Washington có thể hối tiếc vì kiểm soát chip AI quá mức

Nguồn: Ray Wang, “Washington May Regret Overextended AI Chip Controls,” Foreign Policy, 30/04/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Những hạn chế ngày càng thắt chặt đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc.

Ngày 15/04 vừa qua, nhà sản xuất chip Mỹ Nvidia đã công bố một hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, trong đó cho biết chính phủ đã hạn chế công ty bán bộ xử lý đồ họa (GPU) kém tiên tiến hơn của mình – H20 – cho Trung Quốc. Theo hồ sơ, Nvidia được yêu cầu phải xin giấy phép từ Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ trước khi bán H20 và bất kỳ chip nào khác “có băng thông bộ nhớ, băng thông kết nối, hoặc cả hai tính năng này, tương đương với H20” cho Trung Quốc.

Tương tự, một hồ sơ từ AMD nói rằng công ty đang bị hạn chế bán GPU MI308 của mình cho Trung Quốc – và nhiều khả năng là bất kỳ chip nào có hiệu suất tương đương hoặc cao hơn trong tương lai. Bộ tăng tốc trí tuệ nhân tạo Gaudi của Intel cũng sẽ bị hạn chế theo ngưỡng kiểm soát mới, được cho là giới hạn các chip có tổng băng thông DRAM từ 1.400 gigabyte/giây trở lên, băng thông đầu vào/đầu ra từ 1.100 GB/giây trở lên, hoặc tổng cả hai từ 1.700 GB/giây trở lên.

Ngưỡng mới này sẽ không chỉ hạn chế các chip tiên tiến đã được kiểm soát mà còn hạn chế các chip kém tiên tiến hơn của Nvidia, AMD, và các nhà sản xuất chip khác, bao gồm H20 của Nvidia, MI308X của AMD, và Gaudi của Intel, vốn đang được sử dụng để tuân thủ ngưỡng kiểm soát xuất khẩu và chủ yếu được bán trên thị trường Trung Quốc.

Hạn chế mới được đưa ra khoảng một tuần sau khi NPR đưa tin rằng chính quyền Trump đã quyết định lùi bước trong việc quản lý H20. Trước đó, các lệnh cắt giảm xuất khẩu nhắm vào H20 và các loại chip có hiệu suất tương đương từng được dự đoán bởi các nhà phân tích trên Phố Wall, các chuyên gia trong ngành tại Thung lũng Silicon, và các nhóm chính sách ở Washington.

Các lệnh kiểm soát chip mới nhất này có thể được xem là sự tiếp nối các hạn chế xuất khẩu dưới thời chính quyền Biden, cũng như tiếp nối những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm giới hạn khả năng tiếp cận phần cứng AI tiên tiến của Trung Quốc. Nhưng vấn đề là biện pháp mới này sẽ dẫn đến những hệ lụy sâu rộng cho ngành công nghiệp, theo đó sẽ định hình lại cơ bản thị trường chip AI của Trung Quốc.

Tác động của quy định mới đối với ngành công nghiệp này là vô cùng sâu sắc. Theo phân tích của J.P. Morgan, với các biện pháp kiểm soát mới, Nvidia ước tính sẽ ngay lập tức mất khoảng 15 đến 16 tỷ đô la. Trong khi đó, doanh thu của AMD bị mất khoảng 1,5 đến 1,8 tỷ đô la, chiếm khoảng 10% doanh thu trung tâm dữ liệu ước tính của công ty trong năm nay.

Tuy nhiên, những hệ lụy không chỉ dừng lại ở thiệt hại tài chính trước mắt. Nếu các lệnh hạn chế bị kéo dài, chúng sẽ định hình lại cơ bản thị trường chip AI của Trung Quốc và mở đường cho cuộc rút lui lớn hơn của các nhà cung cấp bộ tăng tốc AI của Mỹ khỏi Trung Quốc. Nhóm này không chỉ bao gồm các nhà sản xuất GPU như Nvidia, AMD, và Intel, mà còn cả các công ty cung cấp mạch tích hợp chuyên dụng – một loại chip được chế tạo để xử lý các lượng công việc AI cụ thể, chẳng hạn như TPU của Google và Trainium của Amazon Web Services.

Quy định mới sẽ khiến các công ty Mỹ như Nvidia và AMD gần như không thể thiết kế và bán các loại chip vừa tuân thủ quy định xuất khẩu, vừa cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là thị phần của các công ty này trên thị trường chip AI của Trung Quốc sẽ giảm dần theo thời gian, vì họ buộc phải rút gần như toàn bộ các sản phẩm chip tiên tiến và kém tiên tiến về Mỹ, trong khi các công ty Trung Quốc dần chiếm lĩnh thị phần còn lại.

H20 và phiên bản nâng cấp H20E hiện chỉ nhỉnh hơn một chút so với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Chip AI mới nhất của Huawei – Ascend 910C – đã đạt hiệu suất tính toán gấp 2,6 lần H20, với băng thông bộ nhớ thấp hơn 20%, đây là yếu tố quan trọng đối với các mô hình đào tạo suy luận và lý luận, một phần quan trọng của AI hiện đại.

Băng thông bộ nhớ của H20, cùng với nền tảng phần mềm được sử dụng rộng rãi của Nvidia – một nền tảng điện toán song song và mô hình lập trình cho phép sử dụng GPU một cách hiệu quả hơn cho AI, điện toán hiệu suất cao, và các khối lượng công việc khoa học – là những yếu tố khác biệt chính thúc đẩy cầu từ các công ty AI Trung Quốc và giúp Nvidia duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường nước này. Trung Quốc đã mua hơn 1 triệu đơn vị H20 vào năm 2024 và đã tích trữ chip này để đối phó với những quan ngại về kiểm soát xuất khẩu kể từ đầu năm 2025.

Khoảng cách hiệu suất ngày càng thu hẹp giữa H20 và 910C của Huawei cho thấy khả năng ngày càng tăng của các nhà sản xuất chip AI Trung Quốc trong việc đáp ứng nhu cầu điện toán trong nước mà không cần đến GPU nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại, 910C của Huawei đã được sản xuất hàng loạt, với nhiều đơn vị đã được giao cho khách hàng và các lô hàng lớn hơn dự kiến sẽ bắt đầu xuất xưởng vào tháng 5. Gần đây nhất, Huawei được cho là đang tiếp cận khách hàng để thử nghiệm phiên bản nâng cấp của GPU dòng 910 – 910D. Chip thế hệ tiếp theo của công ty – Ascend 920 – dự kiến sẽ đi vào sản xuất hàng loạt trong nửa cuối năm 2025.

Đáng chú ý, Huawei chỉ là một trong nhiều công ty Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy khoảng trống do các nhà cung cấp Mỹ để lại. Các công ty chip AI của Trung Quốc như Cambricon, Hygon, Enflame, Iluvatar CoreX, Biren, và Moore Threads đang tích cực phát triển các loại chip AI nội địa có sức cạnh tranh hơn để nắm bắt thị trường đang mở rộng này.

Trong vài năm tới, các công ty Trung Quốc như Alibaba, ByteDance, Baidu, và Tencent nhiều khả năng sẽ tiếp tục dựa vào lượng chip Nvidia và AMD hiện có – chẳng hạn như H100, H200, H800 và H20 – mà họ đã mua trước khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được triển khai. Ví dụ, kho GPU hiện tại của ByteDance ở Trung Quốc được đồn đoán chứa khoảng 16.000-17.000 đơn vị A100, 60.000 đơn vị A800, và 24.000-25.000 đơn vị H800. Các doanh nghiệp ở nước ngoài của công ty này có thể có hơn 20.000 đơn vị H100, 270.000 đơn vị H20, và hàng chục nghìn card như L20 và L40.

Các chip tiên tiến, bao gồm cả một lượng hạn chế GPU dòng Blackwell của Nvidia, cũng có thể tiếp tục xâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua các kênh bất hợp pháp hoặc thị trường xám, do lợi thế hiệu suất về lâu dài và việc các chip này được đón nhận rộng rãi hơn hầu hết các lựa chọn thay thế nội địa của Trung Quốc. Ngoài ra, GPU Blackwell và các chip tiên tiến khác vẫn có thể được bán một cách hợp pháp cho các trung tâm dữ liệu ở nước ngoài của các công ty AI hàng đầu Trung Quốc để đào tạo cho các mô hình AI của họ.

Tương tự, các công ty AI hàng đầu khác của Trung Quốc vẫn sở hữu lượng chip dự trữ đáng kể. Giả sử các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận tài nguyên điện toán tiên tiến của các công ty AI Trung Quốc, thì lượng GPU hiện có vẫn đủ để cho phép họ phát triển mô hình trong vài năm tới. Thông thường, GPU có vòng đời khấu hao từ 4 đến 5 năm, theo đó tạo ra một độ trễ để các nhà sản xuất GPU nội địa Trung Quốc có thể nâng cao năng lực của mình và bắt đầu cung cấp các dòng chip cạnh tranh hơn nhằm hỗ trợ phát triển AI trong nước.

Cuối cùng, thời gian hiện đang đứng về phía các công ty Trung Quốc. Khi lượng GPU tồn kho nước ngoài dần mất giá và trở nên lỗi thời, các công ty Trung Quốc dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiều chip AI sản xuất trong nước hơn để đáp ứng nhu cầu điện toán, khi mà các nhà sản xuất chip nội địa cung cấp các giải pháp thay thế mạnh mẽ hơn. Nhu cầu điện toán tổng thể của Trung Quốc sẽ tăng đều đặn nhờ sự tăng trưởng liên tục của ngành công nghiệp AI, và sự tăng trưởng này nhiều khả năng sẽ được đáp ứng bởi chính các nhà sản xuất chip AI Trung Quốc.

Kết quả là, hàng chục tỷ đô la doanh thu lẽ ra thuộc về Nvidia và AMD sẽ về tay các công ty AI của Trung Quốc trong những năm tới. Theo một đánh giá sơ bộ, lệnh cấm mới nhất khiến Nvidia và AMD thiệt hại ngay lập tức khoảng 16,5 tỷ đến 17,8 tỷ đô la – tương đương khoảng 70% số tiền mà Huawei đã chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vào năm 2024.

Mô hình thị trường mới này không chỉ củng cố vị thế thị trường và tính bền vững về tài chính của các nhà sản xuất chip AI nội địa Trung Quốc mà còn tăng cường năng lực tái đầu tư vào R&D của họ. Đổi lại, điều này sẽ thúc đẩy đổi mới, cải thiện khả năng cạnh tranh, và củng cố chuỗi cung ứng phần cứng AI rộng hơn của Trung Quốc – cuối cùng góp phần vào khả năng phục hồi và phát triển lâu dài về năng lực AI của Trung Quốc.

Quan trọng hơn, việc các công ty Trung Quốc ngày càng sử dụng GPU do trong nước sản xuất cho phép họ cải tiến sản phẩm hiệu quả hơn nhờ các vòng phản hồi nhanh chóng và lớn hơn từ các doanh nghiệp địa phương. Khi hệ sinh thái GPU do Nvidia dẫn đầu bị đình trệ và dần rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, sự thay đổi này tạo ra không gian cho các công ty địa phương xây dựng hệ sinh thái GPU nội địa – một hệ sinh thái có thể ngày càng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và gia tăng rào cản tái gia nhập theo thời gian.

Lệnh cấm hoàn toàn đối với H20 có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng ngắn hạn về năng lực tính toán AI của Trung Quốc bằng cách loại bỏ một nguồn chip tiên tiến quan trọng. Nhưng chưa thể xác định tác động trung hạn đến dài hạn. Như đã lưu ý trước đó, các công ty AI Trung Quốc vẫn có đủ khả năng phát triển AI của họ bằng cách sử dụng số lượng lớn GPU Nvidia và AMD trong kho của họ trong vài năm tới, cùng với nguồn cung ngày càng tăng các giải pháp thay thế nội địa đang được cải thiện hiệu suất. Vẫn chưa thể biết liệu giới lãnh đạo Mỹ có đạt được mục tiêu cuối cùng là sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để hạn chế sự phát triển AI của Trung Quốc hay không, vì khoảng cách giữa năng lực mô hình AI của hai quốc gia dường như đang thu hẹp thay vì mở rộng.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là tác động rộng hơn của các biện pháp kiểm soát mới đối với ngành công nghiệp chip. Nếu được duy trì, chúng sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc rút lui lớn của các nhà sản xuất chip AI Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc – theo đó tạo ra động lực phát triển đáng kể đối với các nhà sản xuất chip AI nội địa Trung Quốc. Bằng cách nỗ lực cô lập Trung Quốc, Mỹ cuối cùng lại tạo lợi thế cho các công ty Trung Quốc.

Ray Wang là một nhà phân tích hiện đang sinh sống ở Washington, trước đây từng làm việc tại Đài Bắc và Seoul. Ông tập trung vào chính sách kinh tế và công nghệ của Mỹ-Trung; chính sách đối ngoại của Trung Quốc; và ngành công nghiệp bán dẫn và AI ở Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan.