17/04/1969: ‘Kiến trúc sư’ của Mùa xuân Praha từ chức

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Architect of Czechoslovakia’s Prague Spring resigns, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1969, Alexander Dubcek, nhà lãnh đạo cộng sản đã đưa ra một chương trình cải cách rộng rãi ở Tiệp Khắc, bị lực lượng Liên Xô đang chiếm đóng đất nước buộc phải từ chức Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Gustav Husak, một chính trị gia thân Liên Xô đã được chỉ định lên thay thế Dubcek, tái thiết lập chế chế độ độc tài cộng sản tại nhà nước vệ tinh của Liên Xô.

Xu hướng tự do hóa ở Tiệp Khắc bắt đầu từ năm 1963, và đến năm 1968 thì đạt đến đỉnh điểm sau khi Dubcek lên thay thế Antonin Novotny làm Bí thư Thứ nhất của đảng. Ông đã đưa ra một loạt các cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng, bao gồm gia tăng tự do ngôn luận và chấm dứt kiểm duyệt nhà nước. Nỗ lực của Dubcek để thiết lập “chủ nghĩa cộng sản với khuôn mặt con người” đã được ủng hộ trên khắp đất nước và giai đoạn tự do hóa ngắn ngủi này đã được gọi là “Mùa xuân Praha.”

Ngày 20/08/1968, Liên Xô đáp trả hành động cải cách của Dubcek bằng cuộc xâm lăng vào Tiệp Khắc của hơn 600.000 quân của khối Hiệp ước Warsaw. Praha tuy không sẵn sàng nhượng bộ, nhưng sự phản kháng rải rác của sinh viên chẳng thể thắng nổi xe tăng Liên Xô. Những cải cách của Dubcek bị bãi bỏ, và bản thân nhà lãnh đạo cũng bị thay thế bởi một Gustav Husak cứng rắn thân Liên Xô, người đã tái thiết lập một chế độ cộng sản độc tài trong nước.

Năm 1989, khi các chính phủ cộng sản dần sụp đổ ở Đông Âu, Praha một lần nữa trở thành hiện trường của các cuộc biểu tình cải cách dân chủ. Tháng 12/1989, chính phủ của Husak chấp nhận yêu cầu về một nghị viện đa đảng. Husak từ chức, và lần đầu tiên sau hai thập niên, Dubcek trở lại chính trường với vị trí chủ tịch nghị viện mới. Nghị viện sau đó đã bầu nhà biên kịch Vaclav Havel làm Tổng thống Tiệp Khắc. Havel trở nên nổi tiếng trong phong trào Mùa xuân Praha, và sau cuộc đàn áp của Liên Xô, các vở kịch của ông đã bị cấm và hộ chiếu của ông bị tịch thu.

Học thuyết Brezhnev (Brezhnev Doctrine)