04/05/1916: Đức đồng ý hạn chế chiến tranh tàu ngầm

Nguồn: Germany agrees to limit its submarine warfare, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1916, người Đức đã đáp lại yêu cầu của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson bằng cách đồng ý hạn chế chiến tranh tàu ngầm của mình để tránh rạn nứt ngoại giao với Mỹ.

Chiến tranh tàu ngầm không hạn chế lần đầu tiên diễn ra trong Thế chiến II vào đầu năm 1915, khi Đức tuyên bố khu vực xung quanh Quần đảo Anh là vùng chiến sự, trong đó tất cả các tàu buôn, bao gồm cả tàu từ các quốc gia trung lập, sẽ bị hải quân Đức tấn công. Một loạt các cuộc tấn công của Đức vào các tàu buôn – lên đến đỉnh điểm là vụ đánh chìm tàu ​​chở khách Lusitania của Anh vào ngày 07/05/1915 – đã khiến Tổng thống Wilson phải gây sức ép buộc Đức hạn chế lực lượng hải quân của họ.

Sợ sẽ làm mất lòng người Mỹ, chính phủ Đức đã đồng ý hạn chế chính sách tàu ngầm trong tương lai, nhưng lại thổi bùng sự tức giận và thất vọng của nhiều nhà lãnh đạo hải quân Đức, bao gồm cả Tổng Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Alfred von Tirpitz, người đã từ chức vào tháng 03/1916.

Vào ngày 24/03/1916, ngay sau khi Tirpitz từ chức, một tàu ngầm U-boat của Đức đã tấn công tàu chở khách Sussex của Pháp ở Eo biển Manche, vì nghĩ rằng đó là một tàu của Anh được trang bị để rải thủy lôi. Dù Sussex không bị chìm, nhưng 50 người trên tàu đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, bao gồm một số người Mỹ. Sang ngày 19/04, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Wilson đã thể hiện lập trường cứng rắn, khẳng định rằng trừ khi Chính phủ Đế quốc Đức ngay lập tức tuyên bố ý định và từ bỏ các phương pháp chiến tranh hiện tại chống lại các tàu chở khách và hàng hóa, Chính phủ Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Chính phủ Đế quốc Đức.

Tiếp theo bài phát biểu của Wilson, Đại sứ Mỹ tại Đức, James W. Gerard, đã có cuộc trò chuyện trực tiếp với Hoàng đế Wilhelm vào ngày 01/05 tại trụ sở quân đội Đức ở Charleville, miền đông nước Pháp. Sau khi Gerard phản đối các cuộc tấn công liên tục của tàu ngầm Đức nhắm vào các tàu buôn, Hoàng đế Wilhelm đã lên án việc chính phủ Mỹ tuân thủ lệnh phong tỏa hải quân của Đồng minh Hiệp ước đối với Đức, vốn có hiệu lực từ cuối năm 1914. Tuy nhiên, người Đức không thể mạo hiểm để Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống lại họ, và khi Gerard thúc giục Wilhelm đưa ra đảm bảo về việc thay đổi chính sách tàu ngầm, ông đã đồng ý.

Vào ngày 06/05, chính phủ Đức chính thức ký cái gọi là Cam kết Sussex (Sussex Pledge), hứa sẽ ngăn chặn việc đánh chìm bừa bãi các tàu không phải tàu quân sự. Theo cam kết này, các tàu buôn phải được khám xét và chỉ bị đánh chìm nếu phát hiện chúng chở hàng lậu. Hơn nữa, sẽ không có tàu nào bị đánh chìm trước khi đảm bảo an toàn cho thủy thủ đoàn và hành khách trên tàu. Nhưng Gerard tỏ ra hoài nghi. Ông viết trong một lá thư gửi Bộ Ngoại giao Mỹ rằng các nhà lãnh đạo Đức, dưới sức ép từ dư luận, và từ Đảng Tổ quốc Đức (đảng của von Tirpitz) và Đảng Bảo thủ, sẽ một lần nữa phát động chiến tranh tàu ngầm tàn bạo, có thể là vào mùa thu, nhưng nhiều khả năng là tầm tháng 2 hoặc tháng 3 năm 1917.

Lời tiên đoán của Gerard cuối cùng đã trở thành sự thật, khi vào ngày 01/02/1917, Đức tuyên bố nối lại chiến tranh tàu ngầm không hạn chế. Hai ngày sau, Wilson tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Đức, và vào ngày 06/04/1917, Mỹ chính thức tham gia Thế chiến I, đứng về phía phe Hiệp ước.