Chủ nghĩa cực đoan chính trị ở Đức và những rủi ro đối với Ukraine

Nguồn: Gideon Rachman, “Germany, political extremism and the risks to Ukraine,” Financial Times, 23/09/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự chia rẽ chính trị ở Cộng hòa Liên bang Đức đe dọa sự thống nhất của phương Tây và sự ủng hộ dành cho Kyiv.

Tác động tiềm tàng của Donald Trump đối với cuộc chiến ở Ukraine và liên minh phương Tây đã được hiểu rõ. Nhưng những gì xảy ra ở Đức có thể cũng quan trọng không kém.

Đức là nước viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ, và còn là thành viên chủ chốt trong cả EU và NATO. Nhưng các đảng dân túy có thiện cảm với Nga lại đang nổi lên ở Đức.

Đảng Lựa chọn Thay thế cho Nước Đức (AfD) suýt chút nữa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại bang Brandenburg hôm Chủ Nhật 22/09. Đây là lần thứ ba liên tiếp đảng này giành chiến thắng, sau khi giành vị trí đầu tiên trong cuộc bầu cử ở bang Thuringia và vị trí thứ hai sát nút tại Saxony.

Khi kết hợp phiếu bầu của AfD với phiếu bầu của Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW), có thể thấy rằng khoảng một phần ba người Đức – và một con số cao hơn ở Đông Đức – đang bỏ phiếu cho các đảng dân túy cực đoan chống di cư, thù địch với NATO, và quyết tâm cắt viện trợ cho Ukraine. Khi Volodymyr Zelenskyy phát biểu tại Bundestag (Quốc hội Đức) hồi tháng 6, 73 trong số 77 thành viên của AfD đã tẩy chay bài phát biểu của ông.

Các lập trường chính sách của AfD và BSW, cùng với cáo buộc rằng nhiều thành viên AfD có chương trình nghị sự chưa công bố thậm chí còn cực đoan hơn, có nghĩa là các đảng truyền thống của Đức sẽ từ chối liên minh với phe dân túy – chí ít là ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các phe phái cực đoan chính trị đã có ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ. Quyết định của Đức nhằm áp đặt kiểm soát biên giới với các nước láng giềng EU phản ánh sự lo lắng về tình trạng di cư bất hợp pháp mà những người theo chủ nghĩa dân túy đã tận dụng.

Những người ủng hộ Ukraine lo ngại rằng các điều chỉnh chính sách tiếp theo sẽ liên quan đến việc giảm bớt sự ủng hộ của Đức dành cho Kyiv. Quân đội Ukraine đang phải vật lộn để ngăn chặn lực lượng Nga ở phía đông đất nước và đang thiếu trầm trọng đạn dược và quân lính. Việc Đức và Mỹ giảm sự ủng hộ đối với Ukraine có thể giúp Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Ngay cả khi xe tăng Nga không tiến vào Kyiv, những người ủng hộ Ukraine vẫn lo ngại rằng chính phủ Zelenskyy có thể sớm buộc phải nhượng bộ lãnh thổ, và điều này sẽ cho phép Vladimir Putin tuyên bố chiến thắng. Một thỏa thuận hòa bình tồi tệ có thể gây nguy hiểm cho tương lai của Ukraine với tư cách một quốc gia, và khiến Putin trở nên hung hăng hơn trong việc đe dọa các quốc gia khác.

Những người bạn của Ukraine ở Berlin đang chứng kiến ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng giảm bớt sự ủng hộ của Đức. Trong khi Anh và Mỹ đang tranh luận về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của họ để tấn công sâu vào bên trong nước Nga, thì Đức đã loại trừ khả năng cung cấp tên lửa Taurus của mình.

Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner, đã nói rằng không thể có thêm gói viện trợ tài chính nào nữa cho Ukraine, nếu Đức không thực hiện các biện pháp cắt giảm để bù đắp ngân sách, vốn là bất khả thi về mặt chính trị. Quyết định của EU nhằm huy động một số tài sản bị đóng băng của Nga để giúp Ukraine đã giải tỏa áp lực tài chính cho Berlin vào lúc này. Nhưng vấn đề viện trợ tài chính của Đức chắc chắn sẽ quay trở lại.

Thủ tướng Olaf Scholz đang tụt hạng rất nhiều trong các cuộc thăm dò toàn quốc và có lẽ sẽ thất bại trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 năm sau. Những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine lo ngại rằng Scholz có thể bị cám dỗ cố gắng khôi phục vận may chính trị của mình bằng cách khởi động một sáng kiến hòa bình với Nga trước kỳ bầu cử.

Nỗi lo về những gì Scholz có thể làm đã được phản ánh qua những tin đồn lan truyền ở Berlin vào tuần trước, rằng một nhóm liên lạc, bao gồm các thành viên Đảng Dân chủ Xã hội của ông, đã có mặt tại Moscow để đàm phán bí mật.

Tuy nhiên, những đề xuất này đã bị bác bỏ tại phủ thủ tướng. Các trợ lý chủ chốt của Scholz dường như đang tức giận với cả những người theo chủ nghĩa dân túy thân Nga lẫn những người theo chủ nghĩa diều hâu ở Berlin đang đòi tăng mạnh viện trợ cho Kyiv. Họ tự cho mình là đại diện cho phe trung dung ôn hòa của Đức về vấn đề Ukraine. Nhiệm vụ của chính phủ, theo Scholz, là giữ cho một đất nước đang chia rẽ cùng đoàn kết xung quanh một chính sách về cơ bản là ủng hộ Ukraine.

Tuy nhiên, đối với người Ukraine – vốn đã thất vọng từ lâu vì những gì họ xem là tốc độ chậm như sên của viện trợ Đức – bất kỳ gợi ý nào cho rằng chính phủ Scholz có thể trở nên thận trọng hơn nữa đều đáng lo ngại. Những người theo chủ nghĩa diều hâu ở Kyiv và Berlin lập luận rằng nếu Putin không bị đánh bại ở Ukraine, ông ta sẽ chuyển sang đe dọa NATO và cuối cùng là chính nước Đức.

Scholz và các đồng minh của ông khẳng định rằng Thủ tướng Đức không ngây thơ trước những mối đe dọa do Putin gây ra. Họ đã thấy bằng chứng hàng ngày về sự tàn bạo của Nga ở Ukraine, cũng như các chiến dịch phá hoại và thông tin sai lệch bên trong nước Đức. Về lâu dài, các nhà phân tích Đức lo ngại rằng Nga hiện đã chuyển đổi hoàn toàn thành một nền kinh tế thời chiến với khả năng sản xuất vũ khí. Họ cũng lưu ý rằng một số vũ khí tiên tiến nhất mà Nga đang sản xuất không được sử dụng ở Ukraine, mà dường như đang được giữ lại cho một số cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Thủ tướng Đức biết tất cả những điều này. Nhưng các nhà lãnh đạo chính trị luôn sống cho hiện tại, và quan điểm của họ hầu như luôn bị chi phối bởi chính trị trong nước. Scholz có một cuộc bầu cử gian nan đang chờ phía trước và ông muốn ra tranh cử với tư cách là ứng viên của hòa bình.

Ông cũng sống tại Berlin – một thành phố đã chứng kiến quá nhiều bóng tối và bi kịch – nhưng giờ đây lại trông như đang cách xa tuyến đầu của Ukraine. Tuần trước, các quán bar vỉa hè và đường dành cho xe đạp ở gần văn phòng thủ tướng đã chật kín những người đến tận hưởng ánh nắng cuối hè. Ý tưởng rằng thời kỳ đen tối đang quay trở lại châu Âu là điều mà một chính phủ – hay một đất nước – không muốn đối mặt.