Từ ‘vụ án mạng đầu tiên’ đến chủ nghĩa khủng bố hiện đại

Print Friendly, PDF & Email

cainabel

Tác giả:  Nghiêm Anh Thảo

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần nghe qua câu chuyện về Cain và Abel trong Kinh Thánh. Cain và Abel là hai người con trai đầu tiên của Adam và Eve. Cain làm ruộng, và Abel chăn chiên. Chuyện kể rằng, khi hai người mang lễ vật của mình đến dâng lên Chúa Trời, Ngài chỉ nhận lễ vật của Abel, còn khước từ phần của Cain. Điều này làm Cain rất buồn bực và tức tối trong lòng. Một ngày nọ khi hai anh em đang ở ngoài đồng, Cain đã xông đến tấn công và giết chết em trai mình.

Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn, nhưng đọc đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc: “Tại sao Chúa chỉ nhận lễ vật của Abel?” “Cain đã có lòng mang của tế lễ đến dâng hiến, tại sao Ngài lại từ chối?” “Nếu Chúa nhận của cả hai người thì chẳng phải mọi chuyện đã tốt đẹp cả rồi sao? Tại sao Ngài lại có một quyết định gây hiềm khích như vậy?”

Kinh Thánh là một văn bản có bối cảnh, vì thế chúng ta không thể lý giải những chi tiết trong Kinh Thánh bằng suy luận hoặc nhân sinh quan thông thường của xã hội hiện đại. Thay vào đó, để diễn giải chính xác những thông điệp trong Kinh Thánh, ta cần gắn kết chúng chặt chẽ với cả bối cảnh lịch sử và bối cảnh văn học của câu chuyện.

Theo đó, trong ngôn ngữ Hebrew (ngôn ngữ gốc của bản văn Cựu Ước), tên gọi “Cain” là “kaniti”, có nghĩa “đạt được, giành được, chiếm hữu được”. Ý nghĩa này được xác định rõ ràng trong câu chuyện, khi sinh ra Cain, bà Eve đã thốt lên: “Tôi đã ‘đạt được’ (kaniti) đứa con này, nhờ sự giúp đỡ của Chúa Trời” (4:1). Trong các bản Kinh Thánh thông dụng, từ này chỉ được dịch đơn thuần là “sinh ra”, “tạo ra”, “làm nên” – như vậy đã không truyền tải trọn vẹn được ý nghĩa của nguyên bản.

“Abel” trong tiếng Hebrew là “hevel”, có nghĩa là “hơi thở”. Trong văn hoá Do Thái, “hơi thở” là hình ảnh ước lệ dùng để chỉ linh hồn. Điều này có thể được quan sát thấy ngay trong câu chuyện Sáng tạo, sau khi nắn nên hình người từ bụi đất, Chúa Trời đã “hà hơi thở” vào để ban cho họ sự sống và linh hồn. Những từ ngữ khác nhau trong tiếng Hebrew dùng để chỉ linh hồn – nefesh, ruach, neshamah, đều miêu tả những kiểu vận động hít thở khác nhau. “Hevel” còn một ý nghĩa khác, là “vô ích, phù phiếm”. Từ ngữ này được sử dụng rất nhiều trong sách Truyền Đạo (được cho là sách của vị vua khôn ngoan Solomon), khi tác giả nói: “Hư không của hư không, hư không của hư không. Mọi sự đều hư không!” (1:2). Hai tầng nghĩa này kết hợp nói lên một trong những nguyên tắc nền tảng của triết lý Do Thái: cuộc sống này chẳng có gì nhiều hơn một hơi thở, mọi vinh hoa vật chất cuối cùng sẽ chẳng có giá trị gì, vì tất cả những gì phân cách loài người giữa sự sống và cái chết rốt lại chỉ là một hơi thở mỏng manh. Con người thực chất không sở hữu gì cả. Tất cả mọi sự, từ thiên nhiên, sức khoẻ, sự sống, của cải, quyền lực, đều thuộc về Chúa Trời. Như vậy, cái tên “Abel” nhằm ám chỉ sự hữu hạn của cuộc sống loài người, qua đó thừa nhận địa vị của vật thọ tạo và thái độ thuận phục đối với Đấng Tạo Hoá.

Ngược lại, cái tên “Cain” đại diện cho thái độ chiếm hữu, cho khát khao có được thành tựu, cho nguyên tắc sống “ta làm chủ cuộc đời ta”. Danh xưng “Baal”, vị thần tối thượng của dân Canaanite, cũng mang một ý nghĩa tương tự. Cain là khởi nguồn của lý tưởng sống “ta được định hình bằng những gì ta đạt được”, hay nói cách khác, “những gì ta sở hữu sẽ cho ta quyền lực”. Khi Cain dâng của lễ cho Chúa Trời, ông không dâng lên với sự nhận biết mình hữu hạn, ông không dâng lên với nỗi kính sợ của kẻ biết mình nhỏ bé chỉ tồn tại duy bởi một hơi thở mỏng manh. Trái lại, ông đã dùng của lễ như một vật đánh đổi lấy quyền lực, “ta đưa ra những gì ta có để được công nhận, để được cất nhắc lên cao”. Chính vì lẽ đó, Chúa Trời đã khước từ của lễ được dâng lên bởi một thái độ ngạo mạn, một triết lý tôn thờ bản thân, vì đơn giản đó là một cuộc đổi chác.

Cain đã giết chết em trai mình, vì Abel chọn một nguyên tắc sống khác biệt. Cain đã giết chết em trai mình, để độc tôn thụ hưởng và thực thi quyền lực trên đất. Ngày nay, chủ nghĩa khủng bố cũng vận hành bởi một triết lý tương tự. Nếu như câu chuyện Cain-Abel là câu chuyện huynh đệ tương tàn, thì Chủ nghĩa Khủng bố cũng là sản phẩm của dòng Hồi giáo cực đoan với mục tiêu công kích và tận diệt các “tôn giáo anh em” còn lại trong nhóm tôn giáo gốc Abraham (Abrahamic religions, bao gồm Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo). Nhân danh tôn giáo, họ gieo rắc kinh khiếp và chết chóc để mưu cầu quyền lực cá nhân. Nhân danh tôn giáo, họ tiêu diệt những người không cùng quan điểm với mình. Đó cũng chính là lựa chọn của Cain ngày xưa.

Giết chóc trên danh nghĩa Thượng Đế là một vết nhơ trong lịch sử tôn giáo nhân loại. Chưa có linh hồn nào từng được cứu bởi sự thù ghét. Chưa có sự cứu rỗi nào từng đạt được qua các cuộc thánh chiến. Chẳng có tôn giáo nào được tôn trọng khi chèn ép và giày đạp kẻ thù của mình. Tất cả đều là những mưu cầu chính trị ích kỷ đội lốt đức tin. Khủng bố là phiên bản cô đọng nhất của hành động tôn thờ thần tượng, tội lỗi gớm ghiếc nhất trước mặt Chúa Trời. Ngôn ngữ của chúng là bạo lực, hành động của chúng dựa trên sự tự tôn năng lực bản thân. Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS từng tuyên bố sẽ thiết lập lại vương quốc Hồi giáo Ottoman lừng lẫy một thời, “chiếm hữu” lại phần lãnh thổ trải dài từ Israel đến Tây Ban Nha, thâu tóm quyền lực tối thượng vào tay những kẻ giải quyết xung đột bằng phương pháp ban sơ và mông muội nhất của xã hội loài người: giết chóc.

Chủ nghĩa khủng bố là sản phẩm hư hoại của tôn giáo khi niềm tin được diễn giải và lợi dụng để phục vụ cho các động cơ hiểm ác của con người. Ngày nay, các tôn giáo cần đứng lại với nhau để bảo vệ sự sống còn của nhân loại, bảo vệ sự thánh khiết và quý báu của cuộc sống, bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mỗi cá nhân, và bảo vệ vinh hiển của chính Chúa Trời. Nếu có ai đó giết chóc nhân danh “Chúa của Abraham, Isaac, và Jacob”, xin hãy nhớ rằng Ngài là Chúa của sự sống. Nếu có ai đó đang gây tổn thương, đang chà đạp công lý, đang gieo rắc tai hoạ và nỗi khiếp kinh, xin hãy nhớ rằng, “Chúa của Abraham” là Đấng từng đoái đến và giải cứu những kẻ bất lực, là Đấng quan tâm và chăm sóc những kẻ nghèo hèn, cô đơn, những kẻ bị đẩy ra bên rìa của xã hội, Ngài cũng chính là Đấng đã truyền phán những người theo Ngài phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù của mình. Khi tôn giáo biến con người thành kẻ giết chóc, Chúa sẽ trả lời, như Ngài từng nói với Cain: “Tiếng của máu em con từ dưới đất đã kêu thấu đến Ta!” (Sáng Thế 4:10)

Nghiêm Anh Thảo tốt nghiệp cao học ngành Khoa học chính trị tại Vrije Universiteit Amsterdam và hiện đang theo học tại Yale Divinity School. 

Bài viết được truyền cảm hứng từ quyển sách “Đừng nhân danh Chúa – Cách đối diện với bạo lực tôn giáo” (Not in God’s Name: Confronting Religious Violence) của Rabbi Jonathan Sacks, người đứng đầu Do Thái giáo tại Vương quốc Anh.

Hình: Tác phẩm miêu tả Cain sát hại Abel của Frans Floris (1516-1570). 

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]