Đằng sau bế tắc về khủng hoảng nợ Hy Lạp

Print Friendly, PDF & Email

_81134789_81134788

Nguồn: Jeffrey D. Sachs,Down and Out in Athens and Brussels,” Project Syndicate, 11/07/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Thảm họa tại Hy Lạp được thế giới chú ý vì hai lý do. Thứ nhất, chúng ta đau khổ khi thấy một nền kinh tế sụp đổ ngay trước mắt, với những dòng người xếp hàng chờ cứu trợ và rút tiền vốn chưa từng xuất hiện kể từ sau cuộc Đại Suy thoái. Thứ hai, chúng ta hoảng sợ trước thất bại của vô số các nhà lãnh đạo và tổ chức – các chính trị gia, Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – trong việc ngăn chặn một tình trạng hỗn loạn đã chậm rãi diễn ra trong nhiều năm qua.

Nếu sự quản lý yếu kém này vẫn tiếp tục, không chỉ Hy Lạp mà còn cả khối châu Âu thống nhất sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Để cứu lấy Hy Lạp và châu Âu, gói cứu trợ tài chính mới phải bao gồm hai việc lớn nhưng chưa được thống nhất.

Thứ nhất, các ngân hàng của Hy Lạp phải được mở cửa trở lại ngay lập tức. Quyết định tuần trước của ECB  từ chối cung cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng của nước này, qua đó có thể đóng cửa các ngân hàng, là không phù hợp và tai hại. Quyết định này, được thực hiện bởi Ban Điều hành bị chính trị hóa cao độ của ECB, sẽ được nghiên cứu – và sẽ bị khinh thường – bởi các nhà sử học trong nhiều năm tới. Bằng cách đóng cửa các ngân hàng Hy Lạp, ECB cũng đóng cửa toàn bộ nền kinh tế (bởi nói cho cùng thì không có nền kinh tế nào trên mức sinh tồn dạng tự cung tự cấp lại có thể tồn tại được mà không có một hệ thống thanh toán). ECB cần phải đảo ngược quyết định của mình ngay lập tức, vì nếu không thì chính các ngân hàng đó sẽ sớm trở nên không thể cứu vãn.

Thứ hai, giảm nợ sâu hơn nữa phải là một phần của thỏa thuận. Việc các nước còn lại của châu Âu, và đặc biệt là Đức, từ chối thừa nhận món nợ khổng lồ đang treo lơ lửng của Hy Lạp chính là sự lừa dối lớn trong cuộc khủng hoảng này. Ai cũng biết sự thật – rằng Hy Lạp sẽ không bao giờ có thể thực hiện được nghĩa vụ trả đầy đủ món nợ hiện tại của họ – nhưng không ai tham gia vào các cuộc đàm phán nhắc đến điều này. Các quan chức Hy Lạp đã nhiều lần cố gắng thảo luận về sự cần thiết phải tái cơ cấu nợ bằng cách cắt giảm lãi suất, mở rộng kỳ hạn, và cũng có thể là cắt giảm giá trị bề mặt của khoản nợ. Thế nhưng mọi nỗ lực của Hy Lạp nhằm đặt ra vấn đề này đều bị các đối tác của họ từ chối một cách tàn nhẫn.

Tất nhiên, ngay sau khi các cuộc đàm phán thất bại cách đây hai tuần, sự thật về món nợ của Hy Lạp bắt đầu được công bố. IMF là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng, thừa nhận rằng họ đã thúc giục xóa nợ nhưng không có kết quả. Sau đó, Mỹ công bố rằng Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã cố gắng thuyết phục Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble xóa giảm nợ cho Hy Lạp, nhưng cũng không thành công.

Sau đó, chính Schäuble, cho đến nay vẫn là người kiên trì phản đối việc xóa nợ nhất, thừa nhận rằng Hy Lạp cần điều đó; nhưng ông cũng khẳng định rằng xóa nợ như vậy sẽ vi phạm quy định của Liên minh châu Âu về cấm giải cứu (tài chính) cho các chính phủ. Tiếp theo tuyên bố đáng chú ý của Schäuble (chỉ được công khai sau khi thảm họa đã xảy ra hoàn toàn), bà Merkel phát biểu rằng có lẽ một số loại cứu trợ nhất định (như cắt giảm lãi suất, chứ không phải giá trị bề mặt của khoản nợ) có thể giải quyết được điều này theo cách phù hợp với quy định của EU.

Việc món nợ của Hy Lạp chỉ được thừa nhận sau khi các cuộc đàm phán sụp đổ cho thấy những thất bại sâu sắc mang tính hệ thống đã đem Hy Lạp và châu Âu đến tình cảnh này. Chúng ta nhìn thấy một hệ thống quản lý khủng hoảng của châu Âu chứa đầy sự yếu kém, cực đoan chính trị, những đòn tâm lý, và sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi hoàn toàn không bào chữa cho chủ nghĩa bảo trợ, tham nhũng, và sự quản lý yếu kém của Hy Lạp vốn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó khăn của nước này. Tuy nhiên, sự thất bại của các tổ chức châu Âu là đáng báo động hơn. Nếu EU không thể cứu Hy Lạp ngay bây giờ thì họ sẽ không có khả năng cứu chính bản thân mình.

EU ngày nay hoạt động có phần giống như Mỹ dưới thời Các điều khoản Hợp bang, tức là theo một cơ cấu quản lý không hiệu quả, từ sau khi Mỹ giành độc lập từ Anh năm 1781 cho tới trước khi thông qua hiến pháp vào năm 1787. Tương tự như nước Mỹ mới giành độc lập, EU hiện nay thiếu một ngành hành pháp quyền lực và hiệu quả, có khả năng đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Thay vì tăng cường khả năng điều hành dưới sự lãnh đạo của một nghị viện dân chủ mạnh mẽ, các ủy ban chính trị quốc gia điều khiển mọi việc ở châu Âu, thực tế (thường một cách trơ trẽn) đều xem Ủy ban châu Âu chỉ là phụ. Điều này là chính xác bởi các chính trị gia tham dự vì chính trị của quốc gia họ, chứ không phải là vì lợi ích chung lớn hơn của châu Âu, chính vì thế mà sự thật về nợ của Hy Lạp đã không được nói ra trong một thời gian dài.

Eurogroup, gồm 19 bộ trưởng tài chính các nước thuộc khu vực đồng euro, là biểu hiện của động lực phá hoại này, họ nhóm họp mỗi vài tuần (hoặc thậm chí thường xuyên hơn) để quản lý khủng hoảng của châu Âu trên cơ sở những định kiến chính trị quốc gia chứ không phải dựa trên một cách tiếp cận hợp lý để giải quyết vấn đề. Tất nhiên, Đức thường chủ động quyết định, nhưng các quan điểm bất đồng của nhiều quốc gia thành viên đã khiến cho thất bại nối tiếp thất bại. Nói cho cùng thì chính Eurogroup đã “giải quyết” cuộc khủng hoảng tài chính ở đảo Síp bằng cách tịch thu một phần tiền gửi ngân hàng, do đó phá hoại niềm tin vào các ngân hàng của châu Âu và thiết lập cơ sở cho cuộc khủng hoảng ngân hàng của Hy Lạp hai năm sau đó.

Giữa sự hoạt động yếu kém này, một tổ chức quốc tế vẫn phần nào đứng ngoài các rối loạn chính trị: IMF. Phân tích của họ cho đến nay là chuyên nghiệp và ít mang tính chính trị nhất. Tuy nhiên, ngay cả IMF cũng cho phép bản thân bị điều khiển bởi những người châu Âu, đặc biệt là người Đức, gây thiệt hại cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp cách đây nhiều năm. Từng có một khoảng thời gian mà Mỹ có thể thúc đẩy những thay đổi chính sách dựa trên phân tích kỹ thuật của IMF. Nhưng giờ đây thì cả Mỹ, IMF, và Ủy ban châu Âu đều chỉ đứng ngoài theo dõi khi Đức và chính phủ các quốc gia khác hủy hoại Hy Lạp.

Cơ cấu ra quyết định kỳ quặc của châu Âu đã cho phép nền chính trị nội bộ của Đức chiếm ưu thế so với tất cả các vấn đề khác. Và điều đó có nghĩa là thay vì quan tâm đến một biện pháp trung thực cho cuộc khủng hoảng, người ta lại quan tâm hơn tới việc tránh tỏ ra khoan dung với Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo của Đức có thể đúng khi sợ rằng đất nước họ sẽ phải chi trả cho kế hoạch giải cứu châu Âu, nhưng kết quả là Hy Lạp đã hy sinh vì một ý tưởng mơ hồ và không khả thi: “không giải cứu tài chính.” Trừ khi đạt được một số thỏa hiệp hợp lý, còn không thì việc kiên định với cách tiếp cận trên sẽ chỉ dẫn đến những vụ vỡ nợ lớn với cái giá còn đắt đỏ hơn.

Hiện nay chúng ta đang thực sự ở giai đoạn cuối cùng. Các ngân hàng của Hy Lạp đã đóng cửa, khoản nợ của họ đã được thừa nhận là không thể chi trả, nhưng tương lai của các ngân hàng và các khoản nợ vẫn chưa chắc chắn. Các quyết định của châu Âu trong vài ngày tới sẽ quyết định số phận của Hy Lạp; dù có khôn ngoan hay không thì chúng cũng sẽ quyết định số phận của EU.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, và gần đây nhất là The Age of Sustainable Development.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Down and Out in Athens and Brussels