Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Tiết chế Trịnh Tùng hai lần mang quân tiến chiếm thành Đông Đô, cuối cùng Mạc Mậu Hợp bị giết, triều đình nhà Lê chuẩn bị trở về thành Đông Đô.
Tháng 2 năm Hưng Trị thứ 1 [26/2-25/3/1588], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 11, Minh Vạn Lịch năm thứ 16, nhà Mạc thấy quân nhà Lê mỗi ngày một mạnh, bèn định kế phòng thủ. Hạ lệnh cho quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đông Đô, bắt đầu từ phường Nhật Chiều [Nhật Tân, Hà Nội] vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa [phường Thịnh Quang, Hà Nội] đến cầu Dền [ô Cầu Dền, Hà Nội] suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long cũ đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành.
Trước đây, Đông quận công của nhà Mạc là Phạm Viết Kính theo về triều đình nhà Lê, được cấp binh dân tổng Châu Xuyết, huyện Hoằng Hoá [Thanh Hóa] và cho mang quân đi đánh Mạc. Viết Kính cai trị rất nghiêm khắc, dân đều sợ hãi, nhiều người ca than, dân địa phương dâng biểu tố cáo.
Tháng 4 [25/4-24/5/1588], Phủ tiết chế đem quân ra đánh các huyện Yên Mô, Yên Khang [Ninh Bình], dẹp yên dân miền ấy rồi về.
Tháng 11 [18/12/1588-16/1/1589], Tiết chế Trịnh Tùng lại đem đại binh ra đánh các huyện thuộc phủ Trường Yên và Thiên Quan [Ninh Bình, Hòa Bình]. Quân tới Yên Mô, Yên Khang, thu được rất nhiều trâu bò, gia súc và của cải rồi vượt sông Chính Đại, đến trại Dương Vũ [huyện Yên Khánh, Ninh Bình] đóng quân. Sau một tuần, Phủ tiết chế giả cách rút quân về, để lại kỳ binh và voi ngựa mai phục ở sau dinh, rồi đốt doanh trại để dụ địch. Quân Mạc quả nhiên bỏ không trại sách, tranh nhau lên trước đuổi đánh. Phục binh bỗng nổi dậy đánh úp, chém được mấy trăm thủ cấp. Tướng Mạc là bọn Tân quận công, Quỳnh quận công chỉ thoát được thân mình. Tiết chế Trịnh Tùng thu quân rút về, đến núi Tam Điệp [Ninh Bình] hạ lệnh cho các quân đi lấy cây gỗ lim lớn, dài 30 thước, cắm ở cửa biển Linh Trường [Lạch Trường, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa], những cọc gỗ đều dùng dây sắt khoá lại.
Năm Hưng Trị thứ 2 [1589], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 12, Minh Vạn Lịch năm thứ 17, nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy bọn Phạm Y Toàn 17 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Nhà Lê cũng cho thi Hội các Cử nhân trong nước, cho bọn Lê Nhữ Bật, Lương Trí đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lương Khiêm Hanh, Lê Túc đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 10 [8/11-7/12/1589], Tiết chế Trịnh Tùng đánh bại quân Mạc ở núi Tam Điệp [Ninh Bình], Mạc Đôn Nhượng bỏ chạy.
Trước đó Trịnh Tùng đích thân đốc suất đại quân đi đánh các huyện tại Trường Yên [Ninh Bình]. Nhà Mạc sai Đôn Nhượng đem vệ sĩ và quân 4 trấn, ấn định nhật kỳ đồng thời cùng tiến. Đôn Nhượng kéo đến Yên Mô [Ninh Bình], hẹn ngày hội chiến.
Tiết chế Trịnh Tùng bàn mưu với các tướng rằng:
“Giặc Mạc dốc hết quân đến đây, định quyết một trận sống mái với ta đó. Nay ta đã giữ một chỗ địa thế hiểm yếu rồi, quân giặc dẫu nhiều cũng không thể làm gì được. Binh pháp có nói: ‘Một người giữ được chỗ hiểm yếu thì hàng nghìn kẻ khác không địch nổi’. Chính là thế đó. Bây giờ ta nên giả vờ rút lui, nhử giặc vào sâu hiểm địa, giặc coi khinh ta, chắc sẽ lùa hết quân sĩ đuổi theo. Bấy giờ ta sẽ tung quân chủ lực ra đánh úp chúng thì tất thế nào cũng phá tan được“.
Đêm hôm ấy, hồi canh ba, Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu quản lãnh 15.000 quân tinh nhuệ, 200 quân khinh kỵ kéo đi trước, lén mai phục ở chân núi. Tùng cắt bọn Trịnh Đỗ và Trịnh Đồng quản lãnh quân lính ở lại đoạn hậu, nhử giặc vào chỗ mai phục, Ngô Cảnh Hựu thì thu lượm lương thực và quân lính rút lui trước để tỏ ý kéo quân về. Đại Doanh của trung quân cũng theo đó rút lui. Trịnh Tùng điều quân cũng rút vào núi Tam Điệp, đóng dinh trại. Quân Mạc thấy thế, cho rằng quân nhà Lê khiếp sợ, tháo lui, trốn tránh, nên chúng đua nhau lên trước để đuổi theo đánh giết. Bọn Đỗ và Đồng vừa đánh vừa lùi, nhử giặc đến sơn cước. Phục binh nghe tiếng pháo nổ, hàng loạt nổi dậy. Trịnh Tùng tung đại quân ra, bốn mặt cùng hăng hái đánh, chém hơn nghìn thủ cấp địch, bắt sống hơn 600 người. Giặc tan vỡ xiểng liểng thua chạy. Đôn Nhượng thu lượm tàn quân trốn về. Quân nhà Lê đại thắng, bèn rút. Các tướng ai nấy đều đem đến dâng nộp những tù binh mà mình đã bắt được, Tiết chế Trịnh Tùng đều sai cởi trói và vỗ về yên ủi, rồi cấp cho cơm áo, thả về.
Bấy giờ tại Thuận Quảng mấy năm được mùa luôn, dân chúng no đủ, nhà Lê thì liền năm đánh dẹp, quân dụng không đủ. Trấn thủ Nguyễn Hoàng ra lệnh thu thuế gửi đi giúp quân phí, chưa từng để thiếu thốn, Tây Đô được nhờ vào đấy.
Vào ngày mồng 2 tháng 10, Mạc Mậu Hợp sai sứ đến cửa quân Lưỡng Quảng xin làm lễ cống:
“Ngày 2 tháng 10 năm Vạn Lịch thứ 17 [9/11/1589]. Đô thống sứ ty An Nam Đô thống sứ Mạc Mậu Hợp đến cửa quân Lưỡng Quảng trình xin làm 2 lễ cống bù và cống chính thức.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 243.
Sau khi được chấp nhận, vào năm sau sứ bộ Lại Mẫn đến Bắc Kinh tiến cống, được ban yến tiệc:
“Ngày 11 tháng 8 năm Vạn Lịch thứ [18 9/9/1590]. Đô thống sứ An Nam Mạc Mậu Hợp sai bọn Tuyên phủ Phó sứ Lại Mẫn tiến cống, ban yến như lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập3, trang 243.
Năm Hưng Trị thứ 3 [5/2/1590-21/1/1591], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 13, Minh Vạn Lịch năm thứ 18. Bấy giờ Hoằng quận công của nhà Mạc chứa giấu phu nhân của Đường An Vương Mạc Kính Chỉ. Việc bị phát giác, Hoằng quận công và phu nhân đều bị giết.
Năm Hồng Ninh thứ nhất [25/11591-12/2/1592], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 14, Minh Vạn Lịch năm thứ 19, Mạc Mậu Hợp đổi niên hiệu Hưng Trị thành Hồng Ninh năm thứ nhất.
Tháng 12 [15/1-12/2/1592], Tiết chế Trịnh Tùng lại định mang quân ra Bắc. Để lại lực lượng phòng thủ, sai bọn Diễn quận công Trịnh Văn Hải, Thái quận công Nguyễn Thất Lý đem quân thuỷ, bộ đi trấn giữ những nơi hiểm yếu ở các cửa biển Thanh Hóa, Thọ quận công Lê Hòa kiêm coi võ sĩ trong ngoài bốn vệ theo hầu canh giữ dinh Vua.
Đến kỳ tiến quân, điều động các quân, chia thành 5 đội, cùng một lúc tiến phát:
– Đội thứ nhất là dinh tả khu, bọn Thái phó Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu và Kỳ quận công Trịnh Ninh đem quân tinh nhuệ cùng tướng sĩ các dinh cơ Trung nghĩa, gồm 1 vạn người làm tiên phong đi trước.
– Đội thứ hai là dinh hữu khu gồm bọn Thái uý Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Vĩnh quận công Trịnh Đồng và voi ngựa cùng 1 vạn quân.
– Đội thứ ba là dinh tiền khu gồm Thái bảo Ngạn quận công Trịnh Đỗ và 1 vạn giáp binh, voi ngựa.
– Đội thứ tư là đại dinh trung khu, Tiết chế Trịnh Tùng đích thân đốc suất 2 vạn binh mã của Trung quân.
– Đội thứ năm gồm bọn Lân quận công Hà Thọ Lộc và Thế quận công Ngô Cảnh Hựu cùng đốc suất quân chở lương làm hậu quân.
Quân xuất phát từ Tây Đô đi ra theo đường huyện Quảng Bình [huyện Thạch Thành, Thanh Hóa], qua phủ Thiên Quan [Ninh Bình], đào núi, mở đường, luồn cây xuyên rừng, vượt sông chui hang, đi gấp hơn 10 ngày, đến núi Mã Yên [huyện Quốc Oai, Hà Tây] ở đầu địa giới Sơn Tây thì đóng quân lại. Ngày hôm sau, qua núi Mường Động đất Thanh Xuyên [huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, thuộc Phú Thọ]. Quân đi đến đâu, đều như cỏ bị gió lướt, không đến mười ngày đã dẹp yên các huyện Yên Sơn, Thạch Thất, Phúc Lộc, Tân Phong [các huyện thuộc tỉnh Sơn Tây cũ], rồi đóng dinh ở Tốt Lâm.
Bấy giờ nhà Mạc cử hết đại binh, thuộc 4 trấn, 4 vệ, 5 phủ, được độ hơn 10 vạn, hẹn đến ngày 16 [30/1/1592] đến hội quân ở Hiệp Thượng, Hiệp Hạ [huyện Quốc Oai, Hà Tây] để quyết chiến. Sai Mạc Ngọc Liễn đốc suất các tướng sĩ binh mã Tây đạo, Nguyễn Quyện đốc suất tướng sĩ binh mã Nam đạo, bọn Ngạn quận công, Thuỷ quận công chỉ huy binh mã Đông đạo, bọn Đương quận công, Xuyên quận công chỉ huy binh mã Bắc đạo, bọn Khuông Định công, Tân quận công chỉ huy binh mã 4 vệ. Mạc Mậu Hợp đích thân đốc suất binh mã của chính dinh, hậu đội thì trong có các Tôn thất họ Mạc và các tướng túc vệ ở Đông đạo đi sau tiếp chiến.
Ngày 27 [10/2/1592], chia đường cùng tiến. Đến địa phận xã Phấn Thượng [huyện Ba Vì, Hà Tây], hai bên đối trận với nhau, dàn bày binh mã. Họ Mạc sai bọn Khuông Định công và Tân quận công đốc thúc binh mã bốn vệ làm tiền đội đi tiên phong, dinh tướng Tây đạo làm binh mã cánh hữu, dinh tướng Nam đạo làm binh mã cánh tả, dinh tướng hai đạo Đông và Bắc làm binh mã hậu đội. Bốn đội quân khua chuông đánh trống nhất tề tiến lên. Mạc Mậu Hợp đích thân đốc chiến. Tiết chế Trịnh Tùng nghe tin, ngay ngày hôm ấy chia quân, sai tướng sĩ dinh hữu khu tiến lên khiêu chiến. Lại chọn 400 quân thiết kỵ xông lên trợ chiến. Hạ lệnh cho các dinh cơ phải theo đúng sự chỉ huy. Quân hai bên đón đánh nhau giáp lá cà suốt từ giờ Mão đến giờ Tỵ [6-12 giờ sáng] , nhuệ khí tăng bội phần. Tiết chế Trịnh Tùng cầm cờ chỉ huy, ba quân theo lệnh, cố sức đánh, chém được Khuông Định công và Tân quận công tại trận. Họ Mạc thấy thế quân không địch nổi, liền hạ lệnh án binh thế thủ. Giờ Thân [16-18 giờ] Tiết chế Trịnh Tùng đích thân đốc chiến, chỉ huy ba quân, quân bên tả đánh vào cánh tả của giặc, quân bên hữu đánh vào cánh hữu, rất có kỷ luật. Tướng sĩ hăng hái, gươm giáo rợp trời, đồng thanh gắng sức, thề phá tan giặc. Thế rồi bắn ba phát súng lệnh, quan quân thế như chẻ tre, truy đuổi giặc chạy dài. Quân Mạc kinh hoàng, cánh quân tả không kịp trông cánh hữu, quân sau không kịp nhìn quân trước, binh lính tuy đông nhưng cờ xí lộn xộn, hàng ngũ đã rối loạn, quan quân nhân thế đánh tan. Các quân thừa thắng đuổi dài đến Giang Cao, chém được hơn 1 vạn thủ cấp, máu chảy khắp đồng, thây chết thành núi, cướp được khí giới và ngựa nhiều không kể xiết. Mạc Mậu Hợp sợ đến vỡ mật, xuống thuyền vượt sông mà chạy. Tàn quân tranh nhau xuống thuyền, người trong thuyền sợ thuyền đắm, lấy gươm chặt đứt tay rơi xuống sông chết đến quá nửa, còn lại thì đều chạy trốn. Duy có tướng Nam đạo là Nguyễn Quyện lánh xa nên được an toàn. Mạc Mậu Hợp trốn về kinh đô. Gặp lúc gần tối, Tiết chế Trịnh Tùng đóng quân lại ở Hiểm Sơn.
Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất tiến quân đến chợ Hoàng Xá, đóng đại doanh tại đây. Hạ lệnh cho các dinh vượt sông Cù [sông Đáy, huyện Phúc Thọ, Hà Tây] phá huỷ hào lũy của giặc, san thành đất bằng. Chiều hôm ấy, Tiết chế Trịnh Tùng bàn rằng:
“ Nên nhân cái uy thế sấm sét không kịp bịt tai này mà đánh lấy thì dễ như nhặt hạt cải.”
Bèn tiến quân, sai Nguyễn Hữu Liêu đem 5000 quân tinh nhuệ và voi khoẻ cùng ngựa bọc sắt, đến giờ Dần [3 giờ-5 giờ sáng], thẳng tiến đến đóng ở cầu Cao tại góc tây bắc thành Thăng Long, phóng lửa hiệu, bắn liền bảy phát, thiêu đốt nhà cửa, khói lửa khắp trời. Trong thành sợ hãi rối loạn. Mạc Mậu Hợp sợ hãi cuống quít, bỏ thành chạy trốn. Đêm hôm ấy, già trẻ gái trai thành trong thành ngoài, tranh nhau xuống thuyền qua sông, thuyền đắm, chết đuối đến hơn 100 người. Đến sáng, Hữu Liêu lại thu quân về hành dinh. Gặp ngày tết Nguyên Đán [13/2/1592], uý lạo tướng sĩ, hẹn phải thu phục kinh thành. Bấy giờ, bè đảng Mạc tuy còn chưa dẹp hết, nhưng thanh thế quân nhà Lê càng ngày càng lừng lẫy.
Ngày mồng 3 tháng Giêng năm Hồng Ninh năm thứ 2 [15/2/1592], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 15, Minh Vạn Lịch năm thứ 20, Tiết chế Trịnh Tùng sai quan lập đàn sắm lễ tế trời đất, Thái Tổ Cao Hoàng Đế và các vị hoàng đế của bản triều, cùng các vị linh thần núi sông, các danh tướng xưa nay trong nước. Khấn rằng:
“Thần là Trịnh Tùng gượng gánh trọng trách của nước nhà, lạm cầm quyền lớn đánh dẹp, vâng mệnh đánh kẻ phản nghịch để cứu dân, nghĩ rằng sinh linh xã tắc triều Lê bị kẻ gian thần phản nghịch là họ Mạc giết vua, cướp nước, tội ác rất sâu, ngược dân, dối thần, họa đầy oán chứa. Để sinh linh phải lầm than đã gần 70 năm, mà nguyên do gây hoạ loạn, há chịu cùng đội trời chung. Xin các thánh hoàng đế tiên triều, soi xét lòng thần, diệt bọn giặc phản nghịch cho dân được yên, để khôi phục cõi đất của triều Lê“.
Khấn xong, Tiết chế Trịnh Tùng hội các tướng bàn việc tiến quân và cáo dụ rằng:
“Cái thế chẻ tre không thể bỏ lỡ. Huống chi, ta vâng mệnh đi đánh kẻ trái phép, vốn để yên dân. Các tướng nên răn cấm tướng sĩ, nghiêm ngặt nhắc lại ước thúc, chấn chỉnh đội ngũ, hiệu lệnh rõ ràng, tin thực. Quân đi đến đâu, không được mảy may xâm phạm của dân, không được cướp bóc dân lành, của cải không phải của giặc thì không được lấy bậy. Quân đi có kỷ luật thì giặc dễ phá“.
Bèn hạ lệnh cho các dinh nhổ trại tiến đến bờ phía tây sông Ninh Giang [sông Đáy, địa phận huyện Chương Mỹ, Hà Tây]. Quân đi đến đâu, không mảy may xâm phạm của dân, chợ không thay đổi quầy hàng, mọi người đều yên ổn như cũ, nên già trẻ, trai gái tranh nhau đem trâu dê, cơm rượu, hương hoa đầy đường, đón tiếp vương sư.
Ngày mồng 5 [17/2/1592], Tiết chế Trịnh Tùng đốc quân vượt sông, tiến đến chùa Thiên Xuân [huyện Thanh Oai, Hà Tây]. Khi quân gần đến cầu Nhân Mục [tây Hà Nội] , Mạc Mậu Hợp sợ quá, bỏ thành Thăng Long vượt sông Nhị Hà đến bến Bồ Đề, đóng tại Thổ Khối [huyện Gia Lâm, Hà Nội], để lại các đại tướng chia giữ các cửa trong thành.
Ngày mồng 6 [18/2/1592], Tiết chế Trịnh Tùng đốc quân qua sông Tô Lịch đến cầu Nhân Mục, đóng quân ở núi Xạ Đôi [Giảng Võ, Hà Nội]. Bèn chia quân bày trận, các đạo cùng tiến, hẹn ngay ngày hôm ấy đánh phá thành Thăng Long.
Bèn sai tướng dinh tả khu là bọn Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Ninh đem 1 vạn binh tượng đánh phá đường Cầu Dừa tiến thẳng đến cửa Tây, tướng dinh hữu khu là bọn Hoàng Đình Ái và Trịnh Đồng đem 1 vạn 500 binh tượng đánh phá đường Cầu Dền, tiến thẳng đến cửa Nam Giao. Tướng dinh tiền khu là Trịnh Đỗ đem các cơ trung quân và bọn Thuỵ Tráng hầu hợp binh tượng hơn 1 vạn 2000 người đánh phá Cầu Muống tiến thẳng đến cửa Cầu Gỗ [phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm]. Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất binh tượng đại dinh gồm 2 vạn 5 nghìn người làm hậu đội, tiến đến Hồng Mai [phố Hoàng Mai] đóng quân. Bèn hạ lệnh rằng: “Bài binh bố trận đã xong, tất cả cờ xí không được giăng bậy, chiêng trống không được đánh càn.” Ba quân nghe lệnh đều cuốn cờ im trống, ngồi yên để chờ đợi.
Mạc Mậu Hợp tuy đã sang sông, nhưng còn trông cậy có sông Cái [sông Hồng] làm chỗ dựa. Bèn sai tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn đem quân bản đạo cố thủ từ cửa Bảo Khánh về phía tây đến phường Nhật Chiều, bọn Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên đem quân bốn vệ giữ cửa Cầu Dừa, qua cửa Cầu Muống đến thẳng cửa Cầu Dền, chia dinh thứ, ngày đêm đóng cửa cố thủ trong thành Đại La. Quân hai đạo Đông và Bắc đều thuộc quyền Quyện. Mạc Mậu Hợp đích thân đốc suất thuỷ quân, dàn hơn 100 chiếc thuyền giữ sông Nhị Hà để làm thanh viện. Nguyễn Quyện đặt quân phục ở ngoài cửa Cầu Dền để đợi, dàn súng lớn Bách Tử[1] và các thứ hoả khí để phòng bị.
Bấy giờ Tiết chế Trịnh Tùng phát ba tiếng súng lệnh, các tướng kéo cờ đánh chiêng gióng trống, đến khi nghe bảy hồi tù và thì đội ngũ chỉnh tề, giáo mác sáng quắc, tiến lên đánh phá. Từ giờ Tỵ [9-11 giờ sáng] đến giờ Mùi [13-15 giờ] chưa phân thắng bại. Tiết chế Trịnh Tùng đốc quân thúc đánh, cầm cờ chỉ huy, chỉ tiến không cho lùi, cứ theo trận đồ mà tiến. Quan quân nhà Lê sức gấp bội, tả xung hữu đột, tranh nhau xông pha tên đạn, phá lũy leo thành.
Bọn Văn Khuê, Bách Niên tự liệu sức không chống nổi, quân tự tan vỡ tháo chạy. Mạc Ngọc Liễn cũng sợ mất mật bỏ trốn. Quan quân thừa thắng đuổi tràn đến tận sông. Phóng lửa đốt cung điện và nhà cửa trong thành, khói lửa kín trời. Tiết chế Trịnh Tùng thúc voi ngựa và quân lính đánh phá cửa Cầu Dền, thế quân như tự trời xuống. Quân Mạc tan vỡ, quân mai phục của Nguyễn Quyện chưa kịp nổi dậy, bị chết hết ở ngoài cửa Cầu Dền. Quyện cùng kế, định liều mạng chạy trốn, nhưng tiến, lui đều không còn đường nào, trong ngoài đều là quan quân mà cửa luỹ lại bị lấp. Con của Quyện là Bảo Trung, Nghĩa Trạch và thủ hạ, tinh binh cố sức đánh, đều chết tại trận. Quyện trí cùng lực kiệt, chạy về bản dinh, bị quan quân bắt sống đem dâng trước cửa quân. Tiết chế Trịnh Tùng cởi trói cho Quyện, đãi theo lễ tân khách, tuyên dụ uý lạo. Quyện thẹn đỏ mặt, phục xuống và tự than rằng:
“Tướng thua trận không thể nói mạnh được. Trời đã bỏ họ Mạc thì người anh hùng cũng khó ra sức“.
Tiết chế Trịnh Tùng khen câu nói ấy. Ngày hôm ấy, quân Mạc xác chết gối lên nhau, lấp đầy hào rãnh, máu chảy trôi chày. Chém đến hơn mấy nghìn thủ cấp giặc, tướng Mạc bị chết đến mấy chục viên. Khí giới chất như núi. Cung điện, nhà cửa ở kinh thành tiêu điều sạch không. Mạc Mậu Hợp kinh hoàng sợ hãi, thu nhặt tàn quân giữ sông Cái để cố thủ. Tiết chế Trịnh Tùng đem quân đến bờ sông, gặp khi trời đã về chiều, liền nói rằng: “Binh pháp có nói: Giặc cùng chớ đuổi.” Bèn thu quân dừng lại đóng doanh trại theo như trận đồ.
Ngày 15 [27/2/1572], hạ lệnh cho các quân san phẳng luỹ đất đắp thành Đại La dài đến mấy ngàn trượng, phát hết bụi rậm gai góc, cày lấp hào rãnh, phá đến thành đất bằng, không mấy ngày là xong. Đây là mưu của Nguyễn Quyện để làm kế hoãn binh cho họ Mạc. Bấy giờ quan quân lừng lẫy, dân chúng miền tây nam đều thu về. Hễ đánh dẹp đến đâu, đều hàng phục được cả. Từ sông Nhị về tây, đều lấy được hết. Từ sông Nhị về đông dân cũng theo gió mà hướng về. Mạc Mậu Hợp từ đấy rất sợ hãi, ăn không nuốt trôi, nằm không yên gối, không dám ngó đến phía tây sông Nhị nữa.
Tháng 3 [12/4-10/5/1592], Tiết chế Trịnh Tùng tiến quân đến huyện Chương Đức [huyện Chương Mỹ, Hà Tây], đóng dinh ở sông Do Lễ[2] [sông Đáy tại làng Do Lễ, Chương Mỹ] , sai làm cầu phao cho quân qua sông. Lại chia quân đi đánh dẹp các huyện Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên. Tiết chế Trịnh Tùng đốc quân đánh dẹp các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, sau đến Phúc Lộc, Tiên Phong, Ma Nghĩa, Yên Sơn, Thạch Thất, rồi rút quân về. Tiết chế Trịnh Tùng đem quân về theo đường Ứng Thiên, Thiên Quan [huyện Nho Quan, Ninh Bình], đến cửa khuyết tâu công toàn thắng. Vua mừng lắm, bàn thăng thưởng huân tước.
Trong tháng, mở thi Hội các cử nhân trong nước. Cho Trịnh Cảnh Thuỵ và Ngô Trí Hoà đỗ Tiến sĩ xuất thân, Ngô Trí Tri đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Họ Mạc cũng mở khoa thi Hội. Cho bọn Phạm Hữu Năng 4 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Đức 13 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Mạc Mậu Hợp ngày càng buông tuồng, tửu sắc bừa bãi. Bấy giờ người vợ của Sơn quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên con gái Nguyễn Quyện, cũng là chị ruột của vợ Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cung. Mậu Hợp thấy có sắc đẹp, trong bụng thích lắm, liền ngầm mưu dụ giết Văn Khuê để cướp lấy vợ. Văn Khuê biết chuyện, liền đem quân bản bộ tự động bỏ về huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên [Ninh Bình], đóng quân ở đấy không ra nữa. Mậu Hợp cho gọi hai, ba lần không được, bèn sai tướng đem quân đến hỏi tội Khuê.
Tháng 10 [4/11-3/12/1592], Bùi Văn Khuê một mặt chống quân Mạc, một mặt sai con chạy đến hành dinh Thanh Hóa, vào lạy xin theo mệnh đầu hàng, quỳ khóc nói:
“Cha thần là Bùi Văn Khuê bị họ Mạc ngầm sai quân đến bức hại, sai thần thay mặt cha thần đến mạo tội xin theo về triều đình, cúi mình hàng phục xin cầu đường sống, ghi xương khắc cốt không quên, trọn đời cảm phục ân đức. Nay đội đức lớn, xét rõ lòng thành thì xin cho một lữ tới cứu thân hèn mọn. Nếu ơn trời rủ đến phương xa thì cha thần xin làm kẻ dẫn đường, chết cũng không dám chối, để báo đáp tấc công.”
Tiết chế Trịnh Tùng nghe nói cười rằng:
“Văn Khuê về hàng, đó là trời cho ta được chóng thành công. Đất đai của bản triều có thể định ngày mà thu phục.”
Thế rồi, cùng với các tướng, bàn việc dấy binh. Sai Hoàng Đình Ái thống lĩnh tướng sĩ các dinh cơ đi trước cứu Văn Khuê. Khi quân đến 2 xã Bái, Đính, huyện Gia Viễn [Ninh Bình], Văn Khuê thấy có quân đến cứu, liền đem quân tử đệ bản bộ 3 nghìn người ra đón tiếp, lạy rạp ở trước quân. Đình Ái lại sai Văn Khuê đem quân bản bộ giữ bến đò Đàm Giang [huyện Gia Viễn]. Họ Mạc biết Văn Khuê đã đầu hàng, lại có đại quân đến cứu, liền lui về giữ sông Thiên Phái [khúc sông Đáy, tại huyện Ý Yên, Nam Định]. Ngày 28 [1/12/1592], Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất đại quân ra phủ Trường Yên. Văn Khuê đem quân đến chào, khóc và lạy dưới cờ. Tiết chế Trịnh Tùng khen thưởng và uý lạo, ban tước Mỹ quận công, sai đem binh mã thuyền ghe đi tiên phong chống nhau với quân Mạc.
Họ Mạc sai viên tướng là Nghĩa quốc công tiết chế quân Nam đạo tiến đánh. Khi quân đến bến đò sông Đàm Xá thì Tiết chế Trịnh Tùng sai cơ Tả hữu súng phục quân ở ven sông để bắn. Lại sai các quân làm cầu phao qua bến đò Đàm Giang, nhưng bị sóng gió phá gãy, hai ngày chưa xong, vì thế mới hạ lệnh cho ba quân tranh thủ qua sông Hoàng Xá đến núi Kiềm Cổ ở Yên Quyết [huyện Thanh Liêm], Hà Nam mà đóng dinh. Tướng Nam đạo của Mạc là Nghĩa quốc công đóng quân ở sông Thiên Phái, giữ bến đò Đoan Vĩ [huyện Thanh Liêm], lệnh thúc binh dân các huyện Đại Yên [huyện Nghĩa Hưng, Nam Định], Ý Yên đắp luỹ đất ở bờ sông chống cự, thả chông tre hai bên bờ sông để phòng giữ quan quân qua sông. Tiết chế Trịnh Tùng sai Văn Khuê ngầm kéo theo thuyền ra cửa sông để đánh ở thượng lưu, sai cơ Tả hữu súng đến bắn ở ven sông để đánh ở hạ lưu, sai voi ngựa, quân lính qua sông đánh mạnh vào trung lưu để thu lấy thuyền giặc trên sông. Nghĩa quốc công của họ Mạc trở tay không kịp, bỏ thuyền chạy trốn, quân lính tan vỡ tháo chạy. Quan quân thu được 70 chiếc thuyền và khí giới nhiều không kể xiết. Nghĩa quốc công thu nhặt tàn quân trở về kinh đô, giữ bãi Tự Nhiên. Quan quân làm cầu phao qua sông, đóng dinh ở huyện Ý Yên, sau tiến quân đến huyện Bình Lục [Hà Nam], đóng quân ở cầu Lấp. Tướng Mạc là Trần Bách Niên đem quân tới hàng, được ban tước Định quốc công, lúc này các tướng Nam đạo của Mạc đầu hàng đến hơn 10 người. Nhân đó, hạ lệnh trong quân không được mảy may xâm phạm của dân, các xóm ngõ ở dân gian nếu không có việc không được tự tiện vào, do đó cả xứ Sơn Nam, dân chúng đều yên ổn như cũ, mọi người đem giỏ cơm bầu nước ra đón vương sư, trai gái già trẻ không ai không ngưỡng mộ ơn đức.
Ngày mồng 4 tháng 11 [7/12/1592], Tiết chế Trịnh Tùng tiến quân đến bãi Tinh Thần huyện Thanh Oai [Hà Tây] đóng dinh. Hiểu dụ rằng:
“Nhân dân các xứ tây nam đều là dân của triều ta, từ lâu mắc phải chính lệnh tàn ngược của họ Mạc. Từ nay về sau, ta cho các ngươi đều được đổi mới, sửa bỏ tệ cũ. Bọn các ngươi cứ yên ở làm ăn, không được sợ hãi. Quân đi có kỷ luật, một lòng thương dân.”
Ngày 14 [17/12/1592], quân ra cửa sông Hát [sông Đáy] tiến theo cả hai đường thuỷ, bộ. Tướng Mạc là Mạc Ngọc Liễn dàn thuyền để chống cự, cắm cọc gỗ ở cửa sông Hát, đắp luỹ đất trên bờ sông làm thế hiểm vững. Quan quân tiến đánh phá được. Ngọc Liễn bỏ thuyền lên bộ chạy đến chân núi Tam Đảo, tướng tốt đều tự bỏ thuyền chạy lên bờ. Quan quân qua sông, lấy được thuyền bè khí giới nhiều không kể xiết. Thừa thắng đuổi dài đến tận cửa Nam thành Thăng Long, đóng quân ở bến Sa Thảo,[3] lấy được thuyền lớn, thuyền nhỏ hàng nghìn chiếc. Đêm ấy, Mậu Hợp trốn chạy về huyện Kim Thành, trấn Hải Dương. Các tướng Mạc lũ lượt kéo đến cửa quân đầu hàng.
Ngày 25 [28/12/1592], Tiết chế Trịnh Tùng tiến quân đến xứ Hải Dương đánh dẹp họ Mạc. Khi đến huyện Phù Dung [huyện Phù Cừ, Hưng Yên], đóng quân ở Liễu Kinh, sai Tả thuỷ dinh là Thái quận công Nguyễn Thất Lý đốc suất bọn Tiền thuỷ quân Bùi Văn Khuê đánh phá huyện Kim Thành. Họ Mạc bỏ thành chạy trốn, quân trước, quân sau không tiếp ứng được nhau, bỏ hết cả thuyền bè. Quan quân nhà Lê thu được vàng bạc, của cải và đàn bà con gái nhiều không kể xiết, bắt được Thái hậu của họ Mạc đem về. Đến bến Bồ Đề [Bắc Ninh], Thái hậu vì lo buồn mà chết.
Mạc Mậu Hợp lập con là Toàn làm vương, sai coi việc nước, đổi niên hiệu là Vũ Anh năm thứ nhất, rồi tự làm tướng đốc quân chống lại triều đình. Ngày mồng 3 tháng 12 [5/1/1593], Phủ tiết chế chia quân cả phá Mạc Kính Chỉ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Hà [Hải Dương], chém được đầu giặc và thu được 50 chiếc thuyền, cùng ngựa và khí giới nhiều không kể xiết. Bấy giờ dư đảng của Mạc là Phố quận công, Thuỷ quận công, Miện quận công, Lũng quận công, Hào quận công, Thuỵ quận công, Lương quận công, Nghĩa quận công và bọn Lại bộ thượng thư Phúc quận công Đỗ Uông, Lễ bộ thượng thư Hồng Khê hầu Nhữ Tông, Công bộ thượng thư Đồng Hàng, Lại bộ tả thị lang Vĩnh Sơn hầu Ngô Vĩ, Hộ bộ tả thị lang Ngô Tháo, Đông Các học sĩ Ngô Cung, Tự khanh Nguyễn Cận, Sơn Nam thừa chính sứ Đàm Văn Tiết, Hải Dương thừa chính sứ Phạm Như Dao đều đến cửa quân hàng phục.
Tiết chế Trịnh Tùng hạ lệnh tiến quân đến xã Tranh Giang, huyện Vĩnh Lại [huyện Ninh Giang, Hải Dương] đóng dinh vài ngày rồi về Kinh. Bấy giờ Mạc Mậu Hợp bỏ thuyền đi bộ, đến một ngôi chùa ở huyện Phượng Nhỡn [huyện Yên Dũng, Bắc Giang] ẩn nấp ở đấy 11 ngày. Quan quân đến huyện Phượng Nhỡn, có người trong thôn dẫn đường đưa quan quân vào chùa bắt được Mạc Mậu Hợp đem đến dinh quân. Vũ quận công sai người lấy voi chở cùng với hai kỹ nữ về Kinh sư dâng tù, bêu sống 3 ngày rồi chém ở bến Bồ Đề [Bắc Ninh], gửi đầu về hành tại Vạn Lại ở Thanh Hóa, đóng đinh vào hai mắt tại chợ.
Trước đây, tông thất họ Mạc là Hùng Lễ công Mạc Kính Chỉ trốn ở Đông Triều [Quảng Ninh]. Đến đây, lại thu nhặt tàn quân chiếm cứ huyện Thanh Lâm [huyện Nam Sách, Hải Dương], đặt niên hiệu là Bảo Định. Từ đấy, tông thất họ Mạc là bọn Mạc Kính Phu, Mạc Kính Thành, Mạc Kính Thân và trai gái lớn nhỏ vài trăm người đều hưởng ứng, các văn thần võ sĩ cũ của họ Mạc rủ nhau theo về. Làm tạm hành tại, yết bảng chiêu mộ dân đinh, chỉ trong chốc lát các huyện đều hưởng ứng, quân có đến 7 vạn người. Trước đó, Mạc Mậu Hợp sai con trưởng là Toàn quyền coi việc nước, tiếm đặt niên hiệu là Vũ An. Đến khi Mậu Hợp bị bắt, lòng người không phục, lại về theo Mạc Kính Chỉ. Mạc Toàn bỏ trốn, lại bị quan quân bắt được. Riêng Mạc Kính Chỉ chiếm cứ huyện Thanh Lâm, chia đặt nội ngoại tả hữu, cát cứ các huyện để chống lại quan quân. Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên, Nguyễn Nga đem quân ập tới. Kính Chỉ đem quân đánh úp trên sông. Thất Lý không kịp trở tay, chết tại trận. Nguyễn Nga bị thương ngã xuống thuyền, quân lính cứu gấp thoát được. Bọn Văn Khuê, Bách Niên đều tan vỡ tháo chạy. Quân lương khí giới đều mất về tay giặc. Từ đây, Hải Dương, Kinh Bắc lại quy phụ Kính Chỉ.
Ngày 17 [19/1/1593], Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Thái uý Hoàng Đình Ái, Thái bảo Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh đốc suất bộ binh và voi ngựa các dinh tiến đánh Mạc Kính Chỉ, đóng quân ở huyện Cẩm Giàng [Hải Dương], đặt đồn ở dọc sông để chống cự. Lại sai Thái uý Nguyễn Hữu Liêu tổng đốc thuỷ quân, tiến đến huyện Thanh Lâm [huyện Nam Sách, Hải Dương], cùng với Đình Ái trong ngoài dựa nhau từ quân binh ở Cầm Giàng. Mạc Kính Chỉ đem hết quân chiếm giữ Thanh Lâm, lấy một dảy sông dài chia cách nam bắc, dàn quân liền suốt để chống đánh. Ngày thì giăng cờ, đêm thì bắn súng, trong khoảng hàng tháng, quân hai bên cầm cự nhau, không được lúc nào cởi giáp. Kính Chỉ thúc quân đắp thêm hào luỹ ở ven sông Thanh Lâm để giữ.
Ngày 25 [27/1/1593], Tiết chế Trịnh Tùng hạ lệnh cho các dinh cơ dời đến phường Phúc Lâm phía nam thành Thăng Long trong dịp tết.
—————-
[1] Súng lớn Bách Tử: có lẽ là loại máy bắn đạn ria.
[2] Sông Do Lễ: khúc sông Đáy chảy qua xứ Do Lễ, huyện Chương Mỹ.
[3] Bến Sa Thảo: nguyên văn là “Sa Thảo tân”, có chỗ lại chép là “Thảo tân”, tức Bến Cỏ, có thể là vùng ga Hàng Cỏ, Hà Nội ngày nay.