Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Trong giai đoạn này Lê – Mạc tiếp tục tranh hùng. Phía Mạc, sau khi dũng tướng Mạc Kính Điển mất, thế lực trở nên suy vi; phe Lê, Tiết chế Trịnh Tùng thừa thắng mấy lần xua quân ra Bắc.
Ngày mồng một tháng Giêng năm Sùng Khang thứ 8 [2/2/1573], tức Lê Thế Tông năm Gia Thái thứ nhất, Minh Long Khánh năm thứ 7, Tả tướng Trịnh Tùng và các quan tôn Hoàng tử thứ năm của Vua Anh Tông là Lê Duy Đàm lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu Gia Thái, đại xá, ban dụ đại cáo, đại lược nói:
“Ta nghe thượng đế mở rộng công nuôi dưỡng muôn loài, tất ngay dịp xuân mà ban ân đức, vương giả giữ gìn buổi đầu tức vị, phải ra mệnh lệnh dụ bảo thần dân. Trên dưới hợp nhau, đồng lòng một chí. Nước nhà ta, nhân thời cơ mà mở vận, gây dựng nước bằng lòng nhân. Một tổ khai sáng đầu tiên, các thánh kế nối sau mãi, truyền nhau chính thống đã hơn một trăm năm. Vừa rồi, gặp cơn vận ách, giềng mối rối tung. May nhờ lòng người còn theo, mệnh trời còn đó. Thánh phụ hoàng thượng ta là dòng dõi nhà Vua, nối cơ đồ của tông tổ, khôi phục nghiệp lớn, trải hơn mười tám năm. Ngày 26 tháng 2 [10/3/1572], bị kẻ gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nỗi xa giá phiêu giạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa. Ta là con thứ năm của hoàng phụ, đương tuổi thơ non nớt, nối nghiệp lớn khó khăn, chỉ sợ không cáng đáng nổi. Nhưng trên vâng mệnh trời yêu mến, dưới theo lòng người suy tôn, từ chối không được, nên vào ngày mồng một tháng Giêng năm nay, ta đã lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Thái năm thứ nhất, thực là nhờ được đại thần Tả tướng thái uý Trường quận công Trịnh Tùng và các quan văn võ đồng lòng giúp sức để dẹp yên xã tắc. Vậy ban chiếu mệnh 6 điều để các nơi gần xa được biết:
1. Người dân nào bị nạn binh lửa không còn tài sản gì đều được tha tạp dịch.
2. Dân nghèo xiêu giạt cho về quê cũ, và được tha thuế khoá, sai dịch.
3. Những người theo trộm cướp và những kẻ trốn tù, trốn tội nếu đến thú tội ở cửa quan thì được ân xá, tha tội.
4. Các nha môn trong ngoài nếu có người tù bị giam nào tội nhẹ thì thả cho ra.
5. Các quan văn võ người nào có công thì cho thăng tước một bậc.
6. Con cháu các quan viên, người nào bị oan khuất, kìm hãm, thì cho làm bản tâu lên, sẽ tùy theo tài năng mà bổ dụng. Các nha môn trong ngoài hãy kính theo đó mà thi hành.”
Bấy giờ, Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến Nghệ An đón Vua Anh Tông, nhà Vua lánh ra ruộng mía. Bọn Hữu Liêu đến lạy mời:
“Xin bệ hạ mau mau vào cung để cho tôi con trong nước được thỏa ý mong muốn. Chúng tôi chẳng ai dám có ý gì khác”.
Họ bèn đón nhà vua quay về. Tùng sai Bảng quận công Tống Đức Vị ngày đêm hầu ở bên nhà vua. Ngày 22 tháng Giêng [23/2/1573], đi đến Lôi Dương [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa], Đức Vị ngầm bức bách giết chết nhà Vua, rồi giả vờ nói phao lên rằng nhà Vua tự thắt cổ chết.
Vua Thế Tông mới lên ngôi, phong Tả tướng thái uý Trường quốc công Trịnh Tùng làm Đô tướng, tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, mọi công việc nhà nước đều được tự quyết trước rồi sau mới tâu. Lấy Thái phó Nhân quốc công Vũ Công Kỷ con Vũ Văn Mật làm Hữu tướng, bọn Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Triều quận công Vũ Sư Thước, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu đều làm Thái phó. Trịnh Đỗ làm thái bảo Ngạn quận công, Hùng Trà hầu Hà Thọ Lộc là Lâm quận công. Lại sai sứ mang sắc thư vào Thuận Hoá phong Đoan quận công Nguyễn Hoàng làm Thái phó, sai chứa thóc để sẵn dùng nơi biên ải, còn tiền sai hàng năm phải nộp gồm 400 cân bạc, 500 tấm lụa.
Phía nhà Mạc, vào tháng Giêng, Vua Thần Tông nhà Minh ban cho Mạc Mậu Hợp chức An Nam Đô thống sứ:
“Ngày 27 tháng Giêng năm Vạn Lịch thứ nhất [28/2/1573]. Ban cho Di An Nam Mạc Mậu Hợp được thế tập chức An Nam Đô thống sứ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 231.
Tháng 7 [29/7-26/8/1573], quân Mạc đánh dinh Yên Trường [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa]. Quan quân rút vào trong luỹ để tỏ là yếu. Hôm sau, giặc lại đắp thêm luỹ, định qua đò Đoạn Trạch. Tiết chế Trịnh Tùng tung binh thuyền ra đánh, phá tan, liền tháo chạy về bắc. Tháng 10 [26/10-23/11/1573], sai Hữu tướng thái phó Nhân quốc công Vũ Công Kỷ đem quân bản bộ về trấn giữ Đại Đồng [Yên Bái] để vỗ yên dân địa phương. Bấy giờ Mạc Kính Điển đem Mạc Mậu Hợp trở về thành Thăng Long, sai quân làm doanh trại ở ngoài cửa nam thành.
Mùa xuân năm Sùng Khang năm thứ 9 [23/1/1574-10/2/1575], tức Lê Thế Tông năm Gia Thái thứ 2, Minh Vạn Lịch năm thứ 2, nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho Vũ Văn Khuê đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Mạc Đình Dự 10 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Vũ Duy Hàn 13 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 6 [19/6-17/7/1574], nhà Mạc sai tướng Nam đạo là Nguyễn Quyện đem quân xâm lấn Nghệ An, từ sông Cả [sông Lam] trở về Bắc đều chiếm được. Hoàng quận công đánh nhau nhiều lần không được, thấy quân lính nhiều kẻ bỏ trốn, bèn làm vòng sắt khoá chân quân lính vào thuyền. Quân Mạc đuổi đến, họ cũng không chịu đánh. Hoành quận công bèn bỏ thuyền lên chạy bộ, đến châu Bố Chính [Quảng Bình], bị tướng Mạc là Nguyễn Quyện bắt sống đem về kinh đô, rồi bị giết.
Mùa thu, tháng 7 [18/7-15/8/1574], Tiết chế Trịnh Tùng sai Thái phó Lai quốc công Phan Công Tích và Tấn quận công Trịnh Mô đem quân cứu Nghệ An, chống nhau với tướng Mạc Nguyễn Quyện đến vài tháng. Sau bọn Quyện đem quân về kinh, Công Tích cũng thu quân về Thanh Hóa.
Ngày 20 tháng 7 [6/8/1574], Mạc Mậu Hợp phong cho Mạc Kỳ, con trưởng của Ly vương Mạc Lý Tốn làm Hưng lễ vương.
Tháng 10, Mạc Mậu Hợp xin tiến cống nhà Minh, được chấp thuận:
“Ngày 9 tháng 10 năm Vạn Lịch thứ 2 [23/10/1574]. Đô thống sứ An Nam Mạc Mậu Hợp xin được tiến cống. Hứa cho.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 236.
Bấy giờ phía nhà Lê, Tiết chế Trịnh Tùng nắm hết mọi quyền. Bọn Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách và Lương quận công ngầm mưu sát hại, việc tiết lộ, đều bị bắt hạ ngục để xử tội. Bà phi họ Nguyễn, tức mẹ Trịnh Tùng, ra sức cứu gỡ mới được khỏi tội, nhưng bị tước quyền.
Ngày mồng 6 tháng Giêng năm Sùng Khang thứ 10 [16/2/1575], tức Lê Thế Tông năm Gia Thái thứ 3, Minh Vạn Lịch năm thứ 3, Mạc Kính Điển đem quân đánh Thanh Hóa, bọn Nguyễn Quyện đánh Nghệ An. Bấy giờ, quân Mạc mạnh, tiến đến đâu mọi người đều không dám chống lại, trốn vào núi rừng để tránh mũi nhọn của chúng. Kính Điển đem đại binh tiến đánh các sông ở Yên Định và Thuỵ Nguyên [phía hữu ngạn hạ lưu sông Mã và tả ngạn hạ lưu sông Chu]. Lại chia quân cho bọn tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn tiến đánh các huyện Lôi Dương [huyện Thọ Xuân] và Đông Sơn.
Tháng 8 [4/9-3/10/1575], Tiết chế Trịnh Tùng sai thái phó Vinh quận công Hoành Đình Ái thống suất bọn Nghĩa quận công Đỗ Diễn, Thạch quận công Vương Trân, Hùng quận công Phan Văn Khoái đóng quân ở núi Tiên Mộc [huyện Nông Cống]. Tiết chế tự dẫn đại quân, sai bọn Thái phó Triều quận công Vũ Sư Thước và Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu làm tiền đội đi tiên phong, Thái phó Vệ Dương hầu Trịnh Bách, Vĩnh Thọ hầu Trịnh Đồng, Quảng Diên hầu Trịnh Ninh, làm Tả đội, Thái phó Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Thái phó Ngạn quận công Trịnh Đỗ, Lương quận công, Bảng quận công Tống Đức Vị làm Hữu đội, bọn Lân quốc công Hà Thọ Lộc làm Hậu đội, đều tiến đến Chiêu Sơn đóng quân. Mạc Kính Điển đem đại binh đánh ở xã Đông Lý, huyện Yên Định. Bọn Sư Thước và Hữu Liêu tung kỳ binh ra đuổi. Mùa đông, Kính Điển phải kéo quân trở về.
Cũng trong tháng 8, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn thái phó An quận công Lại Thế Khanh, Tấn quận công Trịnh Mô, Lai quận công Phan Công Tích đem quân đến cứu Nghệ An, đánh nhau mãi với tướng Nam đạo của nhà Mạc là Nguyễn Quyện không được. Quyện đem kỳ binh phục sẵn để đợi, đánh thắng luôn, bắt được Công Tích đem về kinh đô.
Ngày 16 tháng 8, sứ nhà Mạc đến kinh đô Bắc Kinh tiến cống. Đây là lễ cống bù cho 4 kỳ, nên Đô thống sứ Mạc Mậu Hợp tiến hành một cách cẩn trọng. Sứ bộ hùng hậu gồm 73 người, cầm đầu là nhân vật nổi tiếng, Tuyên ủy Đồng tri Lê Như Hổ. Sứ bộ được triều Minh tặng gấm lụa, ban yến, và cho hộ tống trở về đến châu biên giới Bằng Tường:
“Ngày 16 tháng 8 năm Vạn Lịch thứ 3 [19/9/ 1575]. Đô thống sứ An Nam Mạc Mậu Hợp, sai sứ đến cống.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 236.
“Ngày 25 tháng 12 năm Vạn Lịch thứ 3 [25/1/1576]. Đô thống sứ An Nam Mạc Mậu Hợp sai bọn Tuyên ủy Đồng tri cống bù 4 kỳ. Thiên tử khen sự cung thuận, ngoài việc thưởng như thường lệ còn ban thêm 4 tấm lụa đoạn, 2 tấm gấm để biểu thị sự ưu đãi.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 237.
“Ngày 10 tháng Giêng năm Vạn Lịch thứ 4 [9/2/1576]. Đô thống sứ An Nam Mạc Mậu Hợp sai bọn Tuyên ủy Đồng tri Lê Như Hổ cùng 73 người đến triều cống. Thiên tử sai quan đãi yến, ban thưởng như thường lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 237.
“Ngày 3 tháng 2 năm Vạn Lịch thứ 4 [3/3/1576]. Sứ thần An Nam bọn Lê Như Hổ triều cống trở về. Thiên tử ra lệnh Thông sự Hồng lô tự hộ tống đến thôn Bố, châu Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, để theo ải Nam Quan ra về.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 237.
Năm Sùng Khang năm thứ 11[31/1/1576-18/1/1577], tức Lê Thế Tông năm Gia Thái thứ 4, Minh Vạn Lịch năm thứ 4, Mạc Kính Điển lại đem quân xâm lược Thanh Hóa, tiến đánh sông Chu ở huyện Thuỵ Nguyên [huyện Thiệu Hóa]. Sai tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn đem quân tiến đánh sông Mã ở huyện Yên Định. Lại chia quân sai tướng Nam đạo Nguyễn Quyện xâm lược Nghệ An, đánh nhau với Tấn quận công Trịnh Mô đến hơn vài tháng. Sau Trịnh Mô nhiều lần đánh không được, bèn rút về Thanh Hóa. Nguyễn Quyện nói:
“Trịnh Mô đánh thua chạy về, rút quân không có hiệu lệnh, ta thế nào cũng bắt được nó“.
Bèn tự đốc quân đuổi tới Ngọc Sơn [huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa], bắt được, đưa Mô về kinh đô. Từ đấy, oai thanh của Nguyễn Quyện ngày một lừng lẫy, trở thành danh tướng của nhà Mạc.
Năm Sùng Khang năm thứ 12 [19/1/1577-6/2/1578], tức Lê Thế Tông năm Gia Thái thứ 5, Minh Vạn Lịch năm thứ 5, nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Vũ Giới, Nguyễn Nhân Triêm, Phạm Gia Môn đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Viết Thảng 5 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Như Lâm 10 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Phía nhà Lê đặt Chế khoa chọn nhân tài. Cho bọn Lê Trạc Tú 3 người đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, bọn Hồ Bỉnh Quốc 2 người đỗ Đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân.
Tháng 5 [18/5-15/6/1577], Tiết chế Trịnh Tùng hạ lệnh cho quan lại Thanh Hóa và Nghệ An đôn đốc dân các xã các huyện, hạn trước tháng 6 phải kịp thời cày cấy, không được để chậm, phòng khi quân đi qua, ảnh hưởng tới nghề nông.
Tháng 7 [15/7-13/8/1577], hạ lệnh cho dân cư các huyện dọc sông xứ Thanh Hóa như Hậu Lộc, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định, thu xếp của cải, gia súc, đưa vợ con vào lánh ở nơi hiểm yếu dưới chân núi để phòng quân giặc đến. Lệnh cho các cửa biển và điểm tuần phòng các nơi dọc đường đều đặt pháo hiệu. Nếu thấy quân giặc tới thì lập tức bắn một tiếng pháo hiệu làm tin, để cho cư dân nghe lệnh, lánh đi chổ khác, không để quân giặc giết hại. Lại hạ lệnh cho vùng chân núi các huyện nếu thấy dân xã ven sông đưa trâu bò gia súc chạy đến xã mình thì phải nghiêm ngặt tuần phòng, nếu có trộm cướp phải đem người đến cứu. Nếu không đến cứu, để mất tiền của súc vật của dân tản cư, thì địa phương ấy phải chia nhau đền.
Phía nhà Mạc, lệnh lấy quân hạng nhất, nhì, ba ở các huyện, mỗi người mang đủ 3 tháng lương ăn để chuẩn bị đánh Thanh Hóa. Tháng 8 [14/8-11/9/1577], Mạc Kính Điển xâm phạm sông Đồng Cổ [sông Mã, huyện Yên Định].[1] Tiết chế Trịnh Tùng đích thân đem đại binh ra cửa luỹ Khoái Lạc [huyện Yên Định][2] chống lại. Quân Mạc đánh phá dinh Hội Thượng, Hoàng Đình Ái đem kỳ binh khiêu chiến, Nguyễn Hữu Liêu đem quân chặn phá giặc. Lại đánh nhau với quân Mạc ở Hà Đô. Tống Đức Vị ngã trên voi xuống suýt bị quân Mạc bắt sống, Trịnh Bách dồn nhiều binh tượng đến cứu thoát. Sau quân Mạc lại tiến đến Hà Đô. Bọn tướng Nam đạo Nguyễn Quyện đem quân phục ở phía ngoài đê chờ đợi, rồi sai bọn Lại Thế Mỹ đem quân khiêu chiến, tiến đến ngoài cửa luỹ Khoái Lạc. Thế Mỹ nhảy lên ngựa trước đến đánh, quân nhà Lê dùng súng bắn chết dưới chân ngựa. Quân Mạc tan vỡ. Các quân tranh nhau dâng tai Thế Mỹ ở cửa quân.
Tháng 9 [11/10-9/11/1577], Mạc Kính Điển đem quân về Thăng Long. Bấy giờ, ở Thanh Hóa mưa dầm nhiều, nước lụt đến 7 lần, lúa má bị hư hại, dân đói to.
Tháng 11 [9/12/1577-7/1/1578] sao chổi xuất hiện, đến ngày mồng một tháng chạp [8/1/1578] chấm dứt, do sự kiện này Vua Thế Tông xuống chiếu đổi niên hiệu năm sau là Quang Hưng thứ nhất.
Ngày 21 tháng 12 năm Diên Thành thứ nhất [28/3/1578], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ nhất, Minh Vạn Lịch năm thứ 6, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh ở trong cung, bại liệt nửa mình, sau chữa thuốc lại khỏi, bèn đổi niên hiệu Diên Thành thứ nhất.
Tháng 7 [3/8-1/9/1578], Mạc Kính Điển đem quân vào đánh các huyện ven sông Thanh Hóa. Tiến đến xã Giang Biểu [huyện Vĩnh Lộc], Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Trịnh Bách đem quân vượt sông phục sẵn ở núi Phụng Công [thuộc xã Phụng Công, huyện Vĩnh Lộc], đánh nhau to ở cầu Phụng Công. Quan quân tập trung súng bắn vào, quân Mạc chết không kể xiết. Kính Điển liền rút quân về kinh đô. Vua lập hành tại ở sách Vạn Lại [huyện Thọ Xuân], xây đàn Nam giao ở ngoài cửa luỹ Vạn Lại.
Tháng 10 [30/10-28/11/1578], tướng Tây đạo của Mạc là Mạc Ngọc Liễn đem quân xâm lấn các châu huyện thuộc Tuyên Quang và Hưng Hoá, đến châu Thu và châu Vật.[3] Thái phó Nhân quận công Vũ Công Kỷ [con Vũ Văn Mật] tung quân đánh lớn, quân Mạc thất bại rút về.
Tháng 7 năm Diên Thành thứ 2 [24/7-21/81579], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 2, Minh Vạn Lịch năm thứ 7, Mạc Kính Điển lại đem quân vào xâm lấn Thanh Hóa, đánh phá vùng ven sông, đến sông Tống Sơn, phủ Hà Trung,[4] đánh vào xã Chương Các. Tiết chế Trịnh Tùng sai Thái phó Nghĩa quận công Đặng Huấn đôn đốc chống quân Mạc ở xã Thái Đường [huyện Vĩnh Lộc], cùng sai Diễn quận công Trịnh Văn Hải làm tiên phong khiêu chiến, đánh mạnh vào núi Kim Âu [huyện Vĩnh Lộc]. Đặng Huấn thúc quân tiến ngầm đến địa phương Tống Sơn [huyện Hà Trung], ra Mục Sơn ở sông Bình Hoà [xã Bình Hòa, huyện Hà Trung], chặn phía sau, quân Mạc thua to phải rút về.
Năm Diên Thành thứ 3 [16/1/1580-3/2/1581], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 3, Minh Vạn Lịch năm thứ 8. Nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy Đỗ Cung đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Đỗ Trực 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Thọ Xuân 20 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Vào tháng 8 [9/9-8/10/1580] nhà Lê cũng lập khoa thi Hội. Cho bọn Nguyễn Văn Giai [người huyện Can Lộc, Hà Tĩnh] 4 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Quang Hoa 2 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân, Phùng Khắc Khoan cũng đậu khoa này.
Tháng 7 [10/8-8/9/1580], nhà Mạc sai bọn tướng Nam đạo Nguyễn Quyện, tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn cùng viên tướng Hoằng quận công đem quân vào đánh Thanh Hóa, cướp bóc tiền của, súc vật của dân cư các huyện dọc sông, rồi rút về.
Tháng 10 [7/11-6/12/1580], Mạc Kính Điển chết. Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao, trung thành, sinh được 9 người con trai, và 9 con gái. Con trai được phong tước Vương, hoặc Công, con gái được phong Thượng chúa.
Ngày mồng 3 tháng chạp [7/1/1581], nhà Mạc sai bọn Lương Phùng Thìn, Nguyễn Nhân An, Nguyễn Uyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vinh, Nguyễn Kính, Đông Uông, Vũ Cẩn, Nhữ Tông, Lê Đình Tú, Vũ Tĩnh, sang triều Minh cống hàng năm. Sử Trung Quốc xác nhận sứ bộ nhà Mạc đến triều Minh vào ngày 19 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 9 [19/7/1581], dâng gộp 4 kỳ cống, nên được khen là trung thuận:
“Ngày 19 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 9 [19/7/1581]. Đô thống sứ An Nam Mạc Mậu Hợp sai Tuyên phủ ty Đồng tri Lương Phùng Thìn dâng biểu văn và sản vật địa phương cống bù các năm Gia Tĩnh thứ 36, Gia Tĩnh thứ 39, và các chính cống vào năm Vạn Lich thứ 3, thứ 6. Bộ phúc tấu Mậu Hợp dâng 4 kỳ cống, trung thuận đáng khen. Thiên tử xuống chiếu mệnh ban yến, cùng ban sắc khen lao.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 238.
Năm Diên Thành thứ 4 [4/2/1581-23/1/1582], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 4, Minh Vạn Lịch năm thứ 9, vua nhà Mạc trao cho viên phụ chính là Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng [con út Mạc Đăng Dung] thống lĩnh binh quyền, đưa các đạo quân xâm lược những huyện ven sông Thanh Hóa. Đôn Nhượng liền đem quân vượt biển vào đến huyện Quảng Xương, đóng quân ở núi Đường Nang. Tiết chế Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái thống lĩnh các tướng tiến quân chống giữ. Đình Ái hội họp các tướng, sai Nguyễn Hữu Liêu làm tiên phong, Đình Ái tự đốc suất đại quân làm chính đội, tiến quân đối trận với quân Mạc, bọn Trịnh Bính, Hà Thọ Lộc làm tả đội chống quân Nguyễn Quyện, bọn Trịnh Văn Hải làm hữu đội, chống quân Mạc Ngọc Liễn. Bọn Trịnh Đồng, Trịnh Ninh làm hậu đội. Hôm ấy các quân đều tiến, đánh nhau to với quân Mạc. Quân Lê nhuệ khí, người nào cũng một mình địch nổi trăm người, chém hơn 600 thủ cấp giặc, bắt sống tướng giặc là bọn Chấn quận công Nguyễn Công và Phù Bang hầu, ngay tại trận. Quân Mạc đại bại, tan vỡ tháo chạy, Đôn Nhượng và tướng sĩ các đạo thu nhặt tàn quân trốn về kinh đô, quân nhà Lê toàn thắng khải hoàn, đến hành dinh dâng tù.
Mạc Mậu Hợp bị bệnh thông manh mờ mắt, tìm thầy thuốc giỏi trong khắp nước chữa liền mấy năm, nay bệnh khỏi, mắt lại sáng ra.
Ngày 26 tháng Giêng năm Diên Thành thứ 5 [18/2/1582], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 5, Minh Vạn Lịch năm thứ 10, nhà Mạc sai Thượng thư bộ Hộ kiêm Quốc tử giám tế tửu Vịnh Kiều bá Hoàng Sĩ Khải và bọn Nguyễn Năng Nhuận, Nguyễn Lễ, Vũ Văn Khuê, lên địa đầu Lạng Sơn đón tiếp sứ bộ Lương Phùng Thìn về nước. Sứ bộ này được triều Minh tiếp đón vào ngày 19 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 9 [19/7/1581], lúc trở về đến châu biên giới Bằng Tường, bị viên Thổ quan châu này là Lý Đức Thắng gây cản trở, khiến viên Thông sự hộ tống bị giết:
“Ngày 27 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 10 [16/7/1582]. Trước đó lúc Cống sứ An Nam trở về, sai quan Thông sự là Phạm Khả Cữu hộ tống. Đến châu Bằng Tường, viên Thổ quan Lý Đức Thắng đòi hỏi [quà biếu], nhưng không được vừa lòng, bèn gây khó khăn. Khả Cửu không chịu, Ðức Thắng không nghe, sai Thổ ty Lục Châu bắt cướp Thông sự, cùng người gánh đồ cống. Rồi người Di vào quan ải, nơi này trở nên đại loạn, Khả Cửu chết. Thượng thư Tổng đốc Trần Thụy tâu lên.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 239.
Sau việc rắc rối nêu trên, viên Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu xin cải tiến tình trạng bằng những biện pháp như tăng cường phòng bị các con đường người An Nam vào cống, không đặt lưu quan tại Bằng Tường, cho lệ thuộc vào phủ Tư Minh,[5] và cấm sứ bộ An Nam tặng quà cho dân địa phương:
“Ngày 19 tháng 2 năm Vạn Lịch thứ 11 [12/3/1583]. Tổng đốc Lưỡng Quảng Thượng thư Trần Thụy, Tuần phủ Quảng Tây Thị lang Quách Ứng Sính dâng biểu gồm 3 điều bàn về việc làm tốt trong tương lai tại các quan ải như Bằng Tường.
Trước đó Thông sự Phạm Khả Cữu hộ tống Sứ thần Di An Nam về nước. Đến Bằng Tường Thổ quan Lý Đức Thắng đòi lễ vật, việc này dẫn đến người Di cãi cọ, tranh đọat hỗn độn, Phạm Khả Cửu bị mất văn thư, rồi viên này tự tử. Tuần Án Quảng Tây điều tra, Đức Thắng chết trong tù, nhân viên tại địa phương bị trừng trị có sai biệt. Nay xin trình bày những việc cần làm tốt trong tương lai:
– Có hai đường thuận lợi cho người Di vào cống là Hải Bắc thuộc tỉnh Quảng Đông, và Tả Giang[6] thuộc tỉnh Quảng Tây, nên sức địa phương nghiêm phòng.
– Bằng Tường quá gần dân Giao, không tiện đặt trụ sở cho lưu quan, tộc Lý Nhân tại đây coi việc châu đã lâu, vẫn cho châu này lệ thuộc vào phủ Tư Minh.
– Việc tống tặng quà của người Di gây rắc rối, phải nghiêm khắc cấm chỉ.
Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 240.
Tháng 6 [20/6-18/7/1582], tướng Mạc là Phù Nghĩa hầu Nguyễn Đình Luân về hàng nhà Lê, được ban tước Trà quận công. Bấy giờ, ở xã Đông Hồi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, có tảng đá trắng to, không biết ở đâu tới cửa biển, rồi từ dưới nước văng lên đất bằng, cách mép nước 15 trượng, người dân địa phương cho là linh dị, bèn lập đền thờ.
Năm Diên Thành thứ 6 [24/1/1583-11/4/1584], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 6, Minh Vạn Lịch năm thứ 11, nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy Nguyễn Tuấn Ngạn đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Đào Tông 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đức Mậu 14 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Phía nhà Lê cũng mở khoa thi Hội các sĩ nhân trong nước, cho bọn Nguyễn Nhân Chiêm 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, Lê Văn Thông đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 7 [17/8-15/9/1583], quân Mạc xâm phạm Thanh Hóa, đánh phá các huyện ven sông. Tiết chế Trịnh Tùng sai quân đánh lớn ở ngoài cửa biển, đuổi quân Mạc đi. Từ đó, quân Mạc không dám xâm phạm nữa, nhân dân các xứ Thanh Hóa và Nghệ An được nghỉ ngơi. Bấy giờ Trấn Yên nước Ai Lao cống hiến triều Lê sản vật địa phương.
Tháng 10 [14/11-13/12/1583], Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất đại quân ra vùng Sơn Nam Hạ, đánh dẹp các huyện Yên Mô [Ninh Bình], Yên Khang [Ninh Bình], thu lấy thóc lúa rồi rút về. Tướng Đông đạo của nhà Mạc là Kỳ quận công Nguyễn Viết Kính quay theo triều Lê, được ban tước Đông quận công.
Tháng Giêng năm Diên Thành thứ 7 [12/2-11/3/1584], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 7, Minh Vạn Lịch năm thứ 12, phía nhà Lê, Tiết chế Trịnh Tùng xuất quân đánh dẹp các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang [Ninh Bình], lại tiến quân tuần hành các huyện Phụng Hoá, phủ Thiên Quan [huyện Nho Quan, Ninh Bình].
Ngày mồng 4 tháng 9 [7/10/1584], Trịnh Cối chết ở bên Mạc. Trước đây, Cối đầu hàng họ Mạc, được ban tước Trung Lương hầu, sau được thăng lên Trung quận công. Đến đây chết. Họ Mạc sai người đến điếu tế, lại muốn giao hảo với nhà Lê, nên sai quân đưa linh cữu, cho mẹ và vợ con đem về chôn. Tiết chế Trịnh Tùng cũng sai người đón tiếp linh cữu về quàn ở bên hữu núi Quân Yên, huyện Yên Định, đặt lễ cúng tế, dâng biểu tâu vua tha tội cho Cối, tặng thái phó Trung quốc công, cho con cái là bọn Trịnh Sâm để tang.
Thời nhà Mạc xảy ra tranh chấp biên giới với nhà Minh tại các châu Qui Thuận và Hạ Lôi, gần biên giới phía bắc tỉnh Cao Bằng. Mạc Mậu Hợp đã đòi được 6 giáp 12 thôn bị mất, nhưng cho là trả chưa đủ, vẫn đòi họp các quan hai bên để hội khám. Lúc đầu nhà Minh không chịu trả thêm, nhưng đến ngày 1 tháng 9 năm Vạn Lịch thứ 14 [12/10/1586], lại trả thêm 4 thôn:
“Ngày 11 tháng Giêng năm Vạn Lịch thứ 12 [22/2/1584]. Tổng đốc Lưỡng Quảng Hữu Đô Ngự sử Quách Ứng Sính xin hội các quan để khám xử An Nam và các động thuộc các xứ như Hạ Lôi Qui Thuận tại biên giới. Hoặc trả lại cho An Nam, hoặc xây mốc đá định biên giới, để chấm dứt mối tranh giữa hai bên và phân biệt giữa Hoa và Di. Thiên tử theo lời.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 240.
“Ngày 26 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 13 [22/7/1585]. Trước đó vào năm Vạn Lịch thứ 8 có cuộc tranh chấp biên giới giữa An Nam và các hạt động Lôi, Qui Thuận thuộc tỉnh Quảng Tây. Triều đình sai quan cắt trả lại 6 giáp, 12 thôn. Đến nay sứ đến lại đem việc mất đất ra nói. Bộ Lễ tâu:
‘Điều xin của Mậu Hợp quá quắt lắm! Việc mất đất xẩy ra cách mấy chục năm về trước, tranh chấp lại xẩy ra mấy chục năm sau đó, người xưa nói, “Người khéo xảo trá mở đất đai theo ý họ”, Mậu Hợp đúng là người như vậy. Nay ban văn thư cho biết về việc sửa đổi trong bản đồ.’
Thiên tử chấp nhận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 241.
“Ngày 1 tháng 9 năm Vạn Lịch thứ 14 [12/10/1586]. Bộ Binh phúc tấu về việc các quan Đốc Phủ tại Lưỡng Quảng xưng rằng:
‘Các châu, động Hạ Lôi, Qui Thuận tiếp giáp với An Nam, thời Trần Lê kế tiếp có xẩy ra sự xâm vượt, đến nay qua các đời nhân tâm đã định, yên ổn không phải chỉ có một ngày. Nay Đô thống sứ Mạc Mậu Hợp nảy ý tham đòi hỏi, tâu nhàm lên Thiên tử, đã sai quan khám và trả lại hơn 120 thôn. Nhưng y còn buông thả mưu đồ phóng túng đòi hỏi không ngớt, hành động của y giống như cái gọi là ‘được Lũng lại muốn thêm Thục’, thực là qua lắm! Sự việc không thể nghe một bên, để tiếp tục gây mối lo dồn dập về sau. Căn cứ vào cương thổ trước kia, hoặc lấy núi non làm giới hạn, hoặc lấy sông ngòi làm giới hạn để phán xét, không thể điều đình theo lối quanh co. Có hai thôn Ngâm Bang, Long Phố dân giống như người Di, Ba Mễ, Cô Cổ 2 thôn đất gần Thạch Lâm, xin đề nghị ban cấp. Để mỗi bên tuân thủ những điều đã định.’
Thiên tử theo lời bàn để tỏ sự ưu đãi đối với người phương xa, nay công bố, từ nay trở về sau không được phép vượt ra khỏi bổn phận trình bày xin thêm nữa!” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 242.
Mạc Mậu Hợp rất chăm việc triều cống nhà Minh, vào đầu năm Vạn Lịch thứ 12 [4/3/1584] nhờ Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu xin đến cống đúng hạn và cống bồi thêm cho 2 kỳ:
“Ngày 22 tháng 1 năm Vạn Lịch thứ 12 [4/3/1584]. Đô thống sứ An Nam Mạc Mậu Hợp từ khi được thế tập chức tước đến nay, triều cống không thiếu. Nay đúng kỳ cho 3 năm cống, lại cống bồi 2 kỳ, nên xin Tổng đốc Lưỡng Quảng Quách Ứng Sính tâu lên và bộ Binh phúc trình. Chiếu xuống cho phép mở cửa quan để xét và tiến dâng đồ cống.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 241.
Sau khi được chấp thuận, vào tháng 10 [2/11-1/12/1584] sứ bộ do Nguyễn Doãn Khâm cầm đầu lên đường sang nhà Minh:
“Tháng 10 họ Mạc sai bọn Nguyễn Doãn Khâm, Nguyễn Vĩnh Kỳ, Đặng Hiển, Nguyễn Năng Nhuận, Vũ Sư Tích, Nguyễn Lễ sang tuế cống nhà Minh.” Toàn Thư, Bản Kỷ Tục Biên, quyển 17, trang 14a.
Sứ bộ gồm 40 người đến Yên Kinh, ngoài ban thưởng như thường lệ, được thưởng thêm gấm và lụa đoạn:
“Ngày mồng 3 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 13 [29/6/1585]. An Nam Đô thống sứ ty Đô thống sứ Mạc Mậu Hợp sai bọn Tuyên ủy sứ Nguyễn Doãn Khâm gồm 40 người dâng cống vật như đồ bằng bạc, ngà voi, sản vật địa phương, được chia làm 2 lễ cống cho năm Vạn Lịch thứ 9 và năm thứ 12. Gia thưởng 1 tấm gấm, 4 tấm lụa đoạn, quan đi cống được thưởng như lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 241.
Tháng Giêng năm Diên Thành thứ 8 [21/1-28/2/1585], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 8, Minh Vạn Lịch năm thứ 13, Tiết chế Trịnh Tùng tự đốc suất đại quân đi dẹp vùng biên giới phía tây, từ Thiên Quan [Ninh Bình], đánh phá các huyện Mỹ Lương [huyện Mỹ Đức, Hà Tây], Thạch Thất [Hà Tây], Yên Sơn [huyện Quốc Oai, Hà Tây]. Quân tiến tới núi Sài Sơn [huyện Quốc Oai, Hà Tây] thì rút về, để lại viên tỳ tướng là Chiêu quận công ở chợ Hoàng Xá. Quân Mạc đuổi theo kịp, Chiêu quận công chết tại trận, quân Mạc lấy được 1 con voi.
Tháng 12 [20/1-17/2/1586], Phủ tiết chế đem quân ra vùng Sơn Nam, đánh dẹp miền Gia Viễn [Ninh Bình], Phụng Hoá [huyện Nho Quan, Ninh Bình] rồi rút về.
Tại vùng Thuận Hóa, tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt [Quảng Trị] để cướp bóc ven biển. Trấn thủ Nguyễn Hoàng sai người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Bọn Hiển Quý sợ chạy.
Năm Đoan Thái năm thứ 1 [1586], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 9, Minh Vạn Lịch năm thứ 14, nhà Mạc đổi niên hiệu, lấy năm nay là Đoan Thái thứ nhất. Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội, cho Nguyễn Giáo Phương đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Phạm Minh Nghĩa 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Văn Tảo 17 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 3 [19/4-17/5/1586] Vua Lê sai Hiến sát sứ là Nguyễn Tạo đến Thuận Hóa khám những ruộng đất hiện cày cấy để thu thuế. Khi Tạo đến, Trấn thủ Nguyễn Hoàng lấy lòng thành tiếp đãi, Tạo rất cảm phục, không đi khám đạc nữa, cho các phủ huyện tự làm sổ, sổ làm xong rồi đem về.
Vào ngày 17 tháng 8 [29/9/1586], tại Thanh Hóa dinh Yên Trường [huyện Thiệu Hóa] cháy lớn. Khi ấy, gió to, lửa mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, phố xá đến vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín mặt trời, khói đen đầy trời, từ giờ Ngọ [11-13 giờ] đến giờ Thân [15-16 giờ] lửa mới tắt. Bà phi của Thái Vương là Nguyễn Thị Ngọc Bảo [con Nguyễn Kim, mẹ Trịnh Tùng] bị chết cháy, Tiết chế Trịnh Tùng lánh chỗ khác để tang, truy tôn mẹ là Minh Khang Thái Vương Thái Phi. Ngày 28 [10/10/1586], trong dinh Yên Trường nổi cơn lốc lớn đến hai dặm, người ngã, nhà tốc, đá bay cát cuộn bay, gãy cây sụt ngói. Ngày mồng 3 tháng 9 [14/10/1586], nước to, mưa dầm hàng tuần, năm ấy Thanh Hóa mất mùa.
Tháng Giêng năm Đoan Thái năm thứ 2 [7/2-8/3/1587], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 10, Minh Vạn Lịch năm thứ 15. Tháng Giêng, họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long và sửa sang các đường phố. Tháng 2 [9/3-7/4/1587], họ Mạc hạ lệnh cho các xứ trong nước phải đắp luỹ đất và trồng tre, trên từ sông Hát [sông Đáy], xuống tới sông Hoa Đình huyện Sơn Minh [huyện Ứng Hòa, Hà Tây], kéo dài đến vài trăm dặm để đề phòng quân đến.
Tháng 5 [6/6-5/7/1587], phía nhà Lê, Thái phó Vệ Dương hầu Trịnh Bách có tội bị xử thắt cổ. Bách cùng họ với Trịnh Tùng, trước đây cùng với Lê Cập Đệ bày mưu định hại Trịnh Tùng. Mưu tiết lộ, Cập Đệ bị giết, Bách bị giam vào trong ngục. Nhờ có Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo hết sức can thiệp, nên được tha tội. Sau khi Ngọc Bảo mất, Bách bị kết tội ngầm nuôi những người yêu thuật, phù thuỷ, lại mưu chôn mộ cha vào đất cấm.
Tháng 10 [31/10-29/11/1587], Tiết chế Trịnh Tùng đem quân đánh phá các huyện Trường Yên [Ninh Bình], Thiên Quan [tây Ninh Bình], rồi tiến quân ra phía tây, đến huyện Mỹ Lương [huyện Chương Mỹ, Hà Tây]. Nhà Mạc sai tướng Tây đạo là Mạc Ngọc Liễn xuất quân ra huyện An Sơn [huyện Quốc Oai, Hà Tây] để đánh vào phía tả quân Tùng, lại sai tướng Nam đạo là Nguyễn Quyện xuất quân đến huyện Chương Đức [huyện Chương Mỹ, Hà Tây], vượt qua sông Do Lễ [huyện Chương Mỹ], lại chia quân đặt mai phục ở miền sơn cước phía hữu, chực cắt đứt đường vận tải lương thực của quân Tùng. Do thám biết được, Tiết chế Trịnh Tùng trước hết sai đại tướng Hoàng Đình Ái cấp tốc đang đêm lén về để giữ Thanh Hóa, lưu bọn Hà Thọ Lộc và Ngô Cảnh Hựu ở lại canh giữ binh lương ở phía sau. Tùng lại sai bọn Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Đỗ, từ đường phía tả, xuất quân đi cầm cự với Mạc Ngọc Liễn để phân tán thế lực của địch. Còn Tùng thì đốc quân do đường phía hữu kéo ra, tiến đánh Nguyễn Quyện. Quyện thua liểng xiểng, phục binh cũng tan vỡ chạy nốt: chúng tranh nhau qua sông, chết đuối vô kể. Quan quân chém và bắt sống vài trăm địch, truy kích đến nửa ngày mới thôi. Ngọc Liễn cũng thu quân chạy trốn. Từ đó, Quyện sợ oai, hễ gặp quân Trịnh thì xa lánh, không dám tranh giành trước mũi nhọn sắc bén nữa. Qua ngày hôm sau Trịnh Tùng đem đại quân tấn công các huyện An Sơn, Thạch Thất, đều phá được cả. Sau đó, vào cuối năm, Trịnh Tùng rút quân về Thanh Hóa.
[1] Sông Đồng Cổ: khúc sông Mã chảy qua địa phận xã Đan Nê, huyện Yên Định. Vì xã này có núi Đồng Cổ, trên núi có đền Đồng Cổ, nên gọi như vậy.
[2] Luỹ Khoái Lạc: ở xã Khoái Lạc, huyện Yên Định, Thanh Hoá.
[3] Châu Thu, Châu Vật: Cương Mục chép là châu Thu Vật, vùng đất tương đương với huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
[4] Phủ Hà Trung: gồm 3 huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hoằng Hóa.
[5] Tư Minh: phủ trị Tư Minh xưa tại huyện Ninh Minh hiện nay, vị trí cách ải Nam Quan khoảng 30km.
[6] Tả Giang: do sông Bằng tại tỉnh Cao Bằng chảy sang Trung Quốc hợp với sông khác tại Long Châu tạo thành sông Tả Giang.