Nguồn: Daniel W. Drezner, “Does the Madman Theory Actually Work?,” Foreign Policy, 07/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.
Trump thích nghĩ rằng sự khó đoán của mình là một lợi thế.
Khi Donald Trump lần đầu tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông ấy thường tỏ ra tức giận và điên rồ. Ông cũng không ngần ngại thể hiện sự tức giận trong suốt chiến dịch tranh cử. Trong cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2016, ông đã dựa vào cảm xúc này, nói rằng mình sẽ “vui vẻ chấp nhận chiếc áo choàng của sự tức giận” vì ông tin rằng đất nước đang là một “mớ hỗn độn” và được điều hành bởi những kẻ thiếu năng lực. Trump cũng chấp nhận suy nghĩ rằng ông là một kiểu người điên khác. Trong nhiều tuyên bố, ông nhấn mạnh rằng mình sẽ là một kiểu tổng thống khác vì ông sẵn sàng trở nên hơi điên một chút, hơi khó đoán một chút. Năm 2015, trong một cuộc phỏng vấn, ông đã trích lời một doanh nhân khác, “‘Có một sự khó đoán nhất định về Trump, và điều đó thật tuyệt.’” Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của chiến dịch năm đó, ông công khai chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Barack Obama, nói rằng, “Là một quốc gia, chúng ta phải khó đoán hơn.”
Trump có vẻ khác với các tổng thống hậu Chiến tranh Lạnh, nhưng cảm xúc của ông lại giống với Richard Nixon, người cũng thích nổi điên. Thật vậy, theo H.R. Haldeman, người làm việc dưới quyền ông, chính Nixon đã đặt ra thuật ngữ “thuyết Gã điên,” giải thích rằng ông muốn phía Bắc Việt tin rằng ông có khả năng làm bất cứ điều gì để chấm dứt Chiến tranh Việt Nam – bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Thuyết Gã điên cho rằng: một nhà lãnh đạo hành động như thể ông có thể làm bất cứ điều gì sẽ có nhiều cơ hội thuyết phục các tác nhân toàn cầu khác đưa ra những nhượng bộ mà nếu không thì họ sẽ không thực hiện.
Nixon sau đó phủ nhận sự tồn tại của cuộc trò chuyện này, nhưng ý tưởng về thuyết Gã điên thực ra bắt nguồn từ Niccolò Machiavelli. Hơn nữa, các nghiên cứu học thuật về thuyết này đã thay đổi trong những năm gần đây – cho thấy rằng trong một số trường hợp nhất định, hành động điên rồ có thể hiệu quả với một người ở vị trí của Trump.
Vậy thì, liệu thuyết Gã điên của Trump có đủ điên rồ để đạt được thành công hay không?
Một vài lần trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã cố tình tạo dựng danh tiếng là một kẻ điên. Điều này thể hiện rõ nhất trong cách ông tiếp cận Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong phần lớn năm 2017, Trump đã sử dụng những lời lẽ nặng nề đối với Triều Tiên, nói với các phóng viên vào tháng 8 năm đó rằng “Triều Tiên tốt nhất là không nên đe dọa Mỹ. … [Nếu không] họ sẽ phải đối mặt với bão lửa, thịnh nộ, và nói thẳng ra là sức mạnh, những thứ mà thế giới này chưa từng thấy trước đây.” Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc một tháng sau đó, Trump đã đặt biệt danh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “Người Tên lửa” và hứa rằng Mỹ có thể “phá hủy hoàn toàn Triều Tiên.”
Cách tiếp cận điên rồ của Trump cũng mở rộng sang Hàn Quốc. Năm 2017, chính quyền của ông đã tìm cách đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn. Jonathan Swan đã đưa tin trên trang Axios rằng Trump đã ra lệnh rõ ràng cho nhà đàm phán thương mại chính Robert Lighthizer, yêu cầu ông nói với những người đồng cấp Hàn Quốc của mình rằng Tổng thống Mỹ là một gã điên: “Anh hãy nói với họ, ‘Gã này điên đến mức có thể rút lui bất cứ lúc nào.’ … Cứ nói với họ rằng nếu họ không nhượng bộ ngay bây giờ, gã điên này sẽ rút lui khỏi thỏa thuận.” Swan lưu ý thêm, “Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới nghĩ rằng Tổng thống Mỹ là một kẻ điên – và ông ấy dường như xem danh tiếng điên rồ đó là một tài sản.”
Trump sau đó ngừng chế giễu Kim để đổi lấy ba cuộc họp mà không tạo ra được gì ngoài một vài bức ảnh bóng bẩy. Hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán lại thành công, dù những thay đổi đối với thỏa thuận là không đáng kể. Tuy nhiên, những người ủng hộ cựu tổng thống và tổng thống tương lai có thể lập luận rằng điều Trump làm là tốt cho Mỹ. Bất chấp tất cả những lời chỉ trích và ca ngợi, Trump đã đảm bảo được những nhượng bộ thương mại khiêm tốn từ Hàn Quốc và một khoảng tạm dừng ngắn ngủi giữa các cuộc thử tên lửa từ Triều Tiên – mà không cần phải thực hiện những lời đe dọa có vẻ điên rồ của mình. Nói cách khác, ông hành động phi lý vì những lý do hoàn toàn hợp lý.
Điều này khác với việc các nhân viên và cấp dưới của Trump nói với các phóng viên rằng ông đang hành động như một kẻ điên. Câu nói đó đủ phổ biến để khiến Jim Sciutto của CNN viết một cuốn sách về chính sách đối ngoại của Trump với tựa đề The Madman Theory (Thuyết Gã điên). Ngoài ra, theo cuốn Fear (Nỗi sợ) của Bob Woodward, Thư ký Nhà Trắng Rob Porter đã dành một phần ba thời gian làm việc của mình để thuyết phục Trump từ bỏ những ý tưởng bốc đồng của ông. Woodward kết luận rằng Mỹ “bị ràng buộc bởi lời nói và hành động của một nhà lãnh đạo quá khích, thất thường, và khó đoán.”
Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng bằng cách hành động như một kẻ điên, một nhà lãnh đạo có thể hưởng lợi trong chính trị thế giới đã có từ trước thời Nixon. Trong Discourses on Livy (Diễn ngôn về Livy), Machiavelli cho rằng “đôi khi, giả vờ điên rồ là một việc làm rất khôn ngoan.” Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, các nhà chiến lược Daniel Ellsberg và Thomas Schelling đã nghĩ về những lợi ích tiềm tàng của việc tạo dựng danh tiếng điên rồ trong các tình huống mặc cả cưỡng ép. Schelling viết trong The Strategy of Conflict (Chiến lược Xung đột) rằng “trong các tình huống xung đột, việc tỏ ra lý trí một cách rõ ràng không phải lúc nào cũng là một lợi thế.” Nếu những người khác tin rằng một kẻ điên có thể làm bất cứ điều gì nếu ông ta không đạt được mục đích của mình, thì mối đe dọa leo thang sẽ trở nên đáng tin hơn – khiến việc nhượng bộ nhiều hơn để giảm leo thang trở nên hợp lý.
Nhưng cả Ellsberg và Schelling đều không ủng hộ một tổng thống Mỹ hành xử theo cách này. Sau cùng thì, cả hai tác giả đều cho rằng hành động điên rồ sẽ không hiệu quả trong thời gian dài. Và cho đến gần đây, các tài liệu học thuật về thuyết Gã điên cũng hoài nghi về khả năng thành công của nó. Ví dụ, theo nhiều tường thuật của các học giả và nhân chứng, hành động điên rồ của Nixon đã không mang lại bất kỳ nhượng bộ nào.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu gần đây hơn về chủ đề này lại không có cùng kết quả. Giáo sư Roseanne McManus của Đại học Penn State đã viết rất nhiều về chủ đề này. Nghiên cứu ban đầu của bà cho thấy rằng: trong một số trường hợp hẹp, chiến lược điên rồ có thể hiệu quả. Cụ thể, nó có lợi cho những nhà lãnh đạo bị xem là điên rồ vì sở thích cực đoan của họ chứ không phải vì chiến thuật cực đoan của họ, cũng như những nhà lãnh đạo bị xem là điên rồ trong một tình huống cụ thể chứ không phải vì tính cách điên rồ vốn có của họ. Nói cách khác, những nhân vật có cảm xúc mạnh mẽ về một vấn đề cụ thể, và chỉ vấn đề đó thôi, có thể sử dụng chiến lược điên rồ để đạt được kết quả trong chừng mực nào đó. Trong nghiên cứu tiếp theo, McManus kết luận rằng cách tiếp cận điên rồ “có thể hữu ích trong việc mặc cả trong khủng hoảng … khi danh tiếng về sự điên rồ còn hạn chế.” Đây có vẻ là một mô tả công bằng về Trump. Các nghiên cứu gần đây khác cho rằng có thể có ưu điểm nhất định trong việc sử dụng tính không thể dự đoán như một học thuyết chiến lược.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do để nghi ngờ việc Trump có thể đóng vai gã điên một cách hiệu quả trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Lý do rõ ràng nhất là những nỗ lực mặc cả cưỡng ép trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông phần lớn là vô ích. Thành tích cưỡng ép kinh tế của chính quyền ông không mấy nổi bật. Và thành công lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Trump – Hiệp định Abraham – là nhờ đưa ra những lời dụ dỗ thay vì những lời đe dọa điên cuồng.
Sự điên rồ của Trump có hiệu quả với các đồng minh của Mỹ hơn là với các đối thủ. Lo sợ trước lời đe dọa rút khỏi các liên minh và hiệp ước thương mại lâu đời của ông, các đồng minh của Mỹ chí ít cũng có một số hành động thể hiện lòng trung thành trước công chúng. Tuy nhiên, Trump lại quá bận rộn cố gắng lấy lòng các nhà chuyên chế của Trung Quốc và Nga, nên đã không hành động điên rồ trước mặt họ. Những nỗ lực của ông nhằm sử dụng chiến lược điên rồ với Iran thì đem lại kết quả trái chiều. Ông đã chấp thuận cuộc tấn công bằng máy bay không người lái giết chết Qassem Suleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds bán quân sự của Iran – nhưng là sau khi ông đã lùi bước vào phút cuối, quyết định không trả đũa các cuộc tấn công của Iran vào Ả Rập Saudi. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Trump thậm chí còn ám chỉ rằng mình là người bình tĩnh, lý trí hơn so với Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.
Điều này lại làm nổi bật một vấn đề khác: Hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài hiện nay đều đã quen thuộc với sách lược của Trump. Một lý do khiến cho hành động điên rồ của Nixon thất bại là các quan chức Liên Xô – những người đã quen thuộc với Nixon sau hàng chục năm ông làm việc trong chính trường – biết khi nào ông đang giả vờ đóng vai kẻ điên. Như một quan chức Liên Xô đã nhận xét, “Nixon thường xuyên phóng đại ý định của mình.” Thành tích trong quá khứ của Trump đã khiến ông trở nên dễ đoán hơn đối với nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài từng phải đối phó với ông trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nguyên tắc đầu tiên của thuyết Gã điên là bạn không nói về việc sử dụng thuyết Gã điên. Nhưng mong đợi Trump giữ im lặng về những vấn đề như vậy là một việc làm ngu ngốc.
Sau cùng, như các tài liệu học thuật đã nhấn mạnh, mặc cả cưỡng ép thành công đòi hỏi hai loại cam kết đáng tin cậy. Đầu tiên, mục tiêu phải tin rằng bên kia sẽ thực hiện các mối đe dọa của họ, bất kể cái giá phải trả lớn đến mức nào. Thứ hai, mục tiêu cũng phải tin rằng bên đe dọa sẽ chấm dứt và từ bỏ mọi hành vi cưỡng ép sau khi đã đạt được thỏa thuận. Hành động như một kẻ điên có thể khiến loại cam kết đầu tiên trở nên hợp lý hơn, nhưng nó khiến loại cam kết thứ hai trở nên kém hợp lý hơn. Nói một cách đơn giản: Khả năng một nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại tin tưởng Trump khi ông ấy đưa ra lời hứa về bất kỳ điều gì là bao nhiêu? Như McManus đã nói với tôi trong một email, “Hầu hết những kẻ bị xem là điên lại không được hưởng lợi từ danh tiếng điên rồ của họ.”
Nỗ lực của Trump nhằm lặp lại cách tiếp cận điên rồ của mình đối với quan hệ quốc tế có thể sẽ không hiệu quả trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, nhưng ông vẫn sẽ thử. Trump là người ít thay đổi, và đây là một trong số khía cạnh mà ông sẽ không thay đổi. Các đồng minh chính trị của ông đã lưu ý trong nhiệm kỳ đầu tiên rằng Trump hiếm khi chơi cờ vua ba chiều: “Ông ấy thường chỉ ăn những quân cờ.”
Điều đáng lo ngại là, lần này, ông có thể nghĩ rằng mình có thể làm được, ngay cả khi phần còn lại của thế giới không làm được. Hành trình khó tin của Trump từ một tên tội phạm bị kết án đến tổng thống đắc cử nhiệm kỳ thứ hai có thể thuyết phục ông chấp nhận nhiều rủi ro hơn nữa. Như một cố vấn của Trump đã nói với Politico vào tháng 11, “Hãy xem, ông ấy đã sống sót sau hai vụ ám sát, ông ấy đã bị truy tố bao nhiêu lần – ông ấy thực sự đang cảm thấy mình bất khả chiến bại, và được khích lệ theo cách mà ông ấy chưa từng được khích lệ trước đây.”
Vấn đề là, nếu Trump không thể thuyết phục bất kỳ ai khác tin rằng ông thực sự là một kẻ điên, thì cách duy nhất để ông có thể chứng minh điều đó là thực hiện những lời đe dọa kỳ quặc nhất của mình. Có thể việc làm đó sẽ hiệu quả, nhưng nó cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát. Thành thật mà nói, điều đó nghe như một ý tưởng thật điên rồ.
Daniel W. Drezner là giáo sư chính trị quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts. Ông là tác giả của bản tin Drezner’s World.