19/01/1999: Thiết bị BlackBerry đầu tiên ra mắt thị trường

Nguồn: First BlackBerry device hits the market, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1999, máy nhắn tin BlackBerry đầu tiên, BlackBerry 850, đã được phát hành ra thị thường. Các thiết bị BlackBerry sau đó đã thúc đẩy sự tăng trưởng bùng nổ của nhà sản xuất mới nổi đến từ Canada – Research in Motion (RIM), giúp họ thống trị thị trường điện thoại thông minh tại Mỹ trong phần lớn những năm 2000. Nhưng cuối cùng, họ đã để mất thị phần vào tay iPhone của Apple.

RIM đã giới thiệu 850, thiết bị BlackBerry đầu tiên của mình, như là “một giải pháp email không dây đột phá dành cho các chuyên gia di động.” BlackBerry 850 không phải là điện thoại, mà là máy nhắn tin hai chiều có khả năng gửi email. Bàn phím QWERTY đặc trưng của tiện ích này đã truyền cảm hứng cho cái tên “BlackBerry,” vì các phím tròn nhỏ khiến các nhà thiết kế nhớ đến trái mâm xôi đen (BlackBerry). Chiếc BlackBerry 850 tự hào có bộ xử lý Intel 386 32-bit, tất cả đều được cung cấp năng lượng bởi một pin AA duy nhất. Nó cũng chạy trên một hệ điều hành riêng, với chức năng nhắn tin an toàn, được mã hóa. Chiếc máy nhắn tin nhanh chóng trở nên phổ biến trên Phố Wall, trong các công ty luật, và giới nhân viên văn phòng. “Việc có email ngay bên hông là điều khá mới mẻ và rất hiệu quả,” Sean Strickland, thành viên hội đồng thành phố Waterloo, quê hương của RIM, nhớ lại.

Doanh thu của RIM tăng vọt lên 85 triệu đô la sau khi phát hành BlackBerry 850 vào năm 1999, tăng 80%. Doanh số vẫn tiếp tục tăng vọt khi các giám đốc điều hành trở thành người dùng BlackBerry trung thành và giới thiệu thiết bị này cho nhân viên của họ. Năm 2002, RIM phát hành điện thoại BlackBerry đầu tiên, BlackBerry 5810, sở hữu khả năng truy cập internet và email, cùng tai nghe ngoài để thực hiện cuộc gọi.

BlackBerry không chỉ hấp dẫn giới doanh nhân, mà còn được hâm mộ bởi những người nổi tiếng và chính trị gia. Kim Kardashian đã quảng bá thương hiệu này trong suốt những năm 2000 và nó đã xuất hiện trong nhiều bộ phim và chương trình truyền hình ăn khách. Barack Obama từng nói mình muốn giữ lại chiếc BlackBerry cá nhân sau khi ông được bầu làm tổng thống vào năm 2008 và dự đoán rằng nhân viên của ông sẽ phải “giật nó ra khỏi tay tôi.” Những người dùng BlackBerry thường xuyên đã đặt biệt danh cho thiết bị này là “Crackberry” – mâm xôi gây nghiện – vì tính chất gây nghiện của nó. Từ điển Webster’s New World College đã chọn “Crackberry” là từ của năm 2006 và một trang web dành cho người hâm mộ có cùng tên đã thu hút hàng triệu lượt xem mỗi tháng.

Đầu năm 2010, các thiết bị BlackBerry chiếm tới 43% thị phần tại Mỹ, theo Comscore, và doanh số bán hàng trên toàn thế giới của RIM đạt đỉnh một năm sau. Tuy nhiên, iPhone của Apple đã nhanh chóng giành được thị phần. Khi Apple ra mắt iPhone vào năm 2007, đồng giám đốc điều hành của RIM, Jim Balsillie đã trả lời, “không sao cả – chúng tôi sẽ ổn thôi.” Bàn phím màn hình cảm ứng ban đầu của Apple rất khó sử dụng và họ cũng không cung cấp tính năng bảo mật mã hóa. Tuy nhiên, khi các thiết bị của Apple được cải thiện, doanh số bán hàng của BlackBerry bắt đầu giảm mạnh. Đến năm 2013, RIM chỉ chiếm chưa đến 6% thị phần điện thoại thông minh của Mỹ. Vào năm 2022, công ty cuối cùng đã ngừng hỗ trợ cho tất cả các điện thoại của mình, báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên đầu tiên của điện thoại thông minh.