Nguồn: 6-year-old Etan Patz—boy on milk carton—goes missing, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào sáng ngày này năm 1979, cậu bé Etan Patz sáu tuổi đã đi bộ hai dãy nhà từ nhà mình đến trạm xe buýt ở Manhattan. Đó là lần đầu tiên cậu bé đi bộ một mình để đến trường, và cũng là ngày cuối cùng bố mẹ nhìn thấy cậu, bởi vì đã có kẻ bắt cóc Etan trong lúc đi bộ. Như một phần trong nỗ lực tìm kiếm của bố mẹ cậu, Etan đã trở thành một trong những đứa trẻ mất tích đầu tiên được in hình trên hộp sữa.
Julie và Stanley Patz không nhận ra con trai mình đã mất tích cho đến tận cuối ngày hôm đó, khi cậu bé không trở về nhà từ Trường Independence Plaza. Họ sớm biết được rằng cậu bé đã không đến lớp vào ngày hôm đó, thậm chí không kịp lên xe buýt vào sáng hôm đó, và đã gọi cảnh sát. Vụ mất tích của Etan đã dẫn đến một cuộc tìm kiếm trên toàn quốc, và mãi đến năm 2017 mới được giải quyết, khi Pedro Hernandez bị kết tội bắt cóc và giết cậu bé.
Etan là một trong những đứa trẻ mất tích không phải người nổi tiếng đầu tiên được cả nước Mỹ chú ý, tương tự như trường hợp của JonBenét Ramsey vào năm 1996. Hồi đầu thập niên 1980, khuôn mặt của Etan đã xuất hiện trên các hộp sữa trên khắp cả nước, khuyến khích mọi người liên hệ với chính quyền nếu họ nhìn thấy cậu bé. Vụ án của Etan cũng khiến Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố ngày 25/05 là Ngày Trẻ em Mất tích Quốc gia vào năm 1983, và đóng vai trò trong việc thành lập Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Bị Mất tích và Bóc lột.
Trong những thập kỷ sau khi Etan mất tích, đã có nhiều kẻ thú tội giả mạo, nhiều manh mối sai lệch, và thậm chí cả những thanh niên xuất hiện trước cửa nhà Patz và tự nhận mình là Etan. Suốt một thời gian dài, các nhà điều tra nghi ngờ Jose Ramos đã bắt cóc cậu bé. Ramos là bạn của người giữ trẻ cũ của Etan, người đã bị kết tội xâm hại trẻ em vào những năm 1980. Nhưng các nhà điều tra không bao giờ có thể xác nhận rằng Ramos có tội. Năm 2000, chính quyền tuyên bố Etan đã chết về mặt pháp lý và vụ án bị đóng băng.
Tuy nhiên, các nhà điều tra đã mở lại vụ án vào năm 2010, và hai năm sau, họ đã khai quật nền móng của một ngôi nhà gần nhà Etan để tìm kiếm manh mối. Cuộc khai quật không phát hiện ra điều gì, nhưng việc đưa tin trên phương tiện truyền thông đã khiến người dân báo cáo một số thông tin mới, một trong số đó đã dẫn các nhà điều tra đến người mà họ đang tìm kiếm. Đó là Pedro Hernandez, người chỉ mới 18 tuổi và làm việc tại cửa hàng tạp hóa gần trạm xe buýt của Etan vào ngày cậu bé mất tích.
Các nhà điều tra phát hiện ra rằng vào năm 1982, Hernandez đã thừa nhận trong một buổi xưng tội công khai tại nhà thờ rằng hắn đã giết một cậu bé. Gia đình hắn biết về điều này và đã bắt đầu thảo luận lại về nó khi họ thấy tin tức về cuộc khai quật. Cảnh sát đã thẩm vấn Hernandez, và hắn thú nhận rằng mình đã dụ Etan vào cửa hàng tạp hóa và bóp cổ cậu bé. Sau đó, hắn cho thi thể cậu bé vào một chiếc hộp và bỏ nó bên ngoài trong một đống rác cách đó vài dãy nhà.
Vụ án năm 2015 của Hernandez đã kết thúc bằng một phiên tòa xét xử lại, vì một thành viên bồi thẩm đoàn không tin rằng hắn có tội. Bồi thẩm viên này lo ngại rằng, như bên bào chữa đã lập luận, Hernandez bị bệnh tâm thần và cảnh sát có thể đã ép buộc hắn phải thú tội gian dối. Tại phiên tòa tiếp theo vào năm 2017, Hernandez bị kết tội và bị kết án 25 năm tù chung thân tại nhà tù liên bang.