Ảnh hưởng của sự chia tách Tiệp Khắc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The impact of Czechoslovakia’s split, The Economist, 04/01/2018

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một phần tư thế kỷ trước, khi sự chú ý của quốc tế tập trung vào cuộc xung đột đẫm máu ở vùng Balkan, một quốc gia châu Âu đa dân tộc khác đã lặng lẽ chia tách làm hai. “Cuộc phân ly nhung” (Velvet Divorce), cái tên được đặt cho sự chia tách Tiệp Khắc vào ngày 01 tháng 01 năm 1993, đã khơi dậy ký ức về cuộc Cách mạng Nhung không đổ máu đã lật đổ những người cộng sản của đất nước này vào năm 1989. Nó ngầm ý rằng sự chia tách này đã diễn ra một cách hòa bình thân thiện. Trên thực tế, chỉ có một số ít người dân ở cả hai bên – chỉ 37% người Slovak và 36% người Séc – ủng hộ sự chia tách này. Vaclav Havel, một hình tượng cách mạng, người đã từng là tổng thống Tiệp Khắc vào thời điểm đó, đã nản lòng đến mức ông thà từ chức còn hơn là phải chủ trì cho cuộc chia tách này. Trong khi chủ nghĩa dân tộc sơ khai kích động cuộc xung đột ở Nam Tư, các vấn đề kinh tế và khả năng lãnh đạo kém cỏi mới là những nguyên nhân chính của sự phân ly ở Tiệp Khắc – một động lực đã báo trước về cuộc đấu tranh giành độc lập ở Catalonia đương đại, một vùng thuộc Tây Ban Nha.

Hai dân tộc đã từng trải qua sự chia ly trước đó. Ngay cả khi cả hai dân tộc đều là một phần của đế chế Habsburg cũ, người Séc đã bị cai trị bởi Áo và người Slovak thì bị Hungary quản lý. Tiệp Khắc được tách ra khỏi đế quốc Áo-Hung sau Thế chiến I. Trong Thế chiến II, Slovakia tuyên bố độc lập và hình thành một nhà nước bù nhìn đồng minh với Đức quốc xã trong khi người Séc chịu đựng sự chiếm đóng trực tiếp của người Đức.

Vào năm 1948, sau khi cộng sản tiếp quản, các vùng đất của Séc, trước đây từng là trung tâm công nghiệp của Áo-Hungary, được hưởng lợi từ sự chú trọng của chế độ này đối với ngành công nghiệp nặng. Nhưng các chính sách tái phân phối thu nhập của nhà nước lại tìm cách thúc đẩy sự phát triển ở các vùng lãnh thổ nông nghiệp và miền núi Slovakia. Đến năm 1992, GDP bình quân đầu người của Slovakia đã được cải thiện bằng 3/4 so với Séc. Tuy nhiên, sự thù ghét đã được tạo ra ở phía Séc bởi những khoản trợ cấp này, và ở phía người Slovakia là bởi ý niệm rằng số phận của họ nằm trong tay các quan chức ở Prague. Điều này đã bị các nhà chính trị đầy tham vọng lợi dụng. Trong khi ông Havel vẫn là gương mặt toàn cầu của Tiệp Khắc hậu cộng sản, một hệ thống chính trị liên bang đã mở đường cho sự trỗi dậy của một cặp đôi nhà quản lý trong nước đầy quyền lực: Vaclav Klaus, thủ tướng Séc và Vladimir Meciar, thủ tướng Slovakia.

Klaus, một nhà tư tưởng ủng hộ thị trường tự do mong muốn đặt quốc gia của mình trong đội tiên phong của chủ nghĩa kinh tế tự do đang càn quét châu Âu, muốn tập trung quyền lực ở Prague. Trong khi đó, ông Meciar, một nhà lãnh đạo đảng theo chủ nghĩa bảo trợ truyền thống, đã tìm kiếm sự tự chủ cho Slovakia và sử dụng quyền tiếp cận của mình đối với các tài sản quốc gia để duy trì cơ sở quyền lực chính trị của mình. Vào giữa năm 1992, sự phân chia đã lộ rõ và hai người đã đồng ý chia tách vào tháng Bảy. Sau đó, Klaus theo đuổi các mục tiêu tư nhân hóa nhanh chóng, biến Cộng hòa Séc trở thành một ngôi sao kinh tế ở Trung Âu, nhưng cũng tạo ra sự oán giận của công chúng bởi những người được hưởng đặc quyền trong chế độ cộng sản cũ và các công ty đa quốc gia nước ngoài được hưởng lợi một cách quá mức từ quá trình này. Trong khi đó, Meciar thắt chặt quyền lực của mình và cai trị như một nhà lãnh đạo nửa độc tài, làm chậm tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu của đất nước và nhìn chung đã khiến Slovakia trở thành một người ngoài cuộc của khu vực, cho đến khi ông bị bãi nhiệm một cách dân chủ vào năm 1998.

Hiện giờ cả Cộng hòa Séc và Slovakia đều là thành viên của NATO và EU. Việc cùng là thành viên của EU đã khiến cho các trạm kiểm soát hải quan được xây dựng vội vàng vào năm 1993 trở nên khá gây tranh cãi. Ngoại trừ sự than phiền thi thoảng diễn ra sau một màn trình diễn yếu kém trong một giải đấu thể thao nào đó, và hiện tượng văn hóa pop khác lạ, không mấy ai thảo luận về việc tái thống nhất nữa. Kể từ khi chia tách, Slovakia đã tiếp tục thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng cách mở rộng cơ sở sản xuất của riêng mình, sử dụng ưu đãi thuế để mang về những khoản đầu tư nước ngoài lớn, và trong quá trình đó, trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo đầu người. GDP bình quân đầu người của Slovakia hiện nay bằng 90% của Séc. Từng được coi là quốc gia anh em nghèo kém hơn của Séc, Slovakia có thể trở thành một quốc gia nâng đỡ tinh thần cho những người miền Nam Italia, người Walloon, và những dân tộc khác đương bị dèm pha hay đang mắc kẹt trong cuộc đấu tranh vùng miền của châu Âu hiện đại.

28/11/1989: Tiệp Khắc bãi bỏ chế độ chính trị độc đảng