Thấy gì từ vai trò ngoại giao nổi bật của “Đệ nhất Phu nhân” Việt Nam?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Bà Ngô Phương Ly, phu nhân của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, đang nhanh chóng nổi lên như một nhân vật nổi bật trong các hoạt động ngoại giao quốc tế của Việt Nam. Bà tháp tùng ông Tô Lâm trong hầu hết các chuyến thăm nước ngoài và tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài tới công du Việt Nam. Thông qua việc thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa và xã hội với phu nhân lãnh đạo các nước, bà đã mở rộng phạm vi tiếp cận ngoại giao của Việt Nam và nâng cao hình ảnh công chúng của ông Tô Lâm, qua đó góp phần vào vị thế chính trị của ông.

Ví dụ, trong chuyến thăm Singapore của ông Tô Lâm hồi tháng 3, bà Ly đã tham gia thảo luận về các vấn đề văn hóa với bà Loo Tze Lui, phu nhân của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, đồng thời chứng kiến ​​lễ ký một bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện Yong Siew Toh của Singapore. Gần đây hơn, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 5, bà Ly đã cùng bà Brigitte Macron tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Văn Miếu Quốc Tử Giám, chia sẻ với Đệ nhất Phu nhân Pháp về di sản văn hóa phong phú của Việt Nam.

Vai trò ngoại giao chủ động và nổi bật của bà Ly làm gợi nhớ đến vai trò của bà Bành Lệ Viên, phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã tích cực đóng góp vào chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông Tập. Nó cũng hoàn toàn khác với truyền thống hiện diện khá hạn chế của phu nhân các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đây. Ví dụ, bà Ngô Thị Mận, phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiếm khi thấy xuất hiện tại các sự kiện công cộng. Phu nhân của các nhà lãnh đạo khác cũng đóng vai trò rất hạn chế trong lĩnh vực ngoại giao, với những đóng góp của họ, nếu có, phần lớn không được chú ý. Điều này một phần phản ánh truyền thống gia trưởng bảo thủ của văn hóa chính trị Việt Nam, vốn có xu hướng đẩy phu nhân các nhà lãnh đạo ra phía sau cánh gà.

Không giống như Hoa Kỳ và các nước Khối thịnh vượng chung khác, Việt Nam không có truyền thống có “đệ nhất phu nhân”. Nhưng bà Ly có thể được coi là đang đóng một vai trò tương tự như vậy. Bà Ly đã có thể tạo ra một vai trò ảnh hưởng cho chính mình, một phần dựa vào nền tảng xuất thân đặc biệt của mình. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nổi tiếng, bà được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường văn hóa – nghệ thuật. Người cha quá cố của bà, NSND Ngô Mạnh Lân, là một đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng, còn mẹ bà, bà Phan Ngọc Lan, là một nữ diễn viên thành công. Chị gái của bà Ly, Ngô Phương Lan, là một nhà phê bình phim và từng giữ chức cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin. Bản thân bà Ly cũng là một trưởng phòng văn hóa nghệ thuật tại Đài Truyền hình Việt Nam, một vai trò giúp trang bị cho bà các hiểu biết chuyên môn để tham gia vào hoạt động ngoại giao văn hóa. Một cách tự nhiên, nền tảng này đã giúp bà chuẩn bị sẵn sàng tham gia các tương tác cấp cao liên quan đến nghệ thuật và văn hóa. Nó cũng cho phép bà kết nối với các đối tác quốc tế theo những cách thức phù hợp với các khát vọng về ngoại giao và sức mạnh mềm của Việt Nam.

Vai trò ngoại giao nổi bật của bà Ly cũng là kết quả đến từ ý định có chủ đích. Các báo cáo không chính thức nói rằng trong các chuyến công du nước ngoài, bà thường bày tỏ với các nhà ngoại giao Việt Nam mong muốn đóng góp thực chất vào nội dung chương trình làm việc chính thức của TBT Tô Lâm, không muốn đóng vai trò thụ động của một “bình hoa di động”. Sự tự tin và nổi bật của bà trong các bối cảnh như vậy không chỉ nâng tầm ngoại giao văn hóa của Việt Nam mà còn đóng vai trò là một tài sản chiến lược đối với ông Tô Lâm, người có hình ảnh công chúng được định hình chủ yếu bởi gốc gác công an của ông.

Là một vị tướng bốn sao giữ chức bộ trưởng công an giai đoạn từ 2016 đến 2024, danh tiếng của ông Tô Lâm được định hình chủ yếu trong bộ máy công an Việt Nam và chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt do người tiền nhiệm của ông, cố TBT Nguyễn Phú Trọng, khởi xướng. Chiến dịch này, nơi ông Tô Lâm là người triển khai chủ chốt, nhắm vào các quan chức cấp cao, bao gồm cả các đối thủ chính trị của ông, vì thế tạo nên cảm nhận về ông như một nhà lãnh đạo đáng gờm và đáng sợ. Quá trình củng cố quyền lực sau đó chứng kiến việc bổ nhiệm các đồng minh thân cận của ông từ lực lượng công an và đồng hương Hưng Yên vào các vị trí chủ chốt. Điều này càng củng cố thêm nhận thức của công chúng rằng ông có ý định cầm quyền lâu dài và cứng rắn.

Để làm dịu hình ảnh công chúng và thúc đẩy uy tín chính trị của mình, ông đã theo đuổi một chiến lược gồm hai mũi tên chính. Trong nước, ông thúc đẩy một chương trình nghị sự theo hướng cải cách, bao gồm tinh gọn bộ máy hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn và các chính sách như miễn học phí và đề xuất tiến tới miễn viện phí. Những sáng kiến này ​​giúp tạo dựng cho ông hình ảnh một nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách, cam kết vì sự phát triển của Việt Nam cũng như phúc lợi của người dân. Trên trường quốc tế, ông áp dụng một chính sách đối ngoại cân bằng, tăng cường quan hệ với các nước phương Tây trong khi vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Trung Quốc và Nga. Cách tiếp cận này xoa dịu các quan ngại rằng gốc gác an ninh của ông có thể khiến Việt Nam nghiêng về các đối tác chuyên chế nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, sự hiện diện thanh lịch và năng động của bà Ly trước công chúng giúp làm dịu hình ảnh của ông Tô Lâm và thể hiện ông như một nhà lãnh đạo hiện đại và dễ gần. Điều này cũng mang ý nghĩa biểu tượng trong bối cảnh nền chính trị vẫn nặng tính gia trưởng của Việt Nam. Bằng cách tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao, bà thể hiện một hình ảnh Việt Nam hiện đại và tiến bộ về giới, phần nào thách thức các chuẩn mực đã được thiết lập từ lâu vốn có xu hướng hạn chế sự hiện diện của phu nhân các lãnh đạo. Không giống như những người tiền nhiệm vốn hiếm khi để vợ tham gia vào các nhiệm vụ chính thức, việc ông Tô Lâm dường như cảm thấy thoải mái với vai trò nổi bật của bà Ly cho thấy một sự đón nhận mang tính chiến lược đối với một vai trò như vậy. Thần thái điềm tĩnh và sự am hiểu văn hóa của bà Ly giúp tạo dựng cho ông hình ảnh một nhà lãnh đạo giàu nhân tính, tình cảm, với một gia đình hạnh phúc và một hậu phương vững chắc. Điều này, đến lượt nó, lại làm tăng thêm sự cuốn hút của ông trên trường quốc tế lẫn trong nước.

Điều này có thể có ý nghĩa quan trọng khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2026, đang đến gần, nơi ông Tô Lâm dự kiến sẽ giành thêm một nhiệm kỳ nữa với tư cách là Tổng Bí thư Đảng. Việc làm mềm hóa hình ảnh của ông thông qua những đóng góp ngoại giao của bà Ly giúp ông có được tính chính danh và sự ủng hộ lớn hơn từ người dân. Điều này có thể là một yếu tố quan trọng giúp ông củng cố quyền lãnh đạo của mình trong năm năm tới, hoặc có thể lâu hơn.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg, ngày 02/07/2025.

Hình: Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân rời Hà Nội, lên đường thăm Indonesia, Ban Thư ký ASEAN, tháng 3/2025. Nguồn:  TTXVN