18/08/1931: Lụt sông Dương Tử giết chết 3,7 triệu người

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Yangtze River peaks in China, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1931, nước sông Dương Tử ở Trung Quốc đã dâng cao đến đỉnh trong trận lụt khủng khiếp đã giết chết 3,7 triệu người, trực tiếp và gián tiếp, trong vài tháng sau đó. Đây có lẽ là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất của thế kỷ 20.

Sông Dương Tử chảy qua miền nam Trung Quốc, một trong những khu vực đông dân nhất trên Trái Đất. Người dân ở khu vực này, hầu hết sống trong nghèo khó, phụ thuộc vào con sông để lấy nước sinh hoạt và làm nông. Vào tháng 04, lưu vực sông đã bắt đầu nhận được lượng mưa trên mức trung bình. Khi những cơn mưa xối xả xuất hiện vào tháng 07, thảm họa đã đến. Nước từ sông Dương Tử tràn ngập khắp một khu vực rộng 500 dặm vuông. Nước dâng cao đã buộc 500.000 người phải rời khỏi nhà vào đầu tháng 8.

Khi nước tiếp tục dâng cao trong nửa đầu tháng 8 và mưa thậm chí còn nhiều hơn, những cánh đồng lúa hoàn toàn ngập úng, phá hủy mùa màng. Người dân ở các thành phố lớn như Vũ Hán và Nam Kinh phụ thuộc vào gạo từ vùng này, không có nó, họ sẽ chết đói. Ngoài ra, nạn thương hàn và kiết lỵ cũng tràn lan do nước bị ô nhiễm. Hàng triệu người mất mạng trong trận lụt này vì đói và bệnh tật, nhiều người trong số đó đã chết sau khi nước lũ rút.

Phần lớn thảm họa có thể đã được ngăn chặn nếu các biện pháp kiểm soát lũ được áp dụng chặt chẽ. Dương Tử mang theo một lượng lớn trầm tích, tích tụ ở một số khu vực nhất định của lòng sông và phải được dọn sạch thường xuyên. Tuy nhiên, phần lớn nguồn lực của vùng này đã được tập trung cho cuộc nội chiến vào thời điểm đó, còn dòng sông đã bị lãng quên.