Nguồn: Alex Alfirraz Scheers, “Get Ready for the Aleutian Island Crisis,” Foreign Policy, 28/04/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Trong lúc xung đột leo thang ở Bắc Cực, các đối thủ nước ngoài đã bắt đầu để mắt tới lãnh thổ Alaska.
Quên Cuba đi – có những hòn đảo mới đáng lưu tâm hơn. Dù viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Đài Loan vẫn là một mối nguy thực sự, nhưng các hoạt động của Trung Quốc xung quanh Quần đảo Aleutian cũng không nên bị bỏ qua. Các hoạt động quân sự táo bạo của Trung Quốc trong và xung quanh các đảo này và Eo biển Bering có thể leo thang.
Quần đảo Aleutian là một phần thuộc tiểu bang Alaska của Mỹ, vì vậy chúng là một phần trong lợi ích sống còn của Mỹ. Việc không tăng cường khả năng răn đe và thể hiện quyết tâm đối với chuỗi đảo này không chỉ đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Mỹ ở Bắc Cực, mà còn có thể khuyến khích Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự ở Eo biển Đài Loan.
Tình hình ở Bắc Cực đang nóng lên. Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã có những cuộc diễn tập quân sự chung trong khu vực này. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ bày tỏ mong muốn sáp nhập Greenland. “Chúng ta cần Greenland vì sự an toàn và an ninh quốc tế,” Trump đã nói gần đây. Vào ngày 28/03, ông thậm chí còn phái ‘cánh tay phải’ đắc lực của mình, Phó Tổng thống J.D. Vance, đến lãnh thổ thuộc Đan Mạch này.
Trong khi đó, các mối đe dọa đối với Bắc Cực thuộc Alaska, vùng phía tây bắc lục địa Mỹ, vẫn không ngừng gia tăng. Thật vậy, báo cáo đánh giá mối đe dọa hàng năm gần đây nhất do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) công bố đã đề cập ngắn gọn đến Alaska trong bối cảnh các mối đe dọa mới nổi.
Được công bố vào ngày 25/03, báo cáo của DNI khá đáng sợ. Nó nhấn mạnh những lo ngại ngày càng tăng về ý đồ của Trung Quốc đối với Đài Loan và cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine, nhưng lại không đề cập đến các mối đe dọa cụ thể đối với Quần đảo Aleutian, một chuỗi đảo ít được biết đến ngoài khơi bờ biển Alaska.
Điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hướng đi. Trong khi chính quyền Trump quá chú trọng vào Greenland, các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Bắc Cực thuộc Alaska nên là mối quan ngại lớn đối với quân đội và giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ. Do đó, Mỹ nên đưa việc bảo vệ Quần đảo Aleutian thành ưu tiên an ninh quốc gia để ngăn chặn khả năng xảy ra khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Cực.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã dần thu hẹp các tiền đồn quân sự xung quanh chuỗi đảo này. Năm 1997, một căn cứ hải quân lớn nằm trên Đảo Adak đã bị đóng cửa. Ngày nay, các đối thủ của Washington đã một lần nữa quan tâm đến Quần đảo Aleutian. Dù nằm ở chốn xa xôi, nhưng chuỗi đảo này không phải là không bị ảnh hưởng bởi các cuộc săn mồi quân sự của Trung Quốc và Nga.
Thượng nghị sĩ Alaska Dan Sullivan gần đây đã bày tỏ quan ngại về các vụ xâm nhập của Trung Quốc và Nga xung quanh quần đảo. Hồi tháng 9 năm ngoái, Sullivan viết rằng “khi thế giới trở nên nguy hiểm hơn, Alaska vẫn tiếp tục là tuyến đầu của các cuộc xâm lược chuyên chế. Hoạt động phối hợp ngoài khơi bờ biển Alaska của Nga và Trung Quốc đang gia tăng.”
Washington nên chú ý đến tầm quan trọng chiến lược của Quần đảo Aleutian, nếu giới hoạch định chính sách đối ngoại và quân đội của họ muốn bảo đảm lợi ích sống còn của mình ở Bắc Cực.
Trung Quốc không phải là một quốc gia Bắc Cực, nhưng họ đã tuyên bố mình là một cường quốc Bắc Cực, chỉ định khu vực nằm ở cực bắc của Trung Quốc là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Trong Chương 33 của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, một tài liệu phác thảo chính sách địa chiến lược của Trung Quốc, Bắc Kinh đã nêu rõ tầm nhìn của mình đối với khu vực này: Trung Quốc “sẽ tăng cường điều tra và đánh giá các nguồn tài nguyên chiến lược ở vùng biển sâu” và “tham gia hợp tác thực tế ở Bắc Cực và xây dựng ‘Con đường tơ lụa Vùng Cực.’”
Việc tiến hành các chuyến thám hiểm nghiên cứu ở Bắc Cực đã làm sâu sắc thêm mối liên kết kinh tế của Trung Quốc với khu vực này. Khả năng phục hồi kinh tế và quân sự là nền tảng cho chiến lược an ninh quốc gia Trung Quốc, và cả hai đều định hình tham vọng toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phát biểu về Trung Quốc vào tháng 12, Iris A. Ferguson – cựu Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Bắc Cực và khả năng phục hồi toàn cầu – nói rằng Mỹ cần “phải sáng suốt nhìn nhận một số ý định của họ” cũng như “suy nghĩ về lợi ích lâu dài của họ” cũng như “cách chúng ta có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình.”
Vào tháng 7/2024, hai máy bay ném bom H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hoạt động trong Vùng Nhận dạng Phòng không Alaska đã bị các máy bay chiến đấu của Mỹ và Canada đánh chặn, theo đó cho thấy các chuyến xâm nhập của Trung Quốc vào Bắc Cực không chỉ đơn thuần vì mục đích khoa học và kinh tế.
Máy bay Trung Quốc đã được hộ tống bởi các máy bay ném bom TU-95 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga, nghĩa là cuộc tuần tra trên không này là lần đầu tiên Trung Quốc và Nga được ghi nhận tiến hành tuần tra chung gần Alaska. Cùng tháng đó, bốn tàu chiến quân sự của Trung Quốc đã bị phát hiện ở Biển Bering, cách Eo Amchitka về phía bắc và Đảo Atka về phía đông bắc khoảng 200 km, cả hai địa điểm này đều thuộc Quần đảo Aleutian.
Theo những bình luận vào thời điểm đó của Michael Salerno, sĩ quan phụ trách quan hệ công chúng của Lực lượng Tuần duyên Mỹ, những cuộc chạm trán như thế này đã trở nên phổ biến kể từ năm 2021, nhưng rất hiếm khi xảy ra trước năm 2017.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã tăng cường sự hiện diện hải quân của mình ở Bắc Cực – hoàn thành các chuyến đi khứ hồi dài ngày qua các khu vực chiến lược quan trọng như Biển Bột Hải và Biển Bering. Sự gia tăng hiện diện hải quân của Bắc Kinh ở những vị trí địa chiến lược này đặt Mỹ vào thế bất lợi, đe dọa phá hủy năng lực quân sự trên biển và gây khó khăn cho các hoạt động hàng hải của nước này.
Như Thiếu tá Mỹ Ryan Tice đã chỉ ra vào năm 2020, “bởi vì Eo biển Bering nằm ở ranh giới của ba bộ tư lệnh tác chiến địa lý (GCC), nên việc gia tăng hoạt động của đối phương xung quanh Eo biển tạo ra những thách thức cho sự thống nhất nỗ lực giữa các bộ tư lệnh tác chiến đó.”
Thượng nghị sĩ Sullivan đã nêu rõ những lo ngại này với Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Sau các cuộc tập trận quân sự chung khác giữa Trung Quốc và Nga vào tháng 9/2024, Sullivan tuyên bố: “Trong bảy ngày qua, đã có năm lần riêng biệt quân đội Nga xâm nhập vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) hoặc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của chúng ta – cả trên biển và trên không.”
Để đáp trả, Quân đội Mỹ đã triển khai Sư đoàn Không vận số 11 đến Quần đảo Aleutian. Tuy nhiên, khi môi trường chiến lược của Mỹ ngày càng trở nên nguy hiểm, cần phải làm nhiều hơn nữa để ứng phó với những mối đe dọa đến từ lực lượng Trung Quốc ở Bắc Cực. Bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở những nơi như Biển Bering và Quần đảo Aleutian, một khu vực do Mỹ thống trị, Trung Quốc cũng đang thể hiện quyết tâm gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ.
Như Brandon J. Babin, một nhà phân tích cấp cao tại Nhóm Nghiên cứu Chiến lược Trung Quốc, đã khẳng định, “sự đối trọng này dường như đòi hỏi phải xây dựng năng lực răn đe chiến lược của Trung Quốc.”
Tự do hàng hải là một yếu tố quan trọng để đảm bảo Mỹ có thể thực hiện nhiệm vụ răn đe kẻ thù ở Bắc Cực. Dù lợi ích của Bắc Kinh dường như chỉ là về kinh tế, nhưng việc Trung Quốc tiếp cận các vị trí địa chiến lược quan trọng đã đặt ra những hệ lụy an ninh quốc gia đáng kể cho Mỹ và các đồng minh của nước này trên khắp Thái Bình Dương.
Cụ thể, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường các hoạt động quân sự trong vùng đệm chiến lược của Mỹ làm suy yếu khả năng răn đe khu vực. Thật vậy, những hoạt động kiểu này là một thách thức trực tiếp đối với lợi ích sống còn của Mỹ và có khả năng cản trở các hoạt động răn đe mở rộng của Washington từ khu vực Bắc Cực và Bắc Thái Bình Dương, với những tác động tiềm tàng lan tỏa xuống cả khu vực Tây và Nam Thái Bình Dương.
Hơn nữa, Mỹ có nhiều lợi ích ở Bắc Cực, trùng lặp với lợi ích của các quốc gia thành viên NATO như Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển, và Anh. Trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, tầm quan trọng của các điểm nghẽn chiến lược như Biển Bering sẽ càng tăng lên.
Trong khi nhiệm vụ răn đe hạt nhân mở rộng của Washington đối với Trung Quốc tập trung vào việc ngăn chặn hành động gây hấn chống lại Đài Loan, các hành vi cưỡng ép Nhật Bản và Hàn Quốc, và khả năng nhắm mục tiêu vào các vị trí chiến lược như lãnh thổ Guam của Mỹ – tất cả những quan ngại này đều nằm xa hơn về phía nam, ở Thái Bình Dương rộng lớn – thì những mối đe dọa mà Mỹ và các đồng minh khu vực phải đối mặt từ Trung Quốc ở Bắc Cực cũng nghiêm trọng không kém.
Những nỗ lực phá hoại các đường biên giới lãnh thổ đã có từ lâu đời dưới hình thức các hoạt động khiêu khích cũng có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng và thậm chí leo thang xung đột, biến các chuỗi đảo quan trọng thành chiến trường khủng hoảng – hoặc tệ hơn là chiến tranh.
Ví dụ, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc coi Quần đảo Aleutian là một phần của cái được gọi là chuỗi đảo thứ nhất của họ. Như Đô đốc Lưu Hoa Thanh, cựu Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, đã tuyên bố vào năm 1987, “chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Quần đảo Aleutian, Quần đảo Kurile, Quần đảo Nhật Bản, Quần đảo Lưu Cầu, Đảo Đài Loan, Quần đảo Philippines, và Đảo Sunda Lớn ở Tây Thái Bình Dương, tất cả tạo thành một chuỗi đảo hình vòng cung giống như một chuỗi kim loại.”
Để hiểu hơn về bối cảnh xoay quanh tuyên bố của Lưu, Quần đảo Aleutian bao gồm 14 đảo chính và 55 đảo nhỏ. Những hòn đảo này vẫn đang là nơi đồn trú của lực lượng Hải quân và Tuần duyên Mỹ. Khoảng cách từ Đảo Attu, hòn đảo cực tây của Quần đảo Aleutian, đến bờ biển phía đông của Trung Quốc đại lục chỉ là 4.000 km.
Tuy nhiên, trong sự cố hồi tháng 7/2024, bốn tàu chiến quân sự của Trung Quốc đã bị phát hiện ở Biển Bering. Những hoạt động như vậy có thể dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng ở ngay sân sau của Mỹ. Việc dồn sự chú ý không cần thiết vào Greenland khiến Washington có nguy cơ bị bất ngờ, không kịp trở tay. Việc chuẩn bị sẵn sàng ở Bắc Cực Alaska sẽ tăng cường khả năng của Washington trong việc ngăn chặn xung đột trên khắp chuỗi đảo thứ nhất – bao gồm Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan, và Biển Đông.
Đài Loan từ lâu đã là tâm điểm chú ý của các nhà phân tích và hoạch định chính sách, và điều đó là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, như Sullivan đã cảnh báo vào tháng 9, “các chế độ chuyên chế đang thử thách nước Mỹ… Quốc hội và Tổng thống nên làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các hành động gây hấn tiếp theo… Chúng ta phải tiếp tục gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tập Cận Bình và [Tổng thống Nga Vladimir] Putin, rằng Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích sống còn của chúng ta ở Alaska và xa hơn nữa.”
Các cuộc tuần tra chung trên không và trên biển của quân đội Trung Quốc và Nga xung quanh Quần đảo Aleutian nên khiến quân đội và giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ quan ngại sâu sắc. Việc mở lại vĩnh viễn căn cứ hải quân trên Đảo Adak chắc chắn sẽ là bước đi đầu tiên quan trọng trong việc tăng cường răn đe xung quanh khu vực.
Khi có sự tham gia của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, những tính toán sai lầm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Như nhà phân tích Jamie Kwong của Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI) đã viết vào năm 2018, “Bắc Cực vẫn là một khu vực quan trọng trong tổ hợp an ninh hạt nhân toàn cầu.” Người Mỹ đang vận hành Hệ thống Cảnh báo Phía Bắc, một hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các mối đe dọa ở Bắc Cực. Các hành động cố ý hoặc vô tình của Trung Quốc bị cho là hành động đe dọa có thể kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm này của Mỹ, và theo đó dẫn đến hành động quân sự phòng thủ.
Dưới làn sương mù của sự bất ổn, bộ chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Mỹ sẽ phải đưa ra một quyết định có thể dẫn đến một cuộc đối đầu – và một cuộc đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân luôn đi kèm với rủi ro không thể tránh khỏi là leo thang hạt nhân.
Với căng thẳng vốn đã dâng cao, sự ngờ vực sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ đang chi phối môi trường chiến lược. Một cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Mỹ có thể buộc Mỹ phải can dự về mặt quân sự với các tài sản của Trung Quốc. Ví dụ, nếu một máy bay Trung Quốc bay vào không phận Bắc Cực của Mỹ, hoặc nếu một tàu đi lạc vào lãnh hải ở khu vực này, Mỹ có thể chọn tấn công.
Sự leo thang vô tình hoặc vô ý cũng gây ra rủi ro. Hồi tháng 9/2022, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055 Nam Xương đã tiến đến cách Đảo Kiska thuộc Quần đảo Aleutian chỉ 160 km. Nó được trang bị tới 112 tên lửa hành trình. Việc Trung Quốc vô tình phóng nhầm một tên lửa cũng có thể đẩy các bên liên quan đến bờ vực hạt nhân. Suy cho cùng, môi trường chiến lược ở Bắc Cực đang rất căng thẳng, và những tai nạn đắt giá có thể xảy ra.
Ngoài ra, các ngưỡng cho hành động quân sự của Mỹ ở Bắc Cực vẫn chưa rõ ràng. Việc Trung Quốc vượt qua một dây chuyền báo động cũng có thể làm leo thang căng thẳng và gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân. Mỹ nên thiết lập một ngưỡng rõ ràng ở Bắc Cực để báo hiệu cho các đối thủ biết những hoạt động nào có thể chấp nhận được và những hoạt động nào sẽ gây ra phản ứng quân sự. Trump đã tuyên bố vào tháng 1 rằng “bạn thậm chí không cần ống nhòm – cứ nhìn ra bên ngoài. Bạn sẽ thấy tàu Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Bạn sẽ thấy tàu Nga ở khắp mọi nơi. Nhưng chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra.”
Mỹ nên đáp trả mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc bằng cách truyền đạt các lằn ranh đỏ ở Bắc Cực. Nếu Mỹ không vạch ra các lằn ranh đỏ rõ ràng cho Bắc Kinh về các hoạt động quân sự ở Eo biển Bering và Bắc Thái Bình Dương, thì Washington có nguy cơ vô tình khuyến khích Bắc Kinh chấp nhận rủi ro địa chính trị lớn hơn gần biên giới lãnh thổ của Mỹ.
Bắc Kinh có thể xem sự thiếu quyết đoán này là một nguồn động viên để leo thang căng thẳng ở Eo biển Đài Loan. Hoặc tệ hơn, sự không hành động của Mỹ có thể bị diễn giải là một dấu hiệu cho thấy Đài Loan có thể bị chiếm đoạt. Nếu khả năng răn đe không được khôi phục ở Bắc Cực thuộc Alaska, thì Quần đảo Aleutian có thể là nơi tiếp theo nối gót Cuba và Đài Loan trong biên niên sử khủng hoảng.
Thay vì ám ảnh về Greenland, chính quyền Trump nên tập trung vào việc bảo vệ một phần của Bắc Cực vốn đã thuộc về Mỹ – kẻo không thì băng giá Alaska sẽ sớm biến thành ngọn lửa Bắc Cực.
Alex Alfirraz Scheers là một nhà phân tích quốc phòng, hiện sinh sống tại London. Ông từng giữ các vị trí nghiên cứu viên tại Hội Henry Jackson và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Chủ nghĩa Cực đoan, và công trình của ông về các vấn đề hạt nhân đã được xuất bản bởi Diplomat, Small Wars Journal, RealClearDefense, và Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh.