Nguồn: Elliott Abrams, “A Paradigm Shift for the Middle East,” Foreign Affairs, 07/02/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Trump có thể tiếp nối thành công của Israel và giữ Iran mất cân bằng như thế nào?
Trung Đông mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt ngày nay có những nguy cơ và cơ hội không hề tồn tại khi ông lần đầu nhậm chức tổng thống hồi tám năm trước. Những nguy cơ lớn nhất là bước tiến của Iran hướng tới vũ khí hạt nhân và quan hệ chặt chẽ mà nước này đã xây dựng với Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, những cơ hội tốt nhất đã xuất hiện từ việc Israel tiêu diệt Hezbollah và Hamas, cũng như tấn công thành công vào Iran, và sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad ở Syria.
Những mối nguy chắc chắn là rất nghiêm trọng. Nhưng xét cho cùng, những lợi thế tiềm ẩn vẫn lớn hơn những tiêu cực có thể xảy ra. Thật vậy, đã rất lâu rồi Trung Đông mới lại mang đến một môi trường thuận lợi cho lợi ích của Mỹ như vậy.
Một năm rưỡi trước, chính sách đối ngoại của Iran có thể được cho là vô cùng thành công. Chương trình vũ khí hạt nhân của nước này liên tục sản xuất uranium được làm giàu; tính đến năm 2024, nước này đã có đủ uranium để chế tạo một vài quả bom. Washington phần lớn không thực thi lệnh trừng phạt đối với Iran. Trung Quốc đã mua khoảng 90% dầu của Iran, cải thiện đáng kể tình hình tài chính của chế độ này. Quan hệ chính trị và quân sự với Trung Quốc và Nga thì ngày càng chặt chẽ hơn; Iran đã đảm bảo được sự bảo vệ của hai nước này trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và đã kiếm được tiền cùng với lòng biết ơn sau các chuyến hàng vũ khí tới Moscow. Ngoài ra, “vành đai lửa” gồm các lực lượng ủy nhiệm và đồng minh của Iran – Hezbollah ở Lebanon, Hamas và Phong trào Jihad Hồi giáo Palestine ở Gaza, dân quân Shiite ở Iraq và Syria, và Houthi ở Yemen – dường như là một vấn đề mà Israel không thể giải quyết.
Nhưng kể từ đó đến nay, Israel đã đảo ngược tình thế. Hamas đã sống sót sau cuộc xâm lược Gaza mà Israel thực hiện để đáp trả các cuộc tấn công của nhóm này vào tháng 10/2023, và Hamas vẫn thống trị ở dải đất đó. Nhưng họ sẽ không bao giờ gây ra mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nào nữa đối với Israel. Người Israel cũng đã xóa sổ giới lãnh đạo của Hezbollah và trao cho Lebanon cơ hội giành lại chủ quyền. Chế độ của Assad đã không còn tồn tại, và con đường vũ khí từng chạy từ Iran qua Syria đến Lebanon – và đến các nhóm khủng bố cùng những người ủng hộ chúng ở Gaza, Jordan, và Bờ Tây – dường như đang đóng lại.
Trump có thể tận dụng tình hình, nhưng chỉ khi chính quyền của ông sẵn sàng từ bỏ mục tiêu thường lệ của Washington ở Trung Đông – “ổn định” – và thay vào đó, thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ có lợi cho an ninh của Mỹ và các đồng minh. Trong hai thập kỷ, những gì các nhà hoạch định chính sách Mỹ gọi là “ổn định” có nghĩa là duy trì một tình trạng trong đó Gaza hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Hamas, Hezbollah thống trị Lebanon, và Iran đạt được tiến bộ trong chương trình hạt nhân. Một thuật ngữ tốt hơn để mô tả tình hình đó sẽ là “xói mòn,” khi ảnh hưởng của Mỹ dần mất đi và các đồng minh của Washington trở nên kém an toàn hơn. Giờ đây, Mỹ có cơ hội ngăn chặn quá trình đó và hướng tới “củng cố” – nghĩa là củng cố lợi ích và các đồng minh của mình và tích cực làm suy yếu các đối thủ của mình. Kết quả sẽ là một khu vực nơi các mối đe dọa được giảm bớt và các liên minh của Mỹ ngày càng mạnh hơn.
BẪY TEHRAN
Rào cản chính đối với sự xuất hiện của một Trung Đông tốt đẹp hơn là việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân. Trump đã tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ sẽ không cho phép Iran thành công. Lãnh tụ tối cao của Iran, Ali Khamenei, hiện đã 85 tuổi. Khi nghĩ về bốn năm tới, ông sẽ bị cám dỗ (và được khuyên nhủ) nên nhanh chóng chế tạo bom hạt nhân vì đó là cách duy nhất để đảm bảo chế độ vẫn tồn tại sau khi ông ra đi. Trump đã nói rõ rằng một động thái như vậy chính xác sẽ là mối nguy lớn nhất cho chế độ, bởi nó sẽ không chỉ làm gia tăng sự cô lập, mà còn dẫn đến một cuộc tấn công quân sự của Mỹ, nếu cần thiết. Để khiến mối đe dọa này đáng tin hơn, Washington nên bắt đầu lên kế hoạch, chuẩn bị, và tập trận cho một cuộc tấn công như vậy, trong sự phối hợp với Israel.
Trump đã ủng hộ và vẫn ủng hộ một giải pháp đàm phán cho sự bế tắc giữa Mỹ và Iran. Mục tiêu của chiến dịch “gây sức ép tối đa” của ông trong giai đoạn 2019 – 2020 không phải là thay đổi chế độ, mà là một thỏa thuận mới và toàn diện để thay thế thỏa thuận đầy khiếm khuyết mà Tổng thống Barack Obama đã đưa ra vào năm 2015. Đầu tuần này, Trump đã viết trên tài khoản Truth Social của mình rằng thay vì một cuộc tấn công của Mỹ và Israel nhằm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, điều ông thích hơn nhiều là “một Thỏa thuận Hòa bình Hạt nhân Được Xác minh, sẽ cho phép Iran phát triển thịnh vượng một cách hòa bình.”
Trump rõ ràng vẫn để ngỏ khả năng (dù nhỏ) rằng một Khamenei già nua, sau khi chứng kiến sự sụp đổ của chiến lược “vành đai lửa,” cũng như cân nhắc khả năng trừng phạt kinh tế tàn bạo, và hoàn toàn nhận thức được sự bất mãn từ chính người dân của mình, sẽ chấp nhận một thỏa thuận chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời dừng chu cấp và vận chuyển vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Nhưng Trump nên nhận thức rõ về cái bẫy mà Khamenei có thể giăng ra cho người Mỹ: một cuộc đàm phán giả tạo mới, nhằm lôi kéo Washington vào bàn đàm phán suốt nhiều năm, với các nhà đàm phán của Tehran dẫn dắt Trump bằng ảo ảnh về một thỏa thuận thành công và một giải Nobel Hòa bình ở cuối con đường, trong lúc chương trình vũ khí hạt nhân của Iran âm thầm phát triển trong bóng tối.
Để tránh rơi vào cái bẫy đó, Trump đã đúng khi khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt của Mỹ, vốn sẽ tước đoạt tài nguyên của Iran. Ông cũng cần kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thanh tra nghiêm ngặt các cơ sở của Iran. Trump nên nhấn mạnh rằng Iran phải thực hiện các bước đi ngay lập tức và cụ thể để chứng minh rằng họ đã từ bỏ mục tiêu hạt nhân của mình: ví dụ, bằng cách bắt đầu xuất khẩu uranium làm giàu đến 60% (hoặc “pha trộn” thành các mức làm giàu thấp hơn) và bằng cách đồng ý để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thanh tra các địa điểm quân sự mà Iran cho đến nay vẫn từ chối mở cửa cho cơ quan này. Nếu Tehran từ chối thực hiện các bước đó trước mùa hè này, Trump nên thúc giục Pháp và Anh viện dẫn cơ chế “khôi phục” của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một cơ chế sẽ áp đặt lại tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc mà Iran từng phải đối mặt trước khi tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – một cơ chế được tạo ra bởi thỏa thuận đó, mà Anh và Pháp vẫn là bên tham gia.
Iran sẽ tuyên bố rằng cơ chế khôi phục sẽ chấm dứt khả năng đàm phán, nhưng Trump không nên bị ngăn cản bởi thủ đoạn đó. Vẫn có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và của Mỹ nếu chế độ này thực sự từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân. Thực tế là không có quốc gia nào từng làm giàu uranium lên 60%, như Iran đã làm, mà không chế tạo vũ khí hạt nhân chính là lời nhắc nhở rằng việc khiến Iran từ bỏ con đường này sẽ rất khó khăn. Nó sẽ đòi hỏi một lời đe dọa hành động quân sự đáng tin cậy – và thậm chí có thể đòi hỏi Washington phải hành động như lời đe dọa đó.
Tuy nhiên, Mỹ không đơn độc trong cuộc đối đầu với Iran – và Israel không phải là đối tác duy nhất của họ trong cuộc chiến này. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực đều đang phải chịu sự phá hoại và xâm lược của Iran. Mức độ sẵn sàng của những người bạn Ả Rập của Washington trong việc chống lại Iran là khác nhau, và phụ thuộc vào đánh giá của họ về độ tin cậy của Mỹ. Ví dụ, các cuộc đàm phán của Ả Rập Saudi với Iran do Trung Quốc làm trung gian vào tháng 03/2023 không phản ánh sự tái định hướng cơ bản về chính sách đối ngoại của Ả Rập Saudi, mà là một cơ chế phòng thủ hợp lý tại thời điểm Mỹ rõ ràng đang yếu hơn. Động thái của Ả Rập Saudi không chỉ phản ánh sự nghi ngờ về chính sách Iran của chính quyền Biden, mà còn phản ánh sự thất bại của chính quyền Trump trong việc phản ứng khi Iran tấn công cơ sở dầu mỏ quan trọng của Ả Rập Saudi tại Abqaiq vào tháng 09/2019. Nếu Ả Rập Saudi và các quốc gia Ả Rập khác phán đoán rằng Mỹ đã quyết định sẽ dừng chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, đồng thời tiếp tục gây thiệt hại và làm suy yếu các lực lượng ủy nhiệm của Iran, họ sẽ điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp. Và Washington sẽ dễ dàng lặp lại kiểu hợp tác đã từng diễn ra khi Iran bắn hàng trăm tên lửa vào Israel vào tháng 04/2024 – một cuộc tấn công đã thất bại một phần bởi vì nhiều quốc gia Ả Rập đã giúp Israel và Mỹ đẩy lùi nó.
ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI SUY NGHĨ LẠI
Tuy nhiên, vẫn có giới hạn đối với những gì Trump có thể mong đợi từ Ả Rập Saudi và các quốc gia Ả Rập khác. Chẳng hạn, vẫn chưa rõ liệu Ả Rập Saudi có thể tham gia đầy đủ vào Hiệp định Abraham hay không. Đây là hiệp định mà Trump đã làm trung gian trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, để bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập. Trong cuộc chiến ở Gaza, chính phủ Ả Rập Saudi (và đích thân Thái tử Mohammed bin Salman) đã chuyển từ những tuyên bố mơ hồ về quyền tự quản của người Palestine sang những yêu cầu rõ ràng hơn về nhà nước Palestine.
Nhưng việc chuyển giao Bờ Tây cho một chính quyền Palestine có chủ quyền là một đề xuất thua cuộc trong mắt hầu hết người Israel, những người tin rằng việc Israel rút quân khỏi Gaza năm 2005 đã tạo ra các điều kiện cho phép Hamas phát triển mạnh mẽ và cuối cùng tiến hành cuộc tấn công dữ dội vào ngày 07/10/2023. Khi nói đến vấn đề Palestine, sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách giữa những gì Ả Rập Saudi nói rằng họ cần và những gì các chính trị gia Israel sẵn sàng chấp nhận.
Tuy nhiên, giải thưởng mà người Ả Rập Saudi thực sự tìm kiếm để bình thường hóa quan hệ với Israel không liên quan gì đến người Palestine: điều mà Riyadh muốn hơn bất cứ thứ gì khác là các thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, vốn sẽ thực sự tăng cường an ninh của Ả Rập Saudi. Một thỏa thuận giữa Israel và Ả Rập Saudi sẽ thay đổi không chỉ Trung Đông mà còn cả quan hệ của Israel với toàn bộ thế giới Hồi giáo, do đó chính quyền Trump nên xem xét liệu mình có thể tiến xa đến đâu. Họ nên làm việc với các thành viên của cả hai đảng chính trị Mỹ để tìm hiểu xem hình thức thỏa thuận quốc phòng nào giữa Mỹ và Ả Rập Saudi có thể giành được sự chấp thuận của Quốc hội. Lựa chọn thứ nhất là một hiệp ước tương tự như NATO. Và một lựa chọn khác là đảm bảo hỗ trợ quốc phòng ở mức độ thấp hơn, bao gồm cả việc biến vương quốc này thành một đồng minh lớn không thuộc NATO và đảm bảo họ đủ điều kiện được hưởng các hệ thống vũ khí tiên tiến.
Trong khi đó, nếu không chấp nhận yêu cầu về một nhà nước Palestine như một mục tiêu có thời hạn và không thể tránh khỏi, thì Washington phải tìm cách làm cho ý tưởng về một chính quyền Palestine tự quản trở nên ít đe dọa hơn đối với Israel – chí ít là ở Bờ Tây. Cũng dễ hiểu khi nạn tham nhũng, bất tài, và không được lòng dân của Chính quyền Palestine (PA) cùng với tầm ảnh hưởng và sự ủng hộ dành cho Hamas khiến người Israel xem bất kỳ sự gia tăng nào về quyền tự quản của Palestine là một mối nguy. Nhưng bất kỳ kịch bản nào khác ngoài kịch bản Israel sáp nhập hoàn toàn Bờ Tây theo “giải pháp một nhà nước,” điều mà hầu hết người Israel phản đối, đều cần đến một thực thể chính quyền Palestine có năng lực và có tính chính danh – dù không nhất thiết phải là Chính quyền Palestine được thành lập theo thỏa thuận Oslo.
Sự tham gia của Hamas vào chính quyền tự quản của người Palestine là điều không thể chấp nhận được đối với Israel và Mỹ. Chính quyền Biden thường nói rằng một “Chính quyền Palestine cải cách” là lựa chọn tốt nhất, nhưng lại không làm gì để biến điều đó thành hiện thực. Hai mươi năm trước, chính quyền George W. Bush (mà tôi phục vụ) đã thành công trong việc yêu cầu PA thực sự tiến hành cải cách. Mỹ đã thúc đẩy việc bổ nhiệm các quan chức liêm chính và có năng lực (bao gồm Salam Fayyad, người từng là thủ tướng PA từ năm 2007 đến năm 2013), áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tài chính, và sa thải những quan chức tham nhũng nhất khỏi phe Fatah đang chiếm ưu thế trong PA. Ngày nay, Mỹ và các nước Ả Rập chủ chốt nên yêu cầu những thay đổi tương tự từ người đứng đầu PA, Mahmoud Abbas. Áp lực sẽ một lần nữa tạo ra một PA tốt hơn. Chính quyền Trump nên kiên quyết yêu cầu các đồng minh Ả Rập của Washington sử dụng đòn bẩy của họ đối với PA, và buộc PA phải chấp thuận các yêu cầu của họ như một điều kiện tiên quyết để tiếp tục được Mỹ hỗ trợ.
Cho dù người ta ủng hộ các động thái hướng tới một nhà nước Palestine trong những năm tới, hay tin rằng một nhà nước Palestine tự quản sẽ gây ra những nguy hiểm không thể vượt qua cho Jordan, Israel, và chính Palestine, thì tất cả các bên đều nên ủng hộ mục tiêu về một chính phủ tốt hơn cho người Palestine. Nhưng bất kỳ sự gia tăng nào trong quyền tự quản của người Palestine cũng đòi hỏi những thay đổi ngay lập tức đối với nguyên trạng. UNRWA, cơ quan Liên Hiệp Quốc đang cung cấp viện trợ quốc tế cho người Palestine, đã phải thỏa hiệp một cách vô vọng do quan hệ của họ với Hamas. Và về cơ bản, định nghĩa của cơ quan này về “người tị nạn Palestine” là một nhóm dân số không ngừng tăng lên qua mỗi thế hệ lại trái ngược với việc chấp nhận vị thế của Israel như một nhà nước Do Thái. Sau khi đã chấm dứt tài trợ của Mỹ cho UNRWA, chính quyền Trump nên nhấn mạnh rằng nó phải được thay thế bằng những nỗ lực hợp tác của các cơ quan hiệu quả hơn của Liên Hiệp Quốc như Chương trình Lương thực Thế giới, UNICEF, và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn.
Đóng góp của Israel cho nỗ lực này phải là thực thi luật pháp của họ đối với những người định cư tham gia vào hoạt động tội phạm chống lại người Palestine, cho dù đó là phá hoại mùa màng hay hành vi bạo lực nhắm vào các cá nhân. Và cần phải ngăn các nhóm định cư tuyên bố đất đai ở Bờ Tây là lãnh thổ của Israel mà không có bất kỳ sự hậu thuẫn pháp lý hoặc quyết định chính thức nào từ chính phủ.
Đề xuất của Trump rằng Mỹ sẽ “tiếp quản” và xây dựng lại Gaza trong khi cư dân của vùng đất này đến sống ở nơi khác đã thêm một lớp mới vào tranh chấp Israel-Palestine. Tuy rất cụ thể, nhưng đề xuất này không khả thi. Tốt hơn hết, chúng ta nên xem nó là sự phản ánh của thực tế rằng không có kế hoạch thực tế nào cho Gaza. Kể từ năm 2005 đến nay, khi người Israel rút các khu định cư và lực lượng quân đội khỏi Gaza, Israel, Mỹ, và Liên Hiệp Quốc đã cố gắng mua chuộc Hamas trong lúc làm việc với các quan chức PA tham nhũng. Cách tiếp cận đó đã chẳng tạo ra tiến triển nào – và còn đẩy tình hình lên đỉnh điểm trong các cuộc tấn công ngày 07/10. Bất chấp sự kỳ quặc trong ý tưởng của Trump, bản chất phá hoại của nó có thể dẫn đến việc suy nghĩ lại một cách lành mạnh hơn về chiến lược của Mỹ, và có lẽ về cả các chính sách của Ả Rập và Israel.
MỘT VÙNG LEVANT MỚI?
Ở phía bắc Israel, sự suy yếu của Hezbollah không nên được cho là một thành tựu đã hoàn thành, mà chỉ là bước đầu tiên để hướng tới một Levant rất khác. Bước tiếp theo là Trump nên đưa Lebanon vào Hiệp định Abraham. Suốt nhiều thập kỷ, chính sách của Mỹ đã chấp nhận rằng các thể chế yếu kém và tham nhũng của Lebanon là bình thường và không thể tránh khỏi. Washington cũng đã chấp nhận một hình thức chủ nghĩa dân tộc Lebanon méo mó, trong đó Israel là kẻ thù, nhưng sự khuất phục và thống trị của Iran và Syria đối với Lebanon lại được ca ngợi. Trump nên yêu cầu các lực lượng vũ trang Lebanon ngăn chặn sự hiện diện có vũ trang của Hezbollah ở phía nam và bảo vệ biên giới của Lebanon để ngăn chặn nguồn cung vũ khí của Iran xâm nhập. Nếu họ không thể triển khai đầy đủ ở miền nam Lebanon và không bắt đầu quá trình giải giáp Hezbollah, Washington nên đình chỉ viện trợ đáng kể cho quân đội Lebanon.
Những người chỉ trích sẽ cho rằng việc cắt đứt viện trợ cho lực lượng vũ trang Lebanon sẽ làm suy yếu vị thế của họ. Nhưng tương tự như thất bại của việc tài trợ liên tục cho PA với ít điều kiện đi kèm, thì việc ủng hộ vô điều kiện cho quân đội Lebanon bất hạnh đã làm lãng phí một khoản tiền lớn, trong khi Hezbollah ngày càng mạnh hơn. Trump cũng nên nhấn mạnh rằng Lebanon phải đàm phán với Israel để giải quyết các tranh chấp biên giới trên đất liền và trên biển. Nói một cách đơn giản, sự hỗ trợ về mặt ngoại giao, chính trị, và tài chính của Mỹ cho Lebanon nên phụ thuộc vào nỗ lực của Lebanon nhằm giành lại chủ quyền của mình. Càng có thể gây áp lực, thông qua hợp tác của Mỹ với các quốc gia Vùng Vịnh và với Pháp, thì khả năng các nhà lãnh đạo Lebanon muốn xây dựng một chính phủ có chủ quyền và có khả năng phản ứng sẽ càng cao.
Bên kia biên giới, ở Syria, vẫn còn quá sớm để biết hình thức chính phủ nào sẽ xuất hiện sau sự sụp đổ của chế độ Assad. Nhưng điều không còn quá sớm để biết là mục tiêu của Mỹ ở đó nên là gì: sự tiến hóa của một chính phủ chính danh dựa trên sự đồng thuận của người dân, chấm dứt sự can thiệp của Syria vào Lebanon, và tìm kiếm hòa bình với tất cả các nước láng giềng, bao gồm cả Israel. Sự ủng hộ của Mỹ đối với bất kỳ chính phủ Syria mới nào nên phụ thuộc vào hành động của chính phủ, chứ không phải vào các bài phát biểu của Tổng thống Ahmed al-Shara, hay tủ quần áo mới theo phong cách phương Tây của ông. Liệu Syria có chấm dứt hay hạn chế nghiêm ngặt quy mô và bản chất của sự hiện diện của lính Nga tại hai căn cứ chính của Moscow ở Syria là Căn cứ Không quân Khmeimim và Căn cứ Hải quân Tartus hay không? Chính phủ của Shara sẽ đối xử như thế nào với các nhóm thiểu số, đặc biệt là người Kurd và dân quân thuộc Lực lượng Dân chủ Syria mà Mỹ đã hỗ trợ từ lâu? Liệu chính phủ có cố gắng ngăn Iran cung cấp tiền và vũ khí cho Hezbollah thông qua Syria không? Cách tiếp cận của Trump nên được định hình bởi câu trả lời cho những câu hỏi này.
Trong khi đó, sẽ là vô cùng ngu ngốc nếu Trump rút khoảng 2.000 lính Mỹ đồn trú tại Syria vì vai trò của họ đang là chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (còn gọi là ISIS) và giam giữ hàng chục nghìn cựu chiến binh ISIS cùng gia đình của họ. Chính sách của Mỹ cũng nên duy trì quan hệ đối tác của Washington với Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo, cho đến khi tình trạng của lực lượng dân quân này (dù như một lực lượng độc lập hay một bộ phận bán tự trị của quân đội Syria) và sự an toàn trong tương lai được đảm bảo.
Israel đã thành công trong việc tiêu diệt (dù không phải là loại bỏ hoàn toàn) Hamas và Hezbollah. Nhưng Houthi, một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran, vẫn đang đe dọa các tàu vận chuyển quốc tế và tàu của Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ – bằng vũ khí của Iran. Houthi tuyên bố rằng họ hành động để ủng hộ người Palestine, nhưng không rõ liệu quyết định gần đây của họ về việc đình chỉ hầu hết các cuộc tấn công chỉ đơn thuần phản ánh lệnh ngừng bắn ở Gaza, hay còn là nỗi sợ về một phản ứng mạnh mẽ hơn của nước Mỹ dưới thời Trump. Dù bằng cách nào, Trump nên nói rõ với Iran rằng nếu bất kỳ tàu nào của Hải quân Mỹ bị hư hại, hoặc bất kỳ người Mỹ nào bị thương hoặc thiệt mạng bởi những vũ khí này, thì Mỹ sẽ ngay lập tức có phản ứng quân sự nhắm vào Iran. Và ông cũng nên nói với Houthi rằng nếu họ tiếp tục các cuộc tấn công nhắm vào tàu vận chuyển quốc tế, thì lực lượng Mỹ sẽ tấn công các cơ sở của họ và ngăn chặn tất cả các chuyến hàng cung cấp vũ khí dành cho họ.
LỜI HỨA SAI LẦM VỀ SỰ ỔN ĐỊNH
Quan hệ giữa Mỹ và Israel đã đạt được những tầm cao mới trong những năm Biden cầm quyền, nhưng cũng có một vài nốt trầm. Dù ủng hộ cuộc chiến của Israel với Hamas, nhưng Tổng thống Joe Biden đã tìm cách xoa dịu những người chỉ trích Israel ở cánh tả (và thậm chí cả trong Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng của chính ông) bằng cách liên tục phàn nàn về cách Israel tiến hành chiến tranh, trì hoãn việc cung cấp một số viện trợ quân sự của Mỹ (bao gồm cả xe ủi đất bọc thép và một số loại đạn dược), và trừng phạt hàng chục nhóm và cá nhân người định cư Israel. Trump đã nhanh chóng giải phóng các lô hàng bị giữ lại và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, báo hiệu rằng chính quyền Trump sẽ không giữ lại hoặc cố tình làm chậm viện trợ quân sự cho Israel. Xét cho cùng, sức mạnh quân sự của Israel sẽ thúc đẩy sức mạnh của Mỹ và thúc đẩy các lợi ích của Mỹ.
Nhưng Trump nên đi xa hơn việc tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Israel và phản đối vũ khí hạt nhân của Iran. Suốt hàng chục năm qua, mọi người đều cho rằng Ả Rập và Israel không thể xích lại gần nhau cho đến khi vấn đề Palestine được giải quyết, nhưng Hiệp định Abraham của Trump đã chứng minh điều đó là sai. Ngày nay, ông không nên tìm kiếm sự ổn định giả tạo nhằm che giấu sự bế tắc vô tận với Iran, nhưng nên tìm kiếm một sự chuyển đổi toàn khu vực – củng cố những thay đổi mà Israel đã đạt được bằng cách làm suy yếu Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, chứng minh sự yếu kém về quân sự của Iran, và tạo tiền đề cho việc lật đổ chế độ Assad.
Mỹ đang nắm trong tay cơ hội khiến Iran và các đồng minh của nước này mất cân bằng. Bởi vì giải pháp thực sự duy nhất cho vấn đề của Iran là sự sụp đổ của chế độ này, Mỹ và các đồng minh nên tiến hành một chiến dịch gây sức ép thay mặt cho người dân Iran – những người nhiệt thành mong muốn chế độ này kết thúc hơn bất kỳ người nước ngoài nào. Những nỗ lực này nên bao gồm việc vạch trần sự đàn áp và vi phạm nhân quyền của chế độ và tiến hành chiến tranh chính trị chống lại nó: liên tục chỉ trích những thất bại về kinh tế và sự tàn bạo của chế độ, hỗ trợ các nước láng giềng của Iran nếu Iran đe dọa họ, và tài trợ (cả công khai lẫn bí mật) cho những nỗ lực của người Iran nhằm phản đối chế độ mà hầu hết họ đều căm ghét.
Quan hệ của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan với Liên Xô là lời nhắc nhở rằng chúng ta vẫn có thể tham gia vào các cuộc đàm phán thực tế với một quốc gia thù địch mà không đánh mất đi sự sắc bén của cuộc chiến ý thức hệ. Một tổng thống Mỹ có thể nói chuyện với một đối thủ chuyên chế mà không phải hy sinh sự sáng suốt về mặt đạo đức và không phải từ bỏ sự ủng hộ đối với những người khao khát thoát khỏi chế độ đàn áp và thường biểu tình trên đường phố, bất chấp những rủi ro.
Mỹ nên xem các cuộc đàm phán như vậy là một chiến thuật trong cuộc đấu tranh lâu dài vì một Trung Đông hòa bình – một mục tiêu không thể đạt được cho đến khi nhà nước Cộng hòa Hồi giáo được thay thế bằng một chính phủ chính danh trong mắt người dân Iran, một chính phủ sẽ từ bỏ các lực lượng ủy nhiệm khủng bố, lòng căm thù Mỹ và Israel, và mong muốn thống trị các quốc gia khác trong khu vực. Cho đến ngày đó, sự hiện diện quân sự của Mỹ không thể bị giảm bớt. Và để đẩy nhanh đến ngày đó, Trump nên khai thác tối đa các lợi thế của Washington, vốn được tạo ra một phần lớn nhờ hành động của Israel. Trong vòng bốn năm tới, Trump có thể tạo dựng một Trung Đông nơi bạn bè của Washington mạnh hơn nhiều và kẻ thù của họ yếu hơn nhiều so với trước đây.
Elliott Abrams là nghiên cứu viên cấp cao về Nghiên cứu Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ông đã phục vụ ở các vị trí cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Reagan và George W. Bush và là Đại diện Đặc biệt về Iran và Venezuela trong chính quyền Trump đầu tiên.