Tại sao Anh không nên rời EU?

Print Friendly, PDF & Email

euuk

Nguồn: Jean Pisani-Ferry, “Is Europe worth the effort?”, Project Syndicate, 01/03/2016.

Biên dịch: Hoàng Thủy Tiên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế Châu Âu vào năm 1973, Vương Quốc Anh đứng ở hàng ngũ cuối cùng trong quá trình hội nhập Châu Âu. Vấn đề đặt ra bởi cuộc trưng cầu dân ý sắp tới của Vương Quốc Anh về việc có nên tiếp tục làm thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) hay không là liệu nước Anh bây giờ có đứng ở hàng ngũ tiên phong trong quá trình Châu Âu tan rã?

Vấn đề này không liên quan đến thỏa thuận mà Thủ tướng David Cameron đạt được gần đây với các đồng nghiệp Châu Âu của ông. Thực sự thì khó có thể tin rằng thỏa thuận này sẽ quyết định lựa chọn mang tính định mệnh của Anh vào tháng 6 này. Vấn đề quan trọng hơn là liệu ích lợi của việc làm thành viên EU có lớn hơn việc mất đi chủ quyền quốc gia hay không.

Đây không phải là vấn đề thảo lụận chỉ ở Anh. Đối với nhiều nước trong EU, đây là một câu hỏi rất khó đặt ra bởi vì Châu Âu vẫn là vấn đề chất chứa nhiều cảm xúc. Chỉ ở Anh mới có chuyện chính vị bộ trưởng đến từ đảng đã đưa đất nước tham gia liên minh lại có thể là người đưa ra lời kêu gọi rời bỏ liên minh đó. Không một nhà chính trị người Đức, Pháp, hay Tây Ban Nha nào dám công khai thảo luận vấn đề chứ chưa nói đến việc ủng hộ rời EU.

Nhưng câu hỏi này không thể bị làm ngơ. Ở hầu hết các nước châu Âu, một bộ phận lớn ý kiến công chúng không hài lòng với Liên minh cũng như ngày càng thông cảm với các kêu gọi mang tính dân tộc chủ nghĩa. Đáp lại điều này, nhiều chính trị gia chỉ nói cho có về (sự trung thành với lợi ích) Châu Âu trong khi vẫn nhấn mạnh các cách giải quyết mang tính chất quốc gia. Lập trường không thống nhất và thường đáng chê trách này đã đẩy Châu Âu vào một thế cân bằng đáng buồn: không thể lùi cũng không thể tiến, và không làm thỏa mãn một ai.

Người ta hi vọng rằng việc tranh luận gay gắt về vấn đề thành viên của EU một khi đã bắt đầu sẽ trở nên đủ chính đáng để mọi người học hỏi từ nó. Đặc biệt là khi lợi ích kinh tế từ tư cách thành viên EU là một vấn đề đáng thảo luận nghiêm túc.

Các nhà kinh tế mô tả quá trình hội nhập khu vực như một sự đánh đổi giữa tính hiệu quả của quy mô và sự đa dạng trong các lựa chọn về chính sách. Nếu tham gia EU, các quốc gia sẽ đạt được hiệu quả và ảnh hưởng, nhưng cái giá phải trả là việc thi hành các chính sách không thực sự phù hợp với các lựa chọn của họ. Ví dụ, các nhà kinh doanh có thể tiếp cận thị trường lớn hơn và người tiêu dùng hưởng lợi từ giá rẻ nhưng những quy định lại không đi theo với ý muốn của họ. Tương tự như việc chia sẻ một căn hộ: bạn giảm được chi phí nhưng phải thích nghi với những thói quen của bạn cùng phòng.

Những sở nguyện ở Châu Âu ngày nay có thể nói đã bớt khác biệt nhau so với vài thập niên trước. Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand khác xa nhau về tư tưởng hơn so với những chính trị gia tiếp nối họ. Đúng là người Anh vẫn có xu hướng nghiêng về ủng hộ thị trường tự do hơn người Pháp, nhưng khoảng cách đó đã được thu hẹp rất nhiều. Không có một cơ sở thực tiễn nào để cho rằng chúng ta đã trở thành những người bạn cùng phòng thiếu vui vẻ hơn từ những năm 1980.

Cũng không phải EU dấn thân vào các lĩnh vực nơi nó không tạo ra giá trị gia tăng nào. Chính phủ Cameron đầu tiên khởi động một bản đánh giá về các thẩm quyền của Châu Âu vào năm 2012 để quyết định thẩm quyền nào thuộc về EU và thẩm quyền nào thuộc về Vương Quốc Anh. Sau một cuộc tham khảo toàn diện ý kiến công chúng và 32 bản tường trình tỉ mỉ sau đó, cuộc thẩm tra đã không đưa ra yêu cầu nào về việc hồi trả các thẩm quyền đáng kể nào (từ EU) cho nước Anh.

Có lẽ vì lí do này, những người ủng hộ Brexit (tức việc Anh rời EU) tập trung vào lợi ích giảm dần của hội nhập khu vực và cho rằng sẽ tốt hơn nếu Anh tự “chơi bài” một mình. Tại sao phải lo về việc thương thuyết với những đối tác từ châu Âu lục địa khi mà Anh có thể trao đổi buôn bán với cả thế giới? Có phải những nền kinh tế nhỏ và mở cửa như Singapore là không phát đạt đâu?

Có nhiều ý kiến trái chiều quan trọng đối với lập luận này. Đầu tiên, mậu dịch tự do là đủ để đáp ứng nhu cầu buôn bán hàng hóa, nhưng thương mại dịch vụ đòi hỏi các quy định pháp lý chi tiết và các thể chế (như là các cơ quan quản lý trong các lĩnh vực cụ thể) để thi hành. Nếu thiếu vắng bộ máy điều tiết toàn diện, các dịch vụ tài chính hay chăm sóc sức khỏe, cũng như những ngành khác, không thể được tiến hành trao đổi.

Vì thế, quan điểm rằng chỉ cần loại bỏ các thứ thuế hải quan và thủ tục rườm rà chỉ hoàn toàn là thiếu thực tế. Anh rất mạnh về dịch vụ nên cần khuôn khổ thể chế của một thị trường chung châu Âu nhiều hơn, ví dụ như so với Phần Lan, nước mạnh hơn về sản xuất hàng hóa.

Thứ hai, khuôn khổ mậu dịch quốc tế tự bản thân nó cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Vòng đàm phán Uruguay, thỏa thuận mậu dịch quốc tế gần đây nhất, được hoàn thành vào năm 1994. Vòng đàm phán kế tiếp, Vòng Đàm phán Phát triển Doha, vẫn chưa và có lẽ sẽ không bao giờ được hoàn thành. Thương mại quốc tế ngày càng dựa trên các thỏa thuận song phương hay các hiệp định khu vực. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, 267 thỏa thuận như thế đã được thi hành, bao gồm 49 hiệp định liên quan đến EU. Ngược lại với nhận thức phổ biến, toàn cầu hóa đã không làm cho các hiệp định khu vực trở nên không thích hợp mà trái lại, toàn cầu hóa đang ngày càng dựa vào chúng nhiều hơn.

Hơn thế nữa, tòa cầu hóa thực sự khá mong manh – và càng ngày càng trở nên như thế. Vai trò lãnh đạo của Mỹ đã chống đỡ cho toàn cầu hóa trong những thập niên ngay sau Thế chiến II. Tuy vậy, Mỹ không còn được coi là người bảo hộ cho quy tắc đa phương. Cố gắng của Mỹ trong việc tạo ra hai khu vực mậu dịch tự do lớn – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) – cả hai không bao gồm Trung Quốc – đã cho thấy ưu tiên của Mỹ. Và những chủ thể lớn khác, từ Trung Quốc đến các nhà sản xuất hàng hóa cơ bản, không bao giờ ngại ngùng tận dụng quyền lực kinh tế của họ.

Bất chấp tất cả các điểm yếu của mình, EU vẫn là một chủ thể kinh tế lớn tham gia vào việc hình thành nên thế giới xung quanh nó. Là người lập ra các tiêu chuẩn, một nhà thương thuyết, và một nhà thi hành các quy tắc, EU đã có ảnh hưởng đáng kể hơn nhiều so với những người phản đối nó công nhận. Những lí do này thôi đã đủ chứng tỏ rằng việc tách rời khỏi EU sẽ là một canh bạc mạo hiểm.

Nếu các lập luận duy lí không ủng hộ việc rời khỏi EU, thì tại sao câu hỏi này lại được đặt ra? Một phần, bởi vì EU đã làm người ta thất vọng. Nhưng thực tế này cung cấp lập luận cho việc cải cách hơn là thoát ly nó. Một phần khác, đó là bởi vì nền dân chủ xuyên quốc gia đã không đáp ứng được kỳ vọng. Nhưng câu trả lời không phải là từ bỏ nó, mà làm sao để nó có thể hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, cũng còn do chất kết dính cảm xúc ràng buộc Châu Âu lại với nhau đã cạn khô. Nhưng đây cũng là lí do để thay đổi, chứ không phải dể thỏa mãn chủ nghĩa địa phương.

Jean Pisani-Ferry là giáo sư tại Trường Quản trị Hertie tại Berlin, và hiện đang là Tổng Ủy viên của France Stratégie, một cơ quan tư vấn chính sách tại Paris.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Is Europe worth the effort?