Ả-rập Xê-út và giá dầu: Khi gậy ông đập lưng ông

Print Friendly, PDF & Email

asaudi

Nguồn: Andrew Scott Cooper, “How Saudi Arabia turned its greatest weapon on itself”, The New York Times, 12/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Minh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong một nửa thế kỷ qua, nền kinh tế thế giới đã bị thống trị bởi chỉ một quốc gia: Vương quốc Ả-rập Xê-út. Những trữ lượng dầu mỏ khổng lồ cùng nguồn dầu chưa được khai thác đã cho phép quốc gia này đóng một vai trò đặc biệt to lớn trong vai trò nhà sản xuất quyết định giá dầu, có thể bơm đầy hay làm cạn kiệt hệ thống cung dầu toàn cầu theo ý muốn.

Lệnh cấm vận dầu khí 1973-74 là minh chứng đầu tiên cho thấy Hoàng gia Ả-rập Xê-út đã sẵn sàng biến thị trường dầu mỏ thành một thứ vũ khí. Vào tháng 10/1973, một liên minh của các quốc gia Ả-rập mà đứng đầu là Ả-rập Xê-út đã đột ngột cho dừng vận chuyển dầu mỏ để trả đũa việc Mỹ hỗ trợ Israel trong suốt cuộc chiến tranh Yom Kippur. Giá dầu tăng chóng mặt lên gấp 4 lần: cú sốc sau đó đối với các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ ở phương Tây đã dẫn tới giá cả tăng cao, thất nghiệp hàng loạt và bất mãn xã hội ngày càng gia tăng.

“Nếu tôi là Tổng thống”, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger đã nổi giận nói với Thứ trưởng của ông là Brent Scowcroft, “tôi sẽ yêu cầu các nước Ả-rập cất hết các mỏ dầu của họ đi”. Nhưng Tổng thống Nixon lại không có khả năng để ra lệnh cho người Ả-rập.

Ở phương Tây, chúng ta gần như đã quên bài học năm 1974, một phần vì các nền kinh tế của chúng ta đã thay đổi và ít bị tổn thương hơn, nhưng chủ yếu là vì chúng ta không phải là mục tiêu chính của Ả-rập Xê-út. Những dự đoán rằng sản xuất dầu toàn cầu đã đạt đỉnh, đảm bảo giá dầu sẽ duy trì ở mức cao lâu dài, đã không bao giờ trở thành hiện thực. Khủng hoảng dầu mỏ ngày nay không phải được quyết định bởi giá dầu thô thả nổi mà bởi tình hình chính trị trong khu vực. Cuộc chiến dầu mỏ của thế kỷ 21 đang diễn ra.

Trong những năm gần đây, Ả-rập Xê-út đã nói rõ rằng họ coi thị trường dầu mỏ là một tiền tuyến quan trọng trong cuộc chiến của một quốc gia nơi người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số với một đối thủ mà phần lớn là người Hồi giáo dòng Shiite, đó là Iran. Chiến thuật ưa thích của họ là bơm dầu dư thừa vào một thị trường đã đủ cung, và điều này cũng tương đương với một cuộc chiến bằng phương tiện kinh tế: thương mại dầu mỏ cũng giống như ném một quả bom vào đối thủ.

Vào năm 2006, cố vấn an ninh Nawaf Obaid đã cảnh báo rằng Riyadh sẵn sàng giảm giá dầu nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Hai năm sau đó, Ả-rập Xê-út đã làm đúng như vậy, với mục đích ngăn chặn khả năng Tehran hỗ trợ những nhóm dân quân người Shiite ở Iraq, Lebanon và nhiều nơi khác.

Sau đó vào năm 2011, Hoàng tử Turki al-Faisal, Cựu Giám đốc Cục tình báo Ả-rập Xê-út, đã nói với các quan chức NATO rằng Riyadh đã chuẩn bị bơm dầu vào thị trường để khuấy động tình hình bất ổn ở Iran. Ba năm sau, người Ả-rập Xê-út lại tấn công thêm một lần nữa, mở van, bơm dầu vào thị trường.

Nhưng lần này, họ đã hơi quá tay.

Khi các quan chức Ả-rập Xê-út hành động vào mùa thu 2014, lợi dụng một thị trường cung vượt quá cầu, họ rõ ràng đã hy vọng rằng giá cả thấp hơn sẽ bóp nghẹt ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ, vốn đang thách thức sự thống trị thị trường của vương quốc này. Nhưng mục đích chính của họ là làm khó Tehran: “Iran sẽ chịu một áp lực tài chính và kinh tế chưa từng có vì nước này luôn cố gắng để duy trì một nền kinh tế vốn đã tơi tả bởi các lệnh trừng phạt quốc tế”, ông Obaid cho biết.

Các nước sản xuất dầu mỏ, đặc biệt những nước như Nga, với những nền kinh tế thiếu tính đa dạng, có ngân sách dựa vào giá dầu ở một ngưỡng nhất định. Nếu giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng đó, khủng hoảng ngân sách sẽ xuất hiện. Người Ả-rập Xê-út đã hy vọng rằng việc giá dầu giảm mạnh sẽ không chỉ gây tổn hại cho nền công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, mà còn giáng một đòn nặng nề vào các nền kinh tế của Nga và Iran. Điều này sẽ làm giảm khả năng của những nước này trong việc hỗ trợ các đồng minh và các tay chân của họ, đặc biệt là ở Iraq và Syria.

Chiến thuật này đã vô cùng hiệu quả trong quá khứ. Đây là một kịch bản tồi tệ mà nhà vua Iran đã phải đối mặt vào năm 1977 khi Ả-rập Xê-út giảm giá dầu để kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran. Việc giảm giá dầu không phải là nguyên nhân duy nhất của cuộc cách mạng Iran nhưng nó chắc chắn là một yếu tố: Sự cai trị của nhà vua đã trở nên bất ổn khi Giáo chủ Ruhollah Khomeini tăng cường tấn công để thay thế chế độ quân chủ thân phương Tây bằng một nhà nước thần quyền. Theo đó, thị trường dầu mỏ đã thúc đẩy sự gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo chính trị.

Giá dầu cũng đã giúp đặt dấu chấm hết cho Chiến Tranh Lạnh. Như nước Nga ngày nay, siêu cường cộng sản lúc đó là một nước sản xuất năng lượng toàn cầu phụ thuộc nặng nề vào doanh thu từ dầu mỏ. Vào những năm 1985-86, quyết định giảm giá dầu của Ả-rập Xê-út – điều mà theo nhiều người là được khuyến khích bởi chính quyền Reagan – đã dẫn tới sự sụp đổ về giá dầu khiến nền kinh tế Liên Xô rơi vào tình trạng suy sụp.

“Lịch sử tan rã của Liên Xô bắt đầu từ ngày 13/9/1985”, như nhà kinh tế học người Nga Yegor Gaidar đã viết. “Vào ngày này, Sheikh Ahmed Zaki Yamani, Bộ trưởng Dầu mỏ của Ả-rập Xê-út đã tuyên bố rằng chế độ quân chủ nước này đã quyết định thay đổi chính sách dầu mỏ của mình một cách triệt để”.

Hiện nay, ở Nga, phân nửa thu nhập của quốc gia này đến từ dầu mỏ và khí đốt. Theo cựu Thứ trưởng Kinh tế Nga Mikhail Dimitriev, thậm chí nếu dầu mỏ trở lại với giá 40 đô la/thùng (giá dầu đã giảm xuống dưới 30 đô la hai lần vào đầu năm nay), thì giá dầu thấp như vậy vẫn tạo nên một kịch bản nguy hiểm. Lạm phát ở Nga đã đạt hai con số vào năm ngoái, quỹ đầu tư nhà nước của Nga, thứ đã giúp cứu trợ cho các công ty Nga gặp khó khăn, đã bị cạn kiệt; và việc đóng cửa các nhà máy đang làm dấy lên bất ổn trong giới lao động.

Không may cho Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga xảy ra cùng lúc với những can thiệp quân sự của ông ở Đông Ukraine và Syria. Nếu nền kinh tế của Nga trở nên tồi tệ hơn và Putin cảm thấy bị dồn vào thế bí, ông có thể phải tìm kiếm cách thức để đánh lạc hướng người dân Nga thông qua những khiêu khích có tác động tập hợp sự đoàn kết của dân chúng, cũng như gây hoang mang trong thị trường dầu mỏ về nguồn cung và tìm cách nâng giá tăng trở lại.

Cú sốc trong tương lai đã đến với các nước sản xuất dầu như Venezuela, nước mà nền kinh tế đã bị tàn phá vì giảm nguồn thu từ dầu mỏ vốn chiếm đến 95% doanh thu xuất khẩu của nước này. Với lạm phát lên tới 720% trong năm nay theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Venezuela đã trở thành một thây ma về tài chính – một sự nhắc nhở có phần khắc nghiệt về những gì có thể xảy ra đối với các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào một thứ hàng hóa cơ bản có giá cả không ổn định. Tổng thống Nicolas Maduro đang chờ may rủi từ thị trường, thứ đang hằng ngày đẩy chế độ của ông tới gần vực thẳm.

Một nước sản xuất dầu khác, Nigeria, đang cạn kiệt tiền. Điều này gây khó khăn cho chiến dịch chống lại các phần tử nội dậy Boko Haram ở phía Đông Bắc. Giá dầu tụt dốc cũng đã gây chấn động Trung Á, khu vực mà Azerbaijan và Kazakhstan đã bày tỏ quan tâm về những khoản cứu trợ khẩn cấp từ IMF và các chủ nợ nước ngoài.

Ở Trung Đông, doanh thu từ dầu giảm đã hạn chế khả năng tiến hành chiến tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) của Iraq. Những nước sản xuất dầu ở vịnh Ba Tư như Qatar và UAE ước tính mất khoảng 360 tỷ đô la doanh thu xuất khẩu vào năm ngoái. Một lỗ hổng ngân sách lớn như vậy đặt ra những vấn đề về việc duy trì trật tự trong nước trong khi vẫn tiến hành chiến tranh ở Syria, Yemen, đồng thời vực dậy các đồng minh bị kẹt tiền như Ai Cập.

Và sau cùng chính là Ả-rập Xê-út.

Tất cả các bằng chứng cho thấy các quan chức Ả-rập Xê-út chưa bao giờ nghĩ tới việc giá dầu sẽ giảm xuống dưới 60 đô la/thùng. Nhưng họ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ mất ảnh hưởng trong vai trò nhà sản xuất quyết định giá bán của mình trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Bất chấp những tuyên bố đầy tham vọng của các bộ trưởng Ả-rập Xê-út, những cố gắng vào tháng trước của quốc gia này trong việc đạt thỏa thuận với Nga, Venezuala và Qatar trong việc giảm nguồn cung và tăng giá dầu đã thất bại.

IMF cảnh báo rằng nếu chi tiêu của chính phủ không được kiểm soát, Ả-rập Xê-út sẽ vỡ nợ vào năm 2020. Bỗng nhiên, ngân hàng dự trữ vàng đen của thế giới đang cân nhắc vay mượn hàng tỷ đô la từ những chủ nợ nước ngoài. Phản ứng của vua Salman là hứa sẽ tiến hành thắt lưng buộc bụng, tăng thuế và cắt giảm trợ cấp cho một dân tộc vốn đã quá quen với việc nhận nhiều phúc lợi từ nhà nước. Điều này làm dấy lên một câu hỏi về sự gắn kết nội bộ của đất nước này, kể cả khi nhà vua đã quyết định gánh vác trách nhiệm an ninh của khu vực Trung Đông để chiến đấu trên cả hai mặt trận. Liệu đã bao giờ tồn tại một quốc gia dầu mỏ vừa nợ nần chồng chất ở trong nước vừa bành trướng quá mức ở bên ngoài?

Trong khi đó, với việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Iran đang thoát khỏi gánh nặng của các lệnh trừng phạt kinh tế. Đối với Riyadh, điều này có nghĩa rằng thị trường thế giới mà nó không thể kiểm soát được nữa đã có thêm một nhà sản xuất dầu mỏ khác.

Tình trạng bất ổn và kiệt quệ kinh tế của các quốc gia sản xuất dầu mỏ nhỏ hơn như Nigeria và Azerbaijan vẫn đang tiếp diễn. Nhưng đây là một tác động ngoài dự kiến. Câu chuyện thực sự là cách Ả-rập Xê-út đã tự làm mình bị thương bởi vũ khí của chính mình.

Andrew Scott Cooper là tác giả của cuốn sách “Những ông vua dầu mỏ: Mỹ, Iran và Ả-rập Xê-út đã thay đôi cán cân quyền lực ở Trung Đông như thế nào” và cuốn sách sắp xuất bản “Sự sụp đổ của Thiên đường: Các Pahlavis và những ngày cuối cùng của Đế quốc Iran”.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]