Tại sao kẻ yếu sẽ đánh bại kẻ mạnh trong trật tự thế giới mới?

Nguồn: Bertrand Badie, Tào Nhiên, 为什么弱者最终会战胜强权?, China News Weekly số 1157, 23/09/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Vừa ngồi vào ghế sofa, Bertrand Badie đã đùa rằng: “Tôi hy vọng cuộc phỏng vấn này sẽ được công bố càng sớm càng tốt, nếu không chẳng ai biết tình hình quốc tế sẽ lại xảy ra những thay đổi lớn thế nào.”

Từ cuộc khủng hoảng Ukraine đến cuộc khủng hoảng Gaza, cho đến những thăng trầm của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, sự khó lường của tình hình quốc tế đã khiến nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế phải đau đầu. Tuy nhiên đối với Badie, người lúc này 74 tuổi, đây chỉ là một khúc quanh của tiến trình toàn cầu hóa mà ông được chứng kiến sau khi đã đích thân trải qua những cuộc khủng hoảng như Phong trào Mai 68, Chiến tranh Lạnh hay Chiến tranh vùng Vịnh.

Là một trong những học giả Pháp nổi tiếng nhất trong giới quan hệ quốc tế đương đại và là đại diện tiêu biểu cho “trường phái Pháp” của lý thuyết hậu hiện đại, Badie nổi tiếng với cách lý giải trật tự quốc tế trong kỷ nguyên mới. Ông từng đảm nhận hàng loạt chức vụ xã hội như Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Chính trị Quốc tế (IPSA) và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về hòa bình và giải quyết xung đột của Rotary International. Ngay từ năm 2008, Badie đã viết: “Mối nguy hiểm chủ yếu mà chúng ta phải đối mặt không phải vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay vấn đề hạt nhân Iran, mà có thể là một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm.”

Tuy vậy, điều đáng tự hào nhất là Badie đã là giáo sư tại Viện Sciences Po ở Paris trong suốt 30 năm qua và giảng dạy môn Espace Mondiale (không gian toàn cầu) – khóa học được sinh viên yêu thích nhất của trường. Có rất nhiều quan chức và nhà ngoại giao Pháp là học trò của ông, trong đó có Bertrand Lortholary, Đại sứ Pháp tại Trung Quốc đương nhiệm.

Sáng 12/9, trong chuyến thăm Trung Quốc, Badie nhận lời mời phỏng vấn độc quyền của China News Weekly. Khi nói về xung đột Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng Gaza, làn sóng cực hữu ở phương Tây và các vấn đề chống toàn cầu hóa, đôi khi ông cao giọng và khua tay, tiếp diễn phong cách kiểu Pháp đầy nhiệt huyết của mình như trong bài phát biểu vào đêm hôm trước. Tuy nhiên, khi nhắc đến tương lai của cộng đồng quốc tế, người ủng hộ toàn cầu hóa trung thành này lại tỏ ra lo ngại.

Badie vẫn tin tưởng vào quá trình toàn cầu hóa, tin vào sức mạnh tích cực của dư luận đối với các quyết sách đối ngoại, tin rằng kẻ yếu có thể đánh bại kẻ mạnh và cũng tin vào sự thức tỉnh của giới trẻ. Nhưng đồng thời, ông lo ngại rằng toàn cầu hóa sẽ đưa nhân loại đến một cuộc “đại chiến toàn cầu”, nơi dư luận bị ảnh hưởng bởi những sự thật giả tạo và có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ thì kẻ yếu mới có thể giành được công lý trong quan hệ quốc tế. Còn đối với những người trẻ, “Liệu ​​khi trưởng thành, họ có thể chống lại áp lực từ trật tự cũ không?”

Toàn cầu hóa không thoái trào mà diễn tiến theo từng vòng

China News Weekly: Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ông là một trong những người có đóng góp quan trọng cho khái niệm “toàn cầu hóa”. Nhưng hiện nay, thương mại toàn cầu đã bị phân tách, tình trạng xem nhẹ các nguyên tắc cơ bản của “Hiến chương Liên hợp quốc” và các quy tắc của Luật Nhân đạo cũng thường xuyên xảy ra. Có quan điểm cho rằng, quá trình toàn cầu hóa kéo dài hàng thập kỷ đã gặp phải bước ngoặt theo hướng thoái trào. Ông có suy nghĩ như thế nào về điều này?

Badie: Người ta có nhiều nhận thức sai lầm về toàn cầu hóa, chẳng hạn như định nghĩa toàn cầu hóa là “toàn cầu hóa kinh tế” theo nghĩa hẹp. Toàn cầu hóa được sử dụng bởi nhiều chủ thể kinh tế khác nhau, nhưng nó không phát sinh từ hoạt động kinh tế. Nói một cách chính xác, toàn cầu hóa bắt nguồn từ sự cập nhật và thay thế công nghệ, phá vỡ khoảng cách về thời gian và không gian, đồng thời thay đổi trật tự quốc tế truyền thống.

Theo nghĩa này, toàn cầu hóa có ba đặc trưng quan trọng. Đầu tiên là sự hòa nhập (inclusion). Trong lịch sử loài người, đây là lần đầu tiên mọi người đều ở trên cùng một đấu trường. Tất cả mọi người đều có thể thấy sự đa nguyên văn hóa và sự bất bình đẳng giữa các xã hội khác nhau trên thế giới, cũng như thấy khoảng cách rất lớn giữa chúng.

Một mặt, sự bất bình đẳng này đặt các vấn đề xã hội lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế mới. Trong thời đại toàn cầu hóa, các vấn đề xã hội quan trọng hơn nhiều so với các vấn đề chiến lược và quân sự. Mặt khác, sự xuất hiện của sự đa nguyên văn hóa đồng nghĩa với việc trật tự quốc tế không còn do những người Âu Mỹ có chung lịch sử, văn hóa và tôn giáo kiểm soát giống như trước đây. Các nền văn hóa và lịch sử khác nhau hòa nhập vào cùng một trật tự quốc tế, trong khi những quan niệm thứ bậc và cảm giác ưu việt của xã hội phương Tây trong quan hệ quốc tế đã làm dấy lên sự thù hận và cảm giác bị sỉ nhục mạnh mẽ ở các xã hội khác.

Đặc trưng thứ hai của toàn cầu hóa là sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence). Trong quan hệ quốc tế trước đây, nước nhỏ phải dựa vào sự hợp tác, thậm chí liên minh với nước lớn để tồn tại và phát triển, điều này có nghĩa kẻ yếu phụ thuộc vào kẻ mạnh. Nhưng trong một trật tự quốc tế nơi các quốc gia thực sự phụ thuộc lẫn nhau, kẻ mạnh ngày càng phụ thuộc vào kẻ yếu, thay vì có khả năng kiểm soát hay loại bỏ kẻ yếu. Đây là lý do tại sao các nước như Mỹ và Pháp đều là bên nhận thất bại trong tất cả các cuộc chiến sau năm 1945.

Đặc trưng thứ ba của toàn cầu hóa là tính linh động (mobility). Trật tự quốc tế trước đây mang tính khu vực, nhưng trật tự quốc tế hiện nay được cấu thành bởi tính linh động của sự vật, bao gồm tính linh động của hàng hóa, tin tức, dư luận, tư tưởng và con người. Linh động là trạng thái mới của lịch sử loài người.

Nhiều người vẫn chưa ý thức được rằng, tính linh động là khái niệm then chốt trong quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên mới. Điều này đại diện cho một cấu trúc thế giới không có liên minh và không có sự phân biệt địch ta. Thế giới quan truyền thống của phương Tây được cấu thành bởi kẻ địch và đồng minh nên họ cố gắng xây dựng các liên minh quân sự, chẳng hạn như NATO. Nhưng trong một thế giới toàn cầu hóa có tính linh động, kiểu phân loại này không còn đúng nữa. Đối với phần lớn các quốc gia, một quốc gia khác có khi là đối thủ ở một vài mặt nào đó và có khi lại là đối tác ở một vài phương diện khác.

Trở lại với câu hỏi của bạn, xét theo ba đặc trưng này thì toàn cầu hóa vẫn chưa thoái trào. Toàn cầu hóa diễn tiến theo từng vòng. Trong một trăm năm qua, trước tiên chúng ta đã trải qua toàn cầu hóa lần thứ nhất của chủ nghĩa tân tự do, cũng là toàn cầu hóa trao đổi kinh tế. Tuy nhiên, không gian toàn cầu không thể được điều chỉnh chỉ bằng trao đổi kinh tế. Kiểu toàn cầu hóa này đã nới rộng khoảng cách giữa người giàu nhất và người nghèo nhất, và là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính nó.

Tiếp đó là toàn cầu hóa lần thứ hai của sự cân bằng quyền lực mới, khi các nước lớn tìm cách đạt được đồng thuận trong việc tạo ra và tổ chức một “không gian thế giới” mới. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả những nỗ lực này đều thất bại. Tôi cho rằng hiện tại không thể tìm được sự cân bằng quyền lực mới, bởi các siêu cường truyền thống ngày càng trở nên bất lực trước sự xuất hiện các yếu tố như tính linh động.

Vì vậy, hiện giờ chúng ta có thể đang bước vào toàn cầu hóa lần thứ ba. Thật không may, đây là toàn cầu hóa diễn ra dưới sự ngăn chặn cùa những người nắm giữ quyền lực. Có thể thấy, cho đến nay, “quán tính” của trật tự quốc tế vẫn đang hoạt động, trật tự và kinh nghiệm truyền thống vẫn tồn tại trong tâm trí các học giả và chính trị gia. Họ cho rằng, toàn cầu hóa sẽ dẫn đến sự suy giảm tầm ảnh hưởng của lực lượng truyền thống trong trật tự quốc tế. Trong quan hệ quốc tế sau toàn cầu hóa, những người nắm giữ quyền lực không còn có thể kiểm soát mọi thứ. Đây là lý do tại sao họ hoài nghi, phủ nhận và ngăn chặn tiến trình toàn cầu hóa.

Tại sao đến cuối cùng, kẻ yếu sẽ giành phần thắng?

China News Weekly: Ông từng chỉ ra rằng, đặc tính linh động của toàn cầu hóa đã khiến cuộc xung đột Nga-Ukraine trở thành “cuộc chiến mang tính toàn cầu” (globalized war) thực sự đầu tiên bởi mọi xã hội đều bị ảnh hưởng bởi nó. Phải chăng kiểu cuộc chiến mang tính toàn cầu này cũng là một phần của toàn cầu hóa? Nói cách khác, toàn cầu hóa không đồng nghĩa với hòa bình?

Badie: Chiến tranh Nga-Ukraine là một cuộc chiến truyền thống, nó không khác gì những cuộc chiến từ thế kỷ 18, 19. Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh truyền thống này diễn ra trong một thế giới toàn cầu hóa nên mọi nơi trên thế giới đều bị ảnh hưởng và phản ứng ngay lập tức.

Vào thế kỷ 19, khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu, người dân ở lục địa Á-Phi không hề bận tâm, họ thậm chí còn không biết rằng đang có chiến tranh ở châu Âu. Trong khi đó, khi tôi ở châu Phi vào tháng 2 năm 2022, tôi quan sát thấy người dân châu Phi đã ngay lập tức giải thích cuộc chiến Nga-Ukraine theo quan điểm của riêng họ và mang lại cho cuộc xung đột này một hàm ý mới. Họ coi đây là một cuộc xung đột giữa các nước châu Âu, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực kéo theo đó lại do phương Nam toàn cầu gánh chịu.

China News Weekly: Nếu đây là một cuộc chiến tranh truyền thống, vậy liệu sẽ có kẻ thắng, người thua như trong chiến tranh truyền thống không?

Badie: Kể từ năm 1945 đến nay, chúng ta chưa thấy kẻ thắng, người thua rõ ràng trong bất kỳ cuộc chiến nào. Đây là đặc trưng cơ bản của trật tự thời hậu chiến. Tuy nhiên, nhìn chung thì những cuộc chiến này kết thúc với việc bên trông có vẻ mạnh hơn từ bỏ các mục tiêu ban đầu của mình, chẳng hạn như việc Mỹ rút khỏi Việt Nam, Afghanistan và Iraq, hay việc Pháp rút khỏi Algeria.

Về cơ bản, điều này là do trật tự quốc tế đã thay đổi. Trong trật tự cũ, chiến tranh sẽ quyết định trật tự mới; hay nói cách khác, kẻ mạnh sẽ thắng cuộc chiến và rồi quyết định trật tự mới. Nhưng giờ đây, chinh phục chỉ là “câu chuyện cổ tích”, nó sẽ không mang lại giải pháp mới. Điều này cũng đúng với xung đột và cuộc chiến giữa Israel và Palestine.

China News Weekly: Ông đã đề xuất khái niệm nổi tiếng về “chính trị của kẻ yếu” (weakness politics), đồng thời cho rằng sự phản kháng của Ukraine đã chứng minh rằng
“chính trị của kẻ yếu” là một nguyên tắc mới có thể đạt được trong quan hệ quốc tế. Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ của một số nước lớn và Palestine đã nhận được sự ủng hộ về mặt tinh thần từ toàn thế giới, nhưng các nước lớn phương Tây lại không ủng hộ Palestine như cách họ ủng hộ Ukraine. Vậy trong điều kiện nào thì mới có thể thực hiện được “chính trị của kẻ yếu”? Nếu vẫn cần sự hỗ trợ của các nước lớn thì liệu đây có phải vẫn là một hình thức “chính trị của kẻ mạnh”
(power politics)?

Badie: Nếu nhìn theo chiều dài lịch sử thì “chính trị của kẻ yếu” đã giành chiến thắng trên quy mô toàn cầu rồi. Sự kiện lớn điển hình nhất làm đảo lộn trật tự này là phong trào phi thực dân hóa. Thuộc địa là sản phẩm của “chính trị của kẻ mạnh”, nhưng các cuộc chiến trong phong trào giành độc lập ở các nước thuộc địa đều có kết quả là thắng lợi thuộc về kẻ yếu, không có ngoại lệ. Từ Ấn Độ và Việt Nam đến Algeria, Kenya và Cameroon, tất cả đều là vậy.

Tại sao đến cuối cùng, kẻ yếu lại giành phần thắng? Bởi theo trật tự truyền thống, nguồn lực vật chất của kẻ mạnh tạo nên “luật lệ”. Nghĩa là nếu có quân đội và vũ khí tốt nhất, anh sẽ giành chiến thắng. Khi đó, quan hệ quốc tế chỉ là sự đối đầu giữa các quốc gia, còn con người và xã hội bị đặt sang một bên. Nhưng trong trật tự quốc tế mới, điều thực sự quan trọng là nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ và tham gia của xã hội. “Năng lượng xã hội” (social energy) này là một thông số mới để đo lường quan hệ quốc tế.

Như người ta thường nói: “Quân kháng chiến giống như cá trong nước.” Cho dù là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của người Algeria hay cuộc kháng chiến của người Palestine ngày nay, thì đều hoàn toàn hòa nhập với xã hội và con người. Điều mà kiểu chiến tranh này thực hiện được sau cùng không phải là chiến thắng của kẻ yếu, mà là thắng lợi của năng lượng xã hội và sự giải phóng ý chí xã hội.

China News Weekly: Nhưng liệu chiến thắng này có đủ để tạo dựng một trật tự toàn cầu mới không? Thế chiến thứ hai là một thắng lợi của chính nghĩa, nhưng hệ thống đa phương thời hậu chiến vẫn được xây dựng dựa trên quyền lực.

Badie: Đây là một câu hỏi thú vị. Khi chúng ta nói về những thay đổi trong trật tự quốc tế ngày nay, nguồn gốc thực sự của những thay đổi này bắt nguồn từ Thế chiến thứ hai. Không giống như Thế chiến thứ nhất nơi các cường quốc tranh giành quyền lực, Thế chiến thứ hai là cuộc đối đầu chủ yếu về ý thức hệ, nó huy động sự tham gia tích cực của các xã hội và cá nhân trên toàn thế giới. Pháp là một ví dụ điển hình. Nếu so sánh sức mạnh của chính phủ Vichy (chế độ bù nhìn của Pháp được Đức Quốc xã chống lưng trong Thế chiến thứ hai) và cuộc Kháng chiến Pháp thì chính phủ Vichy có vẻ mạnh hơn, nhưng Kháng chiến Pháp có cội rễ từ xã hội nên chưa từng bị đánh bại và cuối cùng đã giành thắng lợi. Tất nhiên, Thế chiến thứ hai không xây được ngay một trật tự quốc tế mới, nhưng nó là điểm khởi đầu thực sự cho triển vọng về một thế giới mới.

Chiến tranh chính trị bản sắc đáng sợ hơn chiến tranh truyền thống

China News Weekly: Về những xung đột và cuộc chơi ở khắp nơi trên thế giới hiện nay, thế giới phương Tây vẫn giữ hệ thống diễn ngôn truyền thống, trong đó coi mình là đại diện cho “nền văn minh” còn các xã hội khác là “không văn minh”. Tuy nhiên, “trường phái Pháp” trong quan hệ quốc tế mà ông là đại diện lại không thích sử dụng khái niệm “văn minh”. Tại sao lại như vậy?

Badie: Bởi điều mà tôi tập trung vào là cá nhân và con người, chứ không phải một tập thể mơ hồ nào đó. Thật khó để chúng ta định nghĩa văn minh là gì. Văn minh châu Âu là gì? Văn minh phương Tây là gì? Văn minh Pháp là gì? Tôi không rõ. Đây là một kiểu phân loại chủ quan, chẳng có chút tính hiện thực nào.

Con người là “tính hiện thực duy nhất” trên thế giới. Con người thay đổi dựa trên kinh nghiệm của mình, đồng thời tích cực cải tạo xã hội và môi trường. Đây là điều chúng ta thường nói: Con người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa của chính xã hội mà mình sinh sống và tích cực tham gia vào việc định hình xã hội của chính mình. Vì vậy, khi thế giới ngày càng trở nên linh động hơn, con người ở các xã hội khác nhau ngày càng giao tiếp và hợp tác nhiều hơn, chúng ta sẽ ngày càng có khả năng hiểu được môi trường sống của “người khác”, và “văn hóa toàn cầu” như một tổng thể cũng ngày càng hội nhập và đa nguyên hơn.

China News Weekly: Nhưng thực tế là cùng với sự giao lưu toàn cầu ngày càng sâu sắc, trong nội bộ các quốc gia mới nổi ở phương Nam toàn cầu cũng đã xuất hiện “thuyết xung đột giữa các nền văn minh” theo chiu nghịch. Liệu điều này có dẫn đến xung đột và đối kháng sâu sắc hơn giữa các nền văn hóa xã hội khác nhau không?

Badie: Những gì bạn quan sát được là một chuyển biến lớn trong thế giới ngày nay, cũng tức là thế giới đã không còn bị thống trị bởi một nền văn hóa phương Tây duy nhất mà đã có sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa khác nhau trên vũ đài quốc tế. Cuộc gặp gỡ này quả thực đã mang đến một thách thức vô cùng khó khăn, thậm chí nguy hiểm, đó là tất cả các nền văn hóa từng bị “thống trị” đều nảy sinh khát vọng phục thù và khao khát được giải phóng khỏi lịch sử từng bị thống trị và bị sỉ nhục. Đây có thể là nguồn gốc của một vòng xung đột toàn cầu mới.

Bạn đã đề cập đến các cường quốc mới nổi ở phương Nam toàn cầu, tôi không quá lo ngại điều này vì họ được coi là những thế lực hùng mạnh và do đó nền văn hóa của họ sẽ được tôn trọng. Nguy cơ thực sự đến từ những nhóm không được tôn trọng hay thậm chí không được một số xã hội coi như con người.

Hãy nghĩ đến người Palestine. Trong cuộc xung đột này, số người thiệt mạng được ghi nhận ở Dải Gaza là hơn 40.000 người, con số thực tế có thể còn cao hơn, nhưng thế giới đã phớt lờ tình hình ở đây từ lâu. Điều này đang tạo ra sự phẫn nộ. Cuộc tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 của Hamas có thể được coi là một trong những biểu hiện bạo lực của cơn phẫn nộ này. Điều khiến tôi lo lắng nhất là yếu tố quan hệ quốc tế vốn cần được xem xét này lại bị bỏ qua, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ lớn hơn.

China News Weekly: Vậy giải pháp là gì?

Badie: Hãy tôn trọng, nghĩ rằng đối phương cũng giống bạn, chứ không hề thua kém bạn. Đây là vấn đề về giáo dục và tầm nhìn, chúng ta phải “mở rộng tầm mắt để nhìn thế giới”. Rắc rối nằm ở chỗ các chính trị gia ở thế giới cũ đang cố gắng phớt lờ và gạt “người khác” ra ngoài lề, chẳng hạn như giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bằng cách tạo ra lòng thù ghét đối với người nhập cư hay chống lại các nhóm dân tộc nhất định. Tất cả những điều này đều làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội và làm gia tăng nguy cơ leo thang sự phẫn nộ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tôi tin vào thế hệ trẻ trên thế giới. Họ thực sự tham gia vào một thế giới toàn cầu hóa và nhìn thế giới như một tổng thể. Họ hoài nghi và ít hứng thú với chính trị truyền thống cũng như chính sách đối ngoại truyền thống. Ở phương Tây, các cuộc thăm dò cho thấy, ngày càng có nhiều người trẻ không đi bỏ phiếu, không tham gia các đảng phái chính trị và không tham gia đời sống chính trị. Thay vào đó, họ thích đi du lịch vòng quanh thế giới để khám phá và tìm hiểu văn hóa, lịch sử của “người khác”. Tất nhiên, chúng ta vẫn chưa biết khi trưởng thành và bị thể chế truyền thống “bắt được”, liệu họ còn có thể chống lại được áp lực từ trật tự cũ hay không.

China News Weekly: Ít nhất thì trong những năm gần đây, giới trẻ châu Âu đã không ngăn được sự trỗi dậy của các phong trào cánh hữu ở châu Âu. Chúng ta đã chứng kiến ​​các đảng cực hữu lên nắm quyền ở các nước lớn thuộc châu Âu như Ý và Hà Lan, cũng như giành chiến thắng chưa từng có trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm 2024. Phải chăng giới trẻ châu Âu đã bị phe cực hữu “bắt được”?

Badie: Tôi cho rằng ở một mức độ nhất định, thế hệ trẻ đã xa rời trò chơi chính trị, nhiều người không đăng ký bỏ phiếu; số còn lại, một phần bị thu hút bởi các thế lực chính trị mới và bỏ phiếu cho các đảng phái mới, còn một phần bị thu hút bởi phe cực hữu.

Tuy vậy, điều quan trọng hơn nữa là hiểu được “nỗi sợ toàn cầu hóa”. Ở Trung Quốc, bạn có lẽ không tưởng tượng được “cảm giác tổn thương” mà người phương Tây cảm thấy khi đối mặt với toàn cầu hóa. Ở một mức độ nào đó, toàn cầu hóa ngày nay là điều không thể tưởng tượng được trong suy nghĩ của người phương Tây, bởi trong vài thế kỷ qua, nhận thức của họ về “toàn cầu hóa” là kiểm soát và thống trị thế giới thông qua quá trình thuộc địa hóa.

Điều này đặc biệt đáng chú ý ở Mỹ, quốc gia cho rằng họ đã phát minh ra “toàn cầu hóa” với niềm tin rằng toàn cầu hóa có nghĩa là “sự cáo chung của lịch sử” kết thúc bằng chiến thắng của phương Tây. Kết quả, sau vài thập kỷ, toàn cầu hóa không hề đồng nghĩa với chiến thắng của phương Tây mà có lẽ là sự thành công của các quốc gia như Trung Quốc. Họ thấy rằng có lẽ Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn từ toàn cầu hóa.

Đây là lý do tại sao một số người ở châu Âu và Mỹ phản ứng mạnh mẽ bằng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa khủng bố bản sắc. Họ bối rối trước bước ngoặt lịch sử quan trọng này và chỉ có thể tìm kiếm nguyên do của sự thay đổi bằng cách bỏ phiếu vô cùng bảo thủ. Đây cũng được coi là phản ứng thông thường của “kẻ nắm quyền chủ đạo” đối với sự thay đổi: Thay đổi xảy ra và tôi phải kiểm soát nó.

Tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra rằng trong trật tự quốc tế mới, mối đe dọa chính mà mọi người phải đối mặt không đến từ kẻ yếu thế hay kẻ địch mà đến từ chính Trái Đất. Nói cách khác, nếu không tập trung vào các vấn đề như an ninh y tế và biến đổi khí hậu thì chúng ta đều sẽ chịu tổn thất. Ngày nay, cả châu Âu đều đang nói về vấn đề nhập cư. Chiến tranh đang tạo ra những người nhập cư mới, nhưng trong tương lai, biến đổi khí hậu và sức khỏe y tế mới là những yếu tố chính tạo ra người nhập cư mới.

Ngay từ năm 2008, tôi đã viết rằng, mối nguy hiểm chủ yếu mà chúng ta phải đối mặt không phải vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay vấn đề hạt nhân Iran, mà có thể là một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Vào tháng 3 năm 2020, lúc COVID-19 mới bùng phát, tôi đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, tôi tin khi cuộc khủng hoảng mới này thực sự bùng phát, cộng đồng quốc tế sẽ có thể tìm ra các quy tắc quốc tế mới để ngăn chặn và kiểm soát đại dịch. Thực tế chứng minh, tôi đã quá lạc quan.

Lúc trước bạn đã hỏi tôi liệu chiến tranh có phải là một phần của toàn cầu hóa hay không. Tôi không thể đoán được tương lai sẽ ra sao. Nếu thế hệ thanh niên mới coi toàn cầu hóa là một cơ hội thay vì một tổn thương, chúng ta có thể đang trên con đường hướng tới hòa bình; ngược lại, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ xảy ra xung đột nghiêm trọng. Hơn nữa, kiểu chiến tranh này sẽ đáng sợ hơn chiến tranh truyền thống. Chiến tranh truyền thống là do cạnh tranh quốc gia, còn cuộc chiến được dấy lên bởi “phẫn nộ” và “sợ hãi” của thời đại toàn cầu hóa là chiến tranh về chính trị bản sắc.

Chiến tranh truyền thống giữa các quốc gia chủ yếu là cuộc chiến giữa các quân đội. Còn trong một cuộc chiến do bản sắc tạo nên, tất cả những người có bản sắc liên quan đều là mục tiêu tấn công. Trong chiến tranh truyền thống giữa các quốc gia, các chính phủ có thể tiến hành đàm phán. Nhưng trong cuộc xung đột bản sắc, liệu có thể để “bản sắc” này đàm phán với một “bản sắc” khác được không? Bạn có thể đàm phán với Mỹ và Pháp, nhưng làm thế nào để đàm phán với “người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”? Không có thỏa hiệp, không có thương lượng, đó sẽ là một cuộc xung đột tuyệt đối.

Khi nỗi đau ở khắp mọi nơi được cả thế giới nhìn thấy

China News Weekly: Ông có nghĩ rằng trong thế giới tương lai, chính sách đối ngoại sẽ được dẫn dắt nhiều hơn bởi dư luận và các phong trào xã hội, thay vì bởi các chuyên gia? Điều này sẽ có lợi hơn hay sẽ gây hại hơn?

Badie: Tôi sẽ sử dụng một cách mô tả khác, đó là xã hội sẽ gây áp lực nhiều hơn lên chính sách đối ngoại. Quan hệ quốc tế trước đây không như vậy. Một lần, tôi mời một Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đến giao lưu với các sinh viên của mình. Vị bộ trưởng này cho rằng, cũng giống như bác sĩ phẫu thuật không bận tâm đến gia đình bệnh nhân ngoài phòng mổ, dư luận không liên quan đến quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, trong thực tế mới của quan hệ quốc tế, xã hội vận hành nhanh hơn chính trị. Chẳng hạn, chúng ta hiện đang quan sát thấy rằng, dư luận ở Mỹ đang chuyển sang ủng hộ sự nghiệp giải phóng của người Palestine, điều này đặt ra một thách thức lớn đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhìn ở góc độ rộng hơn, phần lớn các nước trên thế giới, dù là ở phương Tây, phương Nam toàn cầu hay các nước Ả Rập, đều từng cho rằng vấn đề Palestine đã “kết thúc” và không còn cần quan tâm nữa. Ai đã tạo động lực mới để vấn đề Palestine trở thành điểm nóng quốc tế một lần nữa? Đó là xã hội, đó là dư luận.

Đây trước hết là cuộc đấu tranh của người Palestine, nhưng những người tham gia không chỉ là người Palestine. Thật khó để giải thích một cách đơn giản dư luận đến từ đâu, nhưng từ khóa ở đây không phải là phương tiện truyền thông xã hội, mà là sự đồng thuận (identification). Phần lớn mọi người đều đồng thuận với sự nghiệp giải phóng của Palestine, hơn nữa điều này không phải do phương tiện truyền thông phương Tây dẫn dắt, truyền thông phương Tây không hề ủng hộ Palestine.

Sự đồng thuận nảy sinh từ hai yếu tố. Thứ nhất là dựa trên lịch sử của bản thân. Một số nhóm ủng hộ người dân Palestine vì nguồn gốc, gia đình, chủng tộc, văn hóa và các yếu tố khác của họ. Một yếu tố khác là cảm nhận. Giới trẻ trên khắp thế giới đồng cảm với nỗi đau của người Palestine. Trước đây, nỗi đau này vô hình với thế giới. Ông tôi phớt lờ những gì xảy ra ở Trung Quốc hay châu Phi vì ông không nhìn thấy. Bây giờ, chúng ta có thể thấy ngay những gì đang xảy ra trên khắp thế giới. Nếu bạn 20 tuổi và nhìn thấy một em bé bị đánh bom đến chết, bạn sẽ phản ứng ra sao?

Có lần, tôi hỏi một cô gái trẻ tham gia biểu tình: “Tại sao bạn lại cầm cờ Palestine? Bạn không phải người Palestine, không phải người Ả Rập, cũng không phải là người nhập cư, tại sao bạn lại làm vậy?” Cô gái rất tức giận và cho rằng tôi đang công kích cô ấy. Tôi nói: “Không, tôi hiểu, tôi chỉ muốn nghe câu trả lời của bạn mà thôi.” Cô gái đáp: “Những người này cũng giống như tôi và họ đang đau khổ.” Đồng thuận với nỗi đau của người khác là động lực xã hội thúc đẩy dư luận. Việc những người cùng khổ đoàn kết quốc tế và gây áp lực xã hội mạnh mẽ lên kẻ nắm quyền là điều có thể thực hiện được trong một thế giới toàn cầu hóa.

Tất nhiên cũng có câu hỏi: Khi nhìn thấy nỗi đau, liệu chúng ta có thể tin vào những gì mình thấy không? Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo đồng nghĩa với việc “tạo ra sự thật”, một số người có thể cố gắng sử dụng công cụ này để kiểm soát dư luận. Đây cũng là điều cần cảnh giác.