#147 – Quái vật đảo Jekyll (Ch.2): Nghiệp vụ ngân hàng chuyển lỗ sang người đóng thuế

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “The Name of the Game is Bailout”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 2.

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thành Trung

Bài liên quan: Quái vật đảo Jekyll (Chương 1)

CHƯƠNG 2: TÊN CỦA TRÒ CHƠI LÀ GIẢI CỨU

Nội dung chính: Hình ảnh khán giả đang dự khán một sự kiện thể thao là một cách so sánh để giải thích những quy tắc mà theo đó người đóng thuế phải chịu chi phí cho việc giải cứu các ngân hàng khi các khoản cho vay trở thành nợ xấu.

Chương trước đề cập rằng nhóm họp ở đảo Jekyll vốn thai nghén ra Hệ thống Dự trữ Liên bang thực chất đã tạo ra một cartel quốc gia bị khống chế bởi các ngân hàng lớn. Chương cũng đề cập rằng mục tiêu chính của nhóm cartel này là kéo chính phủ liên bang liên đới với tư cách là một thực thể để chuyển những món lỗ không thể tránh khỏi từ chủ những ngân hàng này sang người đóng thuế. Dĩ nhiên đây chỉ là một trong những khẳng định đầy tranh cãi trong cuốn sách này. Tuy nhiên, có ít cơ hội cho một cách giải thích khác khi chúng ta bắt gặp số lượng lớn chứng cứ trong lịch sử từ khi Hệ thống này được thành lập. Do đó, chúng ta hãy nhảy tiếp một bước nhảy xuyên thời gian khác để xem xét vấn đề. Chúng ta đã lùi về năm 1910 để bắt đầu câu chuyện này, bây giờ chúng ta hãy quay về kỷ nguyên hiện tại.

Để hiểu được bằng cách nào những khoản lỗ của ngân hàng được dịch chuyển sang cho người đóng thuế, đầu tiên chúng ta nên biết một chút về cách kế hoạch này được thiết kế để hoạt động như thế nào. Cần phải hiểu rõ một số quy trình và công thức, chứ nếu không thì toàn bộ quá trình này giống như một sự hỗn loạn. Việc này giống như chúng ta cô lập cuộc đời mình ở một hòn đảo ở Biển Nam và hoàn toàn không có kiến thức nào về thế giới xung quanh. Hãy tưởng tượng rằng nó sẽ giống như lúc chúng ta lần đầu tiên quay trở lại đất liền và đi xem một trận đấu bóng đá Mỹ (football) chuyên nghiệp. Chúng ta sẽ nhìn chằm chằm không thể nào tin được vào những cầu thủ ăn mặc như người ngoài hành tinh; lăn xả vào nhau; ném tới lui một vật hình dáng ngộ nghĩnh; tranh giành nó như thể nó có một giá trị vô cùng lớn, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng đá ra ngoài đường biên như thể là nó là đồ vô giá trị và đáng khinh khi; xô đuổi nhau, tông ngã nhau và sau đó quay trở lại tập trung cho một đợt tranh giành khác; tất cả những điều này xảy ra với hàng chục ngàn khán giả phấn khích đồng thanh hò hét nhịp nhàng dường như  không vì lý do gì cả. Nếu không hiểu điều cơ bản rằng đây là một trận đấu và không biết qui tắc luật lệ của trò chơi, trận đấu này sẽ trở nên giống như một thứ đầy hỗn loạn và điên rồ.

Hoạt động của hệ thống tiền tệ của chúng ta thông qua Cục Dự trữ Liên bang có nhiều điểm chung với bóng đá Mỹ chuyên nghiệp. Trước hết, một số hoạt động được lặp đi lặp lại nhiều lần mà chỉ có thay đổi chút xíu để phù hợp với các hoàn cảnh đặc biệt. Thứ hai, có một số qui tắc xác định mà người chơi phải tuân theo với độ chính xác rất cao. Thứ ba, có một mục tiêu rõ ràng mà người chơi luôn đặt vị trí cao nhất trong tâm trí. Thứ tư, nếu người xem không quen thuộc với mục tiêu đó, và không hiểu luật chơi, họ sẽ chẳng bao giờ hiểu chuyện gì đang xảy ra. Điều này, khi nói tới vấn đề tiền bạc, là tình trạng chung của đại đa số người Mỹ hiện nay.

Do đó chúng tôi cố gắng trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản về việc mục tiêu là gì và người chơi mong đợi đạt được mục tiêu như thế nào. Để giải thích tường minh quá trình này, chúng tôi trước hết sẽ trình bày phần tổng quan. Sau khi các khái niệm được làm rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục bằng các ví dụ được rút ra từ quá khứ gần đây.

Tên của trò chơi là Giải cứu. Như được trình bày ở phần trước, mục tiêu của trò chơi này là chuyển món lỗ không thể tránh khỏi từ chủ những nhà băng lớn sang cho người đóng thuế. Phương thức nó đươc thực hiện như sau:

Luật chơi

Trò chơi bắt đầu khi Hệ thống Dự trữ Liên bang cho phép các ngân hàng thương mại phát hành tiền dưới hình thức sổ séc (chequebook) mà không cần gì cả (từ con số không). (Chi tiết về cách chiến tích không thể tin được này được thực hiện như thế này sẽ được đề cập trong Chương 10 có tựa đề Cơ chế Mandrake). Nhà băng có lợi nhuận từ đồng tiền dễ dàng như thế này, nhưng không phải bằng cách tiêu xài nó, mà bằng cách cho người khác vay và thu tiền lãi.

Khi món vay như vậy được thể hiện trên sổ sách ngân hàng, nó được ghi là tài sản bởi vì nó tạo ra tiền lãi và, được coi là, vào một ngày nào sẽ được thanh toán lại. Cùng lúc đó một mục tương đương được ghi vào phần nợ trong sổ cái kế toán bởi vì séc tiền mặt vừa được phát hành bây giờ đang được lưu hành, và hầu hết chúng rốt cuộc sẽ tới tay các ngân hàng khác rồi những ngân hàng này sẽ trả lại séc đã thanh toán (séc này đã được rút tiền và không còn giá trị thanh thoán, nên nó được dùng làm bằng chứng cho việc trả tiền rồi – ND) cho ngân hàng phát hành để được thanh toán lại. Các cá nhân cũng có thể mang séc tới ngân hàng phát hành và đổi sang tiền mặt. Do đó, ngân hàng phát hành có nghĩa vụ thanh toán nợ tiềm năng tương đương với tài sản cho vay.

Khi một người vay không thể trả nợ và không có tài sản để có thể bồi thường, ngân hàng phải xóa món nợ đó thành món lỗ. Tuy nhiên, bởi vì hầu hết tiền ban đầu được tạo ra từ con số không và nhà băng không tốn chi phí gì ngoại trừ chi phí quản lý số sách cho nên không có giá trị hữu hình bị mất. Nó chủ yếu chỉ là một mục trong sổ sách.

Một món lỗ trên sổ sách kế toán vẫn có thể được coi là điều không mong muốn đối với ngân hàng bởi vì nó làm cho món vay được ghi trong mục tài sản trong sổ cái phải bị xóa đi trong khi phần nợ vẫn giữ nguyên. Sự sai biệt này phải được bù đắp bằng vốn cổ phần của những đồng sở hữu ngân hàng. Nói cách khác, tài sản cho vay bị xóa, nhưng phần nợ thì y nguyên. Tiền mặt dưới dạng séc gốc vẫn đang lưu hành ngoài thị trường mặc dù người vay không thể trả nợ nhưng ngân hàng phát hành vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán những séc này. Cách duy nhất để làm điều này và cân bằng sổ sách một lần nữa là thu hút vốn đầu tư từ những cổ đông của ngân hàng hay khấu trừ phần lỗ bằng lợi nhuận hiện thời của ngân hàng. Dù bằng cách nào trong hai cách trên thì những đồng sở hữu ngân hàng mất một khoản tương đương với giá trị của món cho vay không được trả. Vì vậy, đối với họ, món lỗ trở nên rất thật.  Nếu ngân hàng bị buộc phải xóa một số lượng lớn món nợ xấu, số nợ có thể vượt qua toàn bộ giá trị của vốn cổ phần của các đồng sở hữu. Khi điều đó xảy ra, trò chơi kết thúc, và ngân hàng bị vỡ nợ (phá sản).

Mối lo ngại này đủ để thúc đẩy hầu hết các chủ ngân hàng thận trọng trong chính sách cho vay, và thực tế là hầu hết cực kỳ thận trọng khi giao dịch với các cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ. Nhưng Hệ thống Dự trữ Liên bang, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), và Công ty Vay Ký thác Liên Bang bây giờ bảo đảm rằng các khoản cho vay khổng lồ cho các công ty lớn và các chính phủ khác sẽ không còn do các đồng sở hữu ngân hàng chịu hoàn toàn nếu các khoản vay bị vỡ nợ. Điều này được thực hiện với lập luận rằng nếu những công ty hay ngân hàng này được cho phép phá sản, đất nước chúng ta sẽ chịu thất nghiệp hàng loạt và kinh tế hỗn loạn. Điều này sẽ được giải thích thêm trong chốc lát nữa.

Trờ chơi nợ-vĩnh-viễn

Kết quả cuối cùng của chính sách này là các nhà băng có rất ít động cơ để thận trọng và họ được bảo vệ khỏi phải chịu hậu quả do sự điên rồ của họ. Món cho vay càng lớn thì càng tốt, bởi vì nó sẽ tạo ra lợi nhuận tốt nhất với ít công sức nhất. Một khoản cho một quốc gia thuộc thế giới thứ ba vay mang lại hàng trăm triệu đô-la tiền lãi hàng năm thì qui trình cũng dễ dàng như – nếu không nói là dễ hơn – khoản vay 50.000 đô-la cho một thương nhân địa phương kinh doanh ở khu mua sắm. Nếu tiền lãi được trả, đó là thời gian thành công. Nếu khoản cho vay bị vỡ nợ, chính phủ liên bang sẽ “bảo vệ người dân” và, thông qua các cơ chế khác nhau được miêu tả ngắn gọn, sẽ bảo đảm các ngân hàng tiếp tục nhận được tiền lãi của họ.

Các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ thấy càng ngày càng khó để vay tiền ở lãi suất hợp lý, bởi vì ngân hàng có thể kiếm nhiều tiền hơn khi cho các tập đoàn khổng lồ và các chính phủ nước ngoài vay. Ngoài ra, các khoản cho vay lớn hơn cũng an toàn hơn đối với ngân hàng, bởi vì chính phủ sẽ bảo lãnh khi chúng bị vỡ nợ. Không có những cam kết như vậy đối với các khoản cho vay nhỏ. Công chúng sẽ không nuốt trôi lập luận rằng giải cứu “người tí hon” là cần thiết để cứu hệ thống. Số tiền quá nhỏ. Chỉ khi con số trở nên gây choáng váng thì mánh khóe này mới trở nên chính đáng.

Cần nhớ rằng các ngân hàng không thật sự muốn các khoản cho vay được tất toán, trừ khi có bằng chứng về tính thiếu tin cậy của người vay. Họ kiếm lợi nhuận từ tiền lãi trên khoản cho vay, không phải từ việc khoản vay được trả vốn. Nếu khoản vay được trả hết, ngân hàng phải kiếm một người vay khác, và đó có thể là điều phiền phức gây tốn kém. Sẽ tốt hơn nhiều khi người vay hiện thời chỉ trả lãi suất và chẳng bao giờ thanh toán khoản vốn vay. Quá trình đó gọi là đảo nợ. Một trong những lý do các ngân hàng thích cho các chính phủ vay là việc họ không mong đợi các khoản vay này được trả hết vốn vay. Khi Walter Wriston còn là chủ tịch Ngân hàng Citicorp vào năm 1982, ông ta tán dương ưu điểm của việc này:

Nếu chúng ta có một đạo luật trung-thực-trong-chính phủ ở mức tương tự như luật trung-thực-trong-quảng-cáo, thì mỗi đồng tiền phát hành bởi Bộ Tài chính sẽ bắt buộc có thêm câu sau đây: “Tờ tiền này sẽ được thanh toán bằng doanh thu có được từ một tờ tiền y hệt được phát hành cho công chúng khi tờ tiền này tới hạn.”

Khi hành động này được thực hiện ở Hoa Kỳ, đều đặn hàng tuần, thì nó được miêu tả là đấu giá tín phiếu kho bạc (ngắn hạn). Nhưng khi một qui trình giống như vậy về mặt cơ bản được thực hiện ở nước ngoài thì truyền thông của chúng ta thường đưa tin quốc gia đó “đảo nợ”, dẫn tới nhận thức cho rằng một tai họa nào đó là không thể tránh khỏi. Không phải như vậy.

Để hiểu tại sao, cần phải hiểu các dữ kiện cơ bản của việc chính phủ vay tiền. Điều đầu tiên là có ít trường hợp được ghi nhận lại trong lịch sử là chính phủ – bất kỳ chính phủ nào – thật sự thoát khỏi nợ. Dĩ nhiên trong thời đại thâm hụt ngân sách tới hàng trăm tỷ đô-la, thì không ai cho chính phủ vay tiền bằng cách mua tín phiếu kho bạc lại mong đợi nó được thanh toán khi đến hạn, trừ khi Chính phủ của chúng ta bán một trái phiếu mới có giá trị tương đương.[1]

Trò chơi đảo nợ

Bởi vì hệ thống tạo điều kiện cho ngân hàng kiếm lợi nhuận từ việc cho vay lớn và không lành mạnh, đó cũng chính là loại khoản cho vay mà ngân hàng muốn thực hiện. Hơn nữa, không khó dự đoán khi hầu hết các khoản cho vay không lành mạnh rốt cuộc sẽ bị vỡ nợ. Khi người vay cuối cùng thông báo rằng anh ta không thể thanh toán, ngân hàng phản ứng bằng cách cho đảo nợ (cho đảo một khoản nợ là việc cho người vay vay một khoản nợ mới để trả cho nợ cũ đã đến hạn hoặc chưa đến hạn nhưng người vay muốn rút ra khỏi hợp đồng vay cũ –ND). Điều này thường được dàn dựng như là một sự nhượng bộ từ phía ngân hàng nhưng, trong thực tế, nó là một bước tiến đáng kể tới mục tiêu lãi suất vĩnh viễn.

Cuối cùng thì người vay cũng phải tới thời điểm anh ta không còn có thể trả thậm chí lãi suất. Bây giờ thì trò chơi trở nên phức tạp hơn. Ngân hàng không muốn mất tiền lãi suất, bởi vì nó là nguồn thu nhập của họ. Nhưng họ cũng không muốn người vay bị vỡ nợ, bởi vì điều đó sẽ yêu cầu phải xóa nợ, rồi đến lượt cũng xóa sạch phần vốn của các cổ đông ngân hàng, và ngân hàng cũng vỡ nợ. Chính vì vậy, bước kế tiếp của ngân hàng là tạo thêm tiền từ con số không và cho người vay mượn số tiền đó để anh ta tiếp tục có đủ tiền để trả lãi suất, mà vào lúc này bao gồm khoản vay ban đầu cộng với khoản vay thêm. Giống như một bàn thua chắc chắn xảy ra đột nhiên được biến thành một bàn thắng quan trọng nhờ vào một trò chơi sáng suốt. Điều này không những duy trì món nợ cũ trên sổ sách như mục tài sản cho ngân hàng, nó cũng thật sự tăng qui mô tài sản và kết quả là các khoản thanh toán lãi suất cao hơn, và do đó, lợi nhuận tốt hơn cho ngân hàng.

Trò chơi tăng-thêm-tiền

Sớm hay muộn thì người vay cũng trở nên mệt mỏi. Anh ta không còn thích thú với các khoản thanh toán lãi suất mà không còn lại chút gì cho chính mình. Anh ta cũng đến lúc nhận ra là anh ta chỉ kiếm tiền cho ngân hàng, và một lần nữa, anh ta chấm dứt trả tiền lãi. Các nhóm ở phía bên kia chạy nháo nhào để hoạch định bước kế tiếp, và sau đó đổ xô tới lằn ranh ngăn chia hai đội (đây là một đường ngang tưởng tượng trong bóng đá Mỹ mà một đội không thể vượt qua cho đến khi trọng tài thổi còi bắt đầu – ND) để ném những lời nhục mạ đe dọa vào mặt nhau. Người vay đơn giản là không thể, và sẽ không thanh toán. Hãy thu tiền nếu có thể. Người cho vay đe dọa lại người vay, muốn chắc chắn rằng anh ta sẽ không bao giờ có thể vay tiền được nữa. Cuối cùng, một “thỏa thuận” được vạch ra. Như trước đó, ngân hàng đồng ý tạo thêm tiền từ con số không và cho vay số tiền đó để người vay có thể trả tiền lãi suất của hai khoản vay trước đó, nhưng lúc này, ngân hàng tăng thêm để cung cấp tiền cho người vay chi tiêu các khoản khác ngoài lãi suất. Đây là bàn thắng tuyệt vời. Người vay đột nhiên có nguồn cung cấp tiền mới cho mục đích của anh ta cộng với đủ để trả các khoản thanh toán lãi đầy phiền phức. Mặt khác, ngân hàng bây giờ vẫn có tài sản lớn hơn, thu nhập lãi suất cao hơn, và lợi nhuận lớn hơn. Thật là một trò chơi thú vị!

Trò chơi gia hạn nợ

Trò chơi trước có thể được lặp lại vài lần cho đến khi thực tế cuối cùng cũng làm người vay tỉnh giấc là anh ta ngày càng lún sâu vào hố nợ mà không có hy vọng nào có thể thoát ra được. Thực tế này thường xuất hiện khi tiền lãi suất trở nên quá lớn đến nỗi chúng chiếm hầu như thu nhập toàn bộ của công ty hay toàn bộ cơ sở thuế của quốc gia. Tới thời điểm thì việc đảo nợ bị từ chối, và vỡ nợ là không thể tránh khỏi.

Nhưng hượm đã. Gì vậy? Các cầu thủ hai bên quay lại đường chia ngăn hai đội. Có một cuộc đối đầu lớn. Các trọng tài được triệu tập. Hai hồi còi lanh lảnh báo cho chúng ta biết một bàn thắng được ghi cho cả hai bên. Một giọng nói trên hệ thống thông báo cho công chúng tuyên bố: “Món nợ này đã được gia hạn.”

Gia hạn nợ thường mang ý nghĩa là một sự kết hợp của tỷ lệ lãi suất thấp với thời gian dài hơn cho việc trả nợ. Hiệu quả thì chủ yếu mang tính bề mặt. Nó giúp giảm khoản thanh toán hàng tháng nhưng lại kéo dài thời hạn vào tương lai. Điều này có nghĩa là làm cho gánh nặng hiện thời của người vay nhẹ đi một chút nhưng cũng làm cho việc trả hết nợ càng trở nên khó xảy ra hơn. Nó trì hoãn ngày thanh toán, nhưng trong lúc đó, bạn đã đoán ra được: khoản cho vay vẫn là tài sản, và việc trả lãi suất vẫn tiếp tục.

Trò chơi bảo-vệ-công-chúng

Cuối cùng ngày thanh toán đã đến. Người vay nhận ra anh ta không bao giờ có thể trả được vốn và thẳng thừng từ chối trả tiền lãi suất trên số vốn vay đó. Thời điểm cho Hành động Cuối cùng đã đến.

Theo tạp chí Banking Safety Digest chuyên nghiên cứu xếp hạng độ an toàn của các ngân hàng Mỹ và các hiệp hội Tiết kiệm và Cho vay (S&L), hầu hết ngân hàng liên quan đến “các khoản cho vay có vấn đề” là các doanh nghiệp làm ăn có lãi:

Lưu ý rằng ngoại trừ các khoản vay cho các nước thuộc thế giới thứ ba, hầu hết các ngân hàng lớn trong nước Mỹ đang hoạt động có lợi nhuận khá tốt. Trái ngược với khủng hoảng Tiết kiệm và Cho vay (sự sụp đổ hoàng loạt các quỹ tín dụng ở Hoa Kỳ trong nửa cuối thập niên 1980 – ND) liên tục ngày càng tệ, lợi nhuận của các ngân hàng là phương tiện mà họ dùng để bù đắp các món nợ ở nước ngoài (mặc dù chậm)…. Ở mức độ lợi nhuận năm ngoái, ngành ngân hàng, theo lý thuyết, có thể “mua đứt” toàn bộ các khoản cho vay ở châu Mĩ Latinh trong vài hai năm.[2]

Các ngân hàng có thể hấp thụ các khoản lỗ do các món nợ xấu cho các công ty đa quốc gia và các chính phủ nước ngoài vay, nhưng điều đó không đúng theo qui tắc. Nó sẽ là món lỗ lớn đối với các cổ đông, những người sẽ nhận rất ít hoặc không nhận cổ tức trong thời gian điều chỉnh, và bất kỳ tổng giám đốc nào đi vào con đường này thì sẽ phải nhanh chóng kiếm công việc khác. Việc điều này không phải là một phần của kế hoạch trò chơi được thể hiện rõ ràng qua thực tế rằng trong khi một phần nhỏ món nợ của các nước châu Mỹ Latinh đã được hấp thụ, các ngân hàng vẫn tiếp tục cho các chính phủ ở các khu vực khác trên thế giới vay những món nợ khổng lồ, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Quốc, Nga, và các quốc gia Đông Âu. Vì các lý do sẽ được phân tích ở Chương 4, có rất ít hy vọng là các khoản cho vay này sẽ khác những khoản cho vay ở châu Mỹ Latinh. Nhưng lý do quan trọng nhất cho việc không hấp thụ các khoản lỗ là do có một trò chơi tiêu chuẩn có thể hà hơi tiếp sức cho những khoản vay đã chết và tái sinh nguồn thu nhập dồi dào từ chúng.

Cách nó hoạt động như sau. Đội trưởng của hai đội tiến tới trọng tài và Trưởng Ban Tổ chức Giải để yêu cầu kéo dài trận đấu. Lý do được nêu ra là vì lợi ích của công chúng, khán giả đang có những giây phút tuyệt vời và họ sẽ buồn khi thấy trận đấu kết thúc. Hai đội trưởng cũng yêu cầu trong khi khán giả đang trong sân vận động thưởng thức trận đấu, nhân viên bãi đậu xe được ra lệnh yên lặng gỡ các nắp vành bánh xe hơi. Mấy món này có thể được bán để cung cấp thêm tiền lương cho tất cả các cầu thủ, bao gồm cả trọng tài, và đương nhiên, bao gồm cả chính Trưởng Ban Tổ chức. Điều này là công bằng bởi vì họ đang làm thêm giờ vì lợi ích của khán giả. Khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, trọng tài sẽ thổi còi ba lần và một tràng reo hò nhẹ nhõm vui vẻ từ khán giả tràn khắp sân.

Theo cách khó nhận ra hơn thì trò chơi có thể giống như thế này: chủ tịch ngân hàng và điều hành tài chính của công ty hay chính phủ bị vỡ nợ sẽ cùng nhau làm việc và tiếp cận Quốc hội Mỹ. Họ sẽ giải thích là người vay đã mất khả năng chi trả món vay, và nếu không có trợ giúp từ chính phủ liên bang, thì người dân Mỹ sẽ chịu hậu quả nặng nề. Không chỉ là nạn thất nghiệp và khó khăn ở ngay nước Mỹ, mà còn là suy thoái tràn lan trên thị trường thế giới. Và, bởi vì chúng ta quá lệ thuộc vào những thị trường đó, xuất khẩu của chúng ta sẽ giảm, vốn đầu tư nước ngoài sẽ cạn, và chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề. Những gì cần làm là, theo họ, Quốc hội Mỹ bơm thêm tiền cho người vay, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, để cho phép anh ta tiếp tục trả lãi suất trên món vay và bắt đầu các chương trình chi tiêu mới mang lại lợi nhuận để anh ta có thể nhanh chóng trả nợ cho tất cả mọi người.

Như là một phần của đề nghị, người vay sẽ đồng ý chấp nhận hướng dẫn của một trọng tài bên thứ ba trong việc thực hiện chương trình khắc khổ (thắt lưng buộc bụng) để bảo đảm rằng không một đồng nào trong vụ bơm tiền mới bị tiêu xài lãng phí. Ngân hàng cũng sẽ đồng ý xóa một phần nhỏ nợ như là cử chỉ thiện ý của việc chia sẻ gánh nặng. Hành động này, dĩ nhiên, sẽ được tiên đoán từ đầu trò chơi, và chỉ là một bước lùi nhỏ để đạt được một bước tiến khổng lồ. Cuối cùng, số tiền bị mất do xóa nợ được tạo ra từ con số không vào lúc đầu, và nếu không có Thao tác Cuối cùng này, toàn bộ món nợ sẽ bị xóa. Hơn nữa, việc giảm nợ khiêm tốn này quá nhỏ bé so với món tiền kiếm được lớn hơn nhiều thông qua tái tạo lại nguồn thu nhập.

Trò chơi bảo lãnh thanh toán

Phồn vinh thông qua phá sản

Trò chơi công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC)

Bảo hiểm thật sự sẽ là một điềm lành 

FDIC sẽ chẳng bao giờ được cấp đủ vốn

Tổng kết

Download phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll-Chuong 2.pdf

 


[1] Xem “Banking Against Disaster” bởi Walter B. Wriston, The New York Times, September 14, 1982.

[2] Xem “Overseas Lending … Trigger for A Severe Depression?” Tạp chí Banking Safety Digest (U.S. Business Publishing/Veribanc, Wakefield, Massachusettes), August, 1989, p. 3.