Tập tìm cách tham gia cùng Trump và Putin trong Hội nghị Yalta 2.0

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi seeks to join Trump and Putin for Yalta 2.0,” Nikkei Asia, 20/02/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trung Quốc xem vai trò gìn giữ hòa bình ở Ukraine là bước đệm hướng tới một trật tự thế giới mới.

Cách cuộc chiến ở Ukraine kết thúc có thể quyết định ai là người nắm quyền kiểm soát trật tự quốc tế mới.

Thứ Hai tới (24/02/2025) đánh dấu ba năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, và người ta đã bắt đầu sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lại không được mời.

Năm nay cũng đánh dấu 80 năm kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Nhiều quốc gia đang hành động để tận dụng ngày kỷ niệm quan trọng này, khi mà trật tự quốc tế thời hậu chiến có thể thay đổi sâu sắc.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có ý định đóng một vai trò trong sự thay đổi này. Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, đất nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị vẫn chưa xuất hiện, mà phải đến năm 1949, nó mới được chủ tịch đảng Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập.

Theo một nguồn tin thân cận với quan hệ Mỹ-Trung, để đáp trả những động thái nhanh chóng của Trump xoay quanh cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc hiện đã chuẩn bị sử dụng Quân Giải phóng Nhân dân, lực lượng quân sự của đảng, như một phần trong động thái ngoại giao của mình.

Churchill, Roosevelt, và Stalin đã đưa thế giới bước vào một lộ trình kéo dài hàng thập kỷ kể từ tháng 02/1945.

Các động thái ngoại giao của Trung Quốc là nhằm mục đích mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành đồng kiến trúc sư của một thỏa thuận Yalta mới và trật tự thế giới mới, để thay thế cho cấu trúc hiện tại sau Thế chiến II.

Hội nghị Yalta mang tính lịch sử giữa “Tam Cường” được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng ở bờ biển phía nam Crimea hướng ra Biển Đen từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 02/1945, những ngày cuối của Thế chiến II.

Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã ký hiệp định Yalta, theo đó phác thảo trật tự quốc tế thời hậu chiến.

Thỏa thuận bao gồm việc phân chia nước Đức thành bốn khu vực riêng biệt do Mỹ, Anh, Liên Xô, và Pháp lần lượt chiếm đóng, thành lập Liên Hiệp Quốc, cùng nhiều vấn đề khác.

Địa điểm tổ chức Hội nghị Yalta là Cung điện Livadia, nơi nghỉ dưỡng mùa hè trước đây của Nicholas II, sa hoàng cuối cùng của Nga, nằm cách thành phố Yalta khoảng 3 km. Crimea, một phần lãnh thổ của Ukraine, đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.

Khi Liên Hiệp Quốc được thành lập sau Thế chiến II, và với tư cách là những nước chiến thắng trong chiến tranh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc, Mỹ, Anh, và Liên Xô đã trở thành các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an hùng mạnh.

Tám thập kỷ trôi qua, Trump và Putin sắp có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên để thảo luận về Ukraine, bao gồm cả Crimea – nơi diễn ra Hội nghị Yalta – mà không có sự hiện diện của Zelenskyy.

Chính quyền Trump đã bày tỏ thái độ xem thường Liên minh châu Âu và NATO, bằng chứng là phát biểu của Phó Tổng thống J.D. Vance tại Hội nghị An ninh Munich gần đây ở Đức.

Trong hoàn cảnh này, Tập đang nhắm đến việc tham gia vào một Yalta 2.0 tiềm năng với tư cách là một trong “Tân Tam Cường,” cùng với Trump và Putin. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến sức mạnh kinh tế và quân sự hiện tại của Trung Quốc và khả năng nắm giữ quyền lực lâu dài của Tập.

Một vai trò nổi bật như vậy trên trường quốc tế cũng có thể giúp Tập giành lại vị thế chính trị mà ông đã đánh mất ở trong nước khi nền kinh tế Trung Quốc sa sút dần.

Như bước đầu tiên hướng tới việc trở thành đồng kiến trúc sư của một trật tự thế giới mới, Trung Quốc đang để mắt tới việc tham gia vào một khuôn khổ an ninh cho Ukraine sau khi nước này đạt được lệnh ngừng bắn.

Một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trump và Putin sẽ khiến lệnh ngừng bắn có nhiều khả năng xảy ra hơn. Câu hỏi đặt ra là cần thực hiện các biện pháp an ninh cụ thể nào để ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine một lần nữa.

Tờ Wall Street Journal đưa tin gần đây rằng Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất với chính quyền Trump về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga để giúp chấm dứt chiến tranh Ukraine.

Tờ báo của Mỹ cho biết Trung Quốc cũng đã thông báo với chính quyền Trump về việc sẵn sàng gửi Quân Giải phóng Nhân dân đến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine sau khi lệnh ngừng bắn cuối cùng được thực hiện.

Trong khi đó, The Economist, một tờ báo Anh, cũng đưa tin rằng chính quyền Trump đang kêu gọi triển khai một phái bộ gìn giữ hòa bình ở Ukraine, với sự tham gia của không chỉ quân đội châu Âu mà còn cả quân đội Trung Quốc và Brazil.

Vào ngày 13/02, các tờ báo hàng ngày tại Moscow đã đưa tin về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. © Reuters

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khoe khoang về khả năng triển khai quân đội của nước mình đến tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài khi ông đến Đức để tham dự Hội nghị An ninh Munich.

Điều thú vị là Vương đã làm như vậy trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, dù Trung Quốc và Nga được cho là xem liên minh quân sự phương Tây là kẻ thù.

Theo Hãng Thông tấn Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, Vương Nghị đã nói với Rutte rằng Trung Quốc “là lực lượng duy trì hòa bình và ổn định” và là “nước đóng góp nhân sự gìn giữ hòa bình lớn nhất” trong số năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trước đầu những năm 2000, Trung Quốc từng có thái độ tiêu cực về việc gửi quân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Nhưng từ đó đến nay, họ đã gửi quân tham gia nhiều nhiệm vụ, bao gồm cả nhiệm vụ ở Nam Sudan.

Tại Munich, Vương cũng đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha. Tân Hoa Xã đưa tin ông đã nói với Sybiha rằng Trung Quốc sẽ “đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng [Ukraine] và hiện thực hóa nền hòa bình.”

Chính quyền Tập tin rằng một vai trò chủ chốt trong việc gìn giữ hòa bình ở Ukraine có thể trở thành bước mở đầu để Mỹ, Nga, và Trung Quốc cùng tạo ra một trật tự thế giới mới.

Bằng cách khiến chính quyền Trump cảm thấy biết ơn khi giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, Trung Quốc cũng có thể tránh được những cuộc đụng độ nghiêm trọng với Mỹ trên mặt trận ngoại giao, an ninh, và kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn không thể chắc chắn liệu nước Nga của Putin có đồng ý cho quân đội Trung Quốc đồn trú tại Ukraine hay không.

Trong một cảnh tượng dường như báo hiệu Yalta 2.0 đang đến gần, một tác phẩm nghệ thuật mô tả Trump, Putin, và Tập đã xuất hiện tại một phòng trưng bày ở Công viên Livadia ở Crimea do Nga chiếm đóng. Tác phẩm này có tên là “Yalta 2.0.”

Các khách đến thăm một phòng trưng bày ở Yalta, Crimea vào ngày 08/02 đang chiêm ngưỡng một tác phẩm có tên “Yalta 2.0.” Tác phẩm mô tả Trump, Putin, và Tập, đồng thời nhắc đến Hội nghị Yalta năm 1945. © Reuters

Một hội nghị thượng đỉnh như vậy sẽ có tác động vô cùng lớn đến vấn đề Đài Loan.

Nếu cuộc chiến ở Ukraine kết thúc theo cách có lợi cho Nga – kẻ xâm lược rõ ràng đã phá hủy trật tự quốc tế – thì Trung Quốc sẽ xem đó là điều có lợi. Rốt cuộc thì họ đã tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan tự trị.

Nhưng xét đến tình hình hiện tại, vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Nga đang do Ả Rập Saudi, chứ không phải Trung Quốc, đảm nhiệm.

Vào thứ Ba, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga đã gặp nhau tại Riyadh, thủ đô của vương quốc này, một diễn biến không mấy dễ chịu đối với Trung Quốc, nước đã thể hiện thiện chí làm trung gian.

Phía Mỹ tuyên bố rằng Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhất trí “bắt đầu làm việc hướng đến một con đường để chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt theo cách lâu dài, bền vững, và được tất cả các bên chấp nhận.”

Trong khi đó, trong một diễn biến mới về vấn đề Đài Loan, vào ngày 13/02, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xóa cụm từ “chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập” khỏi phần thông tin về quan hệ với Đài Loan trên trang web của mình.

Động thái này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, vì cụm từ bị xóa phù hợp với chính sách “một Trung Quốc” bấy lâu nay của Washington, trong đó cân nhắc đến lập trường của Bắc Kinh, xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình.

Bản thông tin cập nhật cũng nêu rõ, “Chúng tôi hy vọng những khác biệt giữa hai bờ eo biển sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phi cưỡng bức, theo cách có thể chấp nhận được đối với người dân ở cả hai bên bờ eo biển.”

Tuyên bố này nói thêm, “Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, bao gồm cả tư cách thành viên khi có thể.”

Liên quan đến vấn đề này, tuyên bố chung do Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Trump đưa ra tại cuộc gặp gần đây ở Washington có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế.”

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tham quan Âu thuyền Miraflores tại Kênh đào Panama ở Thành phố Panama vào ngày 02/02. © Reuters

Trung Quốc cũng đang ở thế phòng thủ về vấn đề Kênh đào Panama.

Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ lấy lại tuyến đường thủy quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, với lý do nó đang do Trung Quốc kiểm soát.

Để đáp lại, quốc gia Trung Mỹ đã tuyên bố rút khỏi dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu, vốn được thúc đẩy với sự hậu thuẫn hoàn toàn của Tập.

Tại Hội nghị Yalta vào tháng 02/1945, các quyết định đã được đưa ra một cách bí mật về cách xử lý lãnh thổ Ukraine khi đó và các vấn đề liên quan đến miền Viễn Đông, bao gồm cả việc Liên Xô tham gia vào cuộc chiến chống Nhật Bản.

Giờ đây, vẫn còn phải chờ xem liệu Yalta 2.0 có thành hình sau khi Mỹ và Nga thảo luận riêng về Ukraine hay không. Nếu một hội nghị như vậy trở thành hiện thực, nó sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của nhiều quốc gia và khu vực, bao gồm cả Nhật Bản.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.