17/07/1945: Khai mạc Hội nghị Potsdam

Print Friendly, PDF & Email

Winston_Churchill,Harry_S._Truman,_Josef_Stalin

Nguồn:Potsdam Conference convenes,” History.com (truy cập ngày 16/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1945, hội nghị của các nước chiến thắng thuộc phe Đồng Minh đã được triệu tập ở Potsdam, ngoại ô thành phố Berlin, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và lãnh tụ Xô-viết Joseph Stalin.

Các vấn đề trước mắt mà ba nước Tam Hùng cùng đội ngũ nhân viên của họ phải giải quyết là chính quyền của một nước Đức thất trận; biên giới hậu chiến của Ba Lan; sự chiếm đóng quân sự ở Áo; “vị trí” của Liên Xô ở Đông Âu; các khoản bồi thường chiến tranh; và cuộc chiến đang tiếp diễn ở Thái Bình Dương.

Bất đồng giữa các quốc gia nổ ra gần như ngay lập tức, đặc biệt là với việc Liên Xô đòi hỏi mở rộng biên giới phía Tây của Ba Lan vào sâu trong lãnh thổ Đức, cho Ba Lan một vùng chiếm đóng. Tuy nhiên, bốn vùng chiếm đóng được phân chia trong Hội nghị Yalta vào cuối tháng 2 cuối cùng cũng đã được thỏa thuận, được lập ra ở cả Đức và Áo và do Hoa Kỳ, Anh, Pháp, và Liên Xô kiểm soát.

Một hội đồng gồm đại diện của bốn cường quốc cũng được thành lập để quyết định số phận của các quốc gia Đức và Áo. Hội đồng này theo đuổi nguyên tắc “5D”: phi quân sự hóa (demilitarisation); phi quốc xã hóa (denazification); phi tập trung hóa (decentralisation); phi công nghiệp hóa (deindustrialisation); và dân chủ hóa (democratisation). Nó cũng đồng ý đề nghị Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, bất chấp lời cảnh báo của Nhật Hoàng rằng một đề nghị như vậy chắc chắn sẽ bị từ chối.

Không giống như các hội nghị Đồng Minh trước đây, Hội nghị Potsdam được đánh dấu bằng sự ngờ vực và phòng vệ của các nước tham gia. Khi chiến tranh đã qua đi ở phương Tây, các quốc gia bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới lợi ích lâu dài của mình so với các nước đối tác. Riêng Winston Churchill rất nghi ngờ nghị trình của Stalin hướng đến vai trò của Liên Xô ở Đông Âu. Stalin đã từ chối đàm phán về tương lai của các quốc gia Đông Âu mà hiện các lực lượng Liên Xô đang chiếm đóng.

Khi Churchill được thông báo rằng cuộc bầu cử ở Anh Quốc đã lật đổ quyền lực của Đảng Bảo thủ và lãnh đạo Công đảng Clement Attlee được bầu làm thủ tướng, ông trở lại London. Với việc Churchill rời bỏ những cuộc đàm phán cuối cùng của Hội nghị, Bức Màn Sắt bắt đầu phủ lên trên khắp Đông Âu.

Ảnh: Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, và lãnh tụ Liên Xô Josef Stalin trong vườn Cung điện Cecilienhof trước thềm Hội nghị Potsdam. Nguồn: Wikimedia Commons.