Iran trong lịch sử và sự giằng xé tâm lý của giới tinh hoa trí thức hiện nay

Nguồn: Mục Hoành Yến, 穆宏燕:亲西方?被渗透?伊朗知识精英为何陷入痛苦的“心理撕裂”, Guancha, 18/10/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Gần đây, bộ phim Trận chiến hồ Trường Tân phản ánh lịch sử chống lại quân Mỹ và giúp đỡ Triều Tiên của Trung Quốc đã được trình chiếu tại “Tuần lễ phim Trung Quốc” ở Iran và thu hút được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ người dân Iran. Sau khi bộ phim kết thúc, toàn bộ khán giả đã đứng lên bày tỏ sự tôn trọng, các phương tiện truyền thông Iran cũng đưa tin rất nhiều về việc này.

Nguyên nhân của sự nhiệt thành này trước hết liên quan mật thiết đến tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông, đặc biệt là khi Iran đang đứng trước khả năng xảy ra xung đột quân sự trên quy mô lớn với Israel – quốc gia được Mỹ hậu thuẫn, tình cảm dân tộc của Iran đang dâng cao; thứ hai, Iran trong lịch sử đã từng có cả những thắng lợi vẻ vang lẫn những thất bại thê thảm trong cuộc đối đầu quân sự với phương Tây. Những tình cảm dân tộc phức tạp được tạo ra trong sự đan xen giữa chiến thắng và thất bại đã khiến bộ phim Trung Quốc Trận chiến hồ Trường Tân chẳng khác nào một thước phim khơi dậy tinh thần và ý chí dân tộc đối với người dân Iran.

Iran là một trong những nền văn minh cổ xưa trên thế giới, từng hai lần gây dựng Đế quốc Ba Tư bao trùm phần lớn vùng Tây và Trung Á. Lãnh thổ của nó bao gồm Ai Cập và vùng ven biển phía Bắc Biển Đen, được coi là đế chế mang tầm cỡ thế giới đầu tiên trải dài khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, đây cũng là niềm vinh quang mà dân tộc Iran lấy làm tự hào nhất. Do Đế quốc Ba Tư đối diện trực tiếp với châu Âu, nên khi châu Âu bành trướng và tiến hành xâm lược về phía Đông thì Iran là đầu cầu đầu tiên phải gánh chịu. Iran xảy ra xung đột quân sự với phương Tây trong cả ba triều đại tiền Hồi giáo.

Trong triều đại Achaemenid của Iran (550 TCN-330 TCN, được gây dựng bởi các bộ tộc Aryan Ba Tư của Iran, trong lịch sử được gọi là Đế quốc Ba Tư thứ nhất), quốc gia này chủ yếu phải đối mặt với liên minh Hy Lạp do Athens và Sparta lãnh đạo. Sau ba trận chiến lớn gồm trận Marathon, trận Thermopylae và trận Salamis, Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư cuối cùng đã kết thúc với thất bại của Ba Tư và chiến thắng của Hy Lạp, từ đó mở ra thời kỳ phát triển hoàng kim của văn hóa Hy Lạp cổ đại. Các nhà sử học phương Tây luôn mô tả chiến thắng của Hy Lạp trong Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư như là thắng lợi của nền dân chủ phương Tây trước chế độ chuyên chế phương Đông.

Sau đó vào năm 334 TCN, Alexander hành quân từ Macedonia về phía Đông và quét sạch triều đại Achaemenid của Iran. Năm 330 TCN, Đế quốc Ba Tư thứ nhất sụp đổ và bắt đầu thời kỳ Hy Lạp hóa kéo dài hơn 80 năm dưới sự cai trị của người Hy Lạp. Có thể nói, đây là thất bại bi thảm đầu tiên mà dân tộc Iran phải gánh chịu sau khi đã trải qua thời kỳ huy hoàng của Đế quốc Ba Tư.

Năm 247 TCN, triều đại Parthia của Iran (224 TCN-224 SCN, do các bộ tộc Aryan Parthia của Iran lập nên) được thành lập. Sau những nỗ lực gian khổ của “cuộc chiến phục hưng trăm năm”, quân Hy Lạp cuối cùng đã bị đánh đuổi khỏi cao nguyên Iran. “Cuộc chiến phục hưng trăm năm” là thắng lợi to lớn đầu tiên của người Iran trước sức mạnh quân sự hùng mạnh của phương Tây, đồng thời cũng là sự quật khởi ngoan cường của dân tộc Iran sau khi trải qua thảm họa.

Về sau, triều đại Parthia của Iran luôn cạnh tranh với Đế quốc La Mã. Sau khi “bất khả chiến bại trên khắp Địa Trung Hải”, Đế quốc La Mã gặp phải sự kháng cự quật cường từ triều đại Parthia ở phía Đông. Crassus, một trong tam hùng của Đế quốc La Mã, đã khởi binh đánh Parthia. Năm 53 TCN, hai bên giao chiến tại Carrhae. Với quân số chưa đến 20.000 người, Parthia đã đánh bại đội quân hùng mạnh 40.000 người của La Mã. Điều này đã trở thành một ví dụ nổi tiếng về “lấy ít địch nhiều” trong lịch sử quân sự thế giới. Thắng lợi trong trận Carrhae đã truyền một nguồn cảm hứng rất lớn cho lòng tự tin dân tộc của Iran. Năm 36 TCN, Antony, vị thống soái trẻ tuổi và là một trong tam hùng của La Mã, đã một lần nữa khởi binh đánh Parthia và cũng phải nhận thất bại thảm hại.

Vào năm 395 SCN, Đế quốc La Mã khổng lồ bị xâm lăng bởi những kẻ đến từ Bắc Âu và bị chia làm hai. Đế quốc Đông La Mã là phần đế quốc nằm ở phía Đông có thủ đô là Constantinople và còn được gọi là Đế quốc Byzantine. Triều đại Sasanian của Iran (224-651, được thành lập bởi các bộ tộc Aryan Ba Tư của Iran, trong lịch sử được gọi là Đế quốc Ba Tư thứ hai) chủ yếu đối địch với Đế quốc Đông La Mã. Vào các năm 528-531, 540-545, 549-562 và 571-591, giữa Vương triều Sasanian của Iran và Đế quốc Đông La Mã đã xảy ra các cuộc xung đột quân sự có quy mô lớn và kéo dài. Kết quả cuối cùng của mỗi cuộc xung đột quân sự đều là thắng lợi của Vương triều Sasanian, họ đánh cho quân Đông La Mã không còn manh giáp và buộc phải nhượng lại lãnh thổ để bồi thường. Năm 572, nhằm cắt đứt Con đường tơ lụa trên biển của Đông La Mã, Vương triều Sasanian đã chiếm đóng Yemen và canh giữ Vịnh Aden. Kể từ đó, khu vực Yemen trở thành vùng ảnh hưởng của Iran.

Như vậy, ba triều đại lớn của Iran thời tiền Hồi giáo nhìn chung đều chiếm ưu thế trong các cuộc đối đầu quân sự với phương Tây. Ưu thế này đã được bồi tích vào tâm lý dân tộc và hình thành nên một thứ cảm xúc tự hào kiêu hãnh sâu thẳm trong lòng dân tộc Iran. Là một quốc gia hùng mạnh ở Tây Á, Iran từ xưa đến nay luôn sở hữu sức răn đe và uy hiếp mạnh mẽ trong khu vực, văn hóa của nước này có tác động bức xạ mạnh mẽ đến các khu vực xung quanh.

Năm 610 SCN, nhà tiên tri Muhammad sáng lập ra Hồi giáo. Năm 632, Muhammad đã thống nhất nhiều bộ lạc Ả Rập khác nhau trên Bán đảo Ả Rập thông qua Hồi giáo. Trong thời kỳ Bốn Caliph, quân đội Ả Rập bắt đầu tràn ra khỏi bán đảo. Vào thời điểm này, Vương triều Sasanian, một mặt đã bị hao hụt sức mạnh trong cuộc chiến trường kỳ với Đế quốc Đông La Mã, mặt khác lại xảy ra nội chiến do sự việc con trai giết cha để chiếm ngai vàng, đã bị quân Ả Rập đánh bại. Năm 651, triều đại Sasanian của Iran sụp đổ và Iran bước vào kỷ nguyên Hồi giáo.

Song song với việc nền văn minh Iran bị Hồi giáo thay đổi, ở chiều ngược lại, nền văn minh Hồi giáo cũng bị nền văn minh Iran làm cho đổi thay. Quá trình Hồi giáo hóa Iran đã khiến nền văn minh Hồi giáo của Ả Rập nhanh chóng chuyển đổi từ nền văn minh bộ lạc sang nền văn minh đế quốc phát triển ở tầm cao. Có thể nói, việc bị người Ả Rập chinh phục là thảm họa thứ hai mà dân tộc Iran phải gánh chịu. Tuy nhiên, Iran đã chinh phục được những kẻ chinh phục bằng nền văn minh hùng mạnh và phát triển ở tầm cao của mình. Điều này cũng hình thành nên tâm thức “chủ nghĩa Đại Iran” trong lòng dân tộc Iran. Họ cho rằng, chính sự đóng góp của Iran đã tạo nên một nền văn minh Hồi giáo thịnh vượng và huy hoàng, điều này cũng hình thành nên ưu thế tâm lý của dân tộc Iran trong kỷ nguyên Hồi giáo.

Đồng thời, chính quá trình Hồi giáo hóa Iran cuối cùng đã khiến Hồi giáo phân tách thành dòng Sunni với đại diện là người Ả Rập và dòng Shia với đại diện là người Iran. Ở bề ngoài, sự chia rẽ giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia là do sự khác biệt trong nhận thức của hai bên về vấn đề ai là người kế vị hợp pháp của nhà tiên tri Muhammad. Người Sunni công nhận 4 vị Caliph gồm Abu Bakr, Umar, Uthman và Ali là người thừa kế hợp pháp của Muhammad, trong khi người Shia chỉ công nhận Ali (anh họ và con rể của Muhammad) là người kế vị hợp pháp của Muhammad. Hệ thống đế chế trong một thời gian dài đã khiến người Iran chú trọng nhiều hơn đến mối quan hệ huyết thống trong vấn đề thừa kế, mà ba vị Caliph đầu tiên thì không có mối quan hệ huyết thống nào với Muhammad.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự khác biệt nội tại và căn bản nhất giữa người Shia và người Sunni nằm ở nhận thức của hai bên về quyền lực tôn giáo của chính những người kế vị. Người Shia gọi người kế vị Muhammad là Imam (nhà lãnh đạo tinh thần), Ali là Imam đầu tiên và con cháu của Ali lần lượt kế thừa cho tới Imam thứ 12. Dưới sự truy đuổi của người Sunni, Imam thứ 12 Mahdi đã mất tích. Người Shia tin rằng, Imam thứ 12 Mahdi đang ẩn mình và sẽ trở lại vào Ngày phán xét để thanh tẩy mọi tội lỗi của thế giới.

Điều đó có nghĩa, đức tin của dòng Sunni coi chính bản thân Kinh Qur’an là cốt yếu, trong khi đức tin của dòng Shia thì coi người nắm giữ tất cả kiến ​​​​thức về Kinh Qur’an (tức các Imam) là hạt nhân. Imam của Shia được Imam tiền nhiệm “chỉ định”, chứ không do người dân bầu chọn. Nguyên tắc “chỉ định” đặt nền tảng cho sự kiên định của người Shia đối với nguyên tắc phán đoán độc lập của các faqīh (luật gia Hồi giáo) trong việc giải quyết các vấn đề của luật Hồi giáo, đồng thời trao cho các faqīh có cấp bậc tôn giáo cao (ayatollah) quyền “sáng chế”. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa người Shia và người Sunni, các faqīh Sunni không có quyền sáng chế.

Đức tin vào các Imam đã trở thành tín điều thứ 3 của người Shia bên cạnh đức tin vào sự độc nhất của Allah và đức tin vào việc Muhammad là sứ giả của Allah. Do đó, đức tin của người Shia được xây dựng trên niềm tin và sự sùng bái Imam dựa theo nền tảng Kinh Qur’an. Điều này dẫn đến việc các faqīh Shia cấp cao được coi là người đại diện nơi trần thế của vị Imam ẩn thân, đồng thời có được uy tín cao vọng và sức hiệu triệu mạnh mẽ đối với quần chúng mà các faqīh Sunni không thể sánh bằng. Đây cũng là lý do chính khiến Ayatollah Khomeini, với tư cách là lãnh tụ tôn giáo Shia, đã lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đi đến thành công.

Trước Hồi giáo, Iran đã coi Hỏa giáo (thường được gọi là đạo Zoroastrian, hay còn gọi là Hiên giáo trong sử liệu Trung Quốc) là quốc giáo của mình. Dòng Shia thực chất là sự Hồi giáo hóa Hỏa giáo, trong Hồi giáo Shia chứa đựng nhiều yếu tố của Hỏa giáo mà bài viết này sẽ không thảo luận. Dù thế nào đi nữa, chính nền tảng sâu sắc của Hỏa giáo đã khiến Hồi giáo Shia chỉ được truyền bá ở Iran và các khu vực xung quanh Iran, trong khi Hồi giáo Sunni thì được truyền bá rộng rãi trên khắp thế giới. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng hình thành nên vòng cung kháng chiến của người Shia ở các khu vực xung quanh Iran trong tình hình chính trị quốc tế hiện đại.

Xung đột Palestine-Israel bắt đầu từ năm 1948 với sự thành lập của nhà nước Israel và sự bùng nổ của Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất. Điều này từ lâu đã là cuộc xung đột giữa thế giới Hồi giáo Sunni (các nước Ả Rập) và Israel. Với sự hậu thuẫn vững chắc của Mỹ, Israel đã giành chiến thắng trong cả 5 cuộc chiến tranh Trung Đông trước đây, các nước Ả Rập thì bị chia năm xẻ bảy. Dưới sự thúc đẩy của Mỹ, họ đã hòa giải với Israel vì lợi ích của mỗi nước. Vấn đề lãnh thổ dường như là trọng tâm của cuộc xung đột Palestine-Israel, nhưng vị thế của Jerusalem mới là cốt lõi của cuộc xung đột.

Jerusalem là thánh địa của ba tôn giáo (Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo). Đây là thành phố linh thiêng thứ 3 của Hồi giáo và là nơi có Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa nổi tiếng. Nghị quyết phân chia của Liên hợp quốc năm 1947 đã quyết định Jerusalem là thành phố nằm dưới sự quản lý của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất năm 1948, do Israel giành chiến thắng nên phần phía Tây của Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng. Sau Chiến tranh Trung Đông lần thứ 3 năm 1967, Israel chiếm đóng phần phía Đông của Jerusalem. Vào tháng 7 năm 1980, Israel thông qua dự luật coi Jerusalem là thủ đô của mình sau khi thống nhất. Mặc dù dự luật này bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ nhưng Israel vẫn đi theo con đường riêng và dần xúc tiến “kế hoạch xây dựng thủ đô” của mình. Thậm chí vào tháng 12 năm 2017, Nhà Trắng do Trump làm chủ đã chính thức tuyên bố rằng Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, điều này chắc chắn đã châm ngòi cho cuộc xung đột Palestine-Israel sau đó.

Trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979, triều đại Pahlavi của Iran là một chính quyền thân Mỹ nên không những không can thiệp vào cuộc xung đột Palestine-Israel mà còn lợi dụng cuộc chiến ở Trung Đông để kiếm được một lượng lớn petrodollar, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển nhanh chóng và tự coi mình nằm trong những nước phát triển (Năm 1972, tổng sản phẩm quốc dân đứng thứ 9 thế giới). Việc Israel đưa ra dự luật năm 1980 coi Jerusalem là thủ đô của mình sau khi thống nhất là một sự đả kích mạnh mẽ đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran mới ra đời vào năm 1979, vậy là Iran bắt đầu bày tỏ lập trường phản đối Mỹ và Israel.

Có thể nói, khi người Sunni ở các nước Ả Rập từ bỏ sự phản kháng với Israel thì chính người Shia ở Iran đã giương cao ngọn cờ bảo vệ Thánh địa Jerusalem, kiên quyết chống Mỹ và Israel. Đồng thời, bất chấp sự bao vây và cấm vận kéo dài 45 năm của Mỹ và các nước phương Tây, người Shia vẫn kiên cường thiết lập vòng cung kháng chiến của riêng mình và trở thành lực lượng kháng chiến quan trọng trong cuộc xung đột Palestine-Israel.

Vấn đề nan giải mà chính quyền hiện tại của Iran phải đối mặt nằm ở chỗ, nước này một mặt cần chi nhiều tiền để xây dựng vòng cung kháng chiến của người Shia, mặt khác lại phải đối mặt với sự bao vây và cấm vận lâu dài về kinh tế từ Mỹ và các nước phương Tây khác. Vì vậy, nền kinh tế của nước này đang gặp khó khăn và mức sống của người dân cũng suy giảm mạnh, trong khi sự bất mãn không ngừng gia tăng. Tâm lý bất mãn lan rộng trong quần chúng đã tạo điều kiện thuận lợi lớn cho sự xâm nhập của lực lượng Mỹ và phương Tây vào Iran.

Nói một cách tương đối, người dân thuộc tầng lớp thấp ở Iran ít bị rối ren tâm lý hơn, bởi những người thuộc tầng lớp này không được hưởng lợi nhiều từ sự bùng nổ kinh tế dưới triều đại Pahlavi và chính quyền hiện tại cũng khá quan tâm đến trợ cấp sinh hoạt cho tầng lớp thấp. Ngoài ra, người dân thuộc tầng lớp thấp sùng đạo hơn. Dù phải thắt lưng buộc bụng, họ cũng sẽ không quá thù địch với chính quyền hiện tại, mà sẽ chỉ chuyển thái độ thù địch sang phía Mỹ và các nước phương Tây dưới sự dẫn dắt khéo léo của chính quyền hiện tại. Do đó, nền tảng quần chúng của chính quyền Iran hiện tại là điều không cần bàn cãi.

Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu Iran đang rơi vào tình trạng rối ren tâm lý, thậm chí là giằng xé tâm lý rất nghiêm trọng. Trong triều đại Pahlavi, họ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​sự bùng nổ kinh tế của Iran; còn dưới chính quyền hiện tại, tài sản của họ đang sụt giảm mạnh mẽ. Với tư cách là giới trí thức tinh hoa của Iran, họ là nhóm người có mối gắn bó sâu sắc nhất với “chủ nghĩa Đại Iran”. Họ tự hào về vinh quang của Iran trong lịch sử cũng như di sản lịch sử và văn hóa sâu sắc của đất nước mình. Họ cho rằng Hồi giáo là tôn giáo của người Ả Rập và cho rằng tầng lớp tôn giáo hiện đang nắm chính quyền đều là những học giả tôn giáo Hồi giáo. Thêm vào đó là sự bôi nhọ của các phương tiện truyền thông phương Tây đối với Hồi giáo và chính quyền Iran hiện tại, khiến họ rất dễ quy kết những khó khăn về mặt kinh tế cho tầng lớp tôn giáo hiện đang nắm chính quyền, từ đó nảy sinh sự bất mãn lớn với chính quyền hiện hành.

Vì vậy, giới trí thức tinh hoa Iran đang rơi vào tình trạng tâm lý giằng xé, một mặt họ rất yêu Iran và sùng bái lịch sử, văn hóa nước mình, nhưng mặt khác lại vô cùng bất mãn với tình trạng tầng lớp tôn giáo nắm quyền hiện nay. Họ thể hiện xu hướng thân phương Tây tương đối mạnh mẽ nên đã trở thành mục tiêu xâm nhập chủ yếu của lực lượng Mỹ và phương Tây.

Trên thực tế, theo quan điểm ​​của tác giả, giới trí thức tinh hoa Iran đã không giải thích được về mặt nguyên lý mối quan hệ kế thừa giữa Hồi giáo Shia và Hỏa giáo ở Iran, cũng như không cấu trúc một cách hữu cơ Iran hậu Hồi giáo với Iran tiền Hồi giáo và xây dựng hệ thống diễn ngôn của riêng mình. Điều này đã khiến tinh thần của Iran thời hậu Hồi giáo luôn bồng bềnh trong gió, không có nơi trú ẩn.

Tuy nhiên, việc Iran vẫn luôn là một cường quốc trong khu vực là điều không cần bàn cãi. Trong lịch sử, họ chưa từng bị khuất phục dù đã gặp nhiều tai họa và sở hữu một tinh thần dân tộc kiên cường bất khuất. Xét về sức mạnh quốc gia, Iran là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, có nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản phong phú, có hệ thống sản xuất lương thực khá tốt nên sở hữu khả năng tự cung tự cấp. Đây là nguyên nhân quan trọng giúp Iran có được sự kiên cường và thậm chí còn phát triển ổn định ở một mức độ nhất định bất chấp sự bao vây và cấm vận của Mỹ và phương Tây trong hơn 40 năm qua.

Tóm lại, Iran hiện muốn đi theo con đường phát triển độc lập nhưng vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Tuy vậy, điều này không ngăn Iran đóng một vai trò quan trọng trong tình hình phức tạp và thay đổi nhanh chóng ở Trung Đông hiện nay.

Tác giả Mục Hoành Yến là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Iran thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.