Nguồn: John Haltiwanger, “5 Key Questions About Signalgate,” Foreign Policy, 25/03/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Những câu hỏi đáng lưu tâm nhất về vụ bê bối nhóm chat Signal.
Mọi người ở Washington vẫn đang quay cuồng sau bài báo gây chấn động của nhà báo Jeffrey Goldberg trên tờ Atlantic, rằng ông đã vô tình bị đưa vào cuộc trò chuyện nhóm trên ứng dụng Signal với các quan chức an ninh quốc gia cấp cao nhất trong chính quyền Trump khi họ thảo luận về các cuộc tấn công sắp tới của Mỹ nhắm vào phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Dù hai thành viên của nhóm trò chuyện, Giám đốc CIA John Ratcliffe và Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard, đã bị các thượng nghị sĩ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện thẩm vấn về vấn đề này vào thứ Ba ngày 25/03, vẫn còn nhiều câu hỏi về cách thức vụ vi phạm an ninh quốc gia gây sốc này xảy ra, và tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với những người liên quan cũng như đối với nước Mỹ nói chung.
Sau đây là năm câu hỏi lớn đang gây thắc mắc về vụ bê bối đang leo thang này.
1. Goldberg được thêm vào nhóm trò chuyện như thế nào?
Có lẽ đây vẫn là bí ẩn lớn nhất.
Goldberg viết rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz đã gửi cho ông yêu cầu kết nối ban đầu trên Signal – một tính năng cho phép người dùng nền tảng này kiểm soát những ai có thể giao tiếp với họ – và Goldberg đã chấp nhận, “với hy vọng rằng đây thực sự là cố vấn an ninh quốc gia và ông ấy muốn trò chuyện về Ukraine, hoặc Iran, hoặc một số vấn đề quan trọng khác.”
Goldberg cho biết hai ngày sau, ông nhận được thông báo trên Signal rằng mình đã được thêm vào một nhóm trò chuyện có tên là “Nhóm nhỏ Houthi PC.”
Nhà Trắng cho biết họ đang xem xét cách Goldberg vô tình được thêm vào chuỗi, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có quan chức nào đưa ra lời giải thích. Khi được hỏi về vấn đề này trong phiên điều trần hôm thứ Ba, Ratcliffe nói rằng ông không biết Goldberg đã được mời tham gia cuộc trò chuyện như thế nào và rằng ông đã thấy “các báo cáo mâu thuẫn” về việc ai đã mời nam nhà báo, dù Goldberg đã nói rõ ràng rằng đó là Waltz.
Goldberg cũng cho biết ông cuối cùng đã rời khỏi cuộc trò chuyện sau khi xác định đó là sự thật. Khi ai đó rời khỏi nhóm trên Signal, người tạo nhóm sẽ nhận được thông báo. Nhưng Goldberg cho biết không ai liên lạc với ông sau khi ông rời khỏi cuộc trò chuyện. Không rõ liệu Waltz có để ý thấy Goldberg rời đi, hay chỉ đơn giản là chọn cách không phản ứng.
2. Tại sao không có viên chức nào trong cuộc trò chuyện kéo dài nhiều ngày này nêu lên quan ngại rằng Signal là một cách không phù hợp để truyền đạt thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm?
Ngoài cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, giám đốc CIA, và giám đốc tình báo quốc gia, các quan chức trong nhóm Signal được cho là bao gồm Phó Tổng thống J.D. Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, và Đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff, cùng một số người khác.
Nhiều người trong nhóm này đã dày dạn kinh nghiệm trong việc xử lý thông tin mật cấp an ninh quốc gia, và đáng lẽ họ phải biết rõ là không nên thảo luận chi tiết về các chiến dịch quân sự sắp tới của Mỹ trên Signal (và với một nhà báo trong nhóm trò chuyện). Rubio từng là thượng nghị sĩ Mỹ, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Gabbard là trung tá trong Lực lượng Dự bị Quân đội Mỹ và với tư cách là thành viên của Quốc hội, bà đã phục vụ trong các ủy ban Quân lực Hạ viện, An ninh Nội địa, và Ngoại giao. Còn Ratcliffe đã giữ chức giám đốc tình báo quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Một số quan chức trong cuộc trò chuyện cũng từng tuyên bố công khai về tầm quan trọng của an ninh khi hoạt động và việc tránh sử dụng các kênh không an toàn có thể làm lộ thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm. Các tuyên bố này thường liên quan đến việc cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sử dụng máy chủ email riêng tư trong thời gian bà giữ chức nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ.
Waltz đã đề cập đến vụ bê bối email của Clinton trong bài đăng năm 2023 trên Twitter (nay là X). “Cố vấn an ninh quốc gia đương nhiệm của Biden là Jake Sullivan đã gửi những tin nhắn tuyệt mật đến tài khoản cá nhân của Hillary Clinton. Và Bộ Tư pháp đã làm gì với việc này? Chẳng gì cả,” Waltz nói vào thời điểm đó khi chia sẻ một báo cáo của Politico năm 2016 về mối liên hệ của Sullivan với vụ bê bối email của Clinton.
Hegseth cũng nhiều lần chỉ trích Đảng Dân chủ, bao gồm cả Clinton, về cách họ xử lý thông tin mật. Vào năm 2016, ông đã nói rằng, “Nếu đó không phải Hillary Clinton thì người đó đã phải ngồi tù ngay bây giờ rồi.”
Nói cách khác, các quan chức liên quan dường như hoàn toàn nhận thức được các luật liên quan đến việc chia sẻ thông tin nhạy cảm và khả năng các nền tảng không an toàn có thể bị xâm phạm, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng Signal để thảo luận về một chiến dịch quân sự sắp tới của Mỹ. Tại sao không ai trong số họ nêu lên quan ngại dù cuộc trò chuyện đã diễn ra trong suốt nhiều ngày vẫn là một trong những câu hỏi mở lớn nhất của chúng ta.
“Đây là những vấn đề thực tế đáng lẽ phải được thảo luận trong Phòng Tình hình trước khi Tổng thống đưa ra quyết định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Atlantic, rõ ràng là không ai trong chuỗi này từng nêu ra những vấn đề này,” cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton viết trên X.
3. Những tác động về mặt an ninh là gì?
Thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm thường được thảo luận qua các kênh bảo mật hoặc tại Phòng Tình hình của Nhà Trắng – chứ không phải trên ứng dụng nhắn tin thương mại nguồn mở như Signal, vốn dễ bị tin tặc nước ngoài tấn công dù đã được mã hóa. Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã gửi cảnh báo cố vấn toàn bộ về “lỗ hổng” của ứng dụng này – chỉ vài ngày sau vụ rò rỉ thông tin vô tình cho Goldberg.
Waltz rõ ràng đã thành lập nhóm Signal như một cách để tập hợp những người được gọi là Ủy ban Hàng đầu (Principals Committee), một thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các quan chức cấp cao. Các chuyên gia an ninh quốc gia cho biết việc sử dụng Signal cho các cuộc thảo luận như vậy đã phá vỡ hoàn toàn giao thức chuẩn được thiết kế để tránh tình trạng thông tin tình báo rơi vào tay kẻ xấu.
Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price chia sẻ với Foreign Policy rằng: “Ủy ban Hàng đầu thực sự là đỉnh cao của quá trình ra quyết định về an ninh quốc gia trong chính phủ Mỹ. Theo định nghĩa, các cuộc họp của ủy ban hàng đầu sẽ diễn ra tại Phòng Tình hình của Nhà Trắng.” Price cho biết các quan chức không thể tham gia họp trực tiếp do phải đi công tác có thể kết nối thông qua SVTC, hay cầu truyền hình an toàn, để có thể kết nối trực tiếp với Phòng Tình hình.
“Nếu bạn là bộ trưởng ngoại giao hoặc bộ trưởng quốc phòng, bạn thường được yêu cầu đi khắp thế giới, và đó là điều hoàn toàn có thể được chấp nhận và được mong đợi. Tuy nhiên, những nhân vật hàng đầu này có các nhóm sẽ đi trước họ, dựng những thứ thường là lều trong phòng khách sạn của họ – hoặc đôi khi họ đến đại sứ quán – để đảm bảo họ luôn có quyền truy cập vào hệ thống tuyệt mật,” Price nói. Trong những trường hợp đặc biệt, thành viên ủy ban có thể sử dụng đường dây điện thoại tuyệt mật và truyền âm thanh vào Phòng Tình hình, Price nói thêm.
Price, người trước đây là chuyên gia phân tích tình báo tại CIA và gần đây hơn là Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã từng tham gia ủy ban hàng đầu và cảm thấy rất bối rối khi các quan chức của Trump lại có các cuộc đối thoại cấp cao về an ninh quốc gia thông qua Signal.
Price phát biểu “Ý tưởng về việc loại thảo luận này sẽ được tổ chức trên một ứng dụng thương mại dễ bị tấn công và xâm nhập bởi các tác nhân nhà nước và phi nhà nước thực sự khó hiểu. Không có phương tiện liên lạc an toàn nào ngoại trừ một nơi duy nhất, đó là hệ thống phân loại mật của chính phủ Mỹ.”
Tương tự, trong bình luận với CNN hôm thứ Hai ngày 24/03, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon, một chuẩn tướng Không quân đã nghỉ hưu, cũng chỉ trích chính quyền Trump về vụ bê bối mới nổi. Bacon cho biết ông là “sĩ quan tình báo tín hiệu chuyên nghiệp” và có thể “đảm bảo” rằng Nga và Trung Quốc đang theo dõi những chiếc điện thoại mà các quan chức Mỹ sử dụng trong nhóm trò chuyện.
“Mọi người nên biết rõ là không nên đưa các kế hoạch chiến tranh tuyệt mật vào một chiếc điện thoại không được bảo vệ. Chấm hết. Không có lý do gì để bào chữa,” Bacon nói.
Tương tự, Bolton nói với CNN rằng ông “bị sốc” trước tiết lộ rằng các quan chức an ninh quốc gia cấp cao đang sử dụng Signal để thảo luận về một chiến dịch quân sự.
Bolton nói “Tôi không thể tưởng tượng được có người sẽ sử dụng Signal. Bạn biết đấy, một số khách mời đã bình luận rằng Signal được mã hóa rất cao. Tôi chỉ muốn nói thế này: nếu bạn thực sự nghĩ Signal tương đương với đường dây liên lạc an toàn của chính phủ Mỹ, thì nghĩ lại đi.”
Signalgate, tên gọi hiện tại của ứng dụng, cũng có thể khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng về việc chia sẻ thông tin tình báo với Washington trong tương lai.
Price cho biết: “Sự hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo phụ thuộc vào lòng tin,” đồng thời nói thêm rằng “một điều như thế này thực sự làm xói mòn nền tảng lòng tin mà các cơ quan tình báo thân thiện đang có với chúng ta.” Price khẳng định các cơ quan này sẽ “suy nghĩ kỹ” về việc chia sẻ một số “bí mật nhạy cảm nhất” của họ nếu họ cảm thấy chúng ta không thể bảo vệ được những bí mật đó.
Thật vậy, Thủ tướng Canada Mark Carney, quốc gia thành viên của liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn bao gồm Mỹ, Anh, Australia, và New Zealand, đã lên tiếng về vụ rò rỉ tín hiệu của chính quyền Trump, gọi đây là “vấn đề nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng.”
4. Hậu quả pháp lý có thể xảy ra là gì?
Chính quyền Trump đang nỗ lực ngăn chặn hậu quả từ vụ bê bối này. Nhà Trắng đã xác nhận sự tồn tại của nhóm trò chuyện, nhưng cho biết các thông tin được thảo luận không phải là thông tin mật và không có “kế hoạch chiến tranh” nào được chia sẻ.
Gabbard và Ratcliffe đã lặp lại lời khẳng định đó trong lúc tuyên thệ khi làm chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào thứ ba.
Nhưng các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ trong ủy ban lại không tin điều đó. Thượng nghị sĩ Mark Warner nói với Gabbard: “Nếu chúng không phải là thông tin tuyệt mật, hãy chia sẻ những tin nhắn đó ngay bây giờ.” Chính quyền Trump chưa công khai các tin nhắn này và chúng ta chỉ có một phần bức tranh về những gì đã được thảo luận trong báo cáo của Goldberg.
Cụ thể, Goldberg báo cáo rằng các kế hoạch được thảo luận trong cuộc trò chuyện “bao gồm thông tin chính xác về các gói vũ khí, mục tiêu, và thời gian,” và các chuyên gia an ninh quốc gia rất nghi ngờ về quan điểm cho rằng thông tin này không phải là tuyệt mật.
“Tôi không nghĩ có bất kỳ nghi ngờ nào về việc họ đang xử lý thông tin mật. Đây là các kế hoạch chiến tranh,” Leon Panetta, cựu giám đốc CIA và bộ trưởng quốc phòng, nói với MSNBC về vụ Signalgate vào thứ Ba. Panetta cho biết những gì được mô tả trong báo cáo đều được xem là “thông tin mật, được phân loại cao.”
Goldberg đã viết trong báo cáo của mình rằng “Hegseth, Ratcliffe, và các quan chức cấp Nội các khác có lẽ sẽ có thẩm quyền giải mật thông tin, và một số luật sư an ninh quốc gia lưu ý rằng các quan chức được cho là nằm trong nhóm Signal có thể tuyên bố rằng họ đã giải mật thông tin mà mình chia sẻ.”
Nhưng ông chỉ ra rằng Signal không được chính phủ Mỹ chấp thuận để chia sẻ thông tin tình báo được phân loại. Do đó, các chuyên gia pháp lý đã đặt ra khả năng các quan chức trong cuộc trò chuyện đã vi phạm Đạo luật Gián điệp cùng nhiều luật khác.
“Dù chúng ta sẽ không biết chắc chắn điều gì cho đến khi chúng ta thấy toàn bộ văn bản tin nhắn, nhưng thật khó để tin rằng thông tin do chính Hegseth cung cấp là không phải tuyệt mật. Các kế hoạch quân sự, vũ khí, và chiến dịch, đặc biệt là các chi tiết trước khi ra quyết định, rõ ràng nằm trong phạm vi thông tin mật,” Bradley Moss, một luật sư an ninh quốc gia tại Washington, nói với Foreign Policy.
Moss nhận xét phản ứng của Nhà Trắng cho đến nay chỉ là “cố gắng xoay chuyển tình hình chính trị nhiều hơn là hành động pháp lý thực chất.”
Moss cho biết: “Việc sử dụng Signal cho các thông tin liên lạc chính thức có thể được phép, nhưng không được bao gồm thông tin mật, và vẫn phải được lưu trữ cho mục đích của Đạo luật Lưu trữ Hồ sơ Liên bang. Đạo luật Gián điệp cũng như các điều khoản [về việc xóa bỏ trái phép các tài liệu mật] chắc chắn là loại điều khoản hình sự có thể liên quan đến vụ rò rỉ thông tin mật qua Signal.”
Nhưng vẫn chưa rõ liệu cơ quan hành pháp liên bang có điều tra vấn đề này hay không, đặc biệt là khi xét đến các bước mà Trump đã thực hiện để đảm bảo lòng trung thành tuyệt đối trong toàn bộ chính phủ.
Bolton viết trên X rằng: “Tôi nghi ngờ việc sẽ có ai đó phải chịu trách nhiệm về những sự kiện được Atlantic mô tả, trừ khi chính Donald Trump cảm thấy sức ép.” Ông cũng nói thêm rằng “Tôi không tin Bộ Tư pháp sẽ truy tố bất kỳ ai có liên quan.”
Nếu Trump bắt đầu cảm thấy bị dồn vào chân tường, một câu hỏi khác là ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ bê bối này. Liệu đó có phải là Hegseth, vì thông tin mật là các kế hoạch quân sự không? Hay đó sẽ là Waltz, người đầu tiên bắt đầu cuộc trò chuyện? Thời gian sẽ trả lời.
5. Điều này cho chúng ta biết điều gì về cách đội ngũ của Trump xử lý vấn đề an ninh quốc gia nói chung?
Vụ Signalgate đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến các hoạt động chung của chính quyền Trump khi nói đến thông tin nhạy cảm và an ninh quốc gia. Liệu nhóm trò chuyện Signal này có phải là ví dụ duy nhất về việc các quan chức của Trump thảo luận thông tin tình báo trên các kênh không an toàn không?
Price chia sẻ: “Nỗi sợ thực sự của tôi là đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu cố vấn an ninh quốc gia tạo ra một cuộc trò chuyện Signal cho việc này, thì liệu ông ấy có tạo ra những cuộc trò chuyện Signal khác không? Có một nhóm nhỏ cho ủy ban hàng đầu về Nga không? Hoặc một nhóm nhỏ về Trung Quốc, Iran, hay vũ khí hạt nhân không? Việc này bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu?”
Trump đã có lịch sử được ghi nhận rõ ràng về việc không thận trọng khi bảo vệ thông tin tình báo. Chẳng hạn, ông đã từng đăng một bức ảnh vệ tinh mật về Iran lên Twitter và chia sẻ thông tin mật với các quan chức Nga tại Phòng Bầu dục vào năm 2017. Dù tổng thống có thẩm quyền giải mật thông tin tình báo khi ông thấy phù hợp, nhưng vẫn có một quy trình để thực hiện việc này; và thông thường việc này không được thực hiện theo ý thích. Trump cũng từng bị truy tố vào năm 2023 liên quan đến cáo buộc xử lý sai tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở, dù vụ án đã bị hủy bỏ sau khi ông tái đắc cử.
Tại phiên điều trần của ủy ban thượng viện hôm thứ Ba, Warner tuyên bố Signalgate là “một ví dụ nữa về hành vi cẩu thả, bất cẩn, kém cỏi, đặc biệt là đối với thông tin mật” từ Trump và những người xung quanh ông.
“Thảm họa Signal không phải là sự cố đơn lẻ,” Warner nói thêm.
John Haltiwanger là phóng viên của Foreign Policy.