05/07/1775: Quốc Hội Lục địa thông qua Kiến nghị Nhành Olive

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Congress adopts Olive Branch Petition, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày năm 1775, Quốc hội Lục địa đã thông qua Kiến nghị Nhành Olive (Olive Branch Petition), được viết bởi John Dickinson. Đây là đơn thỉnh nguyện được gửi trực tiếp cho Vua George III nhằm bày tỏ hy vọng hòa giải giữa các thuộc địa và Vương quốc Anh. Dickinson, người rất mong tránh được việc phá vỡ quan hệ với Anh, đã phản đối chính sách thuộc địa của Anh như sau: “Các công sứ của Đức vua, kiên quyết trước các đạo luật của mình, và sẵn sàng gây nên sự thù địch để thực thi chúng, đã khiến chúng thần phải vũ trang để tự bảo vệ mình và đã kéo chúng thần vào một cuộc đối đầu vốn đi ngược lại lòng tôn quý của những người dân thuộc địa trung thành này, rằng khi chúng thần cân nhắc xem mình phản đối ai trong sự vụ này, và nếu nó vẫn tiếp tục, thì đâu sẽ là hậu quả, những bất hạnh này cũng chỉ là một phần trong sự phiền muộn của chúng thần mà thôi.”

Bằng cách trình bày sự bất mãn của họ theo cách này, Quốc Hội đã cố gắng thông báo cho nhà vua rằng người dân thuộc địa không hài lòng với chính sách của các công sứ, chứ không phải của chính nhà vua. Họ kết thúc lời thỉnh cầu bằng tuyên bố về lòng trung thành với hoàng gia: “Chúc thần chân thành cầu mong Đức vua có thể tận hưởng một triều đại dài lâu và thịnh vượng, và con cháu của Ngài có thể cai trị lãnh địa của Ngài trong danh dự của bản thân và hạnh phúc cho thần dân của họ.”

Tháng 07/1776, Tuyên ngôn Độc lập lại tuyên bố một điều rất khác: “Lịch sử của vua nước Anh hiện nay là lịch sử của những nỗi đau thương và sự tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này.” Ngôn từ mà Quốc Hội sử dụng là điểm quan trọng để hiểu được sự thay đổi mạnh mẽ đã xảy ra trong suy nghĩ của người Mỹ chỉ trong vòng 12 tháng. Thật vậy, Quốc Hội một mực yêu cầu Thomas Jefferson loại bỏ khỏi bản tuyên ngôn bất kỳ từ ngữ nào có liên quan đến người dân của Vương quốc Anh hoặc các đại diện của họ trong Nghị viện. Căn cứ cơ bản khiến người Mỹ quyết định đối đầu đã thay đổi. Lực lượng dân quân Mỹ bắn vào lính Anh (Redcoats) tại Lexington và Concord bởi sự tức giận với Nghị Viện, chứ không phải là nhà vua, người mà họ vẫn tin tưởng rằng chỉ mong ước điều tốt đẹp cho tất cả các thần dân của mình trên toàn cầu.

Niềm tin này đã thay đổi sau khi Vua George từ chối nhận Kiến nghị Nhành Olive. Nhóm Ái quốc (Patriots) đã hy vọng rằng Nhà vua không hề hay biết Nghị Viện đã cắt giảm các quyền của thuộc địa, và bản kiến nghị sẽ khiến ông lắng nghe người dân của mình. Khi George III từ chối đọc bản kiến nghị, Những người Ái quốc nhận ra rằng Nghị Viện đang hành động với sự ủng hộ của hoàng gia. Cuộc nổi loạn của người dân thuộc địa được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của tác phẩm do Thomas Paine soạn thảo  vào tháng 01/1776 – Lẽ thường (Common Sense), một cuốn sách nhỏ có ảnh hưởng lớn, trong đó đã tấn công chế độ quân chủ mà Paine tuyên bố là đã cho phép những ‘kẻ cướp trong hoàng gia’ làm cho đất nước thêm nghèo nàn và chia rẽ.