15/07/1979: Jimmy Carter phát biểu về “khủng hoảng niềm tin” quốc gia 

Nguồn: Jimmy Carter speaks about a national “crisis of confidence”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình quốc gia để nói về cuộc khủng hoảng năng lượng và suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Trước khi đi sâu vào chính sách năng lượng, Carter đã giải thích lý do ông tin rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong khủng hoảng. Ông kể lại một cuộc họp mà ông đã chủ trì tại khu nghỉ dưỡng của tổng thống ở Trại David, Maryland, với các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh, lao động, giáo dục, chính trị, và tôn giáo. Dù khủng hoảng năng lượng và suy thoái kinh tế vẫn là chủ đề chính của cuộc trò chuyện, nhưng Carter cũng nghe những người tham dự nói rằng người Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đạo đức và tinh thần sâu rộng hơn. Ông kết luận rằng sự thiếu “niềm tin đạo đức và tinh thần” này là cốt lõi khiến nước Mỹ không thể thoát khỏi những khó khăn kinh tế. Ông cũng thừa nhận rằng một phần nguyên nhân là do ông đã không thể trở thành lãnh đạo mạnh mẽ trong nhiều vấn đề, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng và dầu mỏ.

Sang năm 1979, nước Mỹ vẫn có thể cảm nhận được ảnh hưởng từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC cắt giảm sản lượng dầu hồi năm 1973. Carter trích dẫn lời một người tham dự cuộc họp tại Trại David rằng “cái cổ của nước Mỹ đang bị kẹt trên hàng rào, còn OPEC đang cầm dao.” Thêm vào đó, lạm phát đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong nhiệm kỳ của Carter. Người Mỹ xem chính phủ liên bang là một bộ máy cồng kềnh, trì trệ, và không phục vụ người dân hiệu quả. Carter nói rằng chính trị là nơi đầy rẫy tham nhũng, kém hiệu quả, và né tránh; ông tuyên bố những vấn đề này phát sinh từ một “mối đe dọa cơ bản hơn đối với nền dân chủ Mỹ.” Tuy nhiên, điều ông đề cập đến không phải là những thách thức đối với các quyền tự do dân sự, cấu trúc chính trị, hay sức mạnh quân sự của đất nước, mà là cái mà ông gọi là “khủng hoảng niềm tin” dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong nước và “sự mất đi mục đích thống nhất cho đất nước của chúng ta.”

Vào thời điểm châu Âu và Nhật Bản bắt đầu vượt qua Mỹ về sản xuất xe hơi tiết kiệm năng lượng và một số công nghệ tiên tiến khác, Carter nói rằng người Mỹ đã mất niềm tin vào việc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về “tiến bộ.” Ông cho rằng nỗi ám ảnh của người Mỹ đối với việc nuông chiều bản thân và của cải vật chất đã lấn át các giá trị tinh thần và cộng đồng. Carter, người sau khi rời nhiệm sở sẽ đến dạy giáo lý ở Trường Chúa Nhật, đã cố gắng kêu gọi công chúng tin tưởng vào tương lai của đất nước. Ông cho rằng, sau khi khôi phục niềm tin vào chính mình, nước Mỹ sẽ có thể tiến vào “chiến trường năng lượng nơi chúng ta có thể giành lại cho đất nước một niềm tin mới, và có thể giành lại quyền kiểm soát vận mệnh chung của mình.”

Sau đó, Carter bắt đầu trình bày các kế hoạch chính sách năng lượng của mình, bao gồm việc thực hiện các nỗ lực bảo tồn năng lượng bắt buộc đối với cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm mạnh sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ nước ngoài thông qua hạn ngạch nhập khẩu. Ông cũng nhắc đến “cam kết lớn về ngân sách và nguồn lực” để phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế, bao gồm than, sản phẩm thực vật, và năng lượng mặt trời. Ông trình bày khái quát về việc thành lập một “ngân hàng năng lượng mặt trời” mà ông tin rằng cuối cùng sẽ cung cấp 20% năng lượng của quốc gia. Để khởi động chương trình này, Carter yêu cầu Quốc hội thành lập một “ban huy động năng lượng” theo mô hình của Ban Sản xuất Thời chiến trong Thế chiến II, và yêu cầu cơ quan lập pháp ngay lập tức ban hành một loại “thuế lợi nhuận bất thường” để chống lạm phát và thất nghiệp.

Carter kết thúc bài phát biểu bằng cách yêu cầu ý kiến đóng góp từ người dân bình thường, để giúp ông xây dựng chương trình nghị sự về năng lượng cho những năm 1980. Carter, một tổng thống theo chủ nghĩa tự do, khi đó đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống đúng vào lúc làn sóng bảo thủ trỗi dậy, được dẫn đầu bởi ứng viên tổng thống đầy triển vọng Ronald Reagan, người sau đó đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1980.