Lawrence Wong nói về các vấn đề đối nội và đối ngoại của Singapore

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:Lawrence Wong in his own words,” The Economist, 08/05/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thủ tướng tiếp theo của Singapore trả lời phỏng vấn của The Economist.

The Economist: Xin cảm ơn ông vì đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn này cùng với The Economist. Trong vài ngày nữa, ông sẽ trở thành Thủ tướng Singapore, đất nước đã thành công rực rỡ nhờ thái độ cởi mở và đã hưởng lợi từ toàn cầu hóa.

Lawrence Wong: Đúng vậy.

The Economist: Ông đã gọi đất nước mình là quốc gia không thể tin được và một phép lạ –

Lawrence Wong: Đến giờ điều đó vẫn đúng.

The Economist: Vậy tại sao ông không bắt đầu bằng cách cho chúng tôi biết ông nhìn nhận bối cảnh địa chính trị toàn cầu như thế nào và điều đó sẽ ảnh hưởng đến Singapore ra sao?

Lawrence Wong: Chúng tôi lo ngại vì tình hình đang biến đổi liên tục. Trật tự thế giới đang biến đổi. Thời kỳ đơn cực của Mỹ đã chấm dứt. Tuy nhiên, nước này vẫn là cường quốc mạnh nhất trong một thế giới đang chuyển dịch sang đa cực. Và quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra lộn xộn, vì những chỉ dẫn quen thuộc đang mờ dần, và những chuẩn mực đã được thiết lập đang bị xói mòn. Các quốc gia đang tìm kiếm định hướng mới, nhưng trật tự mới vẫn chưa được thiết lập. Tôi nghĩ tình hình sẽ còn hỗn loạn thêm vài năm nữa, hoặc vài chục năm, thậm chí lâu hơn. Và tất cả các nước trên thế giới sẽ phải tự tìm ra con đường của mình, vượt qua môi trường cực kỳ khó lường này, và hy vọng lèo lái quá trình phát triển toàn cầu theo hướng ổn định và hòa bình thay vì xung đột và chiến tranh.

The Economist: Khi nhìn vào mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong khoảng 18 tháng qua, đã có một số nỗ lực nhằm ổn định tình hình. Ông có mong đợi sự ổn định đó kéo dài hay không? Hay sẽ có những khoảnh khắc khủng hoảng hoặc suy thoái hơn nữa trong vài năm tới?

Lawrence Wong: Việc hai nhà lãnh đạo gặp nhau và đưa ra một số biện pháp để bảo vệ quan hệ hai bên, cũng như mang lại sự ổn định cho quan hệ tổng thể là rất hữu ích. Nhưng sự nghi ngờ và mất lòng tin lẫn nhau giữa hai bên vẫn còn. Chúng rất sâu sắc. Những mâu thuẫn và căng thẳng cơ bản trong quan điểm của hai quốc gia vẫn tồn tại. Và tôi nghĩ rằng chúng sẽ không sớm được giải quyết. Vì vậy, đây không phải là một trạng thái cân bằng ổn định. Có rất nhiều khả năng xảy ra sai sót, hoặc bùng phát căng thẳng. Điều đó đòi hỏi phải quản lý quan hệ rất cẩn thận. Bởi nếu mọi thứ xấu đi nghiêm trọng, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều sẽ phải trả giá đắt, cả Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới.

The Economist: Ông đánh giá Trung Quốc sẽ đi về đâu dưới thời Tập Cận Bình? Liệu họ có đang đi đúng hướng?

Lawrence Wong: Trung Quốc đang trải qua – chí ít hãy nói về khía cạnh kinh tế – một số điều chỉnh cơ cấu lớn. Thứ nhất, nước này không còn có thể dựa vào đầu vào lao động giá rẻ để đạt được tăng trưởng. Họ đã đạt đến giai đoạn cần sự đổi mới và năng suất. Và họ thực sự đang nỗ lực hết mình trên mặt trận đó, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào sản xuất tiên tiến. Trung Quốc cũng đang chuyển dịch khỏi thị trường bất động sản, vốn là một phần quan trọng trong nền kinh tế của họ. Và hiện đang chuyển nhiều khoản đầu tư sang sản xuất tiên tiến và thúc đẩy nó bằng năng suất và công nghệ cao. Đó là một trong hai điều chỉnh lớn đang diễn ra. Người Trung Quốc lo rằng họ sẽ già trước khi kịp giàu. Họ cũng quan ngại về bẫy thu nhập trung bình và họ muốn thúc đẩy nền kinh tế tiến lên.

Sự điều chỉnh cơ cấu lớn thứ hai mà Trung Quốc đang trải qua liên quan đến chia sẻ lợi ích của tăng trưởng. Bởi vì khi nước này mở cửa, nền kinh tế của họ đã cất cánh, theo đó nâng cao tinh thần của mọi người. Nhưng họ cũng nhận ra một số nhược điểm của chủ nghĩa tư bản. Đặng Tiểu Bình từng nói, “mở cửa sổ, ruồi sẽ bay vào,” nhưng thứ họ nhận nhiều hơn cả ruồi. Họ đã phải đối mặt với nạn tham nhũng, tư lợi, bất bình đẳng suốt mười năm qua. Vậy nên, họ rất muốn theo đuổi một mô hình tăng trưởng khác, cân bằng hơn, họ gọi đó là “thịnh vượng chung.” Sau cùng thì, tất cả các nước đều phải vật lộn với vấn đề này, bởi rốt cuộc, tăng trưởng phải được phân bổ giữa người lao động và tư bản. Và tôi nghĩ định hướng cơ bản của Trung Quốc là phân bổ phần lớn tăng trưởng đó cho người lao động, hơn là cho tư bản hay tư bản tư nhân. Nhưng họ phải cân bằng sao cho đúng, bởi vì nếu bị lạm dụng, chắc chắn nó sẽ làm suy giảm tinh thần hăng hái của các doanh nhân tư nhân và khiến đất nước khó đạt được giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Tôi khá chắc rằng họ nhận thức được việc phải đạt được sự cân bằng phù hợp.

The Economist: Ông vừa mô tả tình hình kinh tế ở Trung Quốc, nhưng về tình hình chính trị, nếu ông ở Washington D.C., họ sẽ mô tả Trung Quốc là một hệ thống ngày càng toàn trị, tập trung vào an ninh, thậm chí là đối đầu với Mỹ hoặc cạnh tranh bá quyền. Ông có chấp nhận cách mô tả đó không?

Lawrence Wong: Chà, người Trung Quốc chắc chắn cho rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế, bao vây, và đàn áp họ, cũng như cố gắng từ chối trao cho họ vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới. Không chỉ có các lãnh đạo cấp cao mới nghĩ như vậy. Tôi nghĩ nếu ông nói chuyện với nhiều quan chức Trung Quốc, họ cũng cảm thấy như vậy. Họ cảm thấy rằng đang có một sự ngăn chặn nhằm hạ bệ Trung Quốc. Cảm giác đó có tồn tại, và với mỗi hành động, sẽ có một phản ứng đáp trả. Trung Quốc đang cố gắng tìm cách thoát khỏi sự ngăn chặn đó, để đảm bảo rằng họ trở nên tự chủ hơn về mặt công nghệ.

Đồng thời… tôi cũng biết họ đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, họ nói về việc đứng lên, làm giàu, và giờ là thâu tóm quyền lực. Họ tự xem mình là một nước mạnh, thời cơ của họ đã đến, và họ muốn hành động quyết đoán hơn vì lợi ích quốc gia của mình, bao gồm cả lợi ích quốc gia ở nước ngoài, nhưng cả ở trong lĩnh vực đó, Trung Quốc cũng phải tự rút ra bài học – như tất cả các nước lớn khác – rằng nếu họ lạm dụng quyền lực, nếu họ áp đặt, cưỡng chế, bóp nghẹt, hoặc gây sức ép lên các nước khác, họ sẽ kích động phản ứng dữ dội, thậm chí là trên toàn khu vực. Đó là lý do tại sao họ không thể đi quá xa. Họ sẽ phải học bài học đó. Đó là bài học mà tất cả các nước lớn đều phải học. Nước Mỹ cũng đã trải qua những bài học đó. Ý tôi là, ở Mexico, người ta nói, “Mỹ là người bạn tốt nhất của tôi, dù tôi có thích hay không.” Vì khi nước lớn đối xử với nước nhỏ, nước lớn thường không nhận thức được sức mạnh của họ. Và rất khó để tìm được sự cân bằng làm cho cả nước lớn và nước nhỏ hài lòng cùng một lúc.

The Economist: Gần đây, ông đã mô tả tình trạng của Singapore là không thân Trung Quốc cũng không thân Mỹ. Tôi tự hỏi liệu ông có thể nói về –

Lawrence Wong: Chúng tôi thân Singapore.

The Economist: Đúng, thân Singapore, vậy thì vị thế đứng giữa hai cường quốc có thể bị thử thách và trở nên căng thẳng đến mức nào? Liệu có khả năng, có lẽ là một khả năng về công nghệ, các biện pháp trừng phạt và kiểm soát mà Mỹ đang sử dụng sẽ còn bị thắt chặt hơn nữa? Và họ thậm chí có thể yêu cầu phân tách hoàn toàn hai hệ thống công nghệ. Singapore sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào? Một nửa sản phẩm xuất khẩu của đất nước ông là công nghệ cao, chúng có mối liên hệ chặt chẽ với hệ sinh thái chế tạo của Trung Quốc. Nếu có sự phân tách về công nghệ, Singapore sẽ làm gì?

Lawrence Wong: Trước hết, rất nhiều công nghệ nhạy cảm nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đang hoạt động bên ngoài Singapore. Trong trường hợp Mỹ mở rộng các hạn chế xuất khẩu, thì chúng tôi hoàn toàn mong đợi các công ty Mỹ tuân thủ các hạn chế đó, không chỉ ở Singapore, mà còn ở bất cứ nơi nào họ hoạt động trên thế giới. Và cũng sẽ có nhiều nơi khác trên thế giới mà các hạn chế này không được tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng đối với các công ty ở Singapore thì chúng tôi kỳ vọng họ sẽ tuân thủ đầy đủ các hạn chế xuất khẩu này. Chúng tôi mong muốn các hạn chế xuất khẩu được cân nhắc cẩn trọng vì nếu có những lo ngại về an ninh quốc gia thì chúng cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng nếu anh bắt đầu mở rộng sân – tôi đang nói về “sân nhỏ và hàng rào cao” – và cái sân cứ thế lớn dần và thực sự dẫn đến sự phân tách công nghệ, trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, tôi nghĩ điều đó sẽ gây bất lợi, không chỉ cho Singapore, mà còn cho Mỹ và toàn thế giới. Như tôi đã từng nói trước đây, chúng ta thực sự phải quan tâm đến cách sử dụng những loại công cụ kinh tế này cho mục đích địa chính trị. Trong thế giới quân sự, lực lượng an ninh luôn lưu tâm đến thiệt hại ngoài ý muốn nếu họ thả bom. Bởi họ lo lắng, họ hiểu rằng điều đó sẽ gây tổn hại cho phía bên kia, và họ cũng sợ bị trả thù, leo thang căng thẳng và đủ loại hậu quả khác, nên họ suy nghĩ rất cẩn thận. Nhưng khi người ta bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng các công cụ kinh tế và tài chính cho mục đích địa chính trị, việc đánh giá thiệt hại ngoài ý muốn không hề đơn giản, và chúng ta không có nhiều kinh nghiệm về vấn đề đó. Và nếu chúng ta không cẩn thận, nó sẽ gây ra những hệ lụy sâu sắc cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng tệ hơn nữa là cho sự ổn định toàn cầu.

The Economist: Ông nghĩ gì về cách đối xử với TikTok, người Mỹ về cơ bản đã yêu cầu ứng dụng này thay đổi định danh và quyền sở hữu. Nó là một công ty có trụ sở chính tại Singapore, giám đốc điều hành của công ty là một công dân Singapore từng phục vụ trong quân đội mà ông vừa mô tả. Tuy nhiên, Mỹ dường như lại xem nó là một công cụ trung gian của Trung Quốc.

Lawrence Wong: Mỹ là người tự quyết định cách họ muốn đối xử với TikTok, đó là quyền của Mỹ. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, mạng xã hội không được xem là an ninh quốc gia. Ý tôi là, các công ty truyền thông xã hội hoạt động ở tất cả các quốc gia và họ có mặt ở Singapore, nhưng chúng tôi không coi đây là rủi ro an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đó là quan điểm của Singapore.

The Economist: Hãy thử xem xét một khía cạnh khác của áp lực khi đứng giữa các siêu cường. Singapore đã thi hành các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, liên quan đến việc nước này xâm lược Ukraine. Rất có thể sẽ xảy ra xung đột về vấn đề Đài Loan trong thập niên sắp tới. Tôi tự hỏi liệu ông có thể thấy trước được tình huống Singapore thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì cuộc xung đột đó hay không?

Lawrence Wong: Điều đó thực sự phụ thuộc vào bản chất của cuộc xung đột. Với Ukraine và việc Nga xâm lược Ukraine, chúng tôi hiểu rất rõ rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nếu những cuộc xâm lược như thế này có thể được biện minh trên cơ sở những sai lầm lịch sử và những quyết định điên rồ, thì thế giới sẽ trở thành một nơi kém an toàn hơn nhiều, và chúng ta sẽ rất dễ bị tổn thương. Và đó là lý do tại sao dù không có nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện các bước và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Chưa có quốc gia ASEAN nào làm điều này. Nhiều quốc gia khác ở phương Nam cũng không làm điều này. Nhưng chúng tôi quyết định thực hiện bước đi này vì hành động của Nga vi phạm một số nguyên tắc rất cơ bản mà chúng tôi tin tưởng và ủng hộ.

Dù vậy, chúng tôi không nghĩ rằng Đài Loan đang ở trong tình trạng tương tự như Ukraine. Mọi người luôn cố gắng chỉ ra những điểm tương đồng giữa hai bên. Nhưng trên thực tế, về cơ bản, hai bên hoàn toàn khác nhau vì Ukraine là một quốc gia có chủ quyền, nhưng với Đài Loan, đại đa số các quốc gia trên thế giới đều ủng hộ chính sách Một Trung Quốc. Từ lâu, chúng tôi đã ủng hộ chính sách Một Trung Quốc và phản đối nền độc lập của Đài Loan, ngay từ trước khi chúng tôi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đó là một quan điểm lâu dài. Chúng tôi luôn cẩn trọng trong quan hệ với cả Trung Quốc và Đài Loan, điều đó phù hợp với chính sách Một Trung Quốc của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ không cho phép mình bị lợi dụng vì bất kỳ lý do gì để ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.

Anh đã hỏi một câu hỏi giả định, nếu có chuyện gì đó xảy ra ở Eo biển Đài Loan hoặc xung quanh Đài Loan, chúng tôi hy vọng điều này không xảy ra. Nếu tất cả các bên hiểu được rủi ro, các lằn ranh đỏ, và nhận ra rằng bối cảnh hoàn toàn khác với Ukraine – tôi nghĩ chính quyền Mỹ chắc chắn hiểu – thì có lẽ chúng ta đang nắm trong tay một cơ hội tốt để duy trì hiện trạng, và nếu có bất kỳ thay đổi nào xảy ra, thì nó phải được thực hiện một cách hòa bình và không dùng vũ lực. Nhưng những điều này sẽ mất thời gian. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cứ duy trì hiện trạng, tiếp tục can dự và đàm phán với nhau. Đó sẽ là cách tiếp cận ưa thích của chúng tôi.

The Economist: Gần đây ông cũng nói rằng Singapore không phải là đồng minh của Mỹ.

Lawrence Wong: Chúng tôi không phải đồng minh. Chúng tôi là đối tác hợp tác an ninh chính (major security co-operation partner), duy nhất trên thế giới.

The Economist: Vậy ông sẽ nói gì với một cử tri Mỹ đang lo lắng về việc nước này đang bị dàn trải quá sức trên toàn cầu, người đang đặt câu hỏi, “Tại sao Singapore nên tiếp tục nhận các vũ khí và thiết bị an ninh tiên tiến của Mỹ, cùng tất cả những lợi ích từ điều đó, nhưng lại không thể tự gọi mình là đồng minh của chúng ta?”

Lawrence Wong: Bởi vì đó là một quan hệ an ninh và quốc phòng đã được chứng minh là mang lại lợi ích chung cho cả hai bên suốt hàng chục năm. Chúng tôi đánh giá cao việc người Mỹ đã đổ máu và của cải để đảm bảo an ninh cho khu vực. Chúng tôi cũng đánh giá cao chiếc ô an ninh mà Mỹ mang lại cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Chúng tôi cũng mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Mỹ: chúng tôi đang cấp quyền tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân của chúng tôi. Chúng tôi hỗ trợ việc triển khai luân phiên của họ, chúng tôi cung cấp hỗ trợ hậu cần, chúng tôi trao đổi thông tin tình báo. Chúng tôi không chỉ mua công nghệ và thiết bị quân sự mà còn trao đổi thông tin hai chiều rất hiệu quả trong nhiều khía cạnh của an ninh và quốc phòng. Và điều đó đã được chứng minh là mang lại lợi ích chung cho cả hai bên.

The Economist: Ông có thể tưởng tượng Singapore tham gia AUKUS không?

Lawrence Wong: Hiện tại, AUKUS chỉ là một nhóm bao gồm các đồng minh của Mỹ. Chúng tôi không phải là đồng minh.

The Economist: Những căng thẳng địa chính trị này diễn ra như thế nào bên trong Singapore? Mọi người cảm thấy thế nào về những căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là gần đây, hoặc căng thẳng ở Trung Đông, vì Singapore có khối dân Hồi giáo đáng kể, những người đang lo ngại về bạo lực ở Gaza? Ông sẽ nói gì với những người lo ngại về chiến tranh ở Singapore và với người dân Singapore để trấn an họ?

Lawrence Wong: Đây là điều mà chúng tôi cực kỳ chú ý, bởi vì chúng tôi là một quốc gia nhỏ với dân số rất đa dạng. Và tôi có thể nói rằng chúng tôi liên tục bị ảnh hưởng bởi áp lực từ khắp nơi trên thế giới. Bởi vì ở Singapore, đa số cư dân là người gốc Hoa. Tất cả chúng tôi đều có mối liên hệ với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi phải nhắc nhở chính mình và nhắc cả Trung Quốc rằng chúng tôi là người Singapore. Chúng tôi hoạt động kinh doanh trên cơ sở lợi ích quốc gia chứ không phải trên cơ sở liên hệ sắc tộc. Nhưng chúng tôi cũng có một cộng đồng người Malay, những người sẽ có mối liên hệ với các quốc gia trong khu vực và với cộng đồng Hồi giáo Ummah toàn cầu. Và còn cả khối dân gốc Ấn, những người sẽ có liên hệ tổ tiên, liên hệ gia đình với Ấn Độ.

Tóm lại, đó là một dân số có thể thay đổi. Anh có thể thấy nó dễ dàng bị tác động bởi những ảnh hưởng này như thế nào. Chúng tôi có những mối liên hệ sâu sắc với những nền văn minh hoặc những quốc gia lớn, chúng mang tính cảm xúc, mang tính văn hóa. Và chúng tôi muốn duy trì các mối liên hệ đó, các mối liên hệ tạo nên con người chúng tôi. Chúng tôi coi trọng những mối liên hệ này. Đồng thời, chúng tôi cũng phải liên tục nhắc nhở người dân – gắn kết khối dân Singapore – rằng chúng tôi là người Singapore. Khi chúng tôi làm bất cứ điều gì, nó cũng phải dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi buộc phải làm thế. Giữa nhiều cuộc khủng hoảng, anh đã nhắc đến Nga và việc Nga xâm chiếm Ukraine. Đó là một cuộc khủng hoảng có tác động kinh tế lớn đối với chúng tôi nhưng mức độ cộng hưởng cảm xúc lại tương đối thấp.

The Economist: Gaza thì ngược lại?

Lawrence Wong: Gaza tuy không có nhiều tác động kinh tế nhưng lại có mức độ cộng hưởng cảm xúc cao hơn nhiều – không chỉ với cộng đồng người Malay Hồi giáo – mà còn với nhiều người Singapore, khi chúng tôi nhìn vào những hành động tàn bạo đã gây ra thiệt hại vật chất và cướp đi mạng sống của thường dân. Và một lần nữa, chúng tôi phải công khai giải thích cho người dân của mình, về quan điểm của Singapore và lý do tại sao chúng tôi lại làm những việc mà chúng tôi đã làm, về các nghị quyết mà chúng tôi ủng hộ tại Liên Hiệp Quốc, và cách chúng tôi thực hiện phần việc của mình để tham gia vào các nỗ lực cứu trợ toàn cầu, cũng như cách chúng tôi tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước, đồng thời kêu gọi chấm dứt thù địch.

Bây giờ, nếu có chuyện gì xảy ra ở Nam Á, ở Đài Loan, hay ở Biển Đông, đó sẽ là một sự cố có tác động lớn về kinh tế và dẫn đến sự cộng hưởng cảm xúc cao độ đối với người dân chúng tôi. Rõ ràng, đó sẽ là một việc rất khó quản lý. Và đó là lý do tại sao đối với chúng tôi, những sự kiện bên ngoài, tưởng chừng xảy ra ở rất xa, nhưng thực ra, chúng đang diễn ra ngay trước cửa nhà. Chúng tôi luôn chú ý đến những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, để có thể gắn kết với người dân của chúng tôi, giải thích cho họ biết quan điểm của Singapore là gì, quan điểm của chính phủ là gì, và lợi ích quốc gia của chúng tôi là gì.

The Economist: Trước khi chúng ta tiếp tục nói thêm về Singapore và mô hình Singapore, cũng như cách nó đang thay đổi, xin hãy trả lời một câu hỏi cuối cùng về địa chính trị. Quan điểm của Singapore là tôn trọng luật pháp quốc tế – và đó là nền tảng trong chính sách đối ngoại của ông – ông nghĩ tình trạng hiện tại của luật pháp quốc tế ra sao? Liệu nó còn hoạt động hay không? Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ, và các hiệp ước quan trọng như Luật Biển đang không được thực thi. Vậy đây có còn là điểm tựa đáng tin cậy cho chính sách đối ngoại của ông không?

Lawrence Wong: Luật pháp quốc tế đang chịu áp lực rất lớn nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi phải tiếp tục thúc đẩy, tiếp tục nỗ lực, và hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để củng cố trật tự đa phương dựa trên luật lệ này. Chúng tôi làm điều đó theo những cách khác nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, WTO đang không hoạt động hiệu quả, nên chúng tôi đã kêu gọi để Tòa phúc thẩm hoạt động bình thường trở lại, khôi phục cơ chế giải quyết tranh chấp. Dù chúng tôi giống như một cuốn băng bị hỏng, giống như một giọng nói đơn độc ở nơi hoang dã, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kêu gọi –

The Economist: The Economist đồng ý với ông về điều đó…

Lawrence Wong: Cảm ơn anh. Nhưng vẫn có rất nhiều con đường khác để chúng ta đóng góp một cách có ích. Tại WTO, rất khó để các sáng kiến đa phương phát huy hiệu quả. Trong khi làm việc với các quốc gia có cùng quan điểm, chúng tôi đã xây dựng P4, ban đầu gồm Chile, New Zealand, và Brunei, và dần mở rộng thành TPP. Người Mỹ đã chọn không tham gia. Nhưng sau đó chúng tôi lại có CPTPP. Tương tự, chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều sáng kiến thương mại khác. Giờ đây, chúng tôi đang nghiên cứu các sáng kiến mới xoay quanh nền kinh tế kỹ thuật số. Bởi vì với nền kinh tế kỹ thuật số hiện nay, anh cần có những quy định mới về lưu trữ dữ liệu, luồng dữ liệu, và bảo mật dữ liệu. Vì vậy, chúng tôi đã ký thỏa thuận kỹ thuật số với Vương quốc Anh và Australia. Chúng tôi cũng có một thỏa thuận khác liên quan đến ba quốc gia, gồm chúng tôi, Chile, và New Zealand. Và sau đó là một hàng dài các quốc gia khác muốn tham gia. Nếu Singapore hoạt động theo cách này, chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp mang tính xây dựng, cố gắng mang lại giá trị, tìm kiếm các quốc gia có cùng quan điểm để tham gia cùng chúng tôi trong các nền tảng quy mô nhỏ. Và theo thời gian, chúng tôi hy vọng một vài nền tảng trong số này có thể phát triển và các quốc gia có cùng chí hướng khác sẽ tham gia cùng chúng tôi. Đó là cách chúng tôi góp phần củng cố chủ nghĩa đa phương trên thế giới.

The Economist: Hãy quay lại với Singapore và bối cảnh trong nước và bắt đầu với nền kinh tế. Trong báo cáo ngân sách cách đây không lâu, ông đã nói “chúng ta sẽ không thể đạt được tăng trưởng dễ dàng ở Singapore nữa.” Một phần nguyên nhân là môi trường thương mại đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng một phần lớn hơn là do nhân khẩu học, vì số lượng công dân trong độ tuổi lao động ở Singapore dự kiến sẽ giảm vài trăm nghìn người trong thập niên tới. Hãy nói về điều đó và cả vai trò của việc di cư, dù đôi khi đây là một chủ đề gây tranh cãi ở Singapore. Có lẽ ông cần nhiều dân nhập cư hơn?

Lawrence Wong: Đúng vậy. Tôi nghĩ thời kỳ tăng trưởng dễ dàng đã qua, không chỉ vì vấn đề lao động, mà thực sự chúng tôi đã đạt đến mức phát triển cao. Và chi phí sẽ tăng cao. Anh không thể mong đợi mức lương cao và chi phí thấp. Tiền lương và chi phí là hai mặt của cùng một đồng xu. Nghĩa là chúng tôi có thu nhập cao và chi phí cao, chúng tôi sẽ phải tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu, và sau đó đẩy giới hạn năng suất và đổi mới lên cao hơn để biện minh cho mức chênh lệch. Đó là những gì chúng tôi đã và đang làm trong suốt thời gian qua, đó là lý do tại sao nền kinh tế ngày nay rất khác so với nền kinh tế của 20 năm trước.

Vấn đề thực sự là làm sao để tiếp tục thu hút những khoản đầu tư tiên tiến vào Singapore, vượt qua các giới hạn, thực hiện các hoạt động mới. Đồng thời, phải sẵn sàng để những doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại lụi tàn để nguồn lực được giải phóng. Đó thực sự là một quá trình luân chuyển, có thể gây khó khăn cho người lao động. Nhưng đó là lý do tại sao chúng tôi cũng đã nỗ lực rất nhiều để giúp người lao động được đào tạo lại và nâng cao tay nghề. Còn về bản thân người lao động, về đầu vào lao động và người nhập cư, chúng tôi là một nền kinh tế mở và xã hội mở. Chúng tôi hoan nghênh các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Singapore nhưng họ sẽ bị kiểm soát, vì nếu không kiểm soát, chúng tôi sẽ dễ dàng bị áp đảo. Chúng tôi không thể giống như UAE, nơi cư dân địa phương chỉ chiếm chưa đến 10% dân số. Bối cảnh của họ khác, vì họ sử dụng nguồn thu từ dầu khí để cung cấp mọi thứ cho người dân của mình, và đổi lại họ cho phép người nước ngoài nhập cư một cách tự do. Điều đó là không thể ở Singapore.

The Economist: Nghĩa là ông không thể tưởng tượng được tình huống mà công dân Singapore trở thành thiểu số.

Lawrence Wong: Không phải thế. Chúng tôi sẽ luôn cởi mở nhưng dòng chảy nhập cư sẽ được kiểm soát. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các chuyên gia nước ngoài vẫn đến đây. Chúng tôi hoan nghênh họ. Họ gia tăng giá trị cho nền kinh tế của chúng tôi, nhưng chúng tôi yêu cầu họ phải điều chỉnh theo các chuẩn mực xã hội của chúng tôi. Mọi thứ cần được kiểm soát và phân tầng ở nhiều cấp độ khác nhau, vì sẽ có những công việc mà người Singapore không muốn làm, như xây dựng. Mặt khác, sẽ có những lĩnh vực mới mà các chuyên gia tài năng có thể tham gia và cung cấp những kỹ năng mới. Và sẽ có những công việc nằm ở khoảng giữa, mà người Singapore muốn làm, như chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật, nhưng chúng tôi vẫn cần thêm nhân lực. Các ngành nghề khác nhau sẽ chịu các mức độ kiểm soát khác nhau. Chúng tôi làm điều đó để đảm bảo rằng khi những người nhập cư đến, chúng tôi chào đón họ; khi các chuyên gia nước ngoài đến, họ bổ sung cho nhân lực cốt lõi của Singapore, họ bổ sung cho nền kinh tế của chúng tôi, cho xã hội của chúng tôi. Và cuối cùng, điều đó tạo ra lợi ích ròng cho tất cả người dân Singapore, đó là cách tiếp cận của chúng tôi.

The Economist: Một khía cạnh của việc di cư vào Singapore là mục tiêu duy trì sự cân bằng sắc tộc. Tôi tin rằng nó được gọi là CMIO – viết tắt của “Chinese, Malays, Indians, and Others” (Người Hoa, người Malay, người Ấn Độ, và những sắc tộc khác).

Lawrence Wong: Đó chỉ là một cách viết tắt, giờ đây các sắc tộc đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều, bởi sự xuất hiện của những cuộc hôn nhân đa sắc tộc. CMIO chỉ là cách viết tắt thôi.

The Economist: Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao cách viết tắt đó lại cần thiết? Tại sao Singapore không thể trở thành một xã hội hậu chủng tộc, và không cần phải có mục tiêu ngầm về thành phần dân số như vậy?

Lawrence Wong: Chúng tôi muốn phát triển thành một xã hội nơi mọi người không còn bận tâm đến chủng tộc, nhưng chúng tôi cũng cần thực tế về điều này. Bản năng chủng tộc là bản năng nguyên thủy, rất dễ bị kích động và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Chắc chắn, ngày nay chúng tôi đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với khi Singapore mới giành được độc lập và so với khi chúng tôi có các cuộc bạo loạn chủng tộc trong quá khứ. Nhưng ngay cả thế, thì sau ba năm COVID, gần đây, chúng tôi đã có một sự gia tăng các sự cố liên quan đến chủng tộc. Và chúng rất gay gắt, rất thù địch, kiểu sự cố khiến mọi người bị kích động.

The Economist: Ông có thể nêu ví dụ về một trong những sự cố đó cho các khán giả toàn cầu của chúng ta không?

Lawrence Wong: Chà, đã có những sự cố mà người dân bị nhắm mục tiêu, bởi vì chúng tôi đã triển khai…các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của virus trong những ngày đầu của dịch bệnh, nhưng mọi người đã xem thường một số quy tắc. Chẳng hạn, nếu một người ra ngoài và nhìn thấy ai đó đi bộ mà không đeo khẩu trang trong công viên, và người đó thuộc một cộng đồng sắc tộc cụ thể, thì sau đó, anh ta sẽ đưa ra những nhận xét phân biệt chủng tộc. Và những nhận xét đó có thể bị lan truyền trên mạng. Điều này đã xảy ra nhiều lần, ví dụ như khi chúng tôi cho phép những người đến từ Ấn Độ nhập cảnh, khi Ấn Độ có một làn sóng COVID lớn…đã có một phản ứng gay gắt. Đó không phải là chuyện đã xảy ra cách đây 20 năm mà chỉ mới xảy ra rất gần đây. Nhưng đó chỉ là một lời nhắc nhở rõ ràng…Mọi người ở Singapore không phân biệt chủng tộc. Theo nhiều cách, con người chúng ta luôn hướng tới những lý tưởng mà mình đọc trong bản tuyên thệ không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, hay tôn giáo. Nhưng những lý tưởng này đang ngủ yên. Và chỉ cần một sự cố, một diễn biến xấu, một ai đó cố tình khuấy động mọi việc khiến virus đang ngủ yên bùng phát trở lại. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cảnh giác và đề phòng.

The Economist: Một trong những sự kiện đã xảy ra ở phương Tây là sự trỗi dậy của một nền chính trị bản sắc mạnh mẽ, vì lý do ý thức hệ, có lẽ vì cả mạng xã hội nữa. Ông có nghĩ đó là mối đe dọa đối với Singapore?

Lawrence Wong: Chúng tôi đã chứng kiến hiện tượng đó ở Singapore. Một số người đã bị cuốn vào nó. Chúng tôi đang lựa chọn một cách tiếp cận rất khác để giải quyết các vấn đề về bản sắc. Thứ nhất, như tôi đã nói, vấn đề không phải là hòa nhập thành một bản sắc duy nhất. Chúng tôi cho phép mọi người được sống với bản sắc dân tộc của riêng họ, bất kể họ là ai. Và chúng tôi yêu cầu họ bảo vệ điều đó vì nó rất quý giá, nó tạo nên con người chúng ta. Nhưng chúng tôi cũng tập hợp lại với nhau và tìm cách mở rộng nền tảng chung mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau với tư cách là những người Singapore. Đơn giản thì nó không phải phép trừ, mà là phép cộng.

Và một phần quan trọng để làm được điều đó là phải tập hợp mọi người lại với nhau, để có nhiều cam kết trực tiếp hơn với nhau, tìm hiểu thêm về truyền thống phong tục của nhau, từ đó bắt đầu trân trọng, thấu hiểu, và tôn trọng lẫn nhau. Để rồi khi có những khác biệt, chúng tôi sẽ tìm cách dung hòa và thỏa hiệp, vì những khác biệt chắc chắn sẽ tồn tại, và thỏa hiệp không phải là một từ xấu, thỏa hiệp không phải là một sự ô nhục, đối với sắc tộc hay bản sắc của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta xem thỏa hiệp là sự ô nhục thì sẽ xảy ra chiến tranh tổng lực. Và sẽ có sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm khác nhau ở Singapore. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn một cách tiếp cận rất khác ngay từ những ngày đầu thành lập đất nước, kể từ khi giành được độc lập. Và tôi nghĩ cách tiếp cận đó đã có hiệu quả. Ở Singapore, mọi người hiểu điều này khác đi. Không phải mọi nhóm đều có thể có được mọi thứ họ muốn. Nhưng bằng cách làm việc cùng nhau, bằng cách gắn kết, không nhấn mạnh sự khác biệt mà cố gắng tìm ra điểm chung, đó là cách tiếp cận có hiệu quả hơn cho tất cả chúng ta.

The Economist: Một thay đổi xã hội khác là cách mà quan điểm của giới trẻ ở Singapore thích nghi và phát triển. Gần đây, ông đã thực hiện một cuộc tham vấn lớn mang tên Singapore Tiến lên (Forward Singapore) trong đó ông trò chuyện với khoảng 200.000 người Singapore bằng cách này hay cách khác. Báo cáo của cuộc tham vấn kết luận rằng “đã có những thay đổi rõ ràng trong suy nghĩ của giới trẻ chúng ta.” Đây là thế hệ lớn lên trong một Singapore vô cùng thành công và thịnh vượng. Xin hãy trình bày xem thái độ của họ đã thay đổi như thế nào so với các thế hệ trước.

Lawrence Wong: Theo một khía cạnh nào đó, tôi thuộc thế hệ mà tôi sẽ là thủ tướng đầu tiên được sinh ra sau khi Singapore độc lập. Tất cả những người tiền nhiệm của tôi từng hát hai, thậm chí là ba bài quốc ca khác. God Save the King, Kimi Ga Yo của Nhật Bản, và Negaraku của Malaysia trong một thời gian ngắn. Tôi chỉ hát một bài quốc ca, Majulah Singapura, quốc ca của chúng tôi. Những giá trị, những nguyên tắc được xây dựng ngày nay đã tạo nên một chế độ nhân tài, liêm khiết, hòa hợp chủng tộc, chủ nghĩa ba bên, cách tiếp cận mà tôi đã nói trước đó – tìm ra điểm chung – tôi nghĩ những giá trị đó đã ăn sâu vào trong tôi và cả nhiều người trẻ mà tôi có dịp trò chuyện. Đồng thời, cũng có những thay đổi. Khi tiếp xúc với những người trẻ, dù bằng tuổi tôi, hoặc sinh ra sau độc lập, hoặc thậm chí trẻ hơn, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự thay đổi trong nguyện vọng của họ. Và đây là những khát vọng cao cả. Tôi nghĩ rằng những người trẻ mà tôi tiếp xúc thích phấn đấu và làm việc chăm chỉ vì khát vọng của riêng họ, nhưng họ muốn thấy một Singapore chịu chấp nhận những định nghĩa rộng hơn về thành công, nơi mọi công việc đều được tôn trọng, nơi mọi công việc đều được trả lương công bằng, và nơi đem lại cảm giác yên tâm và an toàn hơn để các cá nhân tự phát triển bản thân và vượt qua những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Đây là những điều tôi đã chắt lọc từ các cuộc trò chuyện của mình, chúng tôi đã tổng hợp chúng lại thành một phần của cái mà chúng tôi gọi là lộ trình Singapore Tiến lên. Và chúng tôi đang thực hiện các bước để hiện thực hóa những mục tiêu này.

The Economist: Ông đã mô tả một Singapore phải đối mặt với nhiều biến động trong nền kinh tế để duy trì vị trí dẫn đầu trên toàn cầu, một Singapore với một thế hệ người Singapore mới cùng những kỳ vọng khác nhau. Hãy chuyển sang chính trị và nói về cách chính trị đang thích nghi và thay đổi để phản ánh rằng ông là một phần của thế hệ được gọi là 4G, thay cho những người tiền nhiệm 3G…

Lawrence Wong: Vì không có từ nào hay hơn.

The Economist: Từ này cũng không tệ mà.

Lawrence Wong: Chúng tôi mới chỉ có ba lần thay đổi chính phủ.

The Economist: Và xin nói rõ với người nghe. Đây không phải là các thuật ngữ viễn thông. Hãy cho chúng tôi biết phong cách quản lý của 4G, thế hệ của ông và chính phủ của ông, sẽ khác với 3G như thế nào.

Lawrence Wong: Tôi nghĩ nền chính trị ở Singapore đã, đang, và sẽ không ngừng phát triển. Những ngày mà chính quyền Đảng Hành động Nhân dân (PAP) thống trị trong thập niên 60, 70, thậm chí 80, dưới thời ông Lý Quang Diệu, những ngày đó đã qua và sẽ không thể quay trở lại. Từ đó đến nay, nền chính trị đã có nhiều phát triển. Bản thân người Singapore đã phát triển. Họ là một khối cử tri có trình độ học vấn cao, rất tinh tế, rất sáng suốt trong cách họ bỏ phiếu.

Dù đa số ngày nay vẫn muốn PAP tiếp tục nắm quyền, nắm chính phủ, nhưng họ cũng muốn thấy nhiều tiếng nói đối lập hơn trong quốc hội. Vì vậy, phe đối lập sẽ tiếp tục tồn tại trong Quốc hội. Mọi chuyện khá rõ ràng. Và tôi cũng đã nói rằng khi tôi tham gia bầu cử, tôi không cho rằng PAP sẽ tự động trở lại nắm quyền, tôi không cho rằng mình sẽ là thủ tướng tiếp theo sau cuộc bầu cử. Đây là thực tế mới trong bối cảnh chính trị của Singapore, có nghĩa là trên cương vị một chính phủ, một đảng, hay một thủ tướng, người cuối cùng sẽ phải dẫn dắt đảng mình trong các cuộc bầu cử, chúng tôi sẽ phải cố gắng hết sức để gắn kết với người dân Singapore, thu hút họ tham gia vào các quyết định mà họ quan tâm sâu sắc và vào việc định hình tương lai của chúng tôi, đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình Singapore Tiến lên, cố gắng gắn kết người dân Singapore nhiều hơn nữa, không chỉ lắng nghe họ mà còn tìm kiếm những nền tảng nơi mọi người có thể tham gia vào việc ra quyết định và bắt đầu cùng nhau định hình tương lai của đất nước chúng tôi.

The Economist: Lý Quang Diệu từng nói: “Ai cai trị Singapore phải có sắt trong người.” Người ta luôn có cảm giác rằng các nhà lãnh đạo Singapore thời kỳ sau độc lập là những người mạnh mẽ, đôi khi là những người cứng rắn. Ông có thấy mình là một lãnh đạo như vậy không? Ông “có sắt trong người” chứ?

Lawrence Wong: Tôi tin rằng khi có khó khăn và khi phải đưa ra những quyết định khó khăn, tôi sẽ làm như vậy. Miễn là quyết định đó có lợi cho Singapore và người dân Singapore.

The Economist: Bản chất của công việc này đôi khi buộc người ta phải làm những điều họ không muốn, đôi khi họ phải trở nên gay gắt hơn với công chúng, ông có thấy mình giống với khuôn mẫu đó không? Hay ông là người lắng nghe nhiều hơn?

Lawrence Wong: Tôi vẫn là chính mình thôi. Tôi luôn cẩn thận lắng nghe quan điểm của mọi người. Khi bước vào một cuộc họp, tôi không bắt đầu bằng cách cho rằng mình biết tất cả các câu trả lời. Tôi muốn góp nhặt những hiểu biết của mọi người. Tôi muốn hiểu quan điểm của mọi người, và cuối cùng suy nghĩ xem điều gì sẽ mang lại những quyết định và kết quả tốt nhất cho Singapore. Và một vài quyết định trong số này có thể không phải là những quyết định được nhiều người ủng hộ, nhưng vẫn có thể cảm nhận và có thể tin chắc rằng đó là những quyết định đúng đắn. Do đó, khi những tình huống khó khăn phát sinh, mà tôi đã phải đối mặt nhiều lần chẳng hạn như trong thời kỳ dịch bệnh, hoặc gần đây hơn là việc tăng GST [Thuế bán hàng hóa và dịch vụ] trong ngân sách… khi những quyết định này được đưa ra, người dân Singapore có thể yên tâm rằng tôi đã đưa ra những quyết định vì lợi ích tốt nhất của Singapore và người dân Singapore, và giải thích cho họ lý do tại sao những quyết định khó khăn này là cần thiết.

The Economist: Một phần trong câu chuyện của ông là ông không theo học một ngôi trường của giới tinh hoa, nhưng đã có một nền giáo dục điển hình hơn nhiều; ông đã học ở một trường học địa phương? Điều đó quan trọng như thế nào đối với hình ảnh của ông trong mắt người dân Singapore bình thường?

Lawrence Wong: Xuất thân của tôi là vậy. Ý tôi là, nếu nó khiến người dân Singapore dễ đồng cảm với tôi hơn thì càng tốt. Nhưng tôi không lo lắng. Như tôi đã nói, người Singapore là những cử tri sáng suốt và khôn ngoan, tôi tin chắc rằng, sau cùng, họ sẽ mong đợi tôi thực hiện những điều họ quan tâm. Mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại mức sống tốt hơn cho bản thân và con cái họ. Nếu tôi và đội ngũ của mình, chúng tôi không thể đáp ứng được những kỳ vọng cao đó… Nếu chúng tôi không thể đáp ứng những tiêu chuẩn đó, và xuất hiện một đội ngũ tốt hơn, thì người Singapore sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp. Tôi không có nghi ngờ gì về điều đó.

The Economist: Theo tôi hiểu, nhiều khả năng Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Hiển Long sẽ tiếp tục đóng một vai trò nào đó, có thể là trong nội các. Liệu ông có thể chia sẻ về điều đó, nhất là để giải quyết quan ngại rằng việc này có thể ngăn cản thế hệ 4G tìm được tiếng nói của mình và thực thi quyền lực ở Singapore.

Lawrence Wong: Đây là truyền thống của Singapore. Ý tôi là, anh sẽ không thấy điều này phổ biến ở các quốc gia khác, nhưng đó là một truyền thống lâu đời của Singapore, và chúng tôi cảm thấy nó rất có giá trị. Mỗi lần chúng tôi chuyển giao quyền lãnh đạo, chúng tôi không đơn thuần loại bỏ tất cả các bộ trưởng lớn tuổi và để một đội ngũ hoàn toàn mới lên nắm quyền. Chúng tôi đánh giá cao các bộ trưởng giàu kinh nghiệm, và mời họ tiếp tục đóng góp theo những cách khác nhau, theo cách riêng của họ. Chúng tôi cũng đã làm điều này với các cựu thủ tướng, đây không phải là lần đầu tiên – dù đó là ông Lý Quang Diệu, ông Ngô Tác Đống, hay ông Lý Hiển Long. Và việc ngăn cản thủ tướng mới thiết lập phong cách lãnh đạo và đưa ra quyết định của riêng mình chưa bao giờ là vấn đề, vây nên tôi không thấy có bất kỳ khó khăn nào khi ông Lý Hiển Long tiếp tục phục vụ như một bộ trưởng cấp cao. Mạng lưới quan hệ mà ông ấy có trên phạm vi quốc tế sẽ rất có giá trị. Và tôi sẽ sử dụng ông ấy theo cách tốt nhất có thể. Bởi vì đối với tôi, với tư cách là người lãnh đạo, tôi sẽ phải tìm cách khai thác nguồn năng lượng tập thể của toàn thể đội ngũ của mình, cũng như của mỗi người dân Singapore, để tạo ra những cơ hội tốt nhất giúp cho hòn đảo nhỏ bé này tiếp tục tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết trong một thế giới tối tăm và đầy rắc rối.

The Economist: Vậy ai sẽ là người đứng đầu PAP, đảng của ông?

Lawrence Wong: Đó cũng là một truyền thống. Sau quá trình chuyển đổi lãnh đạo, sau khi tân thủ tướng lên nắm quyền, sẽ có một quá trình chuyển giao để tân thủ tướng lên đảm nhận chức vụ Tổng Bí thư PAP. Điều này sẽ xảy ra vào thời điểm thích hợp. Có lẽ thêm một câu hỏi nữa và chúng ta kết thúc nhé.

The Economist: Tại sao chúng ta không kết thúc với di sản của ông? Nếu ông giữ chức thủ tướng trong một thập niên, thì vào cuối thời kỳ đó, ông muốn thay đổi Singapore như thế nào? Ông muốn trở nên khác biệt như thế nào sau mười năm nữa?

Lawrence Wong: Chà, điểm khởi đầu như tôi vừa nói là Singapore đã có những biến chuyển đáng kể trong 60 năm qua. Nhưng thực tế thì chúng tôi vẫn là một hòn đảo nhỏ bé trong một thế giới rộng lớn và nguy hiểm, nơi sẽ còn trở nên nguy hiểm hơn trong những năm tới. Vì thế, chúng tôi luôn xem mình là kẻ yếu thế. Chúng tôi sẽ luôn là một quốc gia không thể tin được, một quốc gia được hình thành chỉ nhờ ý chí tập thể của nhân dân chúng tôi. Những gì đã xảy ra trong 60 năm qua quả thực là một điều kỳ diệu. Và sứ mệnh của tôi là giữ cho điều kỳ diệu này tồn tại lâu nhất có thể, và đảm bảo chấm đỏ nhỏ bé này tỏa sáng rực rỡ lâu nhất có thể.

The Economist: Cảm ơn ông rất nhiều vì đã tham gia cùng chúng tôi.

Lawrence Wong: Cảm ơn anh.