Trump muốn làm gì ở Mỹ Latinh?

Nguồn: Tiago Nogara, 蒂亚戈·诺加拉:关税威胁、移民驱逐……一顿操作猛如虎,特朗普在拉美意欲何为?, Guancha, 07/02/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Kể từ khi Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, dư luận toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến những ảnh hưởng tới từ việc chủ nghĩa đơn phương của Mỹ có thể trở nên cực đoan hơn. Những lo ngại này không chỉ bắt nguồn từ các chính sách trong nhiệm kỳ trước của Trump, mà còn đến từ sự trỗi dậy của các chiến lược theo chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa đơn phương trong những năm gần đây.

Xu thế đơn phương của Mỹ đang trở nên cực đoan, đặc biệt là ở Mỹ Latinh

Xét đến lời hứa dưới khẩu hiệu nổi tiếng “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) trong chiến dịch tranh cử của Trump, những lo ngại này không phải là vô căn cứ.

Những lo ngại này tiếp tục tạo ra sự cộng hưởng rộng rãi hơn sau khi các biện pháp đầu tiên của chính quyền mới được đưa ra. Chỉ vài ngày sau nhiệm kỳ thứ hai của Trump, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận Paris, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thậm chí cả thỏa thuận thuế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Với giọng điệu khiêu khích công khai, Trump còn đề xuất biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, bày tỏ sự quan tâm đến việc sáp nhập Greenland, đồng thời đưa ra một số đề xuất phi pháp và thiếu đạo đức, chẳng hạn như di dời người dân Palestine ở Dải Gaza đến các khu vực khác để “làm sạch” khu vực này.

Đặc biệt, sự đe dọa và các chính sách của Trump càng trở nên hung hăng hơn đối với khu vực Mỹ Latinh. Trong nhiệm kỳ trước của mình, Trump đã áp dụng chiến lược bao vây và đàn áp đối với Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, công nhận tổng thống tự phong Juan Guaidó vốn được Mỹ hậu thuẫn, cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt về chính trị và kinh tế sâu rộng đối với chính phủ hợp pháp của Venezuela.

Tương tự như vậy, trong nhiệm kỳ trước, Trump đã đảo ngược chính sách xích lại gần Cuba của chính quyền Obama, đưa Nicaragua vào phạm vi trừng phạt đơn phương của Mỹ, ủng hộ cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Bolivia Evo Morales, đồng thời khuyến khích các thế lực cực hữu ở Colombia phá hoại các thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN). Trump cũng thúc đẩy một cuộc đối đầu công khai với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, ủng hộ sự trỗi dậy của các phong trào tân phát xít ở một số quốc gia, đồng thời củng cố các chính sách nhập cư có tính phân biệt đối xử mà cuối cùng đã dẫn đến việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Trong chưa đầy một tháng kể từ khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ mới, thái độ của ông đối với Mỹ Latinh cho thấy chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa can thiệp vốn tồn tại lâu đời trong chính sách đối ngoại của Mỹ đang leo thang rõ rệt. Trump công khai tuyên bố rằng, Kênh đào Panama, vốn do Panama kiểm soát từ năm 1999, nên được trả lại cho Washington để hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông cũng tuyên bố Mỹ “không cần Mỹ Latinh”, công bố kế hoạch đổi tên Vịnh Mexico thành “Vịnh Mỹ”, đe dọa áp mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Brazil, đồng thời ký một sắc lệnh chỉ định một số tập đoàn ma túy và tổ chức tội phạm ở Mỹ Latinh là tổ chức khủng bố, qua đó tạo tiền lệ cho sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào khu vực này.

Chính quyền Trump tuyên thệ sẽ thực hiện “chiến dịch trục xuất có quy mô lớn nhất trong lịch sử”, đồng thời ban hành một số sắc lệnh để đẩy nhanh tiến trình này. Những biện pháp này bao gồm việc chấm dứt cấp quyền công dân cho trẻ em sinh ra tại Mỹ là con của người nhập cư tạm thời hoặc không có giấy tờ, tiếp tục xây dựng bức tường biên giới, tạm dừng các đơn xin tị nạn mới, ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới và triển khai quân đội để hỗ trợ chống nhập cư bất hợp pháp. Song song với đó, các cuộc trục xuất hàng loạt đã bắt đầu, với việc các máy bay quân sự đã đưa hàng trăm người di cư trở về một số quốc gia Mỹ Latinh.

Cách thức mà những cuộc trục xuất này được thực thi đã gây ra cục diện căng thẳng nghiêm trọng về mặt ngoại giao. Tại Brazil, chính quyền Brazil coi việc những người di cư bị trục xuất trong tình trạng bị còng tay là một điều không thể chấp nhận được và thậm chí mang tính xúc phạm, điều này đã khiến chính quyền Lula lập tức đệ đơn phản đối chính thức.

Ở Colombia, tình hình còn leo thang hơn nữa. Ban đầu, chính phủ Colombia từ chối cho máy bay Mỹ hạ cánh và kiên quyết cho rằng công dân nước này cần được đối xử một cách tôn trọng. Để đáp trả, Trump đã tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng xuất khẩu của Colombia sang Mỹ và có thể tăng mức thuế lên 50% trong vòng một tuần. Ông cũng cấm các quan chức chính phủ Colombia và những người ủng hộ họ đến Mỹ du lịch, đồng thời hủy bỏ thị thực của họ. Tổng thống Colombia Gustavo Petro ban đầu trả đũa bằng cách áp mức thuế quan tương hỗ “có đi có lại” 25% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, nhưng nhanh chóng thay đổi lập trường và cuối cùng đồng ý tiếp nhận vô điều kiện những người bị trục xuất, nhằm ngăn cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa.

Mâu thuẫn với Colombia cho thấy những điểm chính trong chiến lược mà Trump có thể áp dụng ở Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ mới của mình. Mỹ và Colombia đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) từ năm 2012 và các biện pháp của Trump rõ ràng đã vi phạm thỏa thuận này. Hơn nữa, Colombia còn là quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ có Mỹ là điểm đến xuất khẩu chính, có vị thế là đồng minh quan trọng không thuộc NATO của Mỹ, và có ít nhất 7 căn cứ quân sự của Mỹ đang hoạt động trong biên giới nước này.

Điều đó cho thấy, cách thức sử dụng thuế quan và các lệnh trừng phạt để gây sức ép lên chính phủ các nước Mỹ Latinh và buộc họ phải phối hợp với lợi ích ngoại giao của Mỹ có thể sẽ vượt khỏi phạm vi hạn chế của các lệnh trừng phạt mà Mỹ hiện áp dụng lên Cuba, Venezuela và Nicaragua. Xét cho cùng, những lời đe dọa của Trump đã nhắm trực tiếp vào chính phủ Mexico, Brazil và Colombia, và như mối quan hệ căng thẳng với Canada và Đan Mạch đã cho thấy, chúng dường như không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các lằn ranh ý thức hệ.

Mỹ Latinh vẫn là khu vực quan trọng nhất đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ

Việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với khu vực này không phải là ngẫu nhiên. Trái ngược với ngụ ý trong tuyên bố của Trump rằng Mỹ “không cần Mỹ Latinh”, như nhà khoa học chính trị người Argentina Artillo Borón thường chỉ ra, đây vẫn là khu vực quan trọng nhất đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ.

Học thuyết Monroe được đưa ra vào năm 1823, điều này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Ngay từ trước khi Tổng thống Mỹ thứ 28 Woodrow Wilson phác thảo những trụ cột mới của chủ nghĩa đa phương toàn cầu trong chương trình Mười bốn điểm của mình, nước Mỹ đã cố gắng củng cố chủ nghĩa đa phương khu vực do mình lãnh đạo, nỗ lực này bắt đầu với Hội nghị toàn châu Mỹ năm 1889.

Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) và Hiệp ước Tương hỗ liên châu Mỹ (TIAR) tiếp đó đã củng cố thêm cơ cấu ra quyết định của Mỹ, cơ cấu này vận hành bên ngoài chủ nghĩa đa phương toàn cầu và chịu sự giám sát đặc biệt của Mỹ. Thậm chí ngay từ trước khi chủ nghĩa McCarthy và các điều kiện chính trị liên quan đến Kế hoạch Marshall dẫn đến việc các đảng cộng sản châu Âu bị cấm, giới đầu sỏ Mỹ Latinh với sự khuyến khích của Mỹ đã luôn đàn áp các nhà lãnh đạo bản địa của các phong trào lao động và nông dân.

Một số người nhìn nhận những hành động này là sự “khinh thường” của Mỹ dành cho các quốc gia mà nó coi là “sân sau” của mình, nhưng họ đã nhầm. Trên thực tế, sách lược đối ngoại của Trump phản ánh một nỗ lực cấp tiến nhằm khôi phục lại sự cân bằng quyền lực chính trị và kinh tế trong khu vực. Nỗ lực này liên quan trực tiếp đến ít nhất ba vấn đề cơ bản và có liên quan đến nhau: cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc, việc kiềm chế các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh và sự kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược.

Mỹ Latinh sở hữu trữ lượng lớn các khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và việc phát triển các công nghệ bền vững, như lithium, đồng và niken. Khu vực này nắm giữ khoảng 60% nguồn tài nguyên lithium của thế giới, trong đó “tam giác lithium” trải dài qua Chile, Argentina và Bolivia chiếm phần lớn trữ lượng này và hơn một nửa tổng trữ lượng toàn cầu. Nhờ trữ lượng lớn và khả năng khai thác của các quốc gia như Chile, Peru và Mexico, Mỹ Latinh cũng đóng góp khoảng 40% sản lượng đồng của thế giới.

Ngoài ra, khu vực này còn có trữ lượng bạc và thiếc lớn, là khu vực giàu nước ngọt nhất thế giới, chiếm gần 1/3 nguồn tài nguyên nước ngọt sẵn có trên thế giới, đồng thời cũng có đa dạng sinh học phong phú. Hơn nữa, Mỹ Latinh còn nắm giữ khoảng 1/5 trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên của thế giới, trong đó có các mỏ dầu đã được kiểm chứng lớn nhất thế giới ở Venezuela. Quan trọng không kém, khu vực này còn là nơi xuất khẩu lương thực ròng lớn nhất thế giới và nắm giữ gần 1/3 diện tích đất canh tác của thế giới, phần lớn là ở Brazil.

Việc Mỹ không ngừng theo đuổi quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên này chưa từng là điều bí mật, và lịch sử đã ghi nhận vô số ví dụ về cách Washington sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để loại bỏ các lực lượng chính trị và xã hội ở Mỹ Latinh mà gây thách thức cho tham vọng của Mỹ. Để hiểu điều này, không cần phải truy ngược về Học thuyết Monroe năm 1823, sự sáp nhập tùy tiện và bạo lực gần một nửa lãnh thổ của Mexico, các cuộc xâm lược có vũ trang vào Trung Mỹ và Caribe, hay thậm chí là các cuộc đảo chính và chiến tranh do CIA dàn dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chỉ cần quan sát sự trỗi dậy và chu kỳ của những cuộc nổi loạn của các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh trong thế kỷ 21 là đã đủ.

Chủ nghĩa đế quốc đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc công kích dữ dội nhằm lật đổ cái gọi là “thủy triều hồng” của các chính phủ tiến bộ ở Mỹ Latinh. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mar del Plata năm 2005, những chính phủ tiến bộ ở Mỹ Latinh này đã chôn vùi đề xuất về Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA), thách thức các quy định của Đồng thuận Washington và dám xây dựng chủ nghĩa đa phương khu vực bên ngoài khuôn khổ của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) và Hiệp ước Tương hỗ liên châu Mỹ (TIAR).

Vào lúc cần thiết, đế quốc Mỹ còn dùng đến các biện pháp bạo lực truyền thống đối với “sân sau”, chẳng hạn như tiếp tục leo thang các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp về chính trị và kinh tế đối với Cuba, Venezuela và gần đây nhất là Nicaragua. Tương tự, Washington cũng công khai ủng hộ một loạt các nỗ lực đảo chính ở Venezuela và Bolivia, từ vụ lật đổ Hugo Chávez năm 2002, nỗ lực ly khai ở khu vực “bán nguyệt” (media luna) của Bolivia năm 2008, cho đến các cuộc biểu tình “guarimba” diễn ra nhiều lần ở Venezuela và cuộc đảo chính đẫm máu chống lại Evo Morales năm 2019.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Washington không chỉ dựa vào bạo lực công khai, mà nước này còn hoàn thiện các kỹ thuật đảo chính mềm, đặc biệt là thông qua các cuộc chiến pháp lý. Bằng cách thúc đẩy “Chiến dịch Rửa xe”, Mỹ đã thành công trong việc làm tan rã các công ty xây dựng Brazil cạnh tranh trên thị trường Mỹ Latinh, làm suy yếu nghiêm trọng Petrobras, mở đường cho các tập đoàn đa quốc gia khai thác trữ lượng dầu tiền muối của Brazil, đồng thời nhân đó lật đổ chính quyền của Dilma Rousseff, với việc Lula bị bắt giam sau đó.

Thậm chí vào 10 năm trước, các cuộc chiến pháp lý đã giáng một đòn mạnh vào Đảng Công nhân Brazil (PT). “Vụ án phí hàng tháng” (Chú thích của BTV: “Vụ án phí hàng tháng” bắt nguồn từ một tố cáo nội bộ trong Đảng PT – đảng cầm quyền chính ở Brazil. Năm 2005, nghị sĩ Đảng PT Roberto Jefferson đã tiết lộ với giới truyền thông rằng để lôi kéo phiếu bầu, Đảng PT đã nhận các khoản quyên góp từ các doanh nhân, đồng thời biển thủ ngân sách quảng cáo của chính phủ và tiền lương hưu của các doanh nghiệp nhà nước để chi trả phí hàng tháng cho thành viên của các đảng phái khác trong liên minh cầm quyền) đã khiến một vài nhân vật chủ chốt trong đảng, trong đó có José Dirceu và José Genoíno, phải tạm rút khỏi chính trường.

Những cách thức tương tự đã dẫn đến việc lật đổ Manuel Zelaya ở Honduras và Fernando Lugo ở Paraguay, sự từ chức của Phó Tổng thống Uruguay Raúl Sendic, việc kết án Cristina Kirchner ở Argentina và Rafael Correa cùng Jorge Glas ở Ecuador, cũng như việc lật đổ và giam giữ Tổng thống Peru Pedro Castillo.

Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà các chính quyền trong cuộc chuyển đổi lần thứ tư của Mexico lại nhấn mạnh đến việc cải tổ toàn diện hệ thống tư pháp quốc gia vốn bị lũng đoạn bởi giới đầu sỏ, vì hệ thống này có nhiều điểm tương đồng với hệ thống của các quốc gia khác trong khu vực.

Bá quyền của Mỹ ở Mỹ Latinh đang đối mặt với nhiều thách thức

Nhiều người có thể cho rằng, những thế lực cấp tiến nhất trong các chính phủ này đã suy yếu rất nhiều, trong khi những chính phủ ôn hòa hơn không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, đây chính xác là sai lầm nghiêm trọng mà nhiều nhà phân tích tình hình khu vực Mỹ Latinh đã mắc phải: Trong thời khắc lịch sử này, các giải pháp ôn hòa dường như đã không còn đủ để duy trì bá quyền của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu. Điều này không chỉ có nguyên nhân là cuộc xung đột với các thế lực cánh tả ở Mỹ Latinh, mà còn do một yếu tố mang tính cấu trúc – sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc với các nước Mỹ Latinh và Caribe.

Hơn 20 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, ảnh hưởng kinh tế của nước này ở Mỹ Latinh không ngừng được mở rộng, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia trong khu vực này và bao phủ gần như toàn bộ Nam Mỹ. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc cũng đang tăng lên, qua đó thúc đẩy một loạt dự án cơ sở hạ tầng hứa hẹn sẽ định hình lại dòng chảy thương mại khu vực, mà cảng Chancay mới được hoàn thành ở Peru là một ví dụ điển hình trong số đó.

Hơn 20 quốc gia ở Mỹ Latinh đã tham gia chiến lược “​​Vành đai và Con đường”, trong khi số lượng các quốc gia lựa chọn duy trì cái gọi là “quan hệ ngoại giao” với Đài Loan thay vì công nhận chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc đang ngày càng giảm đi.

Ngoài ra, nguyên tắc ngoại giao không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác của Trung Quốc đã nhận được tán thưởng từ nhiều chính phủ thuộc mọi phổ ý thức hệ. Sự kết hợp giữa quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ đã đặt ra những thách thức phức tạp đối với hoạt động ngoại giao của Mỹ.

Trong Chiến tranh Lạnh, nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô dựa vào các sách lược chiến tranh “bẩn” thông qua việc liên minh với giới đầu sỏ Mỹ Latinh. Tuy nhiên, cách tiếp cận tương tự của nước Mỹ ngày nay nhằm kiềm chế Trung Quốc đã không còn hiệu quả và các chính phủ cánh tả hoặc theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy ở Mỹ Latinh đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc.

Dù chính quyền của Tổng thống Peru Dina Boluarte mang lập trường bảo thủ, nhưng bà thậm chí chưa từng cân nhắc đến việc làm suy yếu hợp tác với Trung Quốc. Ngay cả những chính phủ Mỹ Latinh bù nhìn vốn có chung lợi ích với phe cực hữu Mỹ, chẳng hạn như chính quyền của Jair Bolsonaro ở Brazil và Javier Milei ở Argentina, cũng khó lòng thực thi các chính sách chống Trung Quốc, bởi chương trình nghị sự này không trùng khớp với lợi ích kinh tế của giới tinh hoa trong nước mà vốn ủng hộ các chính phủ này.

Vì vậy, khi Trump chỉ trích rằng Brazil đang cố gắng “phá hoại” lợi ích của Mỹ, thì không phải là bởi chính quyền Lula đang thực hiện các biện pháp chống lại Mỹ. Hoàn toàn không phải vậy, mà là bởi chính phủ Brazil đã từ chối tham vào việc kiềm chế Trung Quốc và cũng từ chối các cuộc chơi “bẩn” nhằm lật đổ các chính phủ cánh tả trong khu vực.

Chủ nghĩa can thiệp mới: Sự thỏa hiệp ôn hòa của Mỹ Latinh đã không còn đủ để thỏa mãn lợi ích của đế quốc Mỹ

Khi gây sức ép với Tổng thống Colombia Gustavo Petro và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum về vấn đề nhập cư, Trump đã tạo ra tiền lệ cho chủ nghĩa can thiệp với việc chỉ định các tập đoàn ma túy ở Mỹ Latinh là tổ chức khủng bố.

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả những điều này xảy ra, đặc biệt là khi hai cựu Tổng thống Colombia Álvaro Uribe và Iván Duque, đã kêu gọi can thiệp quân sự quốc tế vào Venezuela, và các phương tiện truyền thông bảo thủ đã nhiều lần cáo buộc Tổng thống Colombia đương nhiệm Petro quá khoan dung với Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) – lực lượng được cho là có liên hệ với chính quyền của Tổng thống Venezuela Maduro.

Cục diện này đang đẩy Mỹ tới chủ nghĩa đơn phương cực đoan và khiến nước này ngày càng khẳng định ý chí của mình trong khu vực một cách cứng rắn. Các giải pháp ôn hòa và dựa trên sự thỏa hiệp đã không còn đủ để thỏa mãn lợi ích của đế quốc Mỹ.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, Washington cần những chính phủ bù nhìn không chỉ sẵn sàng hy sinh lợi ích của người dân, mà còn sẵn sàng hy sinh lợi ích của các tầng lớp quan trọng trong giới tinh hoa cầm quyền. Xét cho cùng, sự suy giảm bá quyền của Mỹ trên trường quốc tế đang ngày càng trở nên rõ ràng, như những thất bại liên tiếp trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc đã chứng minh – ví dụ gần đây nhất là việc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và khoản lỗ 1000 tỷ USD mà các công ty công nghệ lớn của Mỹ phải gánh chịu sau khi Trung Quốc tung ra DeepSeek.

Như chính sách đối ngoại của Mỹ trong lịch sử đã chỉ ra, quyền kiểm soát tuyệt đối đối với Mỹ Latinh được coi là điều kiện tiên quyết để củng cố sức mạnh toàn cầu của Washington. Mỹ khó có thể tham gia vào một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông hay Đông Á nếu trước đó không đảm bảo được quyền kiểm soát trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Venezuela. Tương tự, Mỹ sẽ không thể thành công trong việc mở rộng các biện pháp chống Trung Quốc sang các đồng minh ở bên ngoài khu vực nếu trước đó không thể thực thi thành công các biện pháp này ở Mỹ Latinh.

“Nếu Bắc Mỹ không cần chúng ta thì Nam Mỹ phải đoàn kết lại”

Trong bối cảnh này, các nước Mỹ Latinh phải nhận thức được rằng, đất đai và tương lai của họ đóng vai trò then chốt trong quá trình tái cấu trúc quyền lực toàn cầu hiện nay. Đối mặt với mối đe dọa, thật đáng để ghi nhớ lời khuyên của Claudia Sheinbaum: “Hãy giữ một cái đầu lạnh”, cũng như nhớ rằng “nền kinh tế Mỹ sẽ không thể xoay chuyển nếu không có người dân của chúng ta”, chứ đừng nói đến việc không có nguồn lực của Mỹ Latinh.

Như lịch sử đã hơn một lần chứng minh, các vấn đề về cấu trúc của Mỹ Latinh không thể được giải quyết thông qua các chính sách ép buộc, đơn phương và liều lĩnh vốn từng nhiều lần thất bại. Ngược lại, những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác và phát triển với công lý xã hội làm cốt lõi.

Trên thực tế, vào cuối tháng 1, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã triệu tập một cuộc họp mới của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) để thảo luận về các hành vi thù địch của Washington, đồng thời vạch ra con đường phía trước rằng: “Nếu Bắc Mỹ không cần chúng ta thì Nam Mỹ phải đoàn kết lại.”