#152 – Quái vật đảo Jekyll (Ch.3): Các vụ giải cứu ngân hàng và công ty trong lịch sử Hoa Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “Protectors of the Public”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 3.

Biên dịch và Hiệu đính: Khương Dư Kim

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island

CHƯƠNG 3: NHỮNG NGƯỜI BẢO VỆ CÔNG CHÚNG

Nội dung chính: Trên thực tế, trò chơi Giải cứu đã được áp dụng với Penn Central, Lockheed, thành phố New York, Chrysler, Ngân hàng Commonwealth Bank of Detroit, Ngân hàng First Pennsylvania Bank, Continental Illinois; và bắt đầu từ năm 2008, hầu như tất cả các ngân hàng lớn, AIG, các công ty sản xuất ô tô, và thậm chí là ngân hàng của các quốc gia khác cũng được áp dụng trò chơi này.

Trong chương trước, ta đã lấy ví dụ so sánh với một trận đấu bóng để đơn giản hóa cách giải thích của các nhà khoa học chính trị và tiền tệ về việc giải cứu những ngân hàng thương mại hình thành nên cartel Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có thể khiến độc giả lầm tưởng rằng vấn đề này không mấy nghiêm trọng. Do đó, trong chương này ta hãy bỏ qua phép so sánh và cùng xem xét thực tế.
Sau khi đã nghiên cứu kỹ luật chơi, giờ là lúc chúng ta kiểm tra bảng điểm đánh giá của trò chơi này trên thực tế, và chúng ta sẽ nhận ra rằng vấn đề này không hề tầm thường chút nào.  Hãy cùng bắt đầu với quá trình giải cứu một nhóm các ngân hàng nắm giữ những khoản nợ khó đòi của Công ty Đường sắt Penn Central.

Penn Central

Penn Central là công ty đường sắt lớn nhất Hoa Kỳ với 96.000 nhân viên và tiền lương hàng tuần của nhân viên toàn công ty lên tới 20 triệu đô la Mỹ. Năm 1970, Penn Central trở thành vụ phá sản lớn nhất Hoa Kỳ. Công ty này đã vay nợ của hầu hết các ngân hàng chấp thuận cho họ vay, gồm có Chase Manhattan, Morgan Guaranty, Manufacturers Hanover, First National City, Chemical Bank, và Continental Illinois. Đổi lại, những ngân hàng kể trên được bổ nhiệm quan chức của mình vào ban giám đốc của Penn Central như một điều kiện cho vay, qua đó nắm quyền quản lý công ty đường sắt này. Các ngân hàng này cũng nắm giữ một lượng lớn cổ phần của Penn Central trong các phòng tín thác của mình. Dĩ nhiên những quan chức ngân hàng trong ban giám đốc đã biết trước những thông tin có khả năng ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu của Penn Central, rất lâu trước khi công chúng có cơ hội tiếp cận chúng. Trong cuốn sách Những ngày cuối của Câu lạc bộ (The Last Days of the Club), Chris Welles miêu tả những gì đã xảy ra như sau:

Ngày 21 tháng Năm, một tháng trước khi công ty đường sắt phá sản, David Bevan, giám đốc tài chính của Penn Central, đã bí mật thông báo với đại diện của các ngân hàng chủ nợ rằng tình hình tài chính của Penn Central nguy ngập đến nỗi họ buộc phải hoãn lại nỗ lực thu gom 100 triệu đô la Mỹ thông qua phát hành trái phiếu để bù đắp cho nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt trầm trọng. Bevan cũng cho biết, thay vì phát hành trái phiếu, công ty sẽ theo đuổi một khoản vay được bảo đảm bởi chính phủ. Nói cách khác, trừ khi được chính phủ liên bang bảo lãnh, công ty đường sắt sẽ phải đóng cửa. Ngày hôm sau, phòng tín thác của Chase Manhattan bán ra 134.300 cổ phiếu trong số cổ phiếu của Penn Central mà ngân hàng này đang nắm giữ. Trước ngày 28 tháng Năm, khi công chúng được thông báo về việc Penn Central hoãn phát hành trái phiếu, Chase đã kịp bán ra thêm 128.000 cổ phiếu nữa. Trong khi đó, David Rockefeller, chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này vẫn hùng hồn phủ nhận cáo buộc rằng Chase đã hành động dựa trên nguồn tin nội bộ.[1]

Hầu như toàn bộ các quyết định quản trị dẫn đến kết cục của Penn Central đều được đưa ra bởi, hoặc dựa trên sự đồng tình của ban giám đốc công ty, hay nói cách khác, chính là các ngân hàng chủ nợ của công ty. Các ngân hàng không thể đổ lỗi cho ban giám đốc yếu kém của Penn Central, bởi lẽ họ chính là ban giám đốc của Penn Central. Một cuộc điều tra do Wright Patman, Hạ nghị sĩ đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng và Tiền tệ của Hạ viện, tiến hành năm 1972 cho thấy những ngân hàng này đã cung cấp những khoản vay khổng lồ cho các dự án bành trướng tai hại của công ty đường sắt, sau đó lại tiếp tục cho vay hàng triệu đô la để họ trả cổ tức cho cổ đông. Điều này đã tạo nên vẻ ngoài thịnh vượng giả tạo và thổi phồng giá cổ phiếu của công ty trong thời gian đủ dài để công chúng mua vào không chút nghi ngờ. Từ đó, các quan chức ngân hàng đồng thời là giám đốc công ty đã xây dựng một mỏ vàng thu lợi nhuận cho bản thân mình theo ba cách: họ (1) vừa nhận cổ tức dựa trên những cổ phiếu vô giá trị, (2) vừa thu lãi suất trên những khoản vay dùng để chi trả chính những khoản cổ tức đó, và (3) vừa tống khứ được 1,8 triệu cổ phiếu – dĩ nhiên là sau khi đã hưởng cổ tức – với mức giá cao phi thực tế.[2] Bằng cách này, những giám đốc cấp cao của công ty đã bán sạch cổ phiếu của họ và thu lãi hơn 1 triệu đô la cho bản thân mình.[3]

Công chúng phải gánh chịu thiệt hại

Trong thư giải thích kèm theo bản báo cáo, Hạ nghị sĩ Patman đã tóm tắt quá trình này như sau:

Cứ như thể tất cả mọi người đều là thành viên của một câu lạc bộ khăng khít, trong đó Penn Central và các nhân viên trong công ty có thể tùy tiện vay nợ mà hầu như không gặp bất kỳ khó khăn gì, bất kể khoản vay đó phục vụ lợi ích chung của công ty hay lợi ích riêng của cá nhân. Trong khi đó, các quan chức ngân hàng trong ban giám đốc công ty làm ngơ trước những gì đang xảy ra, mặc cho ban giám đốc đẩy công ty đến bờ vực phá sản bằng cách đầu tư vào những hoạt động đáng ngờ và nhiều khi còn tham gia vào các hoạt động phi pháp. Đổi lại, những ngân hàng này kiểm soát hầu hết những nghiệp vụ ngân hàng béo bở của công ty. khi trò chơi còn tiếp diễn, những giao dịch này sẽ còn tiếp tục mang lại lợi ích cho mọi thành viên trong câu lạc bộ, trong khi mọi tổn thất sẽ do ngành đường sắt và công chúng gánh chịu.[4]

Đến một ngày cuối tuần, tình trạng thiếu tiền mặt của công ty trở nên nguy kịch, và để tránh cho tập đoàn phải đệ đơn xin phá sản vào sáng thứ Hai, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Arthur Burns đã gọi điện đến nhà từng người đứng đầu của từng ngân hàng trong Cục Dự trữ Liên bang trên khắp cả nước và yêu cầu họ ngay lập tức bày tỏ quan điểm sẵn sàng cứu trợ của Fed. Vào ngày Chủ nhật, William Treiber, phó chủ tịch thứ nhất chi nhánh New York của Fed, liên hệ với giám đốc mười ngân hàng lớn nhất New York và thông báo về việc Cửa sổ Chiết khấu (Discount Window – tức các khoản cho vay  có chiết khấu – NHĐ) của Fed sẽ mở rộng vào sáng hôm sau. Điều đó có nghĩa là Fed đã sẵn sàng tạo ra dòng tiền mới cho các ngân hàng thương mại vay để các ngân hàng này làm số tiền tăng lên nhiều lần và cho Penn Central vay lại.[5] Mức lãi suất của dòng vốn này đủ thấp để bù đắp rủi ro của khoản cho vay. Thứ Hai tuần tiếp đó, Burns khoác lác về những việc đã diễn ra: “Tôi đã buộc Ban giám đốc phải họp gần như cả ngày để thay đổi Quy định Q nhằm đưa tiền chảy vào các Chứng chỉ tiền gửi ở các ngân hàng.” Sự kiện này đã được Chris Welles đồng tình mô tả là “những thời khắc mà theo nhận xét chung là tươi đẹp nhất của Fed”.[6]

Dù là những thời khắc tươi đẹp nhất hay không, cuối cùng Quốc hội vẫn sẽ phải vào cuộc bởi lẽ các ngân hàng sẽ không tham gia trò chơi này nếu họ không được đảm bảo rằng người nộp thuế sẽ đồng ký chấp thuận khoản cho vay và bảo đảm thanh toán nó. Các giám đốc, quan chức ngân hàng, và đại diện nghiệp đoàn của Penn Central lũ lượt kéo đến ra sức giải thích sự cần thiết của ngành đường sắt đối với lợi ích của công chúng, tầng lớp nhân dân lao động, và cả nền kinh tế. Thậm chí Bộ Hải quân còn kêu gọi Quốc hội bảo vệ “nguồn lực quốc phòng” của quốc gia. Dĩ nhiên Quốc hội không thể nhẫn tâm phớt lờ những lời khẩn cầu này, và đã ra lệnh có hiệu lực hồi tố yêu cầu tăng lương cho toàn bộ thành viên nghiệp đoàn thêm 13,5%. Gánh nặng này càng làm trầm trọng thêm trình trạng khan hiếm tiền mặt của công ty đường sắt và đẩy công ty này lún sâu hơn vào hố sâu nợ nần. Nhưng ngay sau đó, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Dịch vụ Đường sắt Khẩn cấp năm 1970 cấp 125 triệu đô la kèm bảo lãnh thanh toán của chính phủ liên bang.[7]

Dù vậy, những biện pháp này đều không nhằm và cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản. Ai cũng biết rằng sớm muộn ngành đường sắt cũng sẽ được “quốc hữu hóa”, hay nói trắng ra là nó sẽ trở thành một hố đen ngốn sạch tiền thuế của người dân. Điều này đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Tập đoàn Vận tải Đường sắt Quốc gia (AMTRAK) năm 1971 và Tập đoàn Đường sắt Hợp nhất (CONRAIL) năm 1973. AMTRAK tiếp quản mảng dịch vụ vận tải hành khách của  Penn Central, còn CONRAIL phụ trách vận hành dịch vụ vận tải hàng hóa. CONRAIL là một tập đoàn tư nhân. Khi mới ra đời, 85% cổ phiếu của tập đoàn này thuộc quyền sở hữu của chính phủ. Số cổ phiếu còn lại do nhân viên tập đoàn sở hữu. Rất may là số cổ phiếu của chính phủ đã được chào bán ra công chúng vào năm 1987.

AMTRAK tiếp tục hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ và chịu thua lỗ. Tính đến năm 1998, Quốc hội đã chi cho AMTRAK 21 tỉ đô la. Đến năm 2002, tập đoàn này tiêu tốn hơn 200 triệu đô la tiền thuế mỗi năm. Năm 2005, tập đoàn yêu cầu tăng tiền trợ cấp lên mức 1,8 tỉ đô la một năm. Từ năm 1990 đến năm 2009, tập đoàn lại thua lỗ thêm 23 tỉ đô la nữa. Trái lại, CONRAIL liên tục có lãi kể từ khi được trả về cho bộ phận tư nhân, và hiện tập đoàn này đang nộp thuế vào ngân sách thay vì tiêu tốn tiền thuế của chính phủ.

Lockheed

Năm 1970, Tập đoàn Lockheed, nhà thầu quốc phòng lớn nhất Hoa Kỳ, đang bên bờ vực phá sản. Bank of America và một số ngân hàng nhỏ hơn đã cho gã khổng lồ này vay 400 triệu đô la. Không muốn để mất nguồn thu nhập béo bở từ khoản vay này, họ đã thông đồng với ban giám đốc, cổ đông, và nghiệp đoàn của Lockheed để đẩy gánh nặng cho Washington. Luận điệu mà họ đưa ra để thuyết phục các chính trị gia là nếu để Lockheed phá sản, 31 nghìn người sẽ mất việc, hàng trăm nhà thầu phụ sẽ phải đóng cửa, hàng ngàn nhà cung cấp sẽ lâm vào cảnh phá sản, và an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Để duy trì hoạt động tập đoàn cần vay thật nhiều tiền, nhưng với tình hình tài chính khó khăn của tập đoàn hiện thời thì không bên nào muốn cho họ vay cả.

Một kế hoạch cứu trợ nhanh chóng được sắp đặt bởi Bộ trưởng Tài chính John B. Connally, trong đó đảm bảo thanh toán thêm một khoản nợ trị giá 250 triệu đô la nữa – số tiền này sẽ làm tăng khoản nợ của Lockheed lên thêm 60% so với trước đó. Nhưng giờ thì điều đó cũng không còn quan trọng nữa. Các ngân hàng đều sẵn sàng cấp vốn không e ngại một khi người nộp thuế đã trở thành người đồng ký tên trong tài khoản.

Giờ thì chính phủ buộc phải đảm bảo rằng Lockheed sẽ giành được thật nhiều hợp đồng quốc phòng và thu về càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Đây là một biện pháp gián tiếp hối lộ các ngân hàng bằng tiền thuế mà không làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. Các nhà thầu quốc phòng khác hoạt động hiệu quả hơn sẽ không được nhận hợp đồng, nhưng không ai có thể chứng minh được điều này. Hơn nữa, sẽ không mấy ai để ý đến một mức tăng nhẹ trong chi phí quốc phòng.

Thành phố New York

Năm 1975, New York đã chạm đến hạn mức tín dụng và không thể trả lương cho công chức của thành phố. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không có gì là bí ẩn. Thành phố đã trở thành một hệ thống phúc lợi xã hội thu nhỏ, đạt được thành công về mặt chính trị nhờ vô số những lời hứa về phúc lợi và trợ cấp cho “người nghèo”. Trong khi một thành phố quy mô lớn trung bình có 31 viên chức trên mỗi một ngàn dân, New York có 49 viên chức, và lương của những người này vượt xa lương trong khu vực tư nhân. Mỗi tuần một kỹ thuật viên X quang trong một bệnh viện tư kiếm được 187 đô la, trong khi người phục vụ trên tàu làm việc cho thành phố được trả 203 đô la. Giao dịch viên ngân hàng kiếm được 154 đô la một tuần, trong khi người đổi tiền lẻ cho hệ thống tàu điện ngầm thành phố nhận được 212 đô la. Phụ cấp ngoài của thành phố cũng nhiều gấp đôi của khu vực tư nhân. Ngoài ra còn có giáo dục đại học miễn phí, trợ cấp nhà ở, chăm sóc sức khỏe miễn phí, và vô số các chương trình phúc lợi khác.

Số thuế thành phố thu vào không thể đủ để bù đắp chi phí cho một xã hội không tưởng như vậy. Trong ba cách giải quyết tình trạng thâm hụt này – tăng mức thuế của thành phố, cắt giảm chi tiêu, hoặc đi vay nợ – có thể dễ dàng đoán được phương án mà thành phố sẽ lựa chọn.

Đến năm 1975, lượng trái phiếu bán ra của New York nhiều tới nỗi đã làm bão hòa thị trường và thành phố không thể tìm được thêm người cho vay. Một nhóm nhỏ các ngân hàng, được chi phối bởi Chase Manhattan và Citicorp, là chủ nợ của hai tỷ đô la trong tổng số nợ của thành phố từ việc phát hành trái phiếu.

Khi thành phố không thể tiếp tục trả phần tiền lãi của khoản nợ này, trò chơi Giải cứu bắt đầu. Quan chức các ngân hàng và thành phố đi dọc bờ biển xuống Washington và trình bày hoàn cảnh của họ trước Quốc hội. Theo lý lẽ của họ, chúng ta không thể để cho thành phố lớn nhất thế giới phá sản được. Những dịch vụ thiết yếu sẽ bị tạm dừng, rác thải sẽ chất đống vì không có người dọn, hàng triệu người sẽ sống trong cảnh giao thông ngưng trệ và thậm chí không được cảnh sát bảo vệ. Nạn đói, bệnh dịch, và tội phạm sẽ lan tràn khắp thành phố. Đây sẽ là một nỗi hổ thẹn của nước Mỹ. David Rockefeller, Chủ tịch Chase Manhattan, đã thuyết phục một người bạn của ông ta là Helmut Schmidt, Thủ tướng Tây Đức, phát biểu trước giới truyền thông rằng tình hình tồi tệ ở New York có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Dĩ nhiên Quốc hội không hề muốn đặt New York vào tình trạng hỗn loạn, cũng không muốn làm nước Mỹ mất mặt hay gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu. Vì vậy tháng Mười Hai năm 1975, Quốc hội đã thông qua dự luật cho phép Bộ Tài chính cho thành phố vay trực tiếp tới 2,3 tỷ đô la, gấp hơn hai lần số tiền mà thành phố hiện đang nợ các ngân hàng. Ngay lập tức tiền lãi trên số nợ cũ lại tiếp tục được thanh toán, và như vậy mục tiêu của trò chơi đã hoàn thành. Thành phố New York lại tiếp tục trở thành một thiên đường phúc lợi, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ thoát được khỏi cảnh nợ nần.

Chrysler

Năm 1978, Tập đoàn Chrysler đang bên bờ vực phá sản. Khoản nợ của tập đoàn đã được gia hạn nhiều lần và sắp tới lúc không thể gia hạn thêm được nữa. Tập đoàn cũng không muốn vay tiền để trả lãi trên tổng số nợ hiện thời. Thay vào đó, họ yêu cầu được cấp một khoản cấp vốn mới trị giá hơn một tỷ đô la thì mới tiếp tục tham gia vào trò chơi này.

Một lần nữa các giám đốc, quan chức ngân hàng và lãnh đạo nghiệp đoàn lại cầu viện sự giúp đỡ của Washington. Hãy thử hình dung nếu một trong những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ phải đóng cửa, hàng ngàn nhân viên và gia đình của họ sẽ lâm vào cảnh khó khăn; nền kinh tế sẽ bị tổn hại nặng nề do làn sóng phản kháng của người thất nghiệp trên khắp cả nước; thị trường ô tô sẽ mất đi một đối thủ cạnh tranh khi chỉ còn hai hãng sản xuất ô tô lớn thay vì ba hãng như trước.

Ai nỡ buộc tội Quốc hội chỉ vì họ không muốn đẩy những gia đình vô tội vào cảnh nghèo đói, muốn tránh cho nền kinh tế khỏi bị xáo trộn, đồng thời muốn bảo vệ quyền tự do lựa chọn của công dân đã được quy định trong Hiến pháp? Vì thế một dự luật đã được thông qua, chỉ thị cho Bộ Tài chính bảo đảm một khoản vay mới trị giá lên tới 1,5 tỷ đô la cho Chrysler. Các ngân hàng chấp thuận xóa 600 triệu đô la nợ cũ cho tập đoàn, đồng thời đổi khoản nợ 700 triệu đô la mới lấy cổ phiếu ưu đãi. Cả hai động thái này đều được ca ngợi như một bằng chứng cho thấy các ngân hàng sẵn sàng gánh chịu những khoản lỗ khổng lồ vì lợi ích của quốc gia. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng giá trị của những cổ phiếu được dùng để đổi lấy khoản nợ xấu trước đó đã tăng mạnh ngay sau khi tin tức về thỏa thuận này được thông báo. Hơn thế nữa, các ngân hàng chẳng những tiếp tục thu được tiền lãi trên những khoản nợ cũ mà còn thay thế được phần nợ đã xóa bằng những khoản nợ mới tốt hơn nhiều do đã được người nộp thuế bảo đảm thanh toán hoàn toàn.

Ngân hàng Commonwealth Bank of Detroit

Năm 1972, Ngân hàng Commonwealth Bank of Detroit trị giá 1,5 tỷ đô la trở thành trường hợp tiếp theo được giải cứu. Ngân hàng này đã tăng trưởng chóng mặt chủ yếu nhờ vay nợ từ ngân hàng Chase Manhattan tại New York. Khi Commonwealth Bank of Detroit bị phá sản do đầu cơ chứng khoán và quản trị yếu kém, Chase nắm giữ 39% cổ phiếu phổ thông của ngân hàng này và đã thực sự nắm quyền kiểm soát ngân hàng nhằm tìm cách thu hồi lại số tiền đã cho vay. Giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) – ông Sprague – miêu tả những bước đi tất yếu diễn ra sau đó:

Các quan chức của Chase … gợi ý rằng các cơ quan chính phủ cần phải vào cuộc bởi vấn đề của Commonwealth Bank of Detroit có tác động rất lớn đến quyền lợi của công chúng. Nói trắng ra là Chase đang yêu cầu chính phủ ra tay giải cứu… Đề xuất này đồng nghĩa với việc giải cứu các cổ đông của ngân hàng, trong đó Chase chính là cổ đông lớn nhất.[8]

Các giám đốc ngân hàng lập luận rằng không thể để cho Commonwealth Bank of Detroit phá sản được vì họ cung cấp những dịch vụ ngân hàng “thiết yếu” cho cộng đồng. Lý lẽ này dựa trên hai cơ sở: (1) Ngân hàng phục vụ nhiều nhóm khách hàng thiểu số trong vùng và (2) không có đủ số ngân hàng trong thành phố để hấp thụ hoạt động của ngân hàng này mà không gây ra tình trạng không lành mạnh là sức mạnh ngân hàng tập trung trong tay một số ít nhà băng.

FDIC không muốn bị mang tiếng là thờ ơ trước nhu cầu của các nhóm thiểu số hay hủy hoại môi trường cạnh tranh tự do giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, ngày 17 tháng Một năm 1972, Commonwealth Bank of Detroit đã được giải cứu bằng một gói cho vay trị giá 60 triệu đô la kèm theo những bảo lãnh của chính phủ liên bang. Chase phải chịu lỗ chút ít, nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu so với khoản lỗ họ sẽ phải chịu nếu không có sự can thiệp của FDIC.

Do Commonwealth Bank of Detroit cần tiếp tục tồn tại để tránh tình trạng tập trung quyền lực tài chính, FDIC đã sắp đặt thương vụ bán ngân hàng này cho Tập đoàn First Arabian, một công ty của Luxembourg được cấp vốn bởi các hoàng tử A-rập. Ngân hàng tiếp tục hoạt động trong tình cảnh khó khăn cho đến năm 1983 thì phần còn lại được bán nốt cho Công ty Tín thác và Ngân hàng Detroit, nay là Comerica. Như vậy, cuối cùng thì viễn cảnh đáng lo ngại về việc tập trung quyền lực tài chính trong khu vực cũng trở thành sự thật, nhưng là sau khi Chase đã rút khỏi thỏa thuận và được bù đắp gần như toàn bộ số tiền thua lỗ của họ.

Ngân hàng First Pennsylvannia Bank

Ngân hàng First Pennsylvania Bank của Philadelphia là trường hợp kế tiếp được giải cứu vào năm 1980. Với khối tài sản trị giá hơn 9 tỷ đô la, ngân hàng này lớn gấp 6 lần Commonwealth Bank of Detroit. Đồng thời đây cũng là ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ, đã tồn tại từ thời Bank of North America (Ngân hàng Bắc Mỹ) do Quốc hội Lục địa thành lập năm 1781.

Ngân hàng đã tăng trưởng nhanh chóng và thu về những khoản lợi nhuận kếch xù nhờ phong cách lãnh đạo xông xáo của Giám đốc điều hành John Bunting, nhà kinh tế trước đây từng làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang và là điển hình cho thời kỳ những nhà làm ngân hàng liều lĩnh. Bằng việc giảm các hệ số an toàn, cho vay rủi ro cao và đầu cơ trái phiếu, ông ta đã khiến cho doanh thu của ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ. Chừng nào nền kinh tế còn phát triển, chừng đó ngân hàng còn có thể tha hồ hưởng lợi nhuận từ những phi vụ mạo hiểm như vậy. Nhưng khi thị trường trái phiếu diễn biến không thuận lợi, ngân hàng lập tức rơi vào cảnh thua lỗ. Đến năm 1979, First Penn buộc phải bán đi một số công ty con đang sinh lời để bù đắp cho vốn hoạt động do nợ xấu đã lên tới 328 triệu đô la, nhiều hơn 16 triệu đô la so với phần vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Đã đến lúc phải chuyển gánh nặng thua lỗ này sang vai người đóng thuế.

Các quan chức ngân hàng đã tới Washington để trình bày trường hợp của mình: việc giải cứu ngân hàng First Penn không chỉ là “thiết yếu” đối với sự tồn tại của ngành ngân hàng ở Philadelphia mà còn cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định của kinh tế thế giới. Theo họ, ngân hàng này quá lớn đến nỗi nếu phá sản nó sẽ trở thành quân cờ domino đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sprague nhớ lại:

Ngay từ đầu đã có nhiều bên cùng gây áp lực nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của ngân hàng này: không chỉ bản thân First Penn, các ngân hàng lớn khác cũng như trưởng ban tài chính  mà cả Fed cũng lên tiếng. Tôi nhớ là trong một phiên họp, Phó chủ tịch Fed, Fred Schultz, đã cao giọng tranh luận rằng chúng ta không còn con đường nào khác cả ngoài việc giải cứu ngân hàng này. Ông ấy nói: “Đừng có lãng phí thêm thời gian thảo luận về bất kỳ phương án nào khác nữa!”[9]

Các giám đốc của FDIC không muốn tranh luận với Cục Dự trữ Liên bang, và chắc chắn họ cũng không muốn bị coi là thủ phạm gây xáo trộn hệ thống kinh tế toàn cầu bằng cách xô đổ quân cờ domino đầu tiên. Do đó, một gói giải cứu đã ra đời đúng lúc, trong đó FDIC chấp thuận cho ngân hàng vay 325 triệu đô la không tính lãi trong năm đầu tiên và lãi suất ưu đãi cho các năm tiếp theo, chỉ bằng khoảng một nửa lãi suất thị trường.

Continnental Illinois

Đầu những năm 1980, Continental Illinois của Chicago là ngân hàng lớn thứ bảy nước Mỹ. Với khối tài sản trị giá 42 tỷ đô la và 12 ngàn nhân viên, danh mục cho vay của ngân hàng này đã tăng trưởng một cách ngoạn mục. Thu nhập ròng trên các khoản cho vay tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm và đến năm 1981 đã đạt mức 254 triệu đô la một năm. Nhờ đó ngân hàng chẳng những được các chuyên gia phân tích thị trường vô cùng ưu ái mà còn được Dun’s Review liệt kê trong số năm công ty được quản trị tốt nhất Hoa Kỳ. Những người dẫn dắt dư luận này không nhận ra rằng thành tích đáng nể đó có được không phải là nhờ chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng hay đầu tư, mà là do các khoản vay dành cho các doanh nghiệp yếu kém và các chính phủ nước ngoài không thể vay được từ bất kỳ nguồn nào khác.

Mọi chuyện chỉ vỡ lở vào cuối tuần lễ Quốc khánh năm 1982 khi Ngân hàng Penn Square Oklahoma bị phá sản. Ngân hàng trùng tên với trung tâm mua sắm Penn Square này đã trở nên khét tiếng sau khi họ đầu tư một tỷ đô la vào ngành dầu khí và bán lại khoản nợ này cho Continental ngay trước khi thị trường năng lượng sụp đổ. Cùng lúc đó, những khoản nợ khác của Continental cũng phát sinh nhiều vấn đề. Giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại Mexico và Agentina càng lúc càng căng thẳng và tin tức về hàng loạt những vụ phá sản của các tập đoàn lớn tràn ngập mặt báo hàng ngày, không may là Continental đã cho tất cả các tập đoàn này vay những khoản nợ lớn với lãi suất thấp. Ảnh hưởng của những sự kiện này làm sụt giảm mức xếp hạng tín dụng của Continental, và những người gửi tiền thận trọng bắt đầu rút tiền của họ ra khỏi ngân hàng, trong khi lượng tiền gửi mới giảm xuống chỉ còn nhỏ giọt. Đến lúc này, nhu cầu tiền mặt của ngân hàng để chi trả những chi phí phát sinh hàng ngày đã trở nên thực sự bức thiết. Họ cố tìm cách thu hút nguồn vốn mới bằng cách bắt đầu phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao phi thực tế. Các nhân viên tín dụng được ngân hàng phái đi lùng sục thị trường châu Âu và Nhật Bản và thực hiện một chiến dịch quan hệ công chúng nhằm thuyết phục các nhà quản lý thị trường rằng ngân hàng vẫn đang ổn định và vững vàng. David Taylor, chủ tịch ngân hàng vào thời điểm đó, phát biểu: “Biệt đội Bảo đảm Ngân hàng Continental Illinois của chúng tôi đã được thành lập và tỏa đi khắp thế giới.”[10]

Đến cuối năm 1983, gánh nặng nợ xấu của ngân hàng đã lớn tới mức khó có thể chống đỡ được và vẫn không ngừng gia tăng ở mức đáng báo động. Năm 1984, tổng nợ xấu lên tới 2,7 tỷ đô la. Trong cùng năm đó, ngân hàng phải thanh lý bộ phận kinh doanh thẻ tín dụng đang hoạt động có lãi để bù đắp cho khoản thua lỗ và trả cổ tức định kỳ hàng quý cho cổ đông. Bên trong ngân hàng hầu như đã suy sụp hoàn toàn, nhưng họ vẫn cố gắng duy trì công việc kinh doanh bên ngoài như thường lệ.

Biến cố đầu tiên làm rạn nứt vẻ ngoài ổn định của Continental Illinois xảy ra vào lúc 11 giờ 39 phút sáng ngày thứ Ba, mùng 8 tháng Năm, khi hãng thông tấn của Anh Reuters đưa tin trên mạng thông tin hữu tuyến rằng các ngân hàng ở Hà Lan, Tây Đức, Thụy Sĩ, và Nhật Bản đã đồng loạt nâng mức lãi suất cho vay đối với Continental và thậm chí một vài ngân hàng đã bắt đầu rút tiền gửi khỏi ngân hàng này. Bài báo cũng trích dẫn thông báo chính thức của Continental Illinois cho rằng tin đồn về việc ngân hàng này sắp phá sản là “hoàn toàn vớ vẩn.”

Trường hợp đột biến rút tiền gửi đầu tiên trên thế giới qua kênh điện tử

Sáng ngày tiếp theo khi mặt trời vừa ló rạng, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tháo chạy khỏi ngân hàng. Ngay trong ngày đầu tiên, một tỷ đô la tiền của các khách hàng châu Á đã bị rút khỏi ngân hàng. Ngày tiếp theo đó – chỉ hơn 24 tiếng sau khi Continental trấn an dư luận rằng nguy cơ phá sản chỉ là tin đồn thất thiệt – khách hàng lâu năm của ngân hàng là Công ty Board of Trade Clearing Corporation đã yêu cầu rút 50 triệu đô la. Tin tức về sự tháo chạy lan nhanh qua các dịch vụ thông tin hữu tuyến về tài chính khiến cho những người gửi tiền bắt đầu hoảng loạn, dẫn đến trường hợp đột biến rút tiền gửi đầu tiên trên thế giới qua kênh điện tử.

Sang ngày thứ Sáu, ngân hàng đã buộc phải vay 3,6 tỷ đô la từ Cục Dự trữ Liên bang để bù đắp phần tiền gửi bị hao hụt. Ngoài ra, một nhóm gồm 16 ngân hàng, đứng đầu là Morgan Guaranty, cũng đề nghị cung cấp cho Continental một hạn mức tín dụng hào phóng với kỳ hạn 30 ngày, nhưng tất cả vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của ngân hàng này. Trong vòng bảy ngày sau đó, số tiền bị rút khỏi ngân hàng đã lên tới hơn 6 tỷ đô la.

Ban đầu, hầu như toàn bộ hoạt động này đều được giữ trong phạm vi tổ chức: các ngân hàng khác và các quỹ được quản lý một cách chuyên nghiệp theo dõi sát sao từng chi tiết nhỏ trên các thị trường tài chính. Trong lúc đó, công chúng không hề hay biết gì về thảm họa này, thậm chí ngay cả khi nó đã xảy ra. Chernow nói: “Việc tiền gửi bị ồ ạt rút khỏi Continental giống như một câu chuyện tưởng tượng thời hiện đại: không còn hình ảnh đám đông người gửi tiền chen chúc trong hỗn loạn, cơn ác mộng thực sự nằm ở những thông tin hiển thị chớp nhoáng một cách bình thản trên màn hình máy tính.”[11] Sprague viết: “Bên trong ngân hàng, không khí vẫn rất bình thản, số lượng khách hàng ngoài quầy giao dịch vẫn như thường lệ, và nhân viên ngân hàng nhớ lại rằng không hề có dấu hiệu nào cho thấy họ đang có vấn đề về thanh khoản – ngoại trừ trong phòng giao dịch điện tử. Nhân viên trong phòng này hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra khi thấy lệnh rút tiền ồ ạt đổ về hệ thống, đẩy Continental đến bờ vực phá sản. Một số nhân viên đã khóc.” [12]

Ngay từ đầu, chỉ có một câu hỏi quan trọng duy nhất: làm thế nào để đánh lừa được người nộp thuế chấp thuận việc giải cứu ngân hàng. Nguyên tắc của trò chơi giải cứu đòi hỏi mưu đồ này phải được ngụy trang thành một nỗ lực anh hùng nhằm bảo vệ công chúng. Trong trường hợp của Continental, có thể dễ dàng áp dụng thủ đoạn này do tầm cỡ của những con số là quá lớn. Có quá nhiều người gửi tiền tại ngân hàng này, quá nhiều tỷ đô la có nguy cơ mất trắng, quá nhiều ngân hàng bị liên đới, và như vậy nền kinh tế của nước Mỹ cũng như của cả thế giới chắc chắn sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Ai dám đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra? Sprague cũng lập luận tương tự:

Một buổi họp đã được tổ chức vào sáng sớm ngày thứ Ba, 15 tháng Năm, tại Cục Dự trữ Liên bang… Chúng tôi thảo luận về các phương án khác nhau. Trên thực tế gần như không còn lựa chọn nào khác… [Bộ trưởng Bộ Tài chính] Regan và [Chủ tịch Fed] Volcker một lần nữa bày tỏ sự lo ngại trước nguy cơ Continental phá sản sẽ gây ra phản ứng dây chuyền làm sụp đổ hệ thống ngân hàng quốc gia. Volcker sợ rằng một cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trên toàn thế giới. Tất cả chúng tôi đều nhận thức sâu sắc rằng từ trước đến nay chưa bao giờ có ngân hàng nào có quy mô dù chỉ gần bằng Continental phá sản. Không ai biết liệu nước Mỹ và thế giới có thể phải đối mặt với vấn đề gì. Nhưng dù là gì đi nữa, đây không phải là lúc để mặc cho thảm họa đó xảy ra chỉ để thỏa mãn trí tò mò.[13]

Đây chính là thời điểm vàng để Cục Dự trữ Liên bang và FDIC chứng tỏ vai trò của mình. Nếu chính phủ không vào cuộc, lẽ ra Continental đã sụp đổ kéo theo toàn bộ số tiền đầu tư của các cổ đông, gây thiệt hại nặng nề cho những người gửi tiền, nhưng đổi lại ngành tài chính sẽ hiểu ra rằng các ngân hàng không thể chỉ nói suông mà phải thực sự quản lý một cách thận trọng. Thông lệ quản lý ngân hàng lẽ ra sẽ được thay đổi một cách triệt để, và lợi ích kinh tế trong dài hạn mà nước Mỹ (và cả thế giới) đáng ra sẽ được hưởng là vô cùng to lớn. Nhưng sự can thiệp của chính phủ đã làm gián đoạn quy luật của thị trường tự do, và người nộp thuế trở thành đối tượng gánh chịu toàn bộ phí tổn do sự phá sản và gian lận của ngân hàng. Những người gửi tiền vẫn tin tưởng vào sự an toàn giả tạo của hệ thống ngân hàng, trong khi đó các ngân hàng tha hồ gian lận và hoạt động một cách liều lĩnh vì họ biết rằng các chính trị gia sẽ sẵn sàng giải cứu họ nếu có bất kỳ rắc rối nào xảy ra.

Gói giải cứu cuối cùng

Trong buổi họp ngày 15 tháng Năm, Bộ trưởng Tài chính Regan hùng hồn diễn thuyết về tầm quan trọng của thị trường tự do và việc cần phải để các ngân hàng tự mình vạch ra kế hoạch giải cứu nhằm giải quyết ít nhất là một phần nợ của ngân hàng. Ngay sáng ngày hôm sau, một buổi họp cấp cao giữa chủ tịch của bảy ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ đã được tổ chức để thảo luận về kế hoạch này. Dù có sự tham gia của cả bảy ngân hàng Morgan Guaranty, Chase Manhattan, Citibank, Bank of America, Chemical Bank, Bankers Trust và Manufacturers Hanover, nhưng thực chất buổi họp này chỉ mang tính chiếu lệ. Các quan chức ngân hàng biết quá rõ rằng chính quyền Reagan không đời nào muốn mạo hiểm tiền đồ chính trị trước một vụ phá sản ngân hàng lớn đến vậy. Việc Continental vỡ nợ sẽ làm xấu đi hình ảnh của Tổng thống và Quốc hội trong đợt bầu cử lại. Dù vậy, nhằm duy trì hình ảnh cứng rắn trong mắt công chúng, chính phủ vẫn phải thực hiện một số biện pháp mang tính hình thức. Bên cạnh đó, sự thúc giục từ phía Fed và Bộ Tài chính đã buộc các ngân hàng phải chấp thuận đóng góp một khoản giải cứu trị giá 500 triệu đô la – tính ra trung bình mỗi ngân hàng chỉ đóng góp 71 triệu đô la, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu cứu trợ thực tế. Chernow mô tả kế hoạch này là một “trò giả vờ” và nhận xét rằng “họ vờ như nỗ lực tiến hành cứu trợ”.[14] Sprague cho chúng ta biết thêm một số chi tiết như sau:

Các quan chức ngân hàng nói rằng họ sẵn sàng tham gia mọi kế hoạch giải cứu, nhưng họ lại không muốn mất chút tiền nào cả. Họ khăng khăng đòi được bảo lãnh. Họ vừa muốn hưởng tiếng tốt là đã tham gia đóng góp tiền cứu trợ, lại vừa muốn được đảm bảo rằng số tiền họ đóng góp sẽ không mất đi đâu cả… Đến 7 giờ 30 phút sáng chúng tôi vẫn chưa đạt được thỏa thuận đáng kể nào. Chúng tôi đã nghĩ rằng chỉ vài tiếng nữa thôi tình hình sẽ hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát. Continental sắp bước sang một ngày làm việc mới, và thị trường chứng khoán sẽ mở cửa lúc 10 giờ. Isaac [một giám đốc khác của FDIC] và tôi đã hội ý cùng nhau ngoài hành lang. Chúng tôi nhất trí tiến hành giải cứu mà không cần sự hỗ trợ của các ngân hàng. Chúng tôi trình bày kế hoạch với Conover [giám đốc thứ ba của FDIC] và ông ấy cũng tán thành…

[Sau đó], Bernie McKeon, giám đốc khu vực của FDIC tại New York, thông báo cho chúng tôi rằng các quan chức ngân hàng đã chấp nhận mạo hiểm và đồng ý tham gia cứu trợ. Thực ra, giờ thì chẳng còn rủi ro nào nữa vì thông báo của chúng tôi đã đảm bảo bảo lãnh hoàn toàn cho khoản cứu trợ.[15]

Gói giải cứu cuối cùng thực chất chỉ là một sự dối trá. Về căn bản, chính phủ tiếp quản Continental Illinois và thay họ chịu toàn bộ các khoản thua lỗ. FDIC mua lại số nợ xấu trị giá 4,5 tỷ đô la của Continental với giá 3,5 tỷ đô la và bù đắp số tiền chênh lệch bằng cách bơm thêm 1 tỷ đô la vào ngân hàng dưới hình thức mua cổ phiếu. Nhờ đó, lúc này chính phủ đã trở thành cổ đông chính nắm giữ 80% cổ phiếu của ngân hàng, đồng thời trút được toàn bộ nợ xấu của ngân hàng lên vai người nộp thuế. Như vậy, mặc dù bề ngoài Continental vẫn là một tổ chức tư nhân, nhưng thực chất ngân hàng này đã bị quốc hữu hóa.

Cho đến năm 1984, Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính đã chi 8 tỷ đô la – một số tiền lớn đến mức choáng váng – để giải cứu Continental. Đến đầu năm 1986, con số này đã lên tới 9,24 tỷ đô la và vẫn tiếp tục tăng. Biện minh cho việc tiêu tốn quá nhiều tiền thuế vào Continental, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã nói: “Hoạt động này là chức năng cơ bản nhất của Cục Dự trữ Liên bang. Đây chính là lý do vì sao Cục Dự trữ Liên bang được thành lập.”[16] Phát biểu của Chủ tịch Fed đã vô tình khẳng định một trong những điểm gây tranh cãi của cuốn sách này.

Thiệt hại của các ngân hàng nhỏ

Như đã đề cập trong phần trước, các ngân hàng lớn nghiễm nhiên được FDIC bảo lãnh trong khi những ngân hàng nhỏ sẽ bị hy sinh. Vụ bảo lãnh Continental Illinois chính là ví dụ rõ ràng nhất cho thực tế này.

Năm 1983, Continental nộp 6,5 triệu đô la vào FDIC để bảo hiểm cho khoản tiền gửi trị giá 3 tỷ đô la tại ngân hàng này. Tuy nhiên, toàn bộ khoản nợ của ngân hàng – bao gồm cả tiền gửi của các tổ chức và tiền gửi từ nước ngoài – trên thực tế lớn gấp 10 lần con số đó, đã được FDIC bảo lãnh thanh toán toàn bộ. Sprague đã thừa nhận rằng “Các ngân hàng nhỏ trả nhiều tiền bảo hiểm hơn các ngân hàng lớn nhưng lại có ít cơ hội được bảo lãnh trọn gói như trường hợp của Continental hơn.”[17]

Chính xác là như vậy. Trong cùng tuần FDIC và Fed cung cấp gói giải cứu trị giá hàng tỷ đô la cho Continental Illinois, họ đã đóng cửa những ngân hàng nhỏ khác như ngân hàng Bledsoe County Bank tại Pikeville, Tennessee, Planters Trust and Savings Bank of Opelousas, Louisiana. Trong nửa đầu năm đó, 43 ngân hàng với quy mô nhỏ đã lâm vào cảnh phá sản mà không nhận được bất kỳ khoản cứu trợ nào của FDIC. Trong hầu hết các trường hợp, các ngân hàng nhỏ được sáp nhập vào một ngân hàng lớn hơn.

Ảnh hưởng của sự bất bình đẳng này là vô cùng to lớn. Vô hình trung, các quan chức ngân hàng và người gửi tiền ngầm hiểu rằng các ngân hàng nhỏ sẽ bị đóng cửa ngay nếu có vấn đề, trong khi đó các ngân hàng lớn luôn luôn an toàn bất kể chúng được quản lý một cách yếu kém và gian lận đến thế nào. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, một chuyên viên đầu tư tại New York cho rằng, Continental Illinois, dù vừa bị phá sản, “rõ ràng là ngân hàng an toàn nhất cả nước mà bạn nên gửi tiền vào.”[18] Không kế hoạch nào có thể hoàn hảo hơn trong việc đẩy những ngân hàng nhỏ độc lập vào cảnh phá sản hoặc buộc họ phải tự bán mình cho những gã khổng lồ. Kể từ năm 1984, trong bối cảnh hàng trăm ngân hàng nhỏ bị đóng cửa, quy mô trung bình của các ngân hàng còn tồn tại đã tăng hơn gấp đôi. Hẳn chúng ta còn nhớ rằng lợi thế của các ngân hàng lớn trước các ngân hàng nhỏ chính là một trong số những mục tiêu của kế hoạch được vạch ra trên đảo Jekyll.

Sự đổ vỡ của thị trường cho vay dưới chuẩn

Sự sụp đổ của lâu đài bằng giấy

Vụ giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỉ đô la (hay 5 nghìn tỉ đô la?)

Hàng tỉ đô la cho những nhà sản xuất ô tô 

Người nộp thuế đang chi tiền để việc làm của mình được chuyển ra nước ngoài

Merrill Lynch: Món quà cho Bank of America

Biểu tượng của xung đột lợi ích

Đánh lạc hướng công chúng bằng vấn đề tiền thưởng

Thông tin bịp về thanh toán nợ 

Quốc hữu hóa trở thành sự thật 

Hệ thống đã đạt tới quy mô toàn cầu

Câu chuyện còn tiếp diễn

Lý do thứ hai để từ bỏ Cục Dự trữ Liên bang

Tổng kết 

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll – Chuong 3.pdf

 


[1] Chris Welles, The Last Days of the Club (New York: E.P. Dutton, 1975), trang 398-99.

[2] “Penn Central,” 1971 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: Congressional Quarterly, 1971), trang 838.

[3] “Penn Central: Bankruptcy Filed After Loan Bill Fails,” 1970 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: Congressional Quarterly, 1970), trang 811.

[4] Trích dẫn bởi Welles, trang 404-05.

[5] Giải thích về hiệu ứng số nhân, xem chương 8, Cơ chế Mandrake.

[6] Welles, trang 407-08.

[7] “Congress Clears Railroad Aid Bill, Acts on Strike,” 1970 Congressional Almanac (Washington, D.C.: 1970), trang 810-16.

[8] Sprague, trang 68.

[9] Sprague, trang 88-89.

[10] Trích dẫn bởi Chernow, trang 657.

[11] Chernow, trang 658.

[12] Sprague, trang 153.

[13] Như trên, trang 154-55, 183.

[14] Chernow, trang 659.

[15] Sprague, trang 159-60.

[16] Trích dẫn bởi Greider, trang 628.

[17] Sprague, trang 250.

[18] “New Continental Illinois Facing Uncertain Future,” tác giả Keith E. Leighty, Associated Press, Thousand Oaks, Calif., News Chronicle, ngày 13 tháng 5, 1985, trang 18.