Nguồn: Iskander Rehman, “Britain’s Strange Defeat: The 1941 Fall Of Crete And Its Lessons For Taiwan”, War on the Rock, 28/05/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Vào những giờ đầu tiên ngày 20 tháng 5 năm 1941, từng phi đội tiêm kích Messerschmitts và Stukas của Đức bất ngờ xuất hiện trên bầu trời xanh biếc không một gợn mây trên đảo Crete. Chúng tàn phá các khẩu đội phòng không khi những người bảo vệ hòn đảo đang còn mơ ngủ bằng những cuộc oanh tạc và ném bom bổ nhào khốc liệt, theo sau là một đội hình ném bom Dornier 17 và Junker 88 lũ lượt kéo đến. Đằng sau đội hình này là một đội quân trên không thực sự – hơn 70 tàu lượn chở quân từ Trung đoàn Bão tố của Sư đoàn Dù số 7 và từng đợt Junker 52 chở đầy những lính nhảy dù trẻ tuổi đang lo lắng.
Đối với Tướng Bernard Freyberg – chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của lực lượng đồn trú 32.000 quân của đảo Crete gồm các binh sĩ Anh, Úc và New Zealand, được bổ sung bởi gần 10.000 lính Hy Lạp – chẳng có lý do gì phải báo động quá mức. Được cung cấp một luồng thông tin liên lạc bị chặn liên tục, vị tướng người New Zealand lực lưỡng này đã biết trong nhiều tuần rằng quân Đức đang chuẩn bị xâm lược hòn đảo. Ông vẫn giữ được sự tự tin vào các biện pháp phòng thủ của mình. Tự tin tới mức trên thực tế, ông vẫn bình tĩnh thưởng thức bữa sáng trên hiên biệt thự của mình, ngay cả khi bầu trời xanh tươi trên cao xuất hiện ngày càng nhiều máy bay của lực lượng không quân Đức. Tin rằng phần lớn lực lượng xâm lược của kẻ thù sẽ được vận chuyển từ hướng biển, nơi chúng sẽ đối mặt với Hải quân Hoàng gia, cựu chiến binh Thế chiến thứ nhất này, giống như nhiều đồng đội của ông, vẫn nghi ngờ về độ hiệu quả của bất kỳ chiến dịch không vận quy mô lớn nào.
Quan điểm bác bỏ khả năng tấn công đổ bộ đường không vào một vị trí được bảo vệ tốt này phần lớn được tán đồng ở London, mặc dù một số người vẫn bối rối không hiểu tại sao Freyberg dường như vẫn tập trung vào mối đe dọa xâm lược đường biển trong khi tất cả thông tin tình báo rõ ràng đều chỉ ra các hướng tấn công đều đến từ trên không. Như chúng ta sẽ thấy, những khác biệt quan trọng trong việc ưu tiên mối đe dọa và phân tích tình báo sau này sẽ được chứng minh là rất quan trọng. Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt ban đầu về ý kiến, tâm trạng của quân phòng thủ vào buổi sáng của cuộc chiến vẫn tương đối phấn khởi. Thật vậy, chỉ vài tuần trước đó, Thủ tướng Winston Churchill, trong một khoảnh khắc lạc quan, đã tâm sự rằng trong khi nên thực hiện mọi biện pháp để có thể “phòng thủ ngoan cường” một thành trì có vị trí quan trọng như vậy, lời cảnh báo chính xác đến bất ngờ của Anh về các kế hoạch của Đức cũng sẽ mang đến một “cơ hội tuyệt vời để tiêu diệt lực lượng nhảy dù”. Vào ngày 9 tháng 5, Ủy ban Tham mưu trưởng, trong một bức điện gửi các tổng tư lệnh ở Trung Đông và Địa Trung Hải, đã chuyển tiếp đánh giá lạc quan của riêng họ về kết quả của cuộc xung đột sắp xảy ra: “Thông tin của chúng tôi đầy đủ đến mức dường như mang đến cơ hội trời cho để giáng một đòn nặng nề vào kẻ thù [sic]. Vấn đề bây giờ là chuẩn bị một kế hoạch tinh vi được tính toán nhằm gây ra tổn thất tối đa cho kẻ thù.”
Tuy nhiên, trong vài ngày tiếp theo, cảm giác tự tin kiên định này sẽ dần tiêu tan, và được thay thế bằng sự hoang mang và đau khổ, khi phía phòng thủ đông hơn về số lượng lần đầu tiên bị áp đảo, sau đó hoàn toàn thất thủ bởi cuộc tấn công của Đức. Mặc dù phải chịu mức độ thương vong kinh hoàng dưới bàn tay của dân làng Crete và lực lượng Khối thịnh vượng chung đầy thù hận, hàng nghìn quân Đức đã được đưa qua Aegean đến Crete từ các sân bay mới được mở rộng hoặc phát triển trên đất liền Hy Lạp vừa bị chinh phục. Chiến đấu trên những lùm ô liu rậm rạp và trên những ngọn đồi lởm chởm bụi bặm, những lính nhảy dù trang bị hạng nhẹ này đã chiến đấu ác liệt để củng cố các vị trí cố định tại các sân bay quan trọng của Crete như Maleme, trước khi cuối cùng thiết lập được các đầu cầu cần thiết cho phép họ được tăng viện liên tục bằng đường không. Từ thời điểm đó – và phần lớn nhờ vào lớp lá chắn bảo vệ tạo ra từ sự thống trị trên không của Không quân Đức – binh lính Đức dày dạn kinh nghiệm chiến đấu đã tràn vào Crete như thác lũ, có thời điểm họ đổ bộ với tốc độ 20 thuyền vận tải mỗi giờ (mỗi chiếc có thể chở khoảng 20 người và bốn container trang thiết bị). Trong vòng chưa đầy hai tuần, Phe Trục kiểm soát hoàn toàn một trong những vùng lãnh thổ có vị trí chiến lược nhất ở Địa Trung Hải, với lực lượng đồn trú của Crete bị giết, bị bắt hoặc được vội vàng sơ tán bằng đường biển đến Ai Cập do Anh kiểm soát. Xảy ra sau một loạt các cuộc rút lui đầy tổn thất, từ Dunkirk vào tháng 6 năm 1940, hoặc từ đất liền Hy Lạp vào cuối tháng 4 năm 1941, sự sụp đổ của Crete đã giáng một đòn mạnh vào tinh thần của Anh – đặc biệt là bởi vì tính chất bất ngờ của nó, xét đến những giả định từ trước của London.
Tuy nhiên, thất bại kỳ lạ này vẫn là một trường hợp nghiên cứu lịch sử đáng chú ý nhưng chưa được khám phá đầy đủ trong lĩnh vực nghiên cứu an ninh và phân tích quốc phòng. Điều này có phần đáng ngạc nhiên, xét đến giá trị giáo dục rõ ràng của nó và sự liên đới chiến lược đối với một số thách thức quân sự cấp bách nhất hiện nay ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đương nhiên, người ta không thể nhìn nhận sự kiện này một cách riêng lẻ. Như trong bất kỳ cuộc đụng độ vũ trang giả định nào trong tương lai giữa Mỹ với Trung Quốc và tập trung vào việc tranh giành các vùng lãnh thổ trên đảo khác nhau, từ Sensaku (Điếu Ngư), bãi Cỏ May hoặc Đài Loan, trận chiến năm 1941 ở đảo Crete chỉ có thể được phân tích đầy đủ trong bối cảnh của một cuộc đấu tranh kéo dài hơn và một chiến dịch rộng lớn hơn. Bi kịch đảo Crete chỉ là một chương ảm đạm trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài nhiều năm giữa các cường quốc phe Trục và Đế quốc Anh mới bị cô lập để giành quyền kiểm soát lưu vực Địa Trung Hải sau sự sụp đổ của Pháp. Việc nghiên cứu sự kiện này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc làm quen với bản đồ, về hậu cần, và đối với các cường quốc biển – như Nicholas Spykman đã từng nhận định – cần phải tư duy “theo các điểm và đường nối chi phối một lãnh thổ rộng lớn”. Giá trị chiến lược mà các bên tham chiến cạnh tranh nhau để kiểm soát các hòn đảo, quần đảo hoặc đảo nhỏ khác nhau trên Địa Trung Hải – từ Sicily đến Malta hoặc Karpathos – trở nên hiển nhiên khi nhìn nhận các lãnh thổ này qua lăng kính khắc nghiệt của hậu cần vận chuyển và tiếp tế. Đặc biệt hơn nữa khi đặt mình vào vị trí của những nhà hoạch định quốc phòng đang bị quá tải về mặt nhận thức, phải vật lộn để kết hợp các tuyến đường vận chuyển, bán kính hoạt động của máy bay chiến đấu và các chiến dịch đánh chặn dưới mặt nước trên một không gian biển ngày càng chật hẹp, đông đúc và tranh chấp. Trận chiến đảo Crete do đó đã hình thành một thành phần phụ không thể thiếu của một chiến dịch rộng lớn hơn nhiều nhằm giành quyền thống trị chiến trường, một loạt các cuộc xung đột đan xen chặt chẽ từ vùng sa mạc thiêu đốt của Bắc Phi đến những đỉnh núi phủ tuyết trắng của Thessaly.
Chiến dịch Crete năm 1941 cũng cung cấp cho chúng ta một ví dụ thú vị về việc đôi khi trong suốt một cuộc chiến kéo dài, giới lãnh đạo của mỗi cường quốc có thể hiểu sai cơ bản về ý định bao trùm và định hướng chiến lược tổng thể của đối phương. Đức muốn bảo vệ sườn phía nam của mình trước khi phát động Chiến dịch Barbarossa chống lại Liên Xô, cũng như các mỏ dầu quý giá của Romania. Trong khi đó, sau khi sơ tán lực lượng trên đất liền Hy Lạp, Anh đã cam kết bảo vệ tiền tuyến Ai Cập, trung tâm mà từ đó nhiều tuyến đường hậu cần của đế quốc tỏa ra. Nhìn vào Crete, Mỗi bên đều tin rằng bên kia sẽ sử dụng Crete làm bàn đạp cho các hoạt động tấn công mới và các cuộc không kích tầm xa. Do đó, mỗi bên đều tham gia với hình thức lý luận xuất phát từ động cơ của riêng mình, chủ yếu được thúc đẩy bởi cái mà Carl von Clausewitz sẽ gọi là mục tiêu tiêu cực, và coi việc sở hữu hòn đảo lớn này là rất quan trọng đối với việc phòng thủ của họ
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thất bại của Anh tại Crete nhắc nhở chúng ta về chân lý trường tồn trong câu nói nổi tiếng của Helmuth von Moltke: “Không có kế hoạch tác chiến nào có thể chắc chắn vượt qua được cuộc chạm trán đầu tiên với lực lượng chính của kẻ thù.” Khi tham gia vào quá trình lập kế hoạch dự phòng cho hoạt động tấn công Đài Loan hiện nay, chúng ta nên xem xét mọi trục tấn công tiềm năng – bao gồm cả những trục ít được xem xét hơn so với chiến dịch phá hoại vùng xám, một cuộc phong tỏa giả định hoặc cuộc xâm lược đường biển. Đồng thời nhận ra rằng, trên thực tế, trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược toàn diện Đài Loan, các yếu tố của tất cả những cách tiếp cận này rất có thể sẽ được Quân đội Trung Quốc sử dụng cùng lúc.
Trận chiến đảo Crete
Cuộc xâm lược Crete của Đức đánh dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử chiến tranh. Thật vậy, đây là cuộc tấn công đường không đầu tiên với quy mô cấp sư đoàn. Chiến dịch này đã hoàn toàn thành công trong các mục tiêu bao trùm của nó mặc dù gần như toàn bộ các đoàn tàu tiếp viện đường biển yếu ớt của họ đã bị Hải quân Hoàng gia Anh tiêu diệt. Trong các chiến dịch trước đó ở Tây và Bắc Âu, Đệ Tam Đế chế đã triển khai lính dù một cách tương đối phụ trợ và rời rạc, giao nhiệm vụ cho các nhóm nhỏ binh lính này thực hiện các hoạt động phá hoại hoặc chiếm giữ các cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương như cầu, sân bay và nổi tiếng nhất là pháo đài Ében-Émael rộng lớn của Bỉ vào tháng 5 năm 1940. Ngay từ khi thành lập, đã có những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới quân sự Đức Quốc xã về cách thức triển khai các đơn vị lính dù mới được thành lập này, với một số sĩ quan cho rằng vai trò của họ chủ yếu là tham gia vào các chiến dịch phá hoại quy mô nhỏ phía sau phòng tuyến của đối phương, trong khi những người khác thúc giục Bộ Chỉ huy tối cao sử dụng lính dù quy mô lớn trong các chiến dịch bao vây theo chiều thẳng đứng.
Quyết định của Bộ Tư lệnh Tối cao quân đội Đức nhằm bật đèn xanh cho những đề xuất táo bạo của Thượng tướng Kurt Student, người tiên phong vĩ đại trong tác chiến đổ bộ đường không của Không quân Đức, và triển khai Chiến dịch Mercury, đã được đưa ra sau nhiều tranh luận và do dự trong nội bộ. Trong khi một số sĩ quan cấp cao của Đức đã bày tỏ lo ngại về việc có thể phải chuyển hướng quân đội khỏi công cuộc chuẩn bị khổng lồ cho Chiến dịch Barbarossa vào cuối năm đó, thì những người khác lại đề xuất hoãn cuộc xâm lược Crete để ưu tiên cho một cuộc đổ bộ đường không lớn trên đảo Malta, một pháo đài chiến lược không kém quan trọng của Anh. Tuy nhiên, tất cả đều nhận ra rằng mũi nhọn của bất kỳ cuộc xâm lược nào vào hai trong số các lãnh thổ này sẽ phải được tiến hành bằng đường không, thay vì đường biển. Thật vậy, trong khi Hải quân Hoàng gia Anh vẫn có lợi thế rõ ràng về số lượng và chất lượng so với các đối thủ Ý và Đức ở Địa Trung Hải, Không quân Hoàng gia đã phải chịu những tổn thất nặng nề (cùng với việc mất phần lớn cơ sở hạ tầng căn cứ không quân) trong cuộc sơ tán hối hả của Anh khỏi đất liền Hy Lạp hồi đầu năm đó. Trong quá trình rút lui đó, Anh đã mất 209 máy bay – trong đó 72 chiếc trong khi chiến đấu, 55 chiếc trên mặt đất và 82 chiếc bị phá hủy để ngăn quân Đức chiếm và sử dụng. Sau khi hầu hết các máy bay còn lại được chuyển đến chiến trường Bắc Phi, Crete chỉ còn lại một nửa phi đội Hurricane và một vài máy bay lỗi thời khác. Hơn nữa, hòn đảo này không chỉ bị bao quanh bởi các căn cứ không quân của Phe Trục mà còn nằm ở rìa xa nhất của bán kính chiến đấu của các máy bay chiến đấu của Anh tác chiến từ Ai Cập. Do đó, Không quân Đức từ thời điểm đó đã giành được ưu thế trên không rõ ràng trên khắp Đông Địa Trung Hải.
Dù ban đầu có phần miễn cưỡng, Adolf Hitler cuối cùng đã phê duyệt khái niệm tác chiến táo bạo của Thống chế Hermann Göring và Student, thông qua ý tưởng về một cuộc tấn công đường không quy mô cấp sư đoàn. Sự nhượng bộ miễn cưỡng này đi kèm với việc Hitler khăng khăng đòi mở rộng số lượng khu vực mục tiêu thả quân, và đưa thêm quân tiếp viện bằng đường biển, để quân Đồng minh bị bao vây sẽ không thể nhanh chóng tập trung lực lượng để áp đảo các đợt tấn công đầu tiên. Bằng cách kết hợp đổ bộ đường biển với các chiến dịch trên không, quân tấn công Đức, theo như Hitler nhận xét, sẽ có “nhiều hơn một chân để đứng vững”.
Tuy nhiên, nếu Hitler và Bộ Tư lệnh tối cao Đức Quốc xã có được bức tranh đầy đủ và chính xác về đội hình chiến đấu của quân Đồng Minh, họ có lẽ đã không bao giờ bắt tay vào một cuộc tấn công đầy rủi ro như vậy. Thật vậy, tình báo Đức đã không phát hiện ra một số vị trí và kho vũ khí được ngụy trang tốt của kẻ thù, và cho đến tận đêm trước chiến dịch, họ đã đánh giá quá thấp số lượng, trang bị và tinh thần của những người bảo vệ hòn đảo và cư dân địa phương. Tiến hành tác chiến với giả định rằng quân đồn trú của Anh trên đảo Crete chỉ có 5.000 người, Abwehr (cơ quan tình báo quân sự Đức) cũng dường như tin rằng người Crete theo truyền thống chống lại chế độ quân chủ sẽ chào đón những người cai trị Đức mới của họ. Trên thực tế, quân đồn trú có quy mô gấp 8 lần con số đó và người dân địa phương, từ các bà nội trợ trong làng đến các linh mục địa phương, đã tấn công những lính nhảy dù Đức Quốc xã đang bối rối với cường độ dữ dội, sử dụng súng trường cũ kỹ và đánh đập họ đến chết bằng dụng cụ nông nghiệp ngay khi họ bắt đầu đổ bộ xuống những cánh đồng và ngôi làng cháy nắng trên đảo.
Ngoài ra, Abwehr vẫn không biết rằng nhiều chi tiết về sự chuẩn bị đổ bộ của họ đã bị London phát hiện thông qua việc giải mã các mật mã liên lạc của Đức thông qua Ultra – mật danh được đặt cho thông tin tình báo thu được từ việc giải mã máy Enigma trong suốt năm 1940. Tuy nhiên, tướng Freyberg – bị giới hạn bởi những quan niệm và định kiến có sẵn của mình về cách thức diễn ra một chiến dịch chiếm đảo – đã nhiều lần không tận dụng được lợi thế thông tin đáng kể này so với đối thủ phe Trục. Các thông tin tình báo bị chặn được cho thấy rõ ràng rằng bất kỳ cuộc xâm lược đường biển nào cũng chỉ xảy ra dưới dạng làn sóng đổ bộ thứ yếu và sau khi đã thiết lập hành lang hàng không an toàn. Tuy nhiên, thay vì ưu tiên phòng thủ hoặc phá hủy trước ba sân bay chính ở bờ biển phía bắc của hòn đảo là Heraklion, Maleme và Rethymno, tướng Freyberg đã chọn thực hiện cái mà ông gọi là “sự thỏa hiệp gây tổn hại cả về bố trí quân đội và mệnh lệnh tác chiến”, triển khai một số lượng lớn binh sĩ ra biển để chống lại cuộc tấn công đổ bộ mà ông vẫn tin là quân chủ lực của lực lượng xâm lược Đức.
Trong 12 ngày tiếp theo, một trận chiến khốc liệt sẽ diễn ra trên hòn đảo dài 257,5 km và rộng 96,6 km. Bị vướng vào tán lá hoặc mắc vào cành cây, đàn quân đổ bộ đầu tiên trở thành con mồi dễ dàng. Một nhóm lính dù đặc biệt không may đã trôi dạt ngay trên đỉnh trụ sở của Tiểu đoàn 23 New Zealand, các sĩ quan ở đây đã bình tĩnh bắn hạ họ mà thậm chí không cần đứng dậy khỏi ghế. Vào cuối ngày đầu tiên, do số thương vong đáng kinh ngạc (gần 2000), có vẻ như lực lượng xâm lược đang trên bờ vực bị tiêu diệt hoàn toàn. Lo sợ thất bại nhục nhã, các chỉ huy Đức bắt đầu tính đến việc từ bỏ hoàn toàn nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong vài giờ tiếp theo, các đợt lính dù bổ sung cuối cùng đã thành công trong việc chiếm giữ sân bay Maleme với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trên không – một bước ngoặt trong cuộc xung đột cho phép duy trì ổn định sự xuất hiện của lực lượng sơn cước, pháo binh hạng nhẹ và lính xe máy của Đức (rất hiệu quả trong việc di chuyển trên những con đường đất gập ghềnh trên địa hình hiểm trở của hòn đảo).
Đến ngày 1 tháng 6, quân Đức đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát hoàn toàn hòn đảo và các lực lượng Khối thịnh vượng chung còn lại cuối cùng đã đầu hàng. Lặp lại những cuộc rút lui đầy quả cảm từ Dunkirk hay Hy Lạp, Hải quân Hoàng gia Anh một lần nữa thành công trong việc sơ tán hàng ngàn quân lính, dưới làn mưa bom bão đạn của không quân địch. Tuy nhiên, mặc dù 18.000 binh sĩ Khối Thịnh vượng chung đã được đưa đến nơi an toàn, 11.000 người khác bị mắc kẹt trên đảo và bị kết án nhiều năm rồi bị giam cầm khắc nghiệt. Vài trăm người đã lẻn vào những vách đá dựng đứng và những khe núi sâu hun hút của dãy núi Trắng, nơi họ được những người dân làng Crete dũng cảm che chở. Trong khi nhiều người sau đó bị bắt, một số đã thành công trong việc trốn tránh các đội truy lùng của Đức và sau đó được sơ tán đến Ai Cập bằng tàu ngầm. Một nhóm thiểu số nhỏ nhưng cực kỳ hiệu quả đã tham gia cùng với Lực lượng Tác chiến Đặc biệt và lực lượng kháng chiến Crete huyền thoại, tiến hành chiến tranh du kích không ngừng nghỉ chống lại quân chiếm đóng Đức Quốc xã trên đảo cho đến khi hòn đảo được giải phóng vào năm 1945.
Trong cuộc di tản tuyệt vọng, hạm đội mặt nước hiện có của Hải quân Hoàng gia Anh ở Địa Trung Hải gần như bị tê liệt do mất ba tàu tuần dương và tám tàu khu trục, cùng với hơn 1.800 thủy thủ, và 17 tàu chiến tuyến đầu khác bị hư hại nặng, chẳng hạn như tàu sân bay HMS Formidable. Chiến đấu chống lại hàng trăm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của phe Trục với số lượng đạn phòng không ở mức thấp và hầu như không có sự hỗ trợ trên không, các tàu của Anh chỉ có thể thực hiện các cuộc sơ tán một cách đáng tin cậy vào ban đêm. Trong khi đó, với khả năng tiếp nhiên liệu và nạp đạn từ các căn cứ không quân lân cận một cách thoải mái, có tới 462 máy bay Đức đã được triển khai trong các đợt tấn công luân phiên liên tục nhắm vào các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh, khiến các thủy thủ đoàn của họ bị đẩy đến giới hạn chịu đựng, thường xuyên buộc phải ở lại vị trí chiến đấu trong hơn 48 giờ liên tục. Một tàu khu trục, HMS Kipling, đã thoát khỏi chiến dịch Crete một cách thần kỳ mà không bị hư hại, đã bị hơn 40 máy bay Đức tấn công với hơn 80 quả bom chỉ trong vòng bốn giờ. Có lúc trong quá trình sơ tán, Bộ Hải quân Anh, chỉ ra những tổn thất ngày càng tăng nhanh, đã hỏi ý kiến Đô đốc Andrew Cunningham, tổng tư lệnh Hạm đội Địa Trung Hải, rằng liệu đã đến lúc phải rút lui vội vã hay chưa. Trước câu hỏi đó, người thủy thủ quả cảm đã có câu trả lời nổi tiếng: “Hải quân mất ba năm để đóng một con tàu nhưng phải mất ba trăm năm để xây dựng danh tiếng mới. Cuộc di tản vẫn sẽ tiếp tục.” Khi kết thúc nỗ lực sơ tán anh dũng, 59% hạm đội Anh ở Địa Trung Hải bị đánh chìm hoặc hư hại nghiêm trọng bởi không quân Đức. Tuy nhiên, chiến thắng đáng kinh ngạc của Đức không phải là không có tổn thất. Trong số khoảng 22.000 quân Đức tham gia cuộc xâm lược Crete, có gần 6.500 thương vong, trong đó 3.774 người trong số này đã thiệt mạng hoặc được liệt kê là mất tích trong chiến đấu. Như đã đề cập trước đó, nhiều người trong số này đã bị giết trong vòng 24 giờ đầu tiên của cuộc xâm lược. 350 máy bay, bao gồm một phần ba số máy bay vận tải Junker của Không quân, đã bị bắn hạ – Và Đức vẫn chưa thể bù đắp hoàn toàn những tổn thất này trước thời điểm chiến dịch vận tải hàng không thất bại ở Stalingrad vào tháng 11 năm 1942. Trong khi đó, Hitler – bị ảnh hưởng bởi cái giá quá đắt của chiến dịch – đã nói riêng với Student trong bữa tiệc trao tặng Huân chương Chữ thập Sắt của mình rằng ông ta sẽ không bao giờ bật đèn xanh cho một chiến dịch đổ bộ đường không quy mô lớn như vậy nữa, và nói thêm rằng Crete đã “chứng minh rằng thời của lính dù đã qua. ayyyLực lượng nhảy dù hoàn toàn dựa vào yếu tố bất ngờ, nhưng yếu tố bất ngờ giờ đã cạn kiệt.”
Các bài học và hàm ý dành cho Đài Loan
Vào thời điểm mà kế hoạch quân sự của Mỹ đang tập trung vào những thách thức bảo vệ một hòn đảo địa hình đồi núi có vị trí quan trọng khác khỏi bị xâm lược, việc phân tích sâu sắc các yếu tố đằng sau sự thất bại của Đế quốc Anh trong việc bảo vệ đầy đủ cho đảo Crete có thể cung cấp cho các nhà trí thức quốc phòng Mỹ và đồng minh một số hàm ý mang tính hướng dẫn. Thật vậy, người ta có thể nhận ra những điểm tương đồng nhất định giữa các cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát Địa Trung Hải trong quá khứ và tình trạng cạnh tranh hải quân hiện nay trên một số tuyến đường thủy đông đúc nhất – và đang tranh chấp nhất – của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Xét về nhiều mặt, Biển Đông đã nổi lên như một “Địa Trung Hải của châu Á”, hay vùng biển trung tâm, với Đài Loan chiếm một vị trí nằm chắn ngang các tuyến đường biển quan trọng, không khác biệt nhiều so với Sicily hoặc Crete trong Thế chiến II, hoặc Malta vào cuối thời Phục hưng.
Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy rằng Quân đội Trung Quốc rõ ràng thấy được giá trị của việc tham gia vào việc nghiên cứu lịch sử ứng dụng – đặc biệt là khi xem xét kỹ lưỡng các chiến dịch chiếm đảo hoặc quần đảo trong quá khứ, từ trận Guadalcanal đến Chiến tranh Falklands. Trong khi đó, các nhà Trung Quốc học đương đại đã thu hút sự chú ý đến vai trò quan trọng mà khả năng không quân ngày càng mở rộng của Bắc Kinh được dự định sẽ xuất hiện trong một số khái niệm tác chiến đang phát triển của Trung Quốc – cho dù là nhắm trực tiếp vào Đài Loan hay các đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Do đó, các nhà hoạch định quốc phòng có tư duy lịch sử nên hướng một phần nỗ lực trí năng của mình vào việc xây dựng một kho tàng phân tích đầy đủ về các trường hợp xâm lược đường biển trong quá khứ – đặc biệt là những trường hợp sử dụng kết hợp giữa các khí tài đường biển và đường không.
Chiến dịch Crete năm 1941 vẫn còn giá trị tham khảo cho việc phòng thủ Đài Loan hiện nay vì ba lý do chính. Đầu tiên, chiến dịch Crete nhắc nhở chúng ta về vai trò quyết định của không quân Trung Quốc trong bất kỳ cuộc xâm lược Đài Loan nào, và sự cần thiết cấp bách để Đài Bắc đầu tư mạnh mẽ hơn vào một mạng lưới phòng không đa lớp, dẻo dai và cơ động. Thứ hai, chiến dịch này nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới thông tin liên lạc mạnh mẽ, của quyền chỉ huy nhiệm vụ, phân quyền ra quyết định và khả năng phản ứng chiến thuật tổng thể khi đối phó với các chiến dịch đổ bộ đường không quy mô lớn. Và cuối cùng, nó nêu bật những thách thức vốn có khi tham gia vào một trận đấu trên sân khách trước một đối thủ tác chiến trên phần sân nhà, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một kiến trúc căn cứ phân tán hơn về mặt địa lý và bền vững về mặt hậu cần ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sức mạnh Không quân Trung Quốc và hệ thống Phòng không của Đài Loan
Quân Đức thắng trận Crete nhờ vào sức mạnh không quân. Với hệ thống phòng không hạn chế và chỉ một số ít máy bay triển khai ở tiền tuyến, lực lượng đồn trú của Khối thịnh vượng chung và Hy Lạp trên Crete liên tục phải chịu các cuộc không kích nặng nề và gây suy sụp tinh thần, với không quân Đức ném bom rải thảm các vị trí của họ liên tục, tiêu diệt binh lính và các tuyến liên lạc mà không bị bắn trả. Như Cunningham sau này đã nhận xét trong hồi ký của mình, rõ ràng là lợi thế hải quân cục bộ của Anh không thể bù đắp cho những thiếu sót về sức mạnh không quân, hay khả năng dự trữ đạn phòng không hạn chế. Kết quả là, ông buồn bã nhận xét, “với việc [Anh] hoàn toàn không có sự yểm trợ trên không, không quân Đức, bằng sức mạnh số lượng tuyệt đối, đã thực tế là có thể làm theo ý mình…hỏa lực từ những con tàu tốt nhất không thể đối phó với máy bay mà một sĩ quan có mặt ở đó đã ví như một đàn ong”. Những khó khăn này – sự thiếu hỗ trợ trên không thích hợp và tình trạng thiếu đạn pháo của Hải quân Hoàng gia – càng trầm trọng hơn bởi những đặc thù vốn có của địa hình Crete, với dãy núi cao hướng về phía nam, nhiều nơi dốc thẳng xuống biển, đồng nghĩa với việc tất cả các cảng và sân bay lớn đều nằm ở bờ biển phía bắc của hòn đảo, nằm “trong tầm bắn dễ dàng của các sân bay đối phương,” ông nói thêm. Ông đã nhận xét một cách châm biếm: “Từ góc độ phòng thủ, sẽ tốt hơn nhiều nếu hòn đảo có thể lật ngược lại”. Cho đến cuối đời, Cunningham vẫn kiên quyết tin rằng “ba phi đội máy bay chiến đấu tầm xa và một vài phi đội ném bom hạng nặng sẽ cứu được Crete.” Tuy nhiên, không may cho những người bảo vệ Crete, những phi đội đó không có sẵn vào thời điểm đó – hoặc ít nhất là không nằm trong bán kính hoạt động khả thi. Do đó, một số ít máy bay Hurricane ít ỏi được phái đi muộn từ các căn cứ ở Alexandria đã được trang bị thêm thùng nhiên liệu phụ bên ngoài, điều này khiến chúng vừa chậm chạp hơn vừa dễ bị tổn thương trong không chiến vì “lớp giáp phía sau ghế phải được tháo ra và giảm bớt đạn để bù lại trọng lượng của nhiên liệu phụ”. Và bất chấp những nỗ lực dũng cảm của họ, các phi công Pháp Tự do và Anh bay đến bảo vệ hòn đảo đã nhanh chóng bị áp đảo bởi những đàn máy bay Messerschmitt của Đức, chúng tấn công họ như một “đàn diều hâu vây quanh một con chim sẻ”.
Đài Loan ngày nay cũng phải đối mặt với tình thế bất đối xứng không quân tương tự, nếu không muốn nói là đáng lo ngại hơn. Lực lượng không quân nhỏ bé của họ với khoảng 400 máy bay chiến đấu đời cũ hoàn toàn bị áp đảo bởi không quân Trung Quốc, lực lượng đang được bổ sung ngày càng nhiều các loại máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm, đồng thời mở rộng và củng cố các sân bay phía đông nam với tốc độ chóng mặt. Và trong khi phần lớn sự chú ý của giới bình luận quốc phòng Mỹ (một cách chính đáng) tập trung vào khả năng đóng tàu của Bắc Kinh, người ta không nên bỏ qua sự thật đáng lo ngại rằng Không quân Trung Quốc hiện cũng đang đi đúng hướng – nếu duy trì nhịp độ sản xuất máy bay hiện tại – để trở thành lực lượng không quân lớn nhất thế giới. Ngoài sự mất cân bằng không quân rõ rệt này, các nhà hoạch định quốc phòng Đài Loan cũng nên tính đến kho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ngày càng mạnh mẽ của Lực lượng Tên lửa PLA, vốn đã tăng hơn gấp đôi về quy mô trong ba đến bốn năm qua. Những tên lửa này sẽ đóng một vai trò trung tâm trong giai đoạn mở đầu của bất kỳ “chiến dịch tấn công hỏa lực chung” nào nhằm vào Đài Loan và lực lượng không quân của họ, trút xuống hệ thống phòng không cố định, sân bay và kho đạn dược của họ, đồng thời phá hủy bất kỳ máy bay nào không được ngụy trang hoặc đậu trong hầm trú ẩn kiên cố. Cũng giống như cuộc xâm lược Crete của Đức Quốc xã, Bắc Kinh chỉ có thể tạo ra các điều kiện tiếp theo cho một cuộc xâm lược Đài Loan thành công bằng cách kiên quyết giành quyền kiểm soát không phận từ tay lực lượng phòng thủ của hòn đảo. Thay vì tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên để mua thêm F-16, hoặc thậm chí F-35 – giống như những chiếc Hurricane của Anh bảo vệ Crete, sẽ sớm bị áp đảo về số lượng – Đài Bắc nên tập trung vào việc xây dựng một mạng lưới “phòng không du kích” đa lớp và có khả năng sống sót cao hơn. Hệ thống này sẽ tìm cách kết hợp tốt hơn các hệ thống phòng không tầm xa với các hệ thống phòng không tầm ngắn cùng với các drone cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, đạn tuần kích và các hệ thống phòng không cầm tay. Ngoài việc đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng thủ thụ động (như ngụy trang và gia cố) và bộ dụng cụ sửa chữa đường băng nhanh chóng, nên ưu tiên các hệ thống phòng không cơ động cao, có khả năng ngụy trang và dễ thay thế hơn là các hệ thống tên lửa đất đối không cố định đắt tiền như Patriot PAC-3, mặc dù hiệu quả cao nhưng mất nhiều thời gian để thiết lập và triển khai lại. Với một khoản tiền tương đối khiêm tốn, Đài Loan có thể đầu tư vào hàng nghìn tên lửa đất đối không được gắn trên xe tải, sau đó có thể được phân tán khắp hòn đảo, làm tăng thêm thách thức xác định mục tiêu của không quân Trung Quốc và kéo dài đáng kể độ khó và thời gian của chiến dịch đàn áp phòng không của họ.
Cuối cùng, Đài Loan nên đầu tư nhiều hơn vào khả năng phản công. Trong chiến dịch Crete, lực lượng Anh đã chịu tổn thất nặng nề do không thể làm gián đoạn các cuộc không kích của không quân Đức bằng cách tấn công dứt khoát vào các điểm xuất phát của chúng, tức là chuỗi các sân bay mới được xây dựng hoặc chiếm được trên đất liền Hy Lạp hoặc trên các hòn đảo lân cận.
Tầm quan trọng của thông tin liên lạc và tính chủ động trong các chiến dịch chống đổ bộ đường không
Đối với Student, một trong những ưu điểm lớn về mặt chiến thuật của các hoạt động đổ bộ đường không là khả năng – thông qua hiệu ứng tốc độ và bất ngờ – tạo ra sự hỗn loạn và mất liên kết giữa các lực lượng đối lập chậm chạp và dàn trận tĩnh. Như ông sau này đã lưu ý trong hồi ký của mình, quân đội đổ bộ đường không có thể trở thành một yếu tố quan trọng bậc nhất để giành chiến thắng trong trận chiến. Lực lượng đổ bộ đường không đã làm cho chiến tranh ba chiều trở nên khả thi trong các chiến dịch trên bộ. Đối phương không bao giờ có thể chắc chắn về một mặt trận ổn định vì lính dù có thể dễ dàng nhảy qua nó và tấn công từ phía sau bất cứ khi nào và ở đâu mà họ quyết định. Thật vậy, việc tấn công từ phía sau không phải là một chiến thuật mới. Thực tế, chiến thuật này đã được áp dụng từ thuở sơ khai của chiến tranh và đã chứng minh được tính hiệu quả và khả năng gây suy giảm tinh thần cho đối phương. Nhưng lính dù cung cấp một phương tiện khai thác mới và do đó tiềm năng của họ trong các chiến dịch như vậy có tầm quan trọng vô cùng to lớn. Yếu tố bất ngờ là một cân nhắc khác; càng nhiều lính dù được thả, tính bất ngờ càng lớn hơn.
Mặc dù có ưu thế về số lượng và biết trước về cuộc tấn công của Đức, nhưng các lực lượng phòng thủ của Crete đã cho thấy bản thân dễ tổn thương trước chiến thuật bao vây và đánh lạc hướng theo chiều dọc này. Trước hết, việc thiếu một lực lượng dự bị cơ động thích hợp, chẳng hạn như xe tải và xe bọc thép chở súng Bren, đã khiến lực lượng Khối Thịnh vượng chung gặp khó khăn trong việc nhanh chóng và dứt khoát quét sạch các đợt lính dù liên tiếp, vốn nhanh chóng lan rộng như “giọt dầu” trên bản đồ, đúng theo những dự đoán chiến thuật của Student. Nhưng ngay cả khi Freyberg đã thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh như vậy, thời gian phản ứng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng cơ sở hạ tầng tồi tệ trên đảo, với một sĩ quan đến thăm đã phàn nàn trong những tuần trước cuộc xâm lược rằng “thậm chí những chuẩn bị cơ bản nhất cũng chưa được thực hiện” để cải thiện kết nối đường bộ giữa các cảng chính và sân bay của Crete. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, như nhà sử học quân sự vĩ đại Antony Beevor đã đúng khi lưu ý, tình trạng “tồi tàn” của hệ thống thông tin liên lạc của lực lượng phòng thủ đã trở thành điểm yếu lớn nhất của họ. Điện thoại dã chiến phụ thuộc “vào dây điện chạy lỏng lẻo dọc theo cột điện báo” và do đó rất “dễ bị tổn thương bởi bom đạn và lính dù thả xuống giữa các sở chỉ huy.” Thêm vào đó, đáng tiếc rằng số lượng bộ đàm và đèn tín hiệu không đủ đồng nghĩa với việc một khi không quân Đức đã cắt đứt đường dây điện thoại, quân phòng thủ bị phân tán về mặt địa lý gần như không có cách nào để đưa ra bất kỳ hình thức phản ứng phối hợp chặt chẽ nào trước số lượng các cuộc tấn công của kẻ thù ngày càng tăng.
Trung Quốc ngày nay cũng rất coi trọng lợi ích tác chiến của chiến thuật gây sốc và bất ngờ khi tiến hành các chiến dịch tấn công đổ bộ đường không. Tương tự như Student, PLA miêu tả việc tích hợp chặt chẽ của lực lượng đổ bộ, tấn công đường không và nhảy dù trong bối cảnh của một Chiến dịch Đổ bộ Đảo Liên hợp nhắm vào Đài Loan như là một “chiến dịch đổ bộ ba chiều”. Trong khi đó, cuốn sách “Khoa học Chiến dịch” năm 2006 mô tả vai trò gây rối và hỗn loạn của lực lượng lính dù Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng trong giai đoạn đầu quan trọng của một cuộc xâm lược như sau:
[Cần] ngay lập tức phát động tấn công vào các mục tiêu đã định trước, lợi dụng tình hình khi kẻ thù (đánh giá tình hình) không rõ ràng, chúng không thể kịp thời tổ chức kháng cự hiệu quả và quân đổ bộ đường không phản công chưa đến nơi, để nhanh chóng chiếm và giữ các mục tiêu, chủ động bổ sung các hoạt động của lực lượng đổ bộ và đẩy nhanh tốc độ tấn công trên bộ, đảm bảo cuộc tấn công trên bộ thành công trong một đòn đánh.
Một trong những lợi ích chiến dịch lớn nhất của lực lượng tấn công đường không, như “Khoa học Chiến dịch” tiếp tục lưu ý, là khả năng làm tăng thêm màn sương mù và sự bất định tổng thể của chiến tranh, gây nhầm lẫn và làm suy yếu tinh thần của đối phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo “khi thế trận chiến trường trở nên hỗn loạn và chồng lấn, và tình hình trở nên phức tạp và khó lường”. Khi lực lượng Đài Loan định hình và chuẩn bị thế bố trí quân sự để ứng phó với những tình huống chiến đấu đầy thách thức như vậy, họ nên đảm bảo rằng họ không rơi vào tình thế giống như phe phòng thủ đảo Crete năm 1941, không có khả năng phản công nhanh chóng và hiệu quả trong một không gian chiến đấu thiếu hụt về hậu cần và thông tin liên lạc bị suy giảm. Giống như Crete, Đài Loan là một môi trường chiến đấu đầy thách thức về mặt địa hình – địa hình núi non của nó mang đến nhiều cơ hội cho chiến tranh phi chính quy và phòng thủ phi đối xứng, nhưng đồng thời cũng khiến hòn đảo dân chủ này phụ thuộc nhiều hơn vào một số tuyến giao thông quan trọng và các nút thắt hậu cần chắc chắn sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn đầu của một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Các nhà máy điện chính của Đài Loan cũng sẽ như vậy. Thật không may, than đá, khí đốt và dầu nhập khẩu vẫn chiếm 82% sản lượng điện của Đài Loan, điều này khiến lưới điện của họ cực kỳ dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công động năng, mạng hoặc điện từ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và mạng lưới thông tin liên lạc của Đài Loan có thể cũng sẽ mong manh tương tự, với hơn 97% lưu lượng internet toàn cầu của họ được truyền qua một số ít cáp ngầm dễ bị cắt đứt.
Để khắc phục những điểm yếu rõ ràng này, lực lượng Đài Loan nên tăng cường khả năng “chiến đấu trong bóng tối” trong môi trường giao tranh, bị nhiễu loạn và hỗn loạn, trang bị cho các trung đội tấn công chống đổ bộ trên không các phương tiện địa hình, radio sóng ngắn, hệ thống phòng không xách tay, drone góc nhìn người thứ nhất và các hệ thống chống thiết giáp vác vai như Javelin. Có lẽ quan trọng nhất, điều này sẽ cần đi kèm với một sự chuyển đổi thực sự trong văn hóa và thực tiễn tác chiến của quân đội Đài Loan, vì các đơn vị nhỏ này sẽ được yêu cầu hoạt động phần lớn tự chủ trong thời gian dài. Điều này sẽ đòi hỏi một sự chuyển dịch rộng rãi hơn từ mô hình mà một báo cáo gần đây đã mô tả đúng là một “cấu trúc chỉ huy và kiểm soát tập trung cao độ [của Đài Loan] không trao quyền cho các đơn vị đưa ra quyết định tác chiến”, và từ những cuộc tập trận quân sự đôi khi được lên kịch bản quá mức. Và mặc dù quân đội Đài Loan chắc chắn nên tiếp tục huấn luyện để đẩy lùi các cuộc đổ bộ đường biển quy mô lớn, nhưng cần tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường khả năng tiến hành một “chiến dịch phòng thủ chiều sâu linh hoạt” trên khắp hòn đảo và đối phó với các hình thức tấn công, phá hoại và phá hoại ngầm khó lường hơn.
Quyết định gần đây của Washington về việc lặng lẽ mở rộng quy mô và phạm vi các hoạt động huấn luyện với Đài Loan, với số lượng lớn hơn các lực lượng mặt đất của Đài Loan được gửi luân phiên thường xuyên để huấn luyện trên đất Mỹ, có thể mang đến một cơ hội đáng hoan nghênh cho cả hai bên để cùng nhau định hình lại một số khía cạnh quá cứng nhắc trong văn hóa quân sự Đài Loan. Chẳng hạn, việc ngày càng nhiều hạ sĩ quan Đài Loan sẽ tham gia vào các “chuyến đi quan sát huấn luyện” ở Mỹ là một bước đi đúng hướng. Thật vậy, việc đào tạo và trao quyền tốt hơn cho đội ngũ hạ sĩ quan của Đài Loan là rất quan trọng để thấm nhuần một nền văn hóa chủ động kỷ luật, hay chỉ huy nhiệm vụ theo chiều ngang hơn, trong toàn bộ lực lượng vũ trang của họ. Các lực lượng cố vấn của Mỹ đóng tại Đài Loan – vốn đã bắt đầu tăng về số lượng – cũng có thể kín đáo giúp hướng dẫn quá trình thay đổi văn hóa này.
Những thách thức của việc chiến đấu trên “sân khách”
Một số cuộc tranh luận hấp dẫn nhất liên quan đến chiến lược tổng thể và các hoạt động quân sự của Anh trong Thế chiến II được tìm thấy trong ghi chú của các cuộc tranh luận sôi nổi tại Quốc hội sau sự sụp đổ của Crete. Để chống lại một loạt các lời chỉ trích liên quan đến tình trạng chuẩn bị tồi tệ của hòn đảo trước một cuộc xâm lược đường không và hậu quả nghiêm trọng của sự thống trị trên không của Đức, Churchill đã chỉ ra những khó khăn khi phải “chiến đấu trên sân khách” chống lại một kẻ thù hiện đang kiểm soát hầu hết miền nam châu Âu:
Bất cứ ai cũng có thể thấy những lợi thế của người Đức lớn đến mức nào, và việc người Đức triển khai Không quân của họ từ nơi này sang nơi khác ở châu Âu dễ dàng như thế nào. Họ có thể bay dọc theo một chuỗi các sân bay cố định. Bất cứ nơi nào họ cần hạ cánh và tiếp nhiên liệu, đều có sẵn các sân bay cố định hoạt động hiệu quả cao, và các dịch vụ, nhân sự và tất cả các kho chứa đi kèm – mà không có những thứ này thì các phi đội sẽ hoàn toàn vô dụng – có thể được vận chuyển bằng các chuyến tàu cao tốc xuyên lục địa dọc theo các tuyến đường sắt chính của châu Âu. Chỉ cần so sánh quá trình này với việc gửi máy bay được đóng gói trong thùng, sau đó đưa lên tàu và gửi qua các đại dương rộng lớn cho đến khi chúng đến Mũi Hảo Vọng, sau đó được đưa đến Ai Cập, lắp ráp lại, hiệu chỉnh và đưa lên không trung khi đến nơi, để thấy rằng những gì người Đức có thể làm trong vài ngày thì chúng ta phải mất hàng tuần, hoặc thậm chí hơn. … Quyết định chiến đấu vì Crete đã được đưa ra với nhận thức đầy đủ rằng sự hỗ trợ trên không sẽ ở mức tối thiểu, như bất kỳ ai cũng có thể thấy – bên cạnh câu hỏi liệu bạn có đủ nguồn cung cấp hay không – những ai đo đạc khoảng cách từ các sân bay của chúng ta ở Ai Cập và so sánh chúng với khoảng cách từ các sân bay của đối phương ở Hy Lạp và ai tự làm quen với bán kính hoạt động của máy bay ném bom bổ nhào và máy bay.
Thủ tướng Anh tiếp tục lưu ý, “yếu tố hạn chế” chính không phải là tổng số máy bay của Anh, mà là “vận chuyển” – không hẳn là “theo nghĩa vận chuyển, mà theo nghĩa thời gian cần thiết để vận chuyển trong điều kiện của cuộc chiến hiện nay”.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột cường độ cao tại Đài Loan, Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự về khả năng triển khai và duy trì lực lượng. Cụ thể hơn về sức mạnh không quân, Trung Quốc sẽ tác chiến trên tuyến nội địa và dưới sự bảo vệ của hệ thống phòng không tích hợp của họ, kể từ khi họ mua lại hệ thống S-400, hiện đã mở rộng vượt ra ngoài eo biển Đài Loan. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ chỉ có hai căn cứ không quân mà từ đó các máy bay chiến đấu của họ có thể tiến hành các hoạt động không cần tiếp nhiên liệu trên không phận Đài Loan, trong khi Trung Quốc có gần 40 căn cứ. Trong khi không quân Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc xuất kích từ các sân bay ven biển nằm gần như đối diện với Eo biển Đài Loan rộng 100 hải lý, Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa – hiện là căn cứ Không quân Mỹ lớn nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – lại cách Đài Loan gần 724,205 km. Cũng giống như Crete trong Thế chiến II, sẽ rất có lợi cho các nhà hoạch định quốc phòng của Đài Loan và Mỹ nếu hòn đảo này có thể được “lật ngược lại”, với dãy núi dốc đứng của nó hướng về phía Trung Quốc đại lục chứ không phải ngược lại. Thay vào đó, các nhà máy bán dẫn, nhà máy điện, đường cao tốc và trung tâm dân cư chính của Đài Loan – 22 triệu trong số 23,5 triệu người của đất nước – đều tập trung ở vùng đất thấp phía tây, ngay đối diện với Trung Quốc.
Để bù đắp cho những bất lợi gặp phải trước những lợi thế địa lý cố hữu đáng gờm của Trung Quốc, quân đội Mỹ sẽ cần phải vừa tăng cường sức mạnh chiến đấu ở tiền tuyến, vừa tăng cường khả năng duy trì, cũng như khả năng chống chịu trước sự phá hoại.
Những thành công gần đây trong việc đàm phán các thỏa thuận căn cứ mới – từ Palau đến Philippines – mở ra triển vọng về một thế trận lực lượng khu vực phân tán hơn, kiên cường hơn và “linh hoạt” hơn về mặt tác chiến. Ví dụ, việc một ngày nào đó có thể bố trí máy bay thường trực ở Bắc Luzon, chỉ cách Đài Loan 257,5 dặm, có thể tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong trường hợp xảy ra xung đột. Ngoài việc mở rộng và đa dạng hóa kiến trúc căn cứ của mình trong khu vực, Mỹ cũng nên làm sâu sắc hơn, củng cố và phân tán các kho đạn dược và bể chứa nhiên liệu được bố trí ở tiền tuyến, nỗ lực cải thiện các khả năng trong khu vực như bổ sung nhiên liệu trên đường đi và nạp đạn trên biển, và sử dụng các xưởng đóng tàu của đồng minh ở các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc để bảo trì và sửa chữa trong khu vực. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Mỹ nên khuyến khích và hỗ trợ Đài Loan tích trữ nhiên liệu, vật liệu và đạn dược cho một cuộc xung đột kéo dài, với nhận thức rõ ràng rằng – giống như Hải quân Hoàng gia Anh trong trận chiến Crete – việc tăng cường và tiếp tế cho quốc gia dân chủ trên đảo này sẽ vô cùng khó khăn một khi các cuộc chiến lớn đã bắt đầu. Không giống như các lực lượng Hy Lạp địa phương trên Crete, có thể xảy ra trường hợp các lực lượng vũ trang Đài Loan sẽ phải tự mình bảo vệ hòn đảo của họ – hoặc trong suốt thời gian của chiến dịch nếu một chính quyền Mỹ ít ủng hộ Đài Loan hơn quyết định không can thiệp để bảo vệ họ – hoặc trong một khoảng thời gian quan trọng mà Mỹ (và có thể một số đồng minh trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản) tập hợp lực lượng tiếp viện để đến giải cứu họ.
Nhà sử học Hy Lạp vĩ đại Polybius đã từng quan sát một cách châm biếm rằng có hai cách để các chính khách có thể cải thiện chất lượng khả năng ra quyết định của họ, hoặc là nếm trải quá trình trừng phạt của chính những thử nghiệm và sai lầm của họ, hoặc bằng cách nghiên cứu sai lầm của “những người khác”. Đưa ra quan điểm tương tự, mặc dù với sự thẳng thắn đặc trưng của riêng mình, Bộ trưởng Quốc phòng đã nghỉ hưu và Tướng Thủy quân lục chiến Jim Mattis đã từng nói đùa rằng tất cả các sĩ quan quân đội nên nghiên cứu lịch sử, chỉ vì “học hỏi từ những sai lầm của người khác thông minh hơn nhiều so với việc đặt những người bạn của bạn vào trong túi đựng xác.” Và thực vậy,
việc ứng dụng lịch sử, nếu được thực hiện một cách tinh tế và sáng suốt, có thể hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học tập kinh nghiệm gián tiếp này. Thất bại tại Crete không chỉ là một trong những thất bại bi thảm nhất của Anh trong Thế chiến II – mà trong mắt nhiều người lúc bấy giờ, nó còn có vẻ là một trong những thất bại khó hiểu nhất. Xét cho cùng, các chiến dịch tấn công đường không quy mô lớn đã được cho là quá phi thực tế hoặc quá nguy hiểm. Và thực sự, những nỗ lực xâm nhập cưỡng chế như vậy vẫn chứa đầy rủi ro, như thất bại đẫm máu của Nga trong trận chiến giành sân bay Hostomel năm 2022 gần đây đã cho thấy quá rõ. Tuy nhiên, không nên để những giả định định kiến về cách thức một chiến dịch có thể diễn ra – hoặc về những tổn thất mà đối phương sẵn sàng chịu đựng – ru ngủ chúng ta vào cảm giác tự mãn, như Freyberg dũng cảm nhưng thiển cận đã phải trải qua. Câu chuyện Crete cũng là một lời nhắc nhở hữu ích về việc thu thập thông tin tình báo hiệu quả và phân tích thông tin tình báo hiệu quả là hai việc rất khác nhau. Quân đội Anh và Khối Thịnh vượng chung trên đảo Crete đã có thông tin tuyệt vời và kịp thời về kế hoạch hành động quân sự của đối phương, tuy nhiên họ vẫn chọn thực hiện một chiến lược phòng thủ quá tuyến tính về bản chất, thiếu nguồn lực và không phù hợp với bản chất của mối đe dọa.
Vài tuần sau thất bại tại Crete, trong một bản ghi nhớ gửi Tướng Hastings Ismay cho Ủy ban Tham mưu trưởng, Churchill đã chỉ trích gay gắt khả năng ra quyết định của Freyberg, lưu ý rằng ngay cả khi người ta “chiếu cố cho những thiếu sót” mà chỉ huy đã phải đối mặt về đạn dược, vật tư và không quân, thì “toàn bộ quan niệm dường như là phòng thủ tĩnh các vị trí, thay vì tiêu diệt nhanh chóng bằng mọi giá các nhóm đổ bộ đường không.” Một phần của vấn đề, ông than phiền, là các chỉ huy quân sự Anh đóng quân tại “Trụ sở Trung Đông” dường như coi việc bảo vệ Crete là một cam kết gượng ép, nhưng đồng thời thừa nhận tầm quan trọng chiến lược của nó. Không ai có thẩm quyền cao khi đó chịu ngồi xuống cùng nhau trong hai hoặc ba buổi sáng và cố gắng đưa ra một cái nhìn tổng quan về những gì sẽ xảy ra dựa trên thông tin có sẵn, được cung cấp đầy đủ, và rất nhiều bức điện tín do tôi và các Tham mưu trưởng gửi đi.
Tương tự, việc thu thập một lượng lớn thông tin tình báo về con người, địa lý, tín hiệu và hình ảnh về công tác chuẩn bị chiến tranh của Trung Quốc là một chuyện, nhưng việc sử dụng tốt những thông tin này để “nhìn về phía trước” và dự đoán nhiều cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc, với thiên hướng lâu đời về chính sách răn đe nguy hiểm và đánh lừa, có thể chọn để tiến hành một chiến dịch lớn vượt eo biển, lại là một chuyện khác. Tóm lại, bằng cách học hỏi từ sự sụp đổ của Crete năm 1941 và các tình tiết chưa được khám phá khác trong lịch sử quân sự, người ta hy vọng có thể ngăn chặn khả năng xảy ra một hình thức bất ngờ chiến lược không mong muốn tương tự.
Iskander Rehman là nghiên cứu viên cao cấp về Nghiên cứu Chiến lược tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ và là Axson Johnson Fellow tại Trung tâm Kissinger.