22/12/1917: Nga-Đức đàm phán Hòa ước Brest-Litovsk

Print Friendly, PDF & Email

Russian-German Armistice

Nguồn:Russian-German peace talks begin at Brest-Litovsk,” History.com (truy cập ngày 21/12/2015).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1917, đúng một tuần sau khi hiệp ước đình chiến trong Thế chiến I được ký giữa Nga và Đức và gần ba tuần sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được tuyên bố trên mặt trận phía Đông (bao gồm các chiến trường ở Đông và Trung Âu), phái đoàn đại diện hai nước đã bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình tại Brest-Litovsk, gần biên giới Ba Lan, nay là thành phố Brest ở Belarus.

Lãnh đạo phái đoàn Nga là Leon Trotsky, Dân ủy Bolshevik về Quan hệ Đối ngoại. Max Hoffmann, chỉ huy các lực lượng Đức trên mặt trận phía Đông, là một trong những trưởng đoàn đàm phán của Đức. Sự bất đồng ý kiến lớn giữa hai nước ở Brest-Litovsk là về vấn đề quân đội Đức dừng xâm chiến lãnh thổ Nga: phía Nga đề nghị một hòa ước mà không bị sáp nhập lãnh thổ hoặc bồi thường chiến tranh còn người Đức thì không muốn nhượng bộ vấn đề này. Tháng 2 năm 1918, Trotsky tuyên bố ông sẽ rút Nga khỏi các cuộc hòa đàm, và chiến tranh một lần nữa tiếp diễn.

Thật không may cho Nga, với việc đổi mới chiến thuật tác chiến, Liên minh Trung tâm (Đức, Đế quốc Áo-Hung, và Ý) nhanh chóng giành được thế thượng phong, nắm quyền kiểm soát phần lớn Ukraine và Belarus. Niềm hy vọng của Đảng Bolshevik Nga rằng giai cấp công nhân Đức và Áo, bất mãn trước tham vọng lãnh thổ trơ trẽn của chính phủ hai nước, sẽ nổi dậy nhân danh giai cấp vô sản quốc tế, đã nhanh chóng tan biến.

Ngày mùng 3 tháng 3 năm 1918, Nga chấp nhận các điều khoản đàm phán hòa bình thậm chí còn đáng sợ hơn những gì được đề xuất lúc ban đầu, đánh mất Ba Lan, Litva, và các nước vùng Baltic là Estonia, Livonia, và Kurzeme (nay thuộc Latvia) vào tay Đức. Trong khi đó, Phần Lan và Ukraine đã nhận ra sự suy yếu của Nga là một cơ hội để họ tuyên bố độc lập. Tổng cộng, Hòa ước Brest-Litovsk đã tước đi một vùng lãnh thổ rộng hơn một triệu dặm vuông (khoảng 2,6 triệu km2) khỏi nhà nước non trẻ của Lenin và một phần ba dân số của nó, tương đương 55 triệu người.[1]

Ảnh: Lễ ký hiệp ước đình chiến giữa Nga và Liên minh Trung tâm ngày 15 tháng 12 năm 1917. Nguồn: Văn khố Liên bang Đức.

————–

[1] Xem thêm Michael Kort, The Soviet Colossus: History and Aftermath, London: Routledge, 2014, p. 122.

Xem thêm:

07/11/1917: Cách mạng tháng Mười Nga thành công