12/05/1949: Liên Xô chấm dứt cuộc Phong tỏa Berlin

Print Friendly, PDF & Email

2672980474

Nguồn:Berlin blockade lifted”, History.com (truy cập ngày 12/05/2016).

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1949, một cuộc khủng hoảng thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh đã kết thúc khi Liên Xô dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 11 tháng đối với Tây Berlin. Cuộc phong tỏa đã bị phá vỡ bởi một cuộc không vận lớn của Mỹ và Anh nhằm cung cấp các nhu yếu phẩm quan trọng cho hai triệu người dân Tây Berlin.

Vào cuối Thế chiến II, nước Đức bị chia thành bốn khu vực quản lý của bốn cường quốc Đồng minh: Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, và Pháp. Berlin, thủ đô nước Đức, tương tự cũng bị chia thành bốn khu vực mặc dù thành phố này nằm sâu trong vùng lãnh thổ Đông Đức do Liên Xô kiểm soát. Tương lai của Đức và Berlin là một điểm gây cản trở lớn trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước hậu chiến, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ, Anh, và Pháp đã tìm cách hợp nhất các vùng chiếm đóng của họ thành một khu vực kinh tế duy nhất.

Trong tháng 3 năm 1948, Liên Xô đã rút khỏi Hội đồng Kiểm soát của Đồng minh vốn quản lý việc chiếm đóng nước Đức do vấn đề này. Vào tháng 5, ba cường quốc phương Tây đã đồng ý thành lập Tây Đức, một quốc gia tồn tại hoàn toàn độc lập với khu vực Đông Đức do Liên Xô chiếm đóng. Ba khu vực phía tây của Berlin cũng được hợp nhất thành Tây Berlin nằm dưới sự quản lý của Tây Đức.

Ngày 20 tháng 6, trong một bước tiến quan trọng hướng tới việc thành lập một chính phủ Tây Đức, các cường quốc phương Tây đã phát hành một đồng tiền mark Đức mới ở Tây Đức lẫn Tây Berlin. Liên Xô đã lên án hành động này, coi đó là một cuộc tấn công vào đồng tiền Đông Đức, và từ ngày 24 tháng 6 bắt đầu phong tỏa tất cả các tuyến đường sắt, đường bộ, và đường thủy nối Berlin với Tây Đức. Liên Xô cho rằng việc quản lý chung Berlin của 4 cường quốc đã chấm dứt do sự hợp nhất Tây Berlin, và các cường quốc phương Tây không còn có quyền được ở lại đó. Với việc thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác của Tây Berlin bị cắt đứt, Liên Xô cho rằng nó sẽ sớm bị phe cộng sản kiểm soát.

Anh và Hoa Kỳ phản ứng bằng cách khởi xướng một cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử, thực hiện 278.288 chuyến bay cứu trợ cho thành phố trong 14 tháng sau đó, giúp cung cấp 2.326.406 tấn hàng tiếp tế. Do Liên Xô cắt nguồn điện của Tây Berlin, than đá chiếm hơn hai phần ba số vật tư được chuyển giao. Các chuyến bay theo chiều ngược lại giúp vận chuyển hàng xuất khẩu công nghiệp của Tây Berlin tới phương Tây.

Các chuyến bay được thực hiện suốt ngày đêm, và tại thời kỳ đỉnh điểm của đợt không vận vào tháng Tư năm 1949, các máy bay đã hạ cánh xuống thành phố theo tần suất mỗi phút một chuyến. Căng thẳng đã ở mức cao trong suốt cuộc không vận và ba nhóm máy bay ném bom chiến lược của Hoa Kỳ đã được gửi sang Anh để tiếp viện trong khi sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở Đông Đức đã tăng lên đáng kể. Liên Xô đã không thực hiện nỗ lực lớn nào nhằm phá vỡ cuộc không vận. Nhằm đối phó với cuộc bao vây của Liên Xô, các cường quốc phương Tây cũng đã thực hiện một lệnh cấm vận thương mại đối với Đông Đức và các nước khác thuộc khối Xô-viết.

Ngày 12 Tháng 5 năm 1949, Liên Xô chấm dứt cuộc phong tỏa, và các đoàn xe đầu tiên của Anh và Mỹ đã vượt qua 110 dặm trên lãnh thổ Đông Đức do Liên Xô kiểm soát để tới Tây Berlin. Vào ngày 23, Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) đã được chính thức thành lập. Vào ngày 7 tháng 10, Cộng hòa Dân chủ Đức, một nhà nước Cộng sản, cũng đã được tuyên bố thành lập tại Đông Đức. Cuộc Không vận Berlin vẫn tiếp tục cho đến ngày 30 tháng 9 trong một nỗ lực đảm bảo lượng hàng dự trữ đủ dùng trong một năm cho Tây Berlin, đề phòng trường hợp Liên Xô lại tiến hành một đợt phong tỏa khác. Điều này đã không xảy ra, nhưng căng thẳng Chiến tranh Lạnh xung quanh vấn đề Berlin vẫn ở mức cao, với đỉnh điểm là việc xây dựng Bức tường Berlin năm 1961.

Với sự dần xuống dốc của sức mạnh Liên Xô vào cuối những năm 1980, Đảng Cộng sản ở Đông Đức bắt đầu mất dần quyền lực. Hàng chục ngàn người Đông Đức bắt đầu chạy trốn khỏi đất nước, và tới cuối năm 1989, Bức tường Berlin đã bắt đầu sụp đổ. Ngay sau đó, các cuộc đàm phán giữa các quan chức Đông và Tây Đức, với sự tham gia của các quan chức Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô, đã bắt đầu xem xét khả năng tái thống nhất đất nước, điều đã diễn ra ngày 3 tháng 10 năm 1990. Hai tháng sau ngày thống nhất, một cuộc bầu cử toàn nước Đức đã diễn ra và Helmut Kohl đã trở thành thủ tướng đầu tiên của nước Đức thống nhất. Mặc dù sự kiện này diễn ra hơn một năm trước khi Liên Xô tan rã, nhiều nhà quan sát cho rằng việc nước Đức thống nhất về cơ bản đã đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]