07/06/1948: Tổng thống Tiệp Khắc Eduard Benes từ chức

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Czechoslovakian president Benes resigns, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1948, Eduard Benes đã từ chức Tổng thống Tiệp Khắc, thay vì ký một hiến pháp mới để biến đất nước ông trở thành một nhà nước cộng sản. Việc từ chức của Benes đã xóa bỏ những gì còn sót lại của chính phủ dân chủ ở Tiệp Khắc, và dọn đường cho một chế độ do cộng sản kiểm soát.

Benes, một nhân vật nổi tiếng ở Tiệp Khắc, đã được bầu làm “Tổng thống suốt đời” vào năm 1946. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông đã phải đối mặt với một thách thức từ Đảng Cộng sản, hối thúc ông thông qua một chính sách đối ngoại thân Liên Xô và áp dụng đường lối kinh tế cộng sản. Trong suốt những năm 1946 và 1947, Đảng Cộng sản đã phát triển mạnh mẽ nhờ khủng hoảng kinh tế và chính trị nảy sinh sau khi cuộc chiến mới kết thúc, và cũng bởi các chính sách của Mỹ nhằm hăm dọa trừng phạt kinh tế chế độ của Benes nếu họ không loại bỏ các phần tử cộng sản khỏi Tiệp Khắc.

Tháng 02/1948, phe cộng sản đã tiến hành một cuộc đảo chính chính trị và lật đổ đảng đối lập khỏi chính phủ. Nhưng những người cộng sản vẫn cho phép Benes tiếp tục nắm quyền, có lẽ vì niềm tin rằng tầm vóc và sự nổi tiếng của ông sẽ có lợi cho việc củng cố quyền lực của họ. Tháng 05/1948, Quốc Hội do Cộng sản kiểm soát đã ban hành một hiến pháp mới, được thiết kế nhằm phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản.

Đối với Benes, đây dường như là giọt nước làm tràn ly. Ngày 07/06/1948, ông đã trình lên một lá đơn từ chức. Trong đó, ông nói rằng tình trạng sức khoẻ kém là lý do chính cho quyết định của mình, nhưng kết luận của lá đơn lại thể hiện rằng ông ghê tởm bản thảo hiến pháp. Ông bày tỏ “mong muốn rằng phe Cộng hòa sẽ được cứu vãn khỏi mọi thảm hoạ, và họ có thể sống và làm việc với nhau trong sự khoan dung, yêu thương và tha thứ. Hãy để họ trao quyền tự do cho người khác và tự họ cũng được hưởng tự do.” Ngay sau khi Benes từ chức, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Klement Gottwald, đã lên tiếp quản vị trí Tổng thống.

Đối với phương Tây, hành động từ chức của Benes đã được chấp nhận như một cao trào đáng tiếc, nhưng không thể tránh khỏi, trong các mưu toan của phe cộng sản ở Tiệp Khắc. Cả Mỹ và Anh đều bày tỏ sự tiếc nuối khi chế độ Benes kết thúc và lên án mạnh mẽ các chiến thuật của Đảng Cộng sản. Ngoài can thiệp bằng quân đội, điều thậm chí không bao giờ được xem xét, thì cả hai nước đều không còn cách nào khác để thay đổi tình hình. Đảng Cộng sản đã chiếm ưu thế tại Tiệp Khắc cho đến khi “Cách mạng Nhung” năm 1989 đã giúp phục hồi lại chính phủ dân chủ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]