Nguồn: Salma Khalik, “Healthcare financing in Singapore: 10 questions for DPM Gan and Health Minister Ong,” Strait Times, 10/04/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Singapore nổi tiếng với hệ thống y tế tốt, góp phần giúp người dân nơi đây có tuổi thọ thuộc hàng cao nhất thế giới, với tuổi thọ trung bình vượt quá 83 tuổi.
Tuy nhiên, với việc dân số già đi làm tăng nhu cầu y tế và chi phí cũng tăng lên qua từng năm, liệu Singapore có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ y tế tốt với giá cả phải chăng không?
Mới đây, Straits Times đã có cuộc phỏng vấn với Phó Thủ tướng Gan Kim Yong, người từng lãnh đạo Bộ Y tế trong một thập kỷ, và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, xoay quanh vấn đề tài trợ cho y tế.
Dưới đây là 10 câu hỏi mà Straits Times đã đặt ra cho họ:
1. Ở nhiều nước phát triển, chính phủ cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho công dân. Tại sao Singapore lại không làm như vậy?
Gan Kim Yong (GKY): Thực ra không có thứ gì gọi là y tế miễn phí cả, vì vẫn cần ai đó phải trả tiền cho chi phí thuốc men, dược phẩm, cơ sở vật chất, bác sĩ, y tá, và nhân viên y tế. Vậy câu hỏi thực sự là: Ai trả tiền cho những thứ này? Cuối cùng thì chính người nộp thuế là người phải trả tiền.
Trong trường hợp của Singapore, chúng ta có một hệ thống thanh toán y tế rất toàn diện: cái mà chúng ta gọi là S+3M – bao gồm trợ cấp của chính phủ cộng với MediSave, MediFund, và MediShield. Thông qua S+3M, chúng tôi đảm bảo rằng dịch vụ y tế sẽ luôn có giá cả phải chăng.
Nhưng điều quan trọng là phải luôn khuyến khích việc sử dụng dịch vụ y tế một cách hợp lý, phù hợp và đúng nơi. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng tổng chi phí y tế vẫn trong tầm kiểm soát.
Ong Ye Kung (OYK): Vấn đề là khi y tế là miễn phí và tất cả đã được trả bằng tiền thuế, thì mọi người sẽ không có kỷ luật. Nhu cầu sẽ tăng vọt.
Ví dụ, hiện nay, để chụp X-quang thông thường tại NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh), thời gian chờ đợi là từ 9 tháng đến 1 năm. Trong lần gần nhất tôi kiểm tra, có tới 7 triệu người trong danh sách chờ đợi. NHS đang sụp đổ vì nhu cầu quá lớn.
Trong hệ thống của Mỹ, người dân tự mua bảo hiểm, nên họ không phải xếp hàng chờ đợi lâu. Nếu họ có bảo hiểm, thì khi bị bệnh, họ có thể đến bệnh viện tư và được chăm sóc gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng mua bảo hiểm.
Hệ thống y tế ở Anh tưởng chừng rất phải chăng vì nó miễn phí, nhưng lại không dễ tiếp cận vì thời gian chờ đợi lâu. Ở Mỹ, bạn có điều ngược lại – rất dễ tiếp cận vì chỉ cần có bảo hiểm là bạn có thể tiếp cận dịch vụ y tế tư nhân. Nhưng giá cả không hề phải chăng. Không phải ai cũng đủ khả năng mua bảo hiểm.
Chúng tôi bắt đầu bằng việc không muốn thử nghiệm với bất kỳ thái cực nào. Chúng tôi chọn đi thẳng vào con đường trung dung – S+3M – điều này dẫn tôi đến nguyên lý cơ bản thứ hai của y tế: Cách bạn trả tiền quyết định số tiền bạn phải trả.
Nếu bạn đi theo một trong hai thái cực như trên, bạn sẽ phải trả nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng với sự kết hợp khôn ngoan của S+3M, chúng tôi đã làm cho hệ thống trở nên tinh gọn và hiệu quả nhất có thể.
2. Tại sao chi phí y tế lại đắt đỏ đến vậy, chi phí tăng nhanh hơn lạm phát hàng năm? Tại sao Chính phủ lại không làm nhiều hơn để kiềm chế chi phí y tế?
GKY: Đầu tiên, tôi nghĩ rằng luôn có lạm phát tiềm ẩn, một thành phần lớn trong đó là chi phí tiền lương. Y tế đòi hỏi rất nhiều nhân lực – bác sĩ, y tá, và các chuyên gia khác, cũng như rất nhiều nhân viên hỗ trợ để chăm sóc bệnh nhân.
Do đó, khi tiền lương tăng, lạm phát tăng, chi phí y tế sẽ tăng. Tuy nhiên, chi phí y tế tăng cao hơn và nhanh hơn so với lạm phát còn vì một số lý do khác, mà một trong số đó là lão hóa. Tất cả chúng ta đều già đi, và khi chúng ta già đi, chúng ta sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn.
Vì vậy, nhìn từ góc độ cá nhân, chi phí y tế của mỗi người sẽ tăng theo năm. Và nhìn tổng thể toàn Singapore, chúng ta là một quốc gia đang già đi và trên đường trở thành một xã hội siêu già. Khi chúng ta trở thành một quốc gia già hóa, sẽ có nhiều người già hơn, tiêu thụ nhiều dịch vụ y tế hơn, nên chi phí y tế sẽ tăng theo thời gian.
Ngoài ra còn có các khoản đầu tư vào năng lực mới, công nghệ mới, phương pháp điều trị mới. Chúng rất hiệu quả, nhưng đồng thời, chi phí cho các phương pháp điều trị mới này cũng cao hơn, và do đó, chi phí y tế do công nghệ thúc đẩy cũng tăng theo thời gian. Tóm lại, có một số yếu tố góp phần làm tăng chi phí y tế.
Chính phủ đã và đang làm rất nhiều để quản lý và điều tiết tốc độ gia tăng chi phí y tế này. Ví dụ, chúng tôi liên tục làm việc với các cơ quan y tế của mình để xem xét cách cắt giảm chi phí, giúp hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn, và đạt năng suất cao hơn.
Bằng cách này, chúng tôi giảm thiểu những khoản chi không cần thiết, đồng thời giúp sắp xếp bệnh nhân vào đúng nơi, đúng tuyến, để đảm bảo rằng họ được chăm sóc phù hợp và không lạm dụng dịch vụ. Nhờ đó, chúng tôi cũng giảm thiểu chi phí y tế.
Nhưng cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là giữ cho người dân Singapore khỏe mạnh để các bạn có thể chi tiêu ít hơn và sử dụng ít dịch vụ y tế hơn.
Cùng lúc đó, chúng tôi cũng đảm bảo rằng chi phí y tế luôn ở mức phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là nhóm có thu nhập trung bình thấp, thông qua các cơ cấu trợ cấp và các chương trình tài chính của chính phủ.
OYK: Đã có một đợt tuyển dụng rầm rộ trong đại dịch Covid-19. Chúng tôi đã mất 14% nhân lực nước ngoài, bị các quốc gia khác săn đón. Và tất nhiên, họ trả lương cao hơn. Chính nhu cầu mạnh mẽ về nhân lực y tế này đang đẩy chi phí y tế lên cao.
Phó Thủ tướng Gan cũng vừa đề cập đến công nghệ. Năng suất và đổi mới thường có nghĩa là sản phẩm tốt hơn với chi phí rẻ hơn. Nhưng y tế có lẽ là ngành duy nhất mà chúng ta có được dịch vụ y tế tốt hơn với chi phí cao hơn nhiều.
Việc này liên quan đến sức khỏe của những người thân yêu của chúng ta. Mọi người sẽ không hà tiện với những thứ như vậy. Nếu bác sĩ nói “hãy thử loại thuốc này,” thì người ta sẽ thử dù nó có đắt hơn nhiều.
Ngoài ra, bảo hiểm cũng có tác động. Như tôi đã đề cập trước đó, cách chúng ta trả tiền cũng quyết định số tiền chúng ta phải trả. Khi ta có bảo hiểm, người khác sẽ trả hóa đơn và một động lực mới nảy sinh. Luôn có xu hướng cung cấp dịch vụ quá mức và điều trị không cần thiết. Điều đó đẩy chi phí lên cao.
Đó là một yếu tố rất khó giải quyết và khiến chúng tôi rất lo lắng.
3. Khu vực công chiếm hơn 80% các trường hợp nhập viện. Các bệnh viện công không thể ngăn chặn “hội chứng buffet” bằng cách không điều trị quá mức hoặc cung cấp dịch vụ quá mức cho bệnh nhân được không?
OYK: Hội chứng buffet không phải là yếu tố quá lớn trong khu vực công, đặc biệt là khu vực được trợ cấp. Chúng tôi có quy trình kiểm soát lâm sàng và kỷ luật để ngăn ngừa việc điều trị không cần thiết và cung cấp dịch vụ quá mức.
Hội chứng buffet xảy ra nhiều hơn ở khu vực tư nhân, đặc biệt là nếu bạn có điều khoản bổ sung bảo hiểm (rider). Tôi đặc biệt lo ngại vì khi bạn có các điều khoản này, vì bạn hầu như không phải tiền hoặc chỉ trả rất ít, và đó là lúc hội chứng buffet bắt đầu.
Theo dữ liệu mà chúng tôi thu thập, một người có điều khoản bổ sung cho Bảo hiểm Y tế Tích hợp (Integrated Shield Plan, IP) có khả năng yêu cầu bồi thường cao hơn 40% so với người không có điều khoản bổ sung. Và khi chúng tôi xem xét quy mô của hóa đơn, nó cao gấp 1,4 lần so với người không có điều khoản bổ sung.
Nghĩa là, về cơ bản, nếu bạn có điều khoản bổ sung, chi phí y tế của bạn có thể cao gấp đôi so với người không có điều khoản bổ sung.
Hơn một nửa dân số đang có điều khoản bổ sung bảo hiểm. Nhiều người mua các khoản này để cảm thấy an tâm. Tôi hiểu điều đó. Nhưng trong một nửa thời gian, họ không sử dụng điều khoản này, mà đến thẳng các khoa khám được trợ cấp.
4. Ông Gan, ông đã can thiệp để giải quyết vấn đề điều khoản bảo hiểm vào năm 2018. Ông quy định rằng tất cả các điều khoản mới phải có mức đồng chi trả tối thiểu là 5%, giới hạn ở mức 3.000 đô la một năm. Nhưng các điều khoản này vẫn đang làm chi tiêu y tế tăng cao. Ông có nghĩ mình quá nhẹ tay không? Liệu ông có nên đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn không?
GKY: Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ. Vào thời điểm đó, điều khoản bổ sung chi trả cho “đô la đầu tiên,” vậy nên dịch vụ y tế (của bệnh nhân) thực tế là miễn phí. Nó được thanh toán bằng bảo hiểm. Nhưng một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh rằng dịch vụ y tế không bao giờ miễn phí. Cuối cùng, bạn vẫn phải trả tiền thông qua phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng và chi phí y tế sẽ tiếp tục tăng.
Vì vậy, chúng tôi đã giới thiệu mức đồng chi trả không phải bằng 0, để đảm bảo rằng bệnh nhân phải trả một khoản tiền tối thiểu. Và điều đó giúp giảm bớt mức tăng chi phí của y tế cũng như phí bảo hiểm.
Khi đưa ra quy định bắt buộc về đồng chi trả này, chúng tôi cũng muốn tiếp tục đảm bảo với bệnh nhân rằng dịch vụ y tế sẽ luôn có giá phải chăng. Do đó, chúng tôi quyết định đặt mức trần là 3.000 đô la.
Ngưỡng này, hoặc mức này, sẽ phải liên tục được điều chỉnh theo thời gian. Khi chi phí y tế tăng lên, nó cũng phải tăng theo để theo kịp tổng chi phí y tế.
OYK: Tôi nghĩ vấn đề điều khoản bổ sung là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi đã thực hiện một số biện pháp, yêu cầu một số khoản đồng chi trả. Nhưng về cơ bản, đây là vấn đề của ngành. Bảo hiểm Y tế Tích hợp và điều khoản bổ sung là các sản phẩm thương mại, và chúng ta đã đến giai đoạn cạnh tranh khá không lành mạnh.
Tại sao điều này lại xảy ra? Tôi nghĩ đó là vì các công ty bảo hiểm tranh giành thị phần. Đây không phải là trường hợp thiếu cạnh tranh, mà là trường hợp có quá nhiều cạnh tranh – đến mức để giành thị phần, các công ty phải đưa ra các điều khoản ngày càng tốt hơn: “Tôi sẽ trả cái này, tôi sẽ trả cái kia, trả đến đồng đô la cuối cùng nếu tôi có thể.”
Kết quả là, khi họ bắt đầu có nhiều bệnh nhân hơn và cải thiện thị phần của mình, họ nhận ra các điều khoản đó không bền vững. Như tôi đã đề cập, hóa đơn mà họ phải trả là gấp 1,4 lần.
Vậy họ làm gì? Họ tăng phí bảo hiểm. Bạn sẽ thấy phí bảo hiểm IP và phí bảo hiểm bổ sung tăng lên. Không bền vững chút nào.
Nhiều người, khi đến tuổi già, chợt thấy rằng phí bảo hiểm IP của họ quá cao, không đáng để duy trì, nên đã quyết định từ bỏ.
5. Ông Ong, ông nói rằng các điều khoản bổ sung là không bền vững. Ngày nay, cứ ba người có IP thì có hai người cũng mua thêm điều khoản bổ sung vì họ nghĩ nó cần thiết. Liệu người dân có thể an tâm điều trị ở khu vực tư nhân nếu họ chỉ có IP mà không có điều khoản bổ sung không? Liệu ông và ông Gan có mua điều khoản bổ sung không?
OYK: Bảo hiểm Y tế MediShield Life sẽ chi trả trước tiên. Nếu bạn đến bệnh viện tư nhân không được trợ cấp, nhưng bạn có IP, thì điều đó rất tốt vì nó bảo vệ bạn ở bệnh viện tư nhân. Sau đó là khoản tiền còn lại. Khoản tiền này sẽ được chi trả bởi điều khoản bổ sung của bạn, cộng với tài khoản MediSave của bạn. Và nếu bạn không có đủ tiền trong MediSave, bạn sẽ phải trả bằng tiền mặt, nhưng điều khoản bổ sung vẫn chi trả phần còn lại.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Tôi biết một người có mẹ vừa nhập viện. Cô ấy nói với tôi: “May mắn thay, mẹ tôi có điều khoản bổ sung bảo hiểm.” Tôi nói, “Khoan đã, cho tôi biết bệnh viện nào.” Bệnh viện Tan Tock Seng. Tôi hỏi là phòng bệnh hạng nào. Hạng A, không có trợ cấp. Vậy hãy cùng phân tích hóa đơn hơn 300.000 đô la – thời gian nằm viện rất dài, cộng với chăm sóc đặc biệt và chăm sóc phụ thuộc.
Tôi liền bảo cô ấy “phân tích xem khoản hỗ trợ tài chính là bao nhiêu” – 80.000 đô la từ MediShield Life. Yêu cầu bồi thường IP là khoảng 200.000 đô la. Cộng lại khoảng 280.000 đô la. Điều khoản bổ sung cho IP đã trả 29.000 đô la. Nghĩa là trong số hơn 300.000 đô la, điều khoản bổ sung chỉ trả khoảng 30.000 đô la.
Tôi hỏi tiếp, “Mẹ cô đang trả bao nhiêu tiền bảo hiểm?” Phí bảo hiểm MediShield Life là 2.000 đến 3.000 đô la. Phí bảo hiểm IP là 2.000 đến 3.000 đô la. Điều khoản bổ sung, cho người ở độ tuổi từ giữa đến cuối 70, là gần 10.000 đô la.
Ở đây, bạn phải trả 10.000 đô la khi về già cho một điều khoản bổ sung và bạn yêu cầu bồi thường 29.000 đô la, tương đương với phí bảo hiểm trong ba năm.
Nhiều người cao tuổi đã bắt đầu nhận ra rằng điều đó không đáng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều khoản bổ sung là không bền vững. Tôi nghĩ chúng đang tự đẩy giá lên quá cao. Và ngày càng có nhiều người sẽ nhận ra điều đó.
Các công ty bảo hiểm cũng nhận ra điều này – rằng theo thời gian, các điều khoản bổ sung là không bền vững. Họ đang tự gây ra sự sụp đổ của chính mình. Vì vậy, tôi tin rằng các công ty bảo hiểm cũng đang nghĩ cách đưa ra các giải pháp thay thế tốt hơn cho điều khoản bổ sung. Có lẽ sẽ cần phải có thêm một chút kỷ luật, một số khoản đồng chi trả ở mức thấp hơn. Đây là điều mà ngành bảo hiểm phải suy nghĩ.
GKY: Đó là khái niệm gộp rủi ro (risk pooling). Nếu hóa đơn y tế của bạn cao hơn, bạn có nhiều khả năng yêu cầu bồi thường hơn, theo đó cũng làm tăng nhu cầu đối với phí bảo hiểm cao hơn, vì khoản bồi thường sẽ được lấy từ phí bảo hiểm đã thu.
Bạn chỉ cần nhớ rằng khi bạn già đi, bạn có khả năng sẽ yêu cầu bồi thường nhiều hơn. Phí bảo hiểm của bạn cũng sẽ tăng lên. Bạn chỉ cần tính toán: liệu nó có đáng để bạn bỏ thời gian ra hay không, liệu bạn có đủ khả năng chi trả hay không. Bạn sẽ tự đưa ra quyết định xem mình có muốn tiếp tục duy trì điều khoản bổ sung tại thời điểm đó hay không.
Tôi nghĩ điều ông Ong muốn nói là các điều khoản bổ sung cần được tái cấu trúc. Chúng cần được suy nghĩ lại một cách kỹ lưỡng, thay vì chỉ có một điều khoản bổ sung áp dụng cho tất cả mọi người và chi trả mọi thứ.
Cũng cần có hướng dẫn về cách thức hoạt động của các điều khoản này. Vẫn sẽ có một số nhu cầu bảo hiểm vượt ra ngoài IP. Câu hỏi quan trọng là: Làm thế nào để khái niệm điều khoản bổ sung có thể bền vững trong dài hạn, tiếp tục có giá cả phải chăng, và cuối cùng không kết thúc với hội chứng buffet?
OYK: Cuối cùng, tất cả chúng ta đều muốn có sự lựa chọn. Vì vậy, các điều khoản bổ trợ có ý nghĩa nhất định. Như tôi đã nói, hầu hết chúng ta đều muốn có sự lựa chọn, tất cả chúng ta đều muốn được an tâm. Nhưng khi điều khoản không được thiết kế đúng cách, và tôi không nghĩ nó đang được thiết kế đúng cách, thì nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn không bền vững.
GKY: Cũng nên nhớ rằng, khi còn trẻ, điều khoản bổ sung có mức giá khá phải chăng. Nếu bạn thực sự muốn bảo vệ bản thân trước những tình huống bất trắc – điều này hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn có thể xảy ra – đặc biệt là khi bạn còn trẻ, thì các điều khoản bổ sung mang lại sự bảo vệ với chi phí thấp hơn.
Nhưng khi về già, khi các yêu cầu bồi thường y tế của bạn thực sự xuất hiện, phí bảo hiểm sẽ tăng lên. Bạn phải hiểu cách thức hoạt động của các điều khoản bổ sung và đưa ra quyết định sáng suốt của riêng mình.
6. Các bệnh viện công liên tục phải đối mặt với nhu cầu giường bệnh rất cao, đôi khi bệnh nhân phải chờ hai đến ba ngày mới có giường. Với dân số già hóa, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Mọi người có đúng khi lo lắng rằng dù dịch vụ y tế được trợ cấp vẫn có giá cả phải chăng, nhưng họ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế tốt?
OYK: Vâng, tôi cũng lo lắng. Chắc chắn là, với dân số già hóa, ngày càng nhiều người mắc bệnh; các bệnh mãn tính và số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên. Và chúng ta đã phải hứng chịu một cú sốc lớn, một đòn giáng kép, sau Covid-19.
Thứ nhất, nó đã đẩy lùi tất cả các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của chúng ta lại vài năm – hai năm, ba năm. Thật đau đớn.
Thứ hai, sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia nhận thấy cùng một điều, đó là hồ sơ bệnh nhân đã thay đổi và tình trạng bệnh của bệnh nhân cũng thay đổi.
Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều bệnh nhân lớn tuổi nhập viện, không phải vì các bệnh quá nghiêm trọng, mà thực ra là do nhiễm trùng. Vì họ đã già, và có các bệnh nền sau Covid-19, nên họ yếu hơn. Chỉ một lần nhiễm trùng cũng đủ khiến họ phải vào phòng hồi sức tích cực (ICU).
Đó thực sự là loại bệnh nhân mà chúng ta đang thấy ở khoa cấp cứu, đó cũng là lý do tại sao thời gian nằm viện trung bình đã tăng từ 6,1 ngày lên 7 ngày. Nghe có vẻ như chỉ tăng một ngày, nhưng đó là mức tăng 15% về số lượng bệnh nhân. Chúng ta đang bơi ngược dòng, sắp sửa chết đuối.
Nhưng chúng tôi đang bắt kịp tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng. Rất may là Khu Y tế Woodlands đã mở cửa vào năm 2024.
Hai trong số những bệnh viện đông đúc nhất của chúng ta là Bệnh viện Đa khoa Changi và Bệnh viện Khoo Teck Puat (KTPH). Sau khi Khu Y tế Woodlands mở cửa, số lượng bệnh nhân và tỷ lệ lấp đầy giường bệnh của KTPH đã trở nên hợp lý hơn nhiều. Hiện tại tỷ lệ lấp đầy giường bệnh của bệnh viện này là 80%, tương tự như của Woodlands Health.
Chúng ta phải mở rộng năng lực. Không chỉ là xây dựng bệnh viện, điều mà chúng ta đang làm. Mà còn là viện dưỡng lão, chăm sóc cộng đồng, và giờ đây chúng ta đang có thêm một loại cơ sở mới được gọi là cơ sở chăm sóc chuyển tiếp, chăm sóc tại nhà, Chăm sóc Nội trú Lưu động Tại nhà (Mic@Home).
Tất cả những điều này phối hợp với nhau để đưa bệnh nhân đến đúng nơi điều trị và mở rộng năng lực theo cách có thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng.
Vào năm 2024, chúng tôi đã mở thêm khoảng 2.700 giường nữa. Khoảng 700 đến 800 giường là giường bệnh cấp tính, chủ yếu tại Woodlands. Phần còn lại là tại các bệnh viện cộng đồng, Mic@Home, và viện dưỡng lão. Vào năm 2025, chúng ta có thể sẽ mở thêm khoảng 1.700 giường và sau đó là khoảng 1.300 giường vào năm 2026,.
Đến cuối thập niên này, Bệnh viện Đa khoa Miền Đông và Bệnh viện Tengah sẽ hoàn thành, các bệnh viện hiện có sẽ được mở rộng, và Bệnh viện Alexandra sẽ hoàn tất việc tái phát triển. Vì vậy, khá nhiều bệnh viện lớn sẽ mở cửa vào cuối thập niên này, hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của lượng bệnh nhân ngày càng tăng.
Chúng ta có thể làm cho dịch vụ y tế có giá cả phải chăng đối với các bệnh nhân, nhưng rõ ràng là, với dân số già hơn, thì chi phí y tế, dù là của chính phủ hay quốc gia, cũng sẽ tăng lên.
Một phần trong đó là để duy trì hoạt động của các bệnh viện mới. Thiết bị bạn có thể mua. Nhưng nhân lực, bạn cần tuyển dụng, bạn cần giúp họ hòa nhập, và bạn cần họ có khả năng làm việc thành thạo.
May mắn cho ngành y tế, chúng ta có đủ nhân tài địa phương. Nhiều bạn trẻ của chúng ta muốn tham gia vào ngành y tế, dù là bác sĩ, y tá, dược sĩ, hay các chuyên gia có liên quan.
Với lực lượng nòng cốt vững mạnh đó, chúng ta cũng có vị thế để thu hút các y tá nước ngoài sẵn sàng làm việc ở đây. Tôi nghĩ Singapore là một nơi rất hấp dẫn, đặc biệt đối với những người sống trong khu vực.
Họ biết rằng khi đến đây, sự cống hiến của họ được trân trọng, nghề nghiệp của họ được tôn trọng, họ cũng được đào tạo rất tốt. Và đối với nhiều người trong số họ, sau vài năm làm việc, với chương trình đào tạo mà Singapore cung cấp, họ có thể làm việc ở bất cứ đâu họ muốn. Họ biết điều đó.
Chúng ta muốn ở vào vị thế là một thỏi nam châm có thể thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc với tư cách là các chuyên gia y tế. Và ngay cả khi họ chuyển đi sau khi đã đến Singapore, điều đó cũng tốt thôi. Chúng ta đã sẵn lòng đào tạo họ, và họ cũng đã sẵn lòng đóng góp cho hệ thống của chúng ta.
7. Nếu mọi người từ bỏ IP của mình khi họ già đi và phí bảo hiểm trở nên quá đắt đỏ, liệu khu vực công có thể ứng phó được với lượng bệnh nhân đổ về hay không?
OYK: Nếu ngày càng có nhiều người quyết định đến với dịch vụ y tế công, điều này không có gì là xấu, tôi nghĩ năng lực của chúng ta sẽ phải đáp ứng điều đó. Nhìn chung, đó là lý do tại sao chúng ta cần mở rộng năng lực vì số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên.
Lý do chúng tôi muốn cung cấp sự lựa chọn là vì nếu bạn thực sự không thể chờ đợi, và bạn có IP, bạn có thể chuyển sang bệnh viện tư.
Bản chất của y tế công là nếu nó được trợ cấp, sẽ có người xếp hàng dài. Nếu người ta không xếp hàng đợi, thì có điều gì đó không ổn. Khi có trợ cấp và mọi người biết điều đó, cầu luôn vượt quá cung.
Điều quan trọng đối với chúng tôi là khả năng phân loại, để phân biệt được điều gì là cấp bách và tức thời, điều gì là tùy chọn và có thể chờ. Ngay cả với ung thư – vẫn có nhiều loại ung thư khác nhau.
Người cao tuổi từ bỏ các điều khoản bổ sung vốn đắt hơn nhiều, chứ không phải từ bỏ IP. Với người ở độ tuổi 80, mức phí cho điều khoản này là hơn 10.000 đô la một năm. Sự thật là tiền luôn hữu ích.
Nhưng ở Singapore, chúng tôi hy vọng rằng bất kể thu nhập của bạn là bao nhiêu, bạn có thể đến bệnh viện công và bạn sẽ nhận được dịch vụ chăm sóc tốt, dễ tiếp cận, và giá cả phải chăng. Và nếu bằng cách nào đó bạn vẫn không đủ khả năng chi trả, thì vẫn có MediFund, mạng lưới an toàn cuối cùng.
Mọi hệ thống y tế đều phải cân bằng giữa ba mục tiêu: chất lượng y tế, khả năng chi trả, và khả năng tiếp cận.
Người Anh quyết định làm cho nó thực sự phải chăng, miễn phí. Nhưng cuối cùng nó lại trở nên không thể tiếp cận. Xếp hàng quá dài. Nếu có trợ cấp, sẽ có xếp hàng dài. Nếu miễn phí, xếp hàng còn dài hơn.
Người Mỹ lại quyết định giảm trợ cấp – hãy tự lo cho bản thân. Và họ có dịch vụ y tế dễ tiếp cận, nhưng không phải chăng.
Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là cân bằng ba mục tiêu, để gánh nặng không quá lớn đối với đất nước và đối với từng cá nhân. Nhưng bạn vẫn có thể có dịch vụ y tế với chất lượng rất tốt.
Tất cả điều này sẽ dễ dàng cân bằng hơn rất nhiều nếu dân số khỏe mạnh hơn.
8. Người trẻ đang tự hỏi liệu họ có phải trả tiền cho chi phí y tế của người già không. Liệu họ có phải trợ cấp chi phí này từ tiền thuế của người dân không?
OYK: Chi phí y tế sẽ tăng. Chi phí này đã tăng rồi.
Khi tôi mới tham gia chính trường vào năm 2015 và trở thành Bộ trưởng Giáo dục, bộ của tôi là bộ có ngân sách lớn thứ hai. Đứng đầu là quốc phòng. Y tế đứng thứ ba với 9 tỷ đô la. Giáo dục là khoảng 12 tỷ đô la.
Ngày nay, tình hình đã đảo ngược, với chi tiêu y tế của chính phủ – 18 tỷ đô la trong năm tài chính 2024-2025 – vượt qua Bộ Giáo dục một khoảng cách khá lớn, nhưng vẫn đứng sau quốc phòng. Từ 9 tỷ đô la cách đây 10 năm lên 18 tỷ đô la ngày nay.
Đến năm 2030, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải chi gần 30 tỷ đô la. Vì vậy, những chi phí đó, hay tổng chi phí y tế, sẽ tăng lên. Một phần lớn chi tiêu của chính phủ là để trợ cấp chi phí y tế.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải bổ sung thêm các mạng lưới an sinh xã hội khác, chủ yếu là tiền tiết kiệm của bạn, MediSave, và bảo hiểm.
Sự khác biệt lớn giữa chương trình bảo hiểm và chương trình trợ cấp là trợ cấp có thể được áp dụng xuyên thế hệ, đây là câu hỏi mà bạn vừa nêu ra, và nó có thể gây ra vấn đề ở nhiều quốc gia và khu vực pháp lý.
Nhưng với bảo hiểm, bạn đang tự trả tiền cho chính mình. Mỗi thế hệ tự trả tiền cho chính mình thông qua phí bảo hiểm, điều này mang chúng ta quay trở lại cuộc thảo luận trước đó về việc bảo hiểm cần được thiết kế một cách có trách nhiệm và kỷ luật, để ngay cả khi bạn tự trả tiền cho mình, nó vẫn được thực hiện theo cách bền vững.
Chắc chắn là chi tiêu sẽ tăng. Chúng tôi vẫn kỳ vọng GDP (Tổng Sản phẩm Quốc nội) sẽ tăng. Và chừng nào nền kinh tế Singapore còn tăng trưởng, thì nguồn thu thuế sẽ còn tăng. Và một phần lớn trong đó, một phần đáng kể trong tương lai, sẽ dành cho y tế.
9. Chính phủ luôn hứa với người dân Singapore rằng họ sẽ cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người. Câu hỏi đặt ra là, với nhu cầu cao hơn, liệu định nghĩa về dịch vụ y tế cơ bản có bị thu hẹp lại không? Nói cách khác, liệu trong tương lai mọi người có thể không được tiếp cận các phương pháp điều trị và thuốc men có sẵn không?
OYK: Trong những năm qua, định nghĩa về y tế cơ bản đã thay đổi. Và nó luôn được nâng cao, nhờ những tiến bộ của công nghệ và khoa học y tế. Kỳ vọng của mọi người ngày càng cao. Bệnh tật trở nên phức tạp hơn khi bạn già đi, vì vậy định nghĩa về y tế cơ bản sẽ tiếp tục thay đổi.
Tôi không nghĩ chất lượng dịch vụ y tế sẽ đi xuống, xét đến xu hướng kỳ vọng cũng như những tiến bộ.
Tôi muốn nói rằng, đây là một bước ngoặt lớn, dù mọi người có thể chưa nhận ra điều đó. Trong lần đánh giá gần đây về MediShield Life, chúng tôi đã bao gồm các sản phẩm liệu pháp tế bào, mô, và gen (CTGTP).
Đây là một sự thay đổi lớn trong liệu pháp y tế. Các nhà khoa học và bác sĩ giờ đây có thể tùy chỉnh thuốc và phương pháp điều trị để chữa các bệnh trước đây không thể chữa khỏi, bao gồm cả ung thư.
Họ lấy máu của bạn, nuôi cấy máu, đưa “vũ khí” vào các tế bào và tái tạo chúng. Sau một khoảng thời gian nhất định, họ tiêm máu trở lại cho bệnh nhân và các tế bào này sẽ nhắm vào các tế bào ung thư. Đây là điều trị một lần.
Liệu pháp này còn khá sơ khai, nhưng đang phát triển rất nhanh và cực kỳ đắt đỏ.
Trước đây, chi phí thuốc chủ yếu nằm ở R&D (nghiên cứu và phát triển). Chi phí sản xuất thực tế thấp. Nhưng CTGTP thì ngược lại. Chi phí R&D có thể không nhiều, nhưng vì nó được tùy chỉnh cho từng bệnh nhân, nên chi phí sản xuất rất cao.
Nhưng chúng tôi đã quyết định đây là con đường phải đi. Đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành kỳ vọng của người dân: Đã có thuốc chữa cho căn bệnh nghiêm trọng của tôi. Tôi mong được hỗ trợ.
Vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu chấp nhận điều này. Chúng tôi đã tăng cường đánh giá công nghệ y tế để đảm bảo chỉ đưa vào và phê duyệt những thứ hiệu quả về chi phí. Và khi chúng được đưa vào, chúng tôi sẽ trợ cấp cho chúng, chúng tôi sẽ cho phép MediShield Life chi trả.
Trong tương lai, số lượng các liệu pháp này sẽ tăng lên. Vì vậy, những gì được cho là cơ bản sẽ tiếp tục thay đổi. Nó giống như nhà ở, hay đường xá giao thông – chúng ta mong đợi cuộc sống tốt hơn. Chúng ta xứng đáng có cuộc sống tốt hơn.
Chi phí sẽ giảm dần theo thời gian, với các kỹ thuật tốt hơn, chuỗi cung ứng tốt hơn. Tôi đã đến thăm các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, họ có thể sản xuất CTGTP với chi phí thấp hơn. Nhưng chúng ta cần có một hệ thống kiểm soát tốt, vì có nhiều loại thuốc khác nhau.
10: Chính phủ có thể làm gì để giải quyết chi phí điều trị cực cao ở khu vực tư nhân không?
OYK: Nếu chúng ta đi theo con đường của Canada (không cho phép y tế tư nhân), thì đó là một kịch bản cực đoan, chúng ta đang tước đi sự lựa chọn. Đúng là y tế tư nhân có thể tốn kém gấp ba lần, nhưng vẫn có những bệnh nhân lựa chọn điều đó, bất kể là vì lý do gì.
Có thể họ tin tưởng bác sĩ, hoặc có thể họ thích dịch vụ, hoặc có thể họ thực sự có điều kiện và không ngại trả nhiều hơn gấp hai đến ba lần. Tôi muốn tôn trọng sự lựa chọn của bệnh nhân.
Một hệ thống y tế đa dạng hơn sẽ phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng, khi chúng ta tiến tới một hệ thống đa dạng như vậy – không chỉ ở phân khúc đắt tiền hơn, mà còn ở phân khúc hiệu quả chi phí hơn – nếu bạn không cần chăm sóc tại bệnh viện, bạn có thể đến Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi gần nhà. Nó là một trạm y tế nơi bạn có thể kiểm tra sức khỏe và tập vật lý trị liệu. Tất cả đều có thể được thực hiện ở đó.
Vì vậy, nếu chúng ta tạo ra phạm vi lựa chọn đó, hệ thống của chúng ta sẽ hiệu quả hơn nhiều về mặt chi phí và lâm sàng.