó sẽ trở thành hai bá quyền mỗi bên chiếm giữ một nửa thế giới. Từ đoạn văn có tầm nhìn xa trông rộng này của Tocqueville, có thể nhận thấy rằng, có một vài điều kiện lịch sử đặc thù đã dẫn đến cuộc tranh giành bá quyền của Mỹ và Liên Xô vào giữa thế kỷ 20.
Thứ nhất, không chỉ cần có thực lực và hoài bão mà còn phải có cả không gian khả dĩ và điều kiện thời đại để bành trướng. Vốn đã trải qua thử nghiệm trong Thế chiến 2, sức mạnh tổng thể và khả năng kiểm soát phe cánh một chín một mười của Mỹ và Liên Xô là điều mà cơ cấu quyền lực đã bị phân tán rất nhiều trong điều kiện toàn cầu hóa không thể so bì. Thứ hai, Mỹ – “thành phố trên đỉnh đồi” và Nga (Liên Xô) – quốc gia tự xưng là “Roma đệ tam”, tuy có cách tiếp cận khác nhau nhưng đều ôm ấp hoài bão cứu rỗi thế giới, sự hòa trộn giữa độc thần giáo và truyền thống đế quốc đã cấu thành nên thế cục của các ý thức hệ mang tính đối kháng sau này. Thứ ba, ngoài ý thức hệ, Mỹ đại diện cho địa chính trị mang tính đại dương và Nga đại diện cho địa chính trị mang tính lục địa, sự cô lập về không gian của Mỹ và sự liên tục về không gian của Nga đã tạo ra sự tương phản rõ rệt, chính điều này đã trở thành động lực địa lý tự nhiên có tác động sâu sắc đến cuộc tranh giành bá quyền giữa hai quốc gia này. Thứ tư, vào giữa thế kỷ 20, Mỹ và Liên Xô là những nước đầu tiên sở hữu kho vũ khí hạt nhân mà trên thế giới không quốc gia nào có được vào thời điểm đó. Dù là răn đe hạt nhân hay cân bằng hạt nhân thì yếu tố công nghệ và vũ khí độc đáo này cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc tranh giành bá quyền toàn cầu giữa hai nước.
Ngày nay đã không còn giống như những gì Tocqueville đã nói. Không chỉ có Nga và Mỹ muốn tranh giành bá quyền, cũng như không phải chỉ có các yếu tố ý thức hệ hay địa chính trị mới thúc đẩy cuộc đối đầu giữa các nước lớn. Chiến tranh Lạnh là một cục diện lịch sử phức tạp được hình thành bởi sự tổng hòa của các yếu tố nêu trên trong một khoảng thời gian dài. Nó thực sự là một mô hình lịch sử chưa từng xuất hiện trước đó và cũng khó có thể tái diễn trong tương lai. Vì vậy, lịch sử khó có thể lặp lại một câu chuyện như vậy. Điều này không có nghĩa người ta có thể vô lo vô nghĩ trước những cuộc khủng hoảng lớn được tạo ra bởi những xung đột bất ngờ. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đột ngột nổ ra khi người ta chẳng có chút phòng bị nào. Tuy nhiên suy cho cùng, hòa bình và phát triển vẫn là những yêu cầu cơ bản của thời đại. Xu thế khách quan của cơ cấu quyền lực đa cực, sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi cùng những thay đổi mang tính căn bản về điều kiện quân sự và kỹ thuật dưới sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin, trong đó gồm cả những thay đổi lớn lao về hình thái tư tưởng của con người, khiến cho các xung đột quốc tế trong tương lai rất khó tái diễn tình trạng của cuộc Chiến tranh Lạnh ở thế kỷ 20.
Vấn đề thứ hai: Liệu “Tam giác Kissinger” có bị đảo ngược?
Quan điểm tồn tại kể từ khi Trump ra tranh cử vào năm 2016 cho rằng “Tam giác Kissinger” sẽ bị đảo ngược, tức chỉ việc Mỹ sẽ “liên minh với Nga để kiềm chế Trung Quốc”, đã không trở thành hiện thực. Dưới đây là một vài lý do cho điều này.
Thứ nhất, Putin không phải là một con cờ mà Trump có thể tùy ý thao túng. Những thay đổi trong quan hệ Trung-Mỹ-Nga có liên quan chặt chẽ đến sự chuyển biến trong việc đối nội và đối ngoại của Putin. Sự chuyển đổi sâu sắc diễn ra ở Nga không cho phép lựa chọn nghiêng về phía Mỹ một lần nữa.
Putin bước vào chính trường với tư cách là một người theo chủ nghĩa tự do. Từ những năm 1980 đến những năm đầu thế kỷ 21, Trung Quốc và Nga đều nhấn mạnh việc học hỏi phương Tây và hợp tác với phương Tây ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, quả thực rất hiếm có chính trị gia từ các nước lớn nào vừa đích thân trải qua quá trình chuyển đổi khó khăn của Nga trong những năm 1990, lại vừa đích thân tiến hành điều tra, so sánh sâu sát về mô hình phát triển của Trung Quốc và Nga như Putin. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2000, Putin đã “hướng về phương Đông” trong khi vẫn không từ bỏ tiền đề là hợp tác với phương Tây. Đây là một quá trình rất logic và hoàn toàn dễ hiểu.
Từ năm 2001 đến 2002, sau khi lên nắm quyền, Putin từng nhiều lần thử xem liệu nước Nga có thể gia nhập NATO có điều kiện hay không nhưng đều không có kết quả. Ngược lại, kể từ đó NATO và EU đã liên tục mở rộng về phía Đông trên quy mô lớn. Putin đã nhiều lần nói rằng, việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo vào năm 2002 chính là khởi nguồn khiến quan hệ Mỹ-Nga xấu đi sau thế kỷ 21. Năm 2003, Putin bắt đầu tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương liên bang và bắt doanh nhân tư nhân lớn nhất nước Nga Khodorkovsky, người kiểm soát huyết mạch năng lượng của đất nước và đang sẵn sàng phô diễn tài năng trên chính trường. Điều này bị phương Tây coi là sự thụt lùi về tự do, dân chủ và thể chế kinh tế thị trường. Kể từ đó, ngoài “Lý thuyết dân chủ có chủ quyền” (Sovereign democracy) do quan chức cấp cao Surkov đề xuất, Putin không đưa ra quá nhiều lời biện giải từ lập trường chủ quan. Trong quá trình này, hàng loạt “cuộc cách mạng màu” đã xuất hiện ở các khu vực lân cận nước Nga từ năm 2003 đến năm 2005.
Mùa xuân năm 2008, Mỹ tìm cách lôi kéo Gruzia và Ukraine vào NATO, đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến cuộc chiến ở Gruzia bùng nổ. Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào cuối năm 2013 đến nay, yêu cầu gia nhập EU hay NATO của Ukraine luôn là “Thanh gươm Damocles” treo lơ lửng trên đầu Nga. Trước đó, Mỹ và châu Âu đã sử dụng phản ứng đối với Iran làm vỏ bọc cho việc triển khai hệ thống chống tên lửa; gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh việc triển khai hệ thống chống tên lửa ở Ba Lan và Romania mà không hề che giấu. Cuối năm 2018, Trump công khai bày tỏ nước này chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung. Khi đến thăm Nga, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng động thái này không nhắm vào Nga mà nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy, Mỹ vẫn hy vọng nhiều hơn vào việc triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở xung quanh Nga để bảo vệ các nước “châu Âu mới”, nhằm đối phó với khả năng răn đe mạnh mẽ của Nga. Sau hơn 10 năm kể từ khi Putin có bài phát biểu chỉ trích phương Tây một cách công khai và gay gắt tại Hội nghị An ninh Munich 2007, các chuyên gia Nga đã nói với tôi: “Xem ra lời cảnh báo của Putin đúng là có tầm nhìn xa trông rộng.”
Tóm lại, sau sự chuyển đổi ý thức hệ, nước Nga khó có thể tránh khỏi sự chèn ép đến từ địa chính trị phương Tây. Chính vì vậy, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Valdai năm 2017, Putin đã bày tỏ một cách thẳng thắn rằng: “Sai lầm chính của chúng tôi đối với phương Tây là chúng tôi đã quá tin tưởng nước Mỹ; còn sai lầm của Mỹ là đã coi đây là điểm yếu và lạm dụng lòng tin.”
Thứ hai, Putin đã hình thành hiểu biết sâu sắc và khó có thể lay chuyển về quan hệ Trung-Nga dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga kể từ cuối thế kỷ 20 không phải là ngẫu nhiên, trong đó chứa đựng những quan sát và cân nhắc sâu sắc của Putin đối với quan hệ Trung-Nga. Việc khôi phục quan hệ Trung-Xô vào năm 1989 xuất phát từ những suy xét tương đối sâu sắc của cả hai bên về lịch sử thù địch trong Chiến tranh Lạnh. Mong muốn có được tình cảm láng giềng tốt đẹp, hợp tác phát triển và đảm bảo an ninh đã thúc đẩy việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga vào giữa những năm 1990. Khi đó, hai bên khẳng định sẽ không đối đầu nhau và không xử lý quan hệ song phương dựa trên lập trường ý thức hệ. Điều đặc biệt đáng nhắc tới là, trải qua 40 năm đàm phán, Trung Quốc và Nga đã giải quyết triệt để vấn đề biên giới vào đầu thế kỷ 21, điều này cho phép hai nước tập trung vào việc kiến thiết đất nước mình. Sự thành lập của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào năm 2001 đã tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác Trung-Nga ở các khu vực xung quanh. Vào thời điểm đó, tác giả đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế và các chuyên gia phương Tây đều đưa ra những nhận xét tương đối tích cực về sự phát triển ổn định của quan hệ Trung-Nga.
Điều đáng nói là bản thân Putin đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của quan hệ Trung-Nga. Tác giả từng nhiều lần may mắn có cơ hội tham gia Diễn đàn Valdai do đích thân Tổng thống Putin tổ chức và được lắng nghe quan điểm của riêng ông đối với sự phát triển của quan hệ Trung-Nga. Khi gặp Putin lần đầu tại Diễn đàn Valdai năm 2006, tác giả đã hỏi quan điểm của ông về triển vọng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Putin đã cố ý hơi tách khỏi chủ đề này và bày tỏ quan điểm của mình về sự phát triển của Trung Quốc. Ông nói: “Tôi muốn tiết lộ một bí mật cho quý vị. Khi còn là Phó thị trưởng St. Petersburg vào những năm 1990, tôi phụ trách mảng kinh tế thương mại đối ngoại. Khi ấy, tôi ghé thăm thành phố kết nghĩa của chúng tôi là Thượng Hải, hai năm một lần. Cứ mỗi hai năm, khi chiếc máy bay tôi ngồi hạ cánh xuống Thượng Hải, tôi luôn cảm thấy bất ngờ trước những thay đổi đáng kinh ngạc mà thành phố này đã trải qua trong hai năm. Vào thời điểm đó, không thành phố nào trên thế giới có thể có được sự phát triển nhanh chóng đến vậy.” Đây có lẽ là lần đầu tiên Putin công khai bày tỏ ấn tượng cá nhân về sự phát triển của Trung Quốc. Sau đó, Putin đề cập đến việc Trung Quốc và Nga đã giải quyết triệt để các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai bên. Ông nói: “Ngay cả những vấn đề như vậy mà chúng ta cũng có thể giải quyết được, vậy thì có vấn đề nào mà chúng ta không thể giải quyết và đối mặt chứ?”
Tại Diễn đàn Valdai diễn ra vào năm sau, một chuyên gia người Nhật đã hỏi Putin về quan điểm của ông đối với bước ngoặt hiện nay trong quan hệ Nga-Nhật. Putin trả lời: “Chúng ta hãy nhớ lại tuyên bố nổi tiếng năm 1956. ‘Tuyên bố chung Xô-Nhật’ do Liên Xô ký kết, chứ không phải nước Nga chúng tôi. Vào thời điểm đó, một số nguyên tắc đã được thống nhất và có thể ký kết hiệp ước hòa bình dựa trên cơ sở những nguyên tắc này. Chúng tôi rất coi trọng điều này, nhưng như tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi muốn loại bỏ mọi trở ngại hơn. Đây không phải là vấn đề đơn giản và chúng tôi không muốn tranh luận về nó vào lúc này. Hai bên luôn giữ ý kiến của riêng mình, sẽ không bao giờ có kết quả.”
Theo ghi chép của tác giả, ngay sau đoạn này, còn có một phát biểu khác của Putin không được đưa vào văn bản chính thức của hội nghị. Ông nói: “Xin hãy nhìn cách chúng tôi giải quyết vấn đề lãnh thổ với đối tác Trung Quốc. Chúng tôi đã bàn bạc suốt 40 năm. Cuối cùng, chúng tôi đã giải quyết triệt để mọi vấn đề về biên giới lãnh thổ. Tại sao chúng tôi lại không thể đạt được thỏa thuận như vậy với người bạn Nhật Bản?” Putin đã nhiều lần nói rằng, chính bởi Trung Quốc và Nga đã giải quyết xong vấn đề biên giới lãnh thổ nên mới có thể tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế trong nước. Dựa trên ấn tượng sâu sắc mà bản thân có được tại Diễn đàn Valdai trong những năm qua, tác giả cho rằng, Putin rất coi trọng việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ song phương. Tiền đề này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển sau này của toàn bộ quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga.
Nói cách khác, hiểu biết của Putin về quan hệ Trung-Nga xuất phát từ triển vọng rộng lớn của mối quan hệ song phương được cung cấp bởi các giải pháp đúng đắn cho hết vấn đề lớn này đến vấn đề lớn khác mà cá nhân ông đã đích thân trải qua. Một nhận thức và niềm tin như vậy không thể dễ dàng bị lung lay bởi bất kỳ nỗ lực gieo rắc bất hòa nào.
Thứ ba, mô hình quan hệ Trung-Mỹ-Nga đã được định hình một cách khách quan bởi các tiến trình quốc tế kể từ đầu thế kỷ này và khó có thể bị đảo ngược một cách dễ dàng. Nếu nhìn lại sự hình thành và phát triển của cấu trúc ba bên Trung-Mỹ-Nga kể từ đầu thế kỷ này, chúng ta có thể thấy rằng, chính việc cùng nhau trải qua những cuộc khủng hoảng hết lần này đến lần khác đã hình thành nên những phẩm chất tự thân cho mối quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga; cũng chính các hành động chống bá quyền chung hết lần này đến lần khác đã hình thành nên nhận thức và lập trường chung của Trung Quốc và Nga đối với Mỹ.
Đối với Nga, cuộc khủng hoảng Kosovo diễn ra vào năm 1999 là bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự đi xuống của quan hệ Mỹ-Nga sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và hòa giải. Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đã có trải nghiệm đầy đau đớn về việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư bị tên lửa Mỹ ném bom. Việc phải chịu những áp lực tương đồng trong cùng một khoảng thời gian đã đưa Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn. Trong Chiến tranh Iraq năm 2003, Trung Quốc và Nga đã hợp lực để phản đối việc Mỹ đã phát động Chiến tranh Iraq theo chủ nghĩa đơn phương mà không thông qua sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cùng năm đó, học giả người Mỹ Francis Fukuyama, người từng coi sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh là “sự cáo chung của lịch sử”, cũng nhận thức được những khó khăn trong quá trình chuyển đổi của các nước xã hội chủ nghĩa trước những năm 1990. Năm 2003, ông đưa ra quan điểm quan trọng rằng, tăng cường kiến thiết đất nước là chìa khóa để đảm bảo chuyển đổi thành công. Trên thực tế, quan điểm của Fukuyama chỉ là sự chứng thực đối với thực tiễn là Trung Quốc và Nga đang đồng thời tiến hành việc tăng cường kiến thiết đất nước vào thời điểm đó mà thôi.
Tối ngày 8/8/2008, buổi lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh đã gây chấn động dư luận thế giới. Ngay trong đêm đó, Tổng thống Gruzia Saakashvili đã từ chối nghe theo lời khuyên can của Đại sứ Mỹ và tiến hành cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga trên lãnh thổ, dẫn đến sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng Gruzia. Dù hai vụ việc này vốn không liên quan đến nhau nhưng học giả tân bảo thủ người Mỹ Robert Kagan đã ngay lập tức công bố một bài bình luận cho rằng, việc hai sự việc này xảy ra đồng thời cho thấy “trục chuyên chế Trung-Nga đã được hình thành”. Cáo buộc mà Trung Quốc và Nga cùng phải nhận chỉ là một cột mốc mang tính giai đoạn của những nỗ lực điên rồ hơn sau đó nhằm bôi nhọ hai nước này. Sau năm 2014, hai sự kiện vốn không chút liên quan là sự việc ở Ukraine và xung đột ở Biển Đông đã được giới chức cấp cao Mỹ mô tả là “hành động bắt tay” giữa Trung Quốc và Nga. Cho đến cuối năm 2017, Báo cáo An ninh Quốc gia Mỹ đã coi cả Trung Quốc và Nga là “đối thủ” của Mỹ. Ở một mức độ đáng kể, chính sự đàn áp liên tục của Mỹ, cũng như việc Mỹ đồng thời coi cả Trung Quốc và Nga là “đối thủ” đã thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga từng bước phát triển và hình thành một cách tự nhiên.
Tóm lại, kể từ đầu thế kỷ đến nay, thế cục hiện tại của quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga không chỉ xuất phát từ sự tích lũy tự nhiên của các sự kiện quan trọng trong thực tiễn quốc tế, mà còn đến từ sự quan sát và cân nhắc sâu sắc của các chính trị gia như Putin, ngoài ra cũng đến từ lời cảnh báo của các chiến lược gia thế hệ cũ như Kissinger hay Brzezinski về việc tránh xung đột và tăng cường hợp tác. Vì vậy, tại Diễn đàn Valdai năm 2016, khi được tác giả hỏi về việc bản thân có kỳ vọng như thế nào đối với quan hệ ba bên Trung-Mỹ-Nga, Putin đã trả lời: “Mối quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga nên là một mối quan hệ cùng tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.” Câu nói này của Putin có lẽ là một câu trả lời hợp lý cho thực tế rằng “Tam giác Kissinger” khó có thể bị đảo ngược.
Vấn đề thứ ba: Xu hướng tương lai của quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga
Trung Quốc, Mỹ và Nga là ba cường quốc có sức mạnh tổng thể mạnh nhất thời hiện đại, đồng thời cũng là ba cường quốc có thể quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại một cách độc lập. Chính vì vậy, sự gần gũi hay xa cách, thăng hay trầm trong quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga là kim chỉ nam của nền chính trị quốc tế đương đại, đồng thời cũng phản ánh sâu sắc những thay đổi trong cán cân sức mạnh quốc tế và xu hướng phát triển cơ bản của thế giới trong tương lai. Thực tế đã chứng minh rằng, thông qua kết nối và đàm phán kịp thời, Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể đạt được sự tôn trọng lẫn nhau và cải thiện mối quan hệ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, những khác biệt và mâu thuẫn về lợi ích chiến lược cơ bản đã quyết định rằng, sự điều tiết và cùng tồn tại giữa ba bên là một quá trình lâu dài và gian khổ.
Trước hết, quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga trong tương lai sẽ có những đặc điểm và bối cảnh sau đây.
Thứ nhất, không giống với mọi thay đổi quốc tế trước đó, Chiến tranh Lạnh kết thúc không phải bằng chiến tranh mà bằng hòa bình. Điều này đã mang lại tác động đặc thù đến quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga. Điều này có ưu điểm là không gây ra chiến tranh, nhưng cũng để lại tình trạng quyền lực không được phân chia rõ ràng giữa các cường quốc. Nó đã để lại khoảng không gian cực kỳ lớn cho một tương lai bất định, khi mà mối quan hệ giữa các nước lớn vừa là cuộc đối đầu, vừa là sự hợp tác. Cuộc đối đầu và sự hợp tác này không chỉ diễn ra ở Âu Á, châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Trung Đông, châu Mỹ Latinh, châu Phi, Bắc Cực và các khu vực khác, mà còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, chiến lược và văn hóa.
Thứ hai, một sự thay đổi đáng kể cùng với đó là việc Trung Quốc, Mỹ và Nga đều đã duy trì hoặc tiến hành triển khai tầm ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Chắc chắn rằng, mặc dù phải đối mặt với những thách thức suy giảm, Mỹ vẫn duy trì được sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, kẻ đến sau là Trung Quốc đã thích nghi với các cơ hội của toàn cầu hóa và tập trung vào việc xây dựng mạng lưới hợp tác kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Chiến lược “Một vành đai, Một con đường” là biểu hiện mới nhất của kế hoạch triển khai toàn cầu này. Còn với Nga, sau khi thoát khỏi cơn ác mộng “Hội chứng Liên Xô tan rã” và đang tìm kiếm sự ổn định và phục hồi sức mạnh, nước này đã tái khởi động việc triển khai chiến lược ngoại giao trên quy mô toàn cầu: tái thiết mạng lưới toàn cầu với mục tiêu hạn chế, đầu tư hạn chế, hợp tác và can thiệp có kiểm soát, nhằm phát huy sức ảnh hưởng truyền thống. Có thể nhìn thấy sự hiện diện của Trung Quốc, Mỹ và Nga ở hầu hết mọi nơi, dù là trong kinh tế chính trị, chiến lược quân sự, văn hóa thông tin hay bất cứ lĩnh vực nào khác. Việc triển khai ở phạm vi toàn cầu của Trung Quốc, Mỹ và Nga rõ ràng tồn tại sự khác biệt lớn về cả nội dung, mục tiêu, năng lực và mức độ. Tuy nhiên, khách quan mà nói, sự mở rộng quyền lực của ba nước này cho thấy, phải nhìn vào khía cạnh toàn cầu thì mới có thể thực sự hiểu được bề rộng của mối quan hệ tương hỗ giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga – dù cho đó là cạnh tranh hay hợp tác.
Thứ ba, giữa ba cường quốc Trung Quốc, Mỹ và Nga, thế cục bất cân xứng về sức mạnh nhưng không loại trừ những quan niệm và cách xây dựng khác nhau sẽ tồn tại lâu dài và tác động tới quan hệ ba bên. Có những khác biệt và khoảng cách khó có thể xóa nhòa về nhiều mặt giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga, cho dù đó là về sức mạnh, vị thế hay ảnh hưởng tiềm tàng. Tuy nhiên, giữa ba bên cũng tồn tại sự bổ sung sâu rộng. Trong trạng thái lý tưởng, các lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga có tiềm năng hợp tác rất lớn. Tuy những khác biệt trong quan niệm và tiêu chuẩn giá trị đã dẫn đến cấu trúc chính trị xã hội khác nhau giữa ba bên, nhưng luôn có lý do để cùng tồn tại hòa bình, đồng thời mỗi bên cũng có thể thể hiện giá trị của mình thông qua cạnh tranh.
Đáng tiếc là kể từ thế kỷ 21, chỉ có một khoảng thời gian tương đối ngắn cho hợp tác chống khủng bố sau sự kiện “11/9”. Trong một khoảng thời gian khá dài, nền tảng của quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga là: thứ nhất là sự gần gũi của Trung Quốc và Nga, song song với việc xây dựng hợp tác song phương, hai bên đã kề vai sát cánh để đối phó với áp lực từ phương Tây; thứ hai, quan hệ Mỹ-Nga đã có những lần “tái khởi động” không liên tục, nhưng mỗi lần đều bị đình chỉ do những tác động từ cả bên trong và bên ngoài, thậm chí còn nảy sinh sự đảo chiều lớn; thứ ba, sau khi duy trì được một khoảng thời gian dài bất chấp những thách thức khó khăn, quan hệ Trung-Mỹ cuối cùng lại suy giảm mạnh mẽ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Một số học giả cho rằng, ba bên đều lo sẽ bị kiềm chế bởi sự hợp tác giữa hai bên còn lại; nhưng một hiện tượng phổ biến hơn là, ba cường quốc này cũng bị xáo trộn và kiềm chế bởi nhiều trung tâm quyền lực khác, cũng như bị trục lợi và cản trở bởi nhiều thế lực lớn nhỏ khác nhau. Ngược lại, điều này cũng cảnh báo mọi người rằng: Trước tiên nhất định phải chú ý đến sự ổn định của mối quan hệ tương hỗ giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga.
Thứ tư, một thực tế quan trọng khác: quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga thường được hiểu như một mô hình địa chính trị, điều này không phải là vô cớ. Địa chính trị luôn là phạm trù được nhắc đến và vận dụng nhiều nhất trong nghiên cứu quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, do nhiều lý do lịch sử, phạm trù này cũng dễ bị lý giải một cách phiến diện nhất. Trên thực tế, từ tiếng Trung của phạm trù học thuật có nguồn gốc từ phương Tây này đã khéo léo thể hiện ý nghĩa đích thực của chủ đề địa chính trị: những thay đổi chính trị có nguyên do là các điều kiện địa lý.[3] Địa chính trị là lĩnh vực tập trung mô tả tác động to lớn của điều kiện địa lý đến quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, nó không tuyệt đối hóa tác động của điều kiện địa lý, mà quan sát những thay đổi phức tạp trong quan hệ quốc tế thông qua sự tương tác giữa các điều kiện địa lý với các yếu tố khác nhau như chính trị, kinh tế và văn hóa.
Trong lịch sử chính trị quốc tế, địa chính trị quan trọng nhất đề cập đến địa chính trị lục địa và đại dương. Địa chính trị lục địa tập trung vào sự hợp tác và ổn định giữa tất cả các bên trên đất liền, trong khi đó, do tính chất gián đoạn của không gian địa lý, địa chính trị đại dương tập trung nhiều hơn vào việc giành lợi thế bằng cách cân bằng đối thủ và tạo ra sự chia rẽ. Những quy luật địa chính trị này rõ ràng đã để lại dấu ấn sâu sắc cho sự tương tác ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga. Sau nhiều lần trải qua nỗi đau “tái khởi động-thụt lùi”, Putin đã nhận ra rằng, dù có từ bỏ ý thức hệ vốn có thì sự chèn ép của phương Tây cũng sẽ không dừng lại. Putin từng nhiều lần bày tỏ: “Trò chơi địa chính trị sâu sắc hơn nhiều so với cuộc cạnh tranh ý thức hệ.”
Trong bối cảnh trên, sự tương tác ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga trong tương lai sẽ có những xu hướng sau.
Đầu tiên, sự tương tác giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga là một quá trình học hỏi lâu dài. Dù là đối với một nền văn minh cổ xưa có bề dày lịch sử hay với một quốc gia đang lên với lịch sử tương đối non trẻ, dù là đối với một chính trị gia kỳ cựu hay với một người chỉ vừa mới bước chân vào vũ đài chính trị, thì trong điều kiện lịch sử mới của thời đại, quan hệ giữa ba cường quốc Trung Quốc, Mỹ và Nga cũng đều không phải là một quá trình có thể nắm bắt một cách dễ dàng.
Ví dụ, dựa trên các tài liệu lịch sử và tác phẩm học thuật chuyên nghiệp có liên quan mới được tiết lộ, trước khi quyết tâm phá băng trong quan hệ Trung-Mỹ, Kissinger trước hết đã tiếp cận các nhà lãnh đạo Liên Xô để hỏi xem liệu Mỹ và Liên Xô có thể hợp lực cùng chống lại Trung Quốc, kẻ mà họ coi là “dị đoan”, hay không. Lúc đó, do các nhà lãnh đạo Liên Xô phản ứng quá chậm chạm, Kissinger đã buộc phải từ bỏ lựa chọn Mỹ và Liên Xô hợp lực trước, mà thay vào đó đã “chìa cành ô-liu” về phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Có thể thấy, ngay cả Kissinger, một người vốn được khen ngợi là tinh thông lịch sử chính trị quốc tế, cũng phải trải qua “thử nghiệm” thì mới có thể tìm ra con đường đúng đắn và tìm thấy giải pháp thực sự cho những vấn đề ngoại giao trọng đại.
Lúc đó thì là vậy, nhưng ngày nay khi mà tình thế còn phức tạp hơn nhiều so với hồi đó, việc quản lý đúng đắn quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga đâu dễ dàng như vậy. Mục đích của việc sử dụng cụm từ “quá trình học hỏi” để mô tả triển vọng tương lai của mối quan hệ ba bên này là nhằm nhấn mạnh rằng: không nên có những phản ứng không phù hợp hay thái quá trước những hành động vội vàng mà bất cứ bên nào đưa ra do thiếu cân nhắc cẩn thận hoặc bị đặt trong những tình huống phức tạp; càng không nên cứ mãi vận dụng cách làm vốn thường gặp trong lịch sử quốc tế là “hai bên bắt tay” để tấn công “bên thứ ba” nhằm tìm kiếm vị thế có lợi trong quan hệ ba bên. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, có rất tiền lệ mà một bên luôn được lợi và một bên luôn mất mát.
Thứ hai, mặc dù giữa ba nước Trung-Mỹ-Nga tồn tại nhiều bất đồng, nhưng ba quốc gia này buộc phải tham gia xử lý đủ mọi vấn đề lớn lao trong khu vực và toàn cầu. Do vậy, tìm kiếm khả năng hợp tác và tương tác giữa ba nước, đồng thời cùng mở đường cho việc xây dựng các hệ thống và trật tự quốc tế trong tương lai phải luôn là mục tiêu để đạt được tiến bộ trong quan hệ ba bên.
Ở đây, có ít nhất ba khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, lợi ích của ba bên hoàn toàn mâu thuẫn và không thể hợp tác. Thứ hai, hai bên hợp lực để làm suy yếu bên thứ ba. Ví dụ, Trung Quốc đã kiên quyết từ chối tham gia đàm phán Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung để tránh những hậu quả bất lợi có thể xảy đến với mình. Quan điểm của Trung Quốc được phía Nga ủng hộ. Nhưng nhìn về lâu dài, khi số lượng và chất lượng vũ khí chiến lược của Trung Quốc tăng lên, Mỹ và Nga sẽ ngày càng lo lắng việc vũ khí chiến lược của bên thứ ba không bị hạn chế và sẽ gia tăng áp lực để buộc Trung Quốc phải tham gia thỏa thuận. Mới đây, Arbatov Jr., một chuyên gia người Nga có uy tín trong vấn đề kiểm soát vũ khí, đã chỉ ra rằng, Nga hiện ủng hộ quan điểm của Trung Quốc vô điều kiện và đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga trước; nhưng về lâu dài sau khi tình hình thay đổi, cần tạo điều kiện để thu hút Trung Quốc tham gia đàm phán Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung. Ông tin rằng, đây là sự sắp xếp có lợi cho mọi bên. Những diễn biến trong tương lai của lĩnh vực này rất đáng để theo dõi, đặc biệt là những vướng mắc của Mỹ. Thứ ba, chủ động can thiệp để giải quyết những vấn đề cấp bách khi điều kiện trong tương lai cho phép. Ví dụ, việc thúc đẩy vấn đề bán đảo Triều Tiên đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một khi xuất hiện cơ hội thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại và hình thành cơ chế đàm phán, thì với tư cách là ba cường quốc hạt nhân, Trung-Mỹ-Nga về mặt logic có khả năng và cũng buộc phải cùng nhau cung cấp một vài sự đảm bảo riêng cho an ninh của toàn bộ bán đảo. Nhìn từ một gian đoạn tương đối dài, các “khu vực trung lập” (như Áo và Phần Lan) từng thực sự tồn tại giữa phía Đông và phía Tây châu Âu trong Chiến tranh Lạnh đã cung cấp rào chắn cho sự hòa giải giữa các cường quốc, liệu tiền lệ này có thể mang lại bài học kinh nghiệm giúp giải quyết các vấn đề trên bán đảo không? Đó cũng là một trong những triển vọng có thể bàn luận.
Gần đây, đã có những đề xuất kêu gọi các cuộc đối thoại trong các lĩnh vực mà ba bên có thế mạnh và ý chí tương đồng. Ví dụ, liệu sự hợp tác giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh thời Chiến tranh Lạnh có thể lặp lại không? Mới đây, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank Rose đã đề xuất rằng, sức mạnh hạt nhân của ba nước Trung-Mỹ-Nga có khoảng cách quá lớn nên không thể đàm phán, nhưng có thể tìm kiếm cơ hội đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ. Các chuyên gia của Tập đoàn RAND cũng cho rằng, trong vòng 10 năm tới trước khi vũ khí siêu thanh có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nhân loại, ba quốc gia duy nhất có đủ trình độ là Trung Quốc, Mỹ và Nga phải tăng cường hợp tác để ngăn chặn sự lây lan này. Cũng có học giả chỉ ra rằng, ngay cả khi chúng ta không theo đuổi lợi ích của việc “đảo ngược Tam giác Kissinger”, thì nhìn từ góc độ của nước láng giềng, việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga là một điều tất yếu. Ít nhất thì từ triển vọng này, Trung Quốc có thể coi việc tìm kiếm con đường đối thoại và hợp tác ba bên giữa Trung-Mỹ-Nga là lĩnh vực nghiên cứu “phòng ngừa”. Nhìn về dài hạn, Trung Quốc có năng lực cũng như trách nhiệm hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm kiếm khả năng giải quyết những vấn đề cấp bách và phức tạp này, qua đó dần cung cấp thêm hàng hóa công cho an ninh khu vực, đồng thời đóng góp cho sự tái thiết mối quan hệ Trung Quốc, Mỹ và Nga.
Thứ ba, phản ứng của chính bản thân Putin, giới tinh hoa chính trị và công chúng cho thấy, nước Nga nhìn chung có thái độ cẩn trọng trước cái gọi là chiến lược “liên minh với Nga để kiềm chế Trung Quốc” và lập trường thân Nga của Trump. Điều này cho thấy quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga không phải không có khả năng phát triển bền vững trong tình hình quốc tế đầy biến động. Ngoài việc nhấn mạnh rằng “Mối quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga nên là một mối quan hệ cùng tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”, Putin cũng nói rõ: “Trong điều kiện hiện nay, chúng ta nên hết sức trân trọng mối quan hệ Trung-Nga.” Phát biểu công khai này của Putin rất ngắn gọn, rõ ràng cũng như rất có tính mục tiêu và định hướng.
Tác giả cho rằng đây là sự tiếp nối lập trường nhất quán trong suốt 10 năm qua của Putin. Ngay cả trong cục diện lạc quan khi quan hệ Nga-Mỹ từng có khả năng được cải thiện, bản thân Putin và các chính trị gia Nga nhìn chung vẫn quyết tâm duy trì và thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Trung-Nga. Hiện tượng này cho thấy: Mỗi bên đều cần điều chỉnh quan niệm của mình và coi việc theo đuổi sự tương tác hài hòa giữa ba bên là tôn chỉ. Nhìn về dài hạn, sự điều tiết của quan hệ Mỹ-Nga không mâu thuẫn với sự ổn định chung của tình hình quốc tế. Ngay cả khi nhìn từ góc độ quan hệ Mỹ-Nga, việc tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển cũng là một điều tất yếu.
Thứ tư, bốn đặc trưng chính của sự tương tác giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga: Ảnh hưởng lâu dài và những hạn chế đối với các vấn đề đối nội, đối ngoại của mỗi nước.
Đặc trưng tổng thể của sự tương tác giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga là gì? Tác giả tin rằng các đặc trưng mang tính cấu trúc “bất cân xứng về năng lực, dễ nảy sinh xung đột, cần cân bằng quyền lực và có khả năng hợp tác” có thể sẽ ảnh hưởng và hạn chế các chiến lược đối ngoại cũng như xu thế phát triển bên trong của mỗi nước trong một thời gian dài.
“Bất cân xứng về năng lực” bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết, sự bất cân xứng về mức năng lượng kinh tế có nghĩa, Mỹ có sức mạnh tổng thể về kinh tế và công nghệ vượt trội so với Trung Quốc và Nga, đặc biệt là ở các phương diện công nghệ cao, nghiên cứu cơ bản hay năng lực chuyển hóa giữa doanh nghiệp-đại học-nghiên cứu. Từ góc độ của từng nhóm quan hệ song phương, quan hệ Trung-Mỹ và Trung-Nga khá tương đồng và bổ sung cho nhau, trong khi quan hệ kinh tế Mỹ-Nga lại khá yếu ớt, giữa hai bên tồn tại một khoảng cách lớn với kim ngạch thương mại chỉ khoảng 1%. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đã vượt 100 tỷ USD vào năm 2018, một phần là do được hưởng lợi từ việc giá năng lượng tăng. Ngoài ra, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nga vẫn chưa thoát khỏi sức ì mang tính cơ cấu là phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng.
Tình trạng bất bình đẳng về chính trị không có ý nói sự khác biệt về hệ thống xã hội và ý thức hệ đã khiến Trung-Mỹ-Nga ở vào thế chân vạc, mà chủ yếu đề cập đến hai khía cạnh. Thứ nhất, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc và Nga đã không ngừng cải cách thể chế truyền thống, cũng như tìm kiếm con đường phát triển và mô hình thể chế phù hợp với đất nước mình. Trong khi đó, Mỹ vẫn bảo thủ và bám chặt vào đường lối cũ, đồng thời cũng chưa từ bỏ định kiến chính trị đối với Trung Quốc và Nga. Thứ hai, Trung Quốc và Nga chủ trương rằng ý thức hệ không cản trở quan hệ song phương, nhưng Mỹ lại có quan điểm chủ đạo là tăng cường ý thức hệ và các mối quan hệ đồng minh vốn có để đối kháng với Trung Quốc và Nga
Trong lĩnh vực an ninh, Trung Quốc và Nga giữ vững tình cảm láng giềng tốt đẹp và mối quan hệ đối tác chiến lược “lưng tựa lưng”, đồng thời tương đối gần gũi về mặt địa chính trị. Mặt khác, giữa địa chính trị đại dương và địa chính trị lục địa mà Mỹ và Nga là đại diện tồn tại những khác biệt sâu sắc. Từ “cách mạng màu”, chiến tranh Gruzia cho đến cuộc khủng hoảng Ukraine, với tư cách là một quốc gia sống trong môi trường “hòn đảo an toàn”, Mỹ nhìn chung đã phủ định “phạm vi ảnh hưởng” của Nga ở các khu vực xung quanh và đã thúc đẩy một “chương trình nghị sự tự do” mang tính ý thức hệ cao độ. Trong khi đó, là quốc gia có tình hình địa chính trị xung quanh phức tạp hơn nhiều so với Mỹ, Nga kiên định trong việc duy trì sức ảnh hưởng truyền thống ở các nước thuộc Liên Xô cũ một cách có chọn lọc. Sự tương phản về địa chính trị đã thúc đẩy sự thù địch cao độ giữa Mỹ và Nga. Đặt trong sự so sánh với Mỹ và Nga, liệu đặc điểm nửa hướng biển, nửa hướng đất liền và mang đặc trưng của cả địa chính trị đại dương lẫn địa chính trị lục địa có phải là sự báo hiệu rằng, Trung Quốc có thể đi theo con đường đối nội và đối ngoại khác hẳn so với các quốc gia thuần đại dương và các quốc gia thuần lục địa, cũng như phát huy được vai trò điều tiết nào đó trong cuộc đối đầu không cân bằng giữa địa chính trị đại dương và lục địa?
Không khó để lý giải ý nghĩa của “bất cân xứng về năng lực, dễ nảy sinh xung đột”. Dưới tiền đề của “bất cân xứng về năng lực”, mặc dù Mỹ vẫn sẽ duy trì vị thế siêu cường trong thời gian dài nhưng sự phát triển của bản thân nước này cũng tồn tại tính không chắc chắn. Đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ lạm dụng các biện pháp trừng phạt và bắt nạt kẻ yếu, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu, Trung Quốc và Nga, hai nước có sức mạnh quốc gia kém hơn Mỹ, xích lại gần nhau và sưởi ấm lẫn nhau. “Cần cân bằng quyền lực và có khả năng hợp tác” có nghĩa là: Trong tình trạng bất ổn được tạo ra bởi sự chuyển đổi toàn cầu phức tạp cùng sự khác biệt về lợi ích và nhận thức, thì mâu thuẫn và va chạm, xung đột và đối đầu là điều khó có thể tránh khỏi, và thậm chí sẽ đồng hành cùng sự chuyển đổi của toàn thể mô hình toàn cầu. Trong giai đoạn này, một khoảng thời gian ngắn là không đủ để quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga đạt được bước đột phá lớn và trở nên ổn định.
Tuy nhiên, những thay đổi quốc tế trong thế kỷ 21, đặc biệt là quá trình kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho thấy: Mọi việc đều phụ thuộc vào con người, mấu chốt nằm ở việc liệu Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể dàn xếp một cách lý tính và thực tế đối với mọi nỗi bất an và lo ngại mà sự chuyển đổi toàn cầu mang lại, để đạt tới sự cân bằng và kiểm soát về sức mạnh hay không. “Hòa bình và phát triển” vẫn là chủ đề chính của thời đại ngày nay, cơ cấu quyền lực quốc tế vẫn đang trong giai đoạn đa cực, đa dạng và đa nguyên. Dù đang phát triển nhanh chóng nhưng Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển. Vì vậy, cho dù là giữa ba bên Trung-Mỹ-Nga hay giữa từng mối quan hệ song phương với nhau thì cũng đều có hy vọng lớn cho sự hợp tác. Chỉ cần Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể dàn xếp mối quan hệ giữa họ một cách hiệu quả, vậy thì vẫn có thể kỳ vọng quá trình chuyển đổi toàn cầu sẽ diễn ra ổn định và bền vững bất chấp những mâu thuẫn.
Tóm lại, sự tương tác hiện nay giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Một mặt, điều này xuất phát từ xu thế phát triển đa dạng hóa mang tính dài hạn của thế giới. Sự tương tác ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga là sự hiện diện mang tính cấu trúc quan trọng của nền chính trị quốc tế trong tương lai. Mặt khác, quan hệ ba bên Trung-Mỹ-Nga thiếu các chuẩn mực và quy tắc của một khuôn khổ chuyên biệt, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của trò chơi ý thức hệ và địa chính trị. Quan hệ ba bên Trung-Mỹ-Nga có thể được điều chỉnh và cải thiện ở một mức độ nhất định thông qua đàm phán kịp thời, tuy nhiên, những khác biệt và bất đồng về lợi ích chiến lược giữa ba nước sẽ không thể được điều hòa và cùng tồn tại nếu không trải qua những nỗ lực dài lâu.
Bởi vậy, việc hoạch định chiến lược và ứng phó với những thay đổi của mối quan hệ rất năng động giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga trong tương lai là một quá trình học hỏi lâu dài. Sẽ luôn tồn tại sự bất cân xứng trường kỳ giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga, dù là về sức mạnh hay tiềm lực. Cần tin tưởng chắc chắn vào sự cùng tồn tại và tương thích giữa triển vọng phát triển đa dạng với sự công nhận các chuẩn mực phổ quát đã được chứng minh trong thực tiễn, đồng thời tìm kiếm sự bổ sung và cân bằng lẫn nhau giữa các lực lượng chính trị cả mới lẫn cũ ở mức độ lớn nhất. Cuối cùng, thông qua việc giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt, Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể cùng nhau tìm kiếm cơ chế đảm bảo cho sự phối hợp hài hòa giữa các tiến trình trong nước của mỗi bên với việc xây dựng thể chế khu vực và quốc tế. Đây sẽ là trách nhiệm và quyền lợi không thể chối từ của ba cường quốc này.
Cuối cùng, Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại và cùng nhau tìm cách đảm bảo các tiến trình nội bộ tương ứng của họ.
Bài viết này được trích từ Phùng Thiệu Lôi, Khủng hoảng và trật tự: Quan hệ đối ngoại của Nga dưới sự chuyển đổi toàn cầu, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải, ấn bản năm 2024.
—————–
[1] Ý chỉ “Phi ngã tộc loại, kỳ tâm tất dị”: Nếu không cùng tộc loại với ta thì ắt sẽ có lòng dạ khác.
[2] Ý chỉ việc bênh vực những người có cùng quan điểm với mình và chống lại những người có quan điểm khác mình.
[3] Trong tiếng Trung, “geopolitics” được dịch là “địa duyên chính trị” (地缘政治), trong đó “duyên” có nghĩa là nguyên do, duyên cớ.