27/07/1916: Đức xử tử Thuyền trưởng Charles Fryatt

Nguồn: Germans execute British seaman Captain Charles Fryatt, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1916, tại Bruges, Bỉ, các quan chức Đức đã xử tử Charles Fryatt, cựu chỉ huy tàu hơi nước Brussels của công ty Great Eastern Railway, sau khi một tòa án Đức đã kết tội ông tấn công tàu ngầm Đức.

Brussels, một tàu buôn của Anh, đã bị người Đức đánh chặn trên hải trình của mình, vốn được thực hiện mỗi tuần hai lần, từ Harwich ở Anh đến Hà Lan. Fryatt và các thủy thủ của ông đã bị bắt và đưa đến trại giam Ruhleben, ngoại ô Berlin. Sau đó, họ được đưa đến Bỉ để xét xử.

Fryatt bị buộc tội có hành động “cướp biển” do một sự việc xảy ra vào ngày 28/03 trước đó, khi tàu Brussels bị tàu ngầm U-boat của Đức tấn công, Fryatt đã cho tàu quay lại và cố gắng đâm vào chiếc tàu ngầm của Đức. Tàu U-boat chạy trốn, và sự dũng cảm của Fryatt đã được Đô đốc Hải quân Anh công nhận bằng giải thưởng là một chiếc đồng hồ bằng vàng.

Tuy nhiên, phiên toà vào tháng 7 của Đức đã buộc tội Fryatt cố gắng tấn công tàu ngầm, mặc dù bản thân ông không phải là một người lính chiến. Trong diễn biến tiếp theo, những gì mà Anh lên án là hành động tàn bạo ngay cả trong thời chiến, người Đức đã hành quyết Fryatt vào ngày 27/07. Trên phương diện tuyên truyền chống Đức, phiên tòa và vụ xử tử Fryatt chắc chắn có lợi cho phe Đồng minh. Tại Mỹ, khi ấy vẫn còn đang trung lập, tờ The New York Times gọi cái chết của Fryatt là một “vụ giết người có chủ ý.”

John Ketchum, một dân thường Canada, người đang theo học ngành âm nhạc ở Đức khi chiến tranh nổ ra, và đã bị giam chung cùng với Fryatt và các thủy thủ tại trại giam Ruhleben, nhớ lại: “Việc tòa án hành quyết một người chỉ mới đến Ruhleben một tháng đã gây ra một cơn sốc và giận dữ, và đưa cảm giác chiến tranh trến trại giam ở một mức độ chưa từng có trước đây.”

Rất lâu sau đó, khoảng 10 ngày sau khi Hiệp ước Versailles được ký vào cuối tháng 06/1919, thi hài của Fryatt mới được đưa về Anh. Một buổi tưởng niệm đã được tổ chức tại London để tưởng nhớ hành động anh hùng của ông; sau đó, Fryatt được chôn cất tại Dovercourt.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]