Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cáo buộc ông làm suy yếu đàm phán hòa bình. Trước đó, ông Zelensky đã kêu gọi một “lệnh ngừng bắn vô điều kiện,” bác bỏ một đề xuất của Mỹ vốn sẽ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và cấm Ukraine gia nhập NATO. Phó tổng thống Mỹ, J.D. Vance, cho biết Mỹ sẽ “rút lui” nếu Ukraine và Nga không đạt được thỏa thuận.
Ủy ban châu Âu đã phạt Apple và Meta tổng cộng 700 triệu euro (798 triệu USD) vì không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, một luật nhằm ngăn các công ty công nghệ cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan hành pháp của EU cho biết các hạn chế trong App Store của Apple và mô hình “đồng ý hoặc trả tiền” của Meta là phản cạnh tranh. Joel Kaplan, giám đốc phụ trách toàn cầu của Meta, cáo buộc EU “cố tình kìm hãm các doanh nghiệp thành công của Mỹ.”
Các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng điểm sau khi chính quyền Trump phát tín hiệu sẽ nới lỏng lập trường về thuế quan với Trung Quốc cũng như lập trường về Cục Dự trữ Liên bang. Bộ trưởng tài chính Scott Bessent cho biết mức thuế cao áp lên Trung Quốc là “không bền vững,” sau khi Wall Street Journal đưa tin Nhà Trắng đang cân nhắc cắt giảm thuế. Trước đó, ông Trump cho biết ông sẽ không sa thải chủ tịch Fed Jerome Powell.
Một trận động đất lớn với cường độ 6,2 độ Richter, kèm theo hơn 50 dư chấn, đã xảy ra tại Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Trận động đất có thể được cảm nhận từ cách đó tới 275 dặm tại thủ đô Ankara. Giới chức cho biết ít nhất 150 người ở Istanbul bị thương, chủ yếu do nhảy từ các tòa nhà để thoát thân. Trường học sẽ đóng cửa trong hai ngày.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi Hamas trả tự do cho tất cả con tin còn lại và trao lại quyền kiểm soát Dải Gaza. Ông cho rằng Hamas đã trao cho Israel “cái cớ để thực hiện tội ác của mình.” Trong khi đó, bộ trưởng tài chính Israel, Bezalel Smotrich, cho biết ông từ chối “tham gia” bất kỳ kế hoạch nào nhằm nối lại viện trợ cho Gaza. Hồi tháng 3, Israel đã cắt viện trợ cho vùng đất này.
Eli Lilly kiện bốn công ty chăm sóc sức khỏe từ xa, cáo buộc họ bán các phiên bản nhái chưa được kiểm chứng của thuốc giảm cân và tiểu đường của hãng. Hãng dược phẩm Mỹ gần đây đã khởi kiện nhiều bên khác. Trong bối cảnh thiếu hụt thuốc GLP-1 chính hãng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép các hiệu thuốc sản xuất bản sao rẻ hơn và ít bị quản lý hơn. Gần đây FDA tuyên bố tình trạng thiếu thuốc đã kết thúc và ra lệnh ngừng sản xuất bản sao.
Con số trong ngày: 86%, là xác suất đảng Tự do của Canada giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử quốc hội, theo mô hình dự đoán của The Economist.
TIÊU ĐIỂM
Mớ bòng bong các hiệp định thương mại của châu Á
Vào thứ Năm, các nhà đàm phán thương mại từ Hàn Quốc và Malaysia hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ để tránh các mức thuế “đối ứng” nghiêm ngặt do Donald Trump đặt ra. Họ không phải là những nước châu Á đầu tiên cố gắng làm điều này. Kết quả cho đến nay vẫn rất khiêm tốn. Và dù vậy, chủ nghĩa đơn phương của ông Trump vẫn chưa đủ để khiến châu Á đẩy mạnh hội nhập khu vực.
Mặc dù các nền kinh tế châu Á hiện gắn kết với nhau hơn, tiến trình hội nhập trong vài năm gần đây đã chậm lại. Thương mại nội khối châu Á đã giảm kể từ năm 2020. Một mạng lưới chằng chịt các hiệp định thương mại song phương trong khu vực đã tạo ra hiện tượng gọi là “hiệu ứng bát mì” — sự phức tạp khiến các doanh nghiệp bối rối. Tính trung bình, thỏa thuận thương mại ở các khu vực khác giúp tăng luồng thương mại lên 20%; trong khi ở châu Á mức tăng chỉ là 3%. Gỡ rối điều này đòi hỏi phải từ bỏ những điều khoản mơ hồ, không ràng buộc và các quy định nội địa gây cản trở thương mại. Hiện tại, Mỹ vẫn là “trò chơi duy nhất” đáng kể trong khu vực.
Alphabet liệu có vượt qua được rào cản thuế quan?
Thứ Năm này Alphabet, công ty mẹ của Google, sẽ công bố kết quả kinh doanh quý. Nhà đầu tư sẽ theo dõi kỹ các dấu hiệu ảnh hưởng từ thuế quan của tổng thống Donald Trump.
Thoạt nhìn Alphabet có vẻ không bị ảnh hưởng nhiều. Phần lớn doanh thu của họ đến từ dịch vụ kỹ thuật số (quảng cáo trực tuyến và điện toán đám mây) chứ không phải hàng hóa, và hoạt động tại Trung Quốc gần như không đáng kể. Song công ty không miễn nhiễm trước rủi ro. Trong hai năm qua, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein đã sử dụng nền tảng của Alphabet để chi tiêu mạnh cho quảng cáo nhắm tới người tiêu dùng Mỹ. Giờ đây các công ty này đang cắt giảm chi tiêu do các mức thuế mới lên hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, bất ổn kinh tế cũng khiến doanh nghiệp do dự khi ký hợp đồng dài hạn với các dịch vụ điện toán đám mây.
Điều này khiến giới đầu tư lo ngại. Trong ba tháng qua, giá cổ phiếu Alphabet đã giảm 23%, nhiều hơn mức giảm của chỉ số S&P 500. Dữ liệu mới sẽ là một chỉ báo hữu ích về sức khỏe của Alphabet.
Thượng đỉnh Anh-EU
Thủ tướng Anh, Keir Starmer, dự kiến sẽ gặp chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào thứ Năm. Cuộc gặp diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh EU–Anh vào ngày 19 tháng 5, được quảng bá là bước khởi đầu cho việc “tái thiết quan hệ” sau Brexit. Trước tiên là phần dễ đạt được đồng thuận: cả hai bên sẽ cố gắng tăng chi tiêu quốc phòng để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Ông Starmer là một trong những người tích cực kêu gọi ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Vladimir Putin.
Song ngoài bối cảnh đó việc xây dựng lại quan hệ song phương có thể gặp khó khăn. Starmer đã đưa ra các “lằn ranh đỏ”: không gia nhập thị trường chung, không liên minh thuế quan, và không có tự do đi lại — những điều này hạn chế phạm vi cho bất kỳ sự “tái thiết” nào. Về phía EU, họ khá hài lòng với thỏa thuận đã ký vào tháng 12 năm 2020, vốn cho phép các nhà sản xuất châu Âu được tiếp cận tự do với thị trường Anh. Kết quả khả thi nhất hiện nay có lẽ là một thỏa thuận mới về thương mại thực phẩm — nhưng ngay cả việc này cũng sẽ cần thêm thời gian đàm phán.
Intel công bố lợi nhuận quý đầu tiên dưới thời CEO mới Lip-Bu Tan
Intel sẽ báo cáo kết quả tài chính quý vào thứ Năm, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của CEO mới, ông Lip-Bu Tan. Ông lên tiếp quản từ tháng 12, thừa hưởng một công ty đang gặp khủng hoảng sâu sắc. Từng là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, Intel đang vật lộn với sụt giảm doanh số chip máy tính cá nhân và máy chủ. Trong thị trường chip AI đang tăng trưởng nhanh chóng, Intel gần như không có mặt. Đồng thời, công ty đang đầu tư tới 100 tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất.
Ông Tan muốn thay đổi văn hóa doanh nghiệp của Intel. Ông cam kết sẽ cắt giảm quan liêu và vận hành Intel như một “startup khổng lồ.” Một số động thái ban đầu đã được thực hiện. Intel sẽ bán phần lớn cổ phần trong Altera, mảng chip lập trình của công ty, và dự kiến sẽ cắt giảm 21.000 việc làm. Mảng sản xuất chip thuê (foundry) của Intel vẫn thua xa TSMC của Đài Loan, trong khi cũng bị Nvidia — công ty chip có giá trị lớn nhất thế giới — bỏ rất xa trong mảng AI. Thách thức của ông Tan là thu hẹp khoảng cách ở cả hai mặt trận.