07/01/1891: Ngày sinh Zora Neale Hurston

Nguồn: Zora Neale Hurston is born, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1891, Zora Neale Hurston, tiểu thuyết gia và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Mỹ gốc Phi, đã chào đời tại Notasulga, Alabama. Tính đến thời điểm bà qua đời năm 1960, Hurston đã xuất bản nhiều sách hơn bất kỳ phụ nữ người Mỹ gốc Phi nào khác ở Mỹ, nhưng bà lại không thể thu hút được độc giả chính thống trong suốt cuộc đời mình, và đã qua đời trong cảnh nghèo đói và cô đơn trong một nhà trọ phúc lợi. Ngày nay, bà được xem là một trong những nhà văn người Mỹ gốc Phi quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Không lâu sau khi bà chào đời, gia đình Hurston chuyển đến Eatonville, Florida, một thị trấn toàn người Mỹ gốc Phi. Là con gái của một nhà truyền giáo Baptist, Hurston ít tiếp xúc với người da trắng cho đến khi mẹ bà qua đời vào năm 1904, khi bà mới 13 tuổi. Trước khi bước vào tuổi thiếu niên, Hurston đã được bảo vệ khỏi nạn phân biệt chủng tộc.

Là một phụ nữ trẻ tài năng, năng động với khát khao học hỏi mãnh liệt, Hurston tuy không học hết phổ thông nhưng đã tự chuẩn bị cho mình vào đại học và đã học rất giỏi tại Đại học Howard. Năm 1925, bà chuyển đến New York, nơi bà trở thành nhân vật trung tâm trong thời kỳ Phục hưng Harlem. Với tinh thần lạc quan, hướng ngoại, và dí dỏm, bà trở nên nổi tiếng với tài năng kể chuyện của mình. Bà học ngành nhân học với một giáo sư nổi tiếng tại Barnard và nhận được học bổng để thu thập lịch sử truyền miệng và văn hóa dân gian tại tiểu bang quê hương của mình. Bà cũng học thêm cả thuật voodoo ở Haiti.

Năm 1931, bà hợp tác với Langston Hughes trong vở kịch Mule Bone. Tiểu thuyết đầu tiên của bà, Jonah’s Gourd Vine, với nhân vật chính dựa trên cha bà, được xuất bản vào năm 1934. Mules and Men, một tập hợp tài liệu từ nghiên cứu của bà về văn hóa dân gian truyền miệng, được xuất bản năm 1935 và trở thành tác phẩm bán chạy nhất khi bà còn sống – nhưng ngay cả thế, nó cũng chỉ mang lại cho bà vỏn vẹn 943,75 đô la.

Năm 1937, bà xuất bản Their Eyes Were Watching God, câu chuyện về một người phụ nữ người Mỹ gốc Phi đi tìm tình yêu và hạnh phúc ở miền Nam. Cuốn sách đã bị chỉ trích vào thời điểm đó, đặc biệt là bởi các nhà văn nam giới người Mỹ gốc Phi, những người lên án Hurston vì không viết về lập trường chính trị và không chứng minh những tác động xấu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Thay vào đó, cuốn tiểu thuyết, hiện được xem là kiệt tác của bà, đã ca ngợi truyền thống phong phú của những người Mỹ gốc Phi sống ở nông thôn miền Nam. Các tác phẩm của Hurston vẫn rất phấn chấn và vui tươi dù bà gặp khó khăn về tài chính.

Năm 1942, bà xuất bản cuốn hồi ký, Dust Tracks on a Road. Những ngày cuối đời, Hurston đã kiếm sống bằng nghề giúp việc, rồi ra đi trong cảnh nghèo đói vào năm 1960. Trong thập niên 1970, các tác phẩm bị lãng quên của bà đã được các học giả theo chủ nghĩa nữ quyền và các nhà nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi hồi sinh, và một tuyển tập các sách của bà, I Love Myself When I Am Laughing…And Then Again When I Am Looking Mean and Impressive, đã được xuất bản vào năm 1979.