Thế giới hôm nay: 13/09/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố gói kích thích kinh tế mới trong nỗ lực ngăn chặn suy thoái trong khu vực đồng euro. Ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất tiền gửi của họ -tính trên các khoản tiền gửi do ECB nắm giữ – từ -0,4% xuống -0,5%, mức thấp kỷ lục. Họ cũng sẽ khởi động nới lỏng định lượng và mua vào 20 tỷ euro (22 tỷ đô la) trái phiếu mỗi tháng kể từ tháng 11.

Như để chứng minh ECB đã hành động đúng, Eurostat tuyên bố rằng sản lượng công nghiệp trong khu vực đồng euro suy giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng Bảy. Sản xuất giảm 0,4% so với tháng trước và 2% so với tháng 7 năm ngoái. Đà giảm được thúc đẩy bởi sự sụt giảm mạnh sản lượng công nghiệp của Đức.

Purdue Pharma đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để bồi thường cho 27 tiểu bang và nhiều chính quyền địa phương về vai trò mà họ bị cáo buộc trong cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ. Các báo cáo cho thấy thỏa thuận trị giá 10 – 12 tỷ đô la này sẽ khiến công ty phải nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 (Bộ luật Phá sản của Hoa Kỳ). Gia đình Sackler, những người đang kiểm soát công ty, sẽ trả vài tỷ đô la. Một số bang, bao gồm cả New York, thông báo không chấp nhận thỏa thuận này.

Donald Trump cho biết ông sẽ trì hoãn trong hai tuần kế hoạch tăng thuế đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc. Động thái này được đưa ra sau thông báo của Trung Quốc rằng từ ngày 17 tháng 9, 16 loại hàng hóa của Mỹ sẽ được miễn thuế nhập khẩu (các khoản xuất khẩu lớn, như thịt lợn và đậu nành, không có tên trong danh sách). Các mối quan hệ dường như đang tan băng trước thềm đàm phán thương mại cuối tháng này.

Cổ phiếu của Cathay Pacific đã giảm sau khi hãng hàng không Hồng Kông tiết lộ mức giảm 38% lưu lượng hành khách trong tháng Tám so với cùng kì năm trước. Các hoạt động của hãng đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi các cuộc biểu tình ở sân bay Hồng Kông; Chủ tịch và giám đốc điều hành của họ cũng bị buộc phải từ chức do sức ép trừng phạt của chính phủ Trung Quốc. Hãng vận tải cho biết họ dự kiến tháng 9 sẽ “hết sức khó khăn.”

OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu bằng cách yêu cầu hai thành viên của mình là Nigeria và Iraq giảm sản lượng. Giá dầu vẫn thấp kéo dài sau khi Mỹ liên tục tăng sản lượng. Ả Rập Saudi, thành viên quan trọng nhất của OPEC, cần giá tăng để cân bằng ngân sách.

Các nhóm đối lập Nga có liên quan đến Alexei Navalny cho biết chính quyền đã đột kích 150 căn nhà và văn phòng của họ. Ông Navalny đã giúp tổ chức đợt biểu tình mùa hè ở các thành phố lớn sau khi các ứng cử viên phe đối lập bị cấm tham gia các cuộc bầu cử địa phương. Sau chiến dịch “bỏ phiếu chiến thuật” thành công do Navalny dẫn đầu, đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất đã phải chịu thất bại nặng nề ở nhiều thành phố.

TIÊU ĐIỂM

Kế hoạch táo bạo: Huawei muốn tạo nên đối thủ cạnh tranh

Nhậm Chính Phi có một ý tưởng để xoa dịu căng thẳng công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuần này, người sáng lập 73 tuổi của Huawei nói với The Economist rằng ông muốn chia sẻ toàn bộ danh mục công nghệ 5G của công ty mình với một công ty phương Tây, với mức phí một lần. Tất cả các tài sản mềm làm nền tảng cho công nghệ này – code, quy trình sản xuất, bằng sáng chế – đều sẽ được chuyển giao. Huawei sẽ tiếp tục dùng cùng các công nghệ tương tự để cạnh tranh với bên mua.

Thực tế là bộ công nghệ 5G của Huawei rẻ hơn và tiên tiến hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh phương Tây nào, nhờ đó họ đã thống trị thị trường, dẫn tới sự lo ngại của cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ, những người lo rằng công nghệ sẽ được dùng phục vụ gián điệp. Ông Nhậm cho rằng thúc đẩy cạnh tranh ở cùng trình độ công nghệ với công ty của ông sẽ làm giảm sự chú ý tiêu cực mà Huawei phải nhận, bởi vì họ sẽ không còn là duy nhất nữa. Quả thực ý tưởng rất táo bạo, nhưng rõ ràng ông Nhậm không sợ những điều táo bạo.

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ suy giảm

Niềm tin vào sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ đang dần sụt giảm. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã chậm lại, đầu tư chùng xuống và các chủ doanh nghiệp gặp khó khăn. Hôm nay, các số liệu về doanh số bán lẻ sẽ cho thấy liệu người tiêu dùng Mỹ có còn chi tiêu thoải mái trong bối cảnh đó hay không. Doanh số tháng 8 tăng 0,7% so với tháng 7, sau khi trừ đi thay đổi theo mùa mua sắm. Những tín hiệu tích cực này là rất tốt.

Mặc dù trông không mạnh mẽ như năm ngoái, nhưng thị trường lao động đang ở trong tình trạng tốt. Và mặc dù lĩnh vực sản xuất đang gặp khó khăn từ thuế quan và nhu cầu toàn cầu thấp, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước không bị ảnh hưởng nhiều từ tác động bên ngoài. Điều đáng ngại đó là sự lo lắng có thể lây lan. Các khảo sát cho thấy người tiêu dùng cảm thấy ít tin tưởng vào tình hình tài chính của họ hơn so với niềm tin dành cho nền kinh tế nói chung, một khoảng cách báo hiệu rắc rối. Nếu người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, thì vấn đề sẽ nhanh chóng lan rộng.

Trước thềm bầu cử Tổng thống Tunisia

Cuối tuần này người Tunisia sẽ bầu một tổng thống mới, lần thứ hai kể từ cuộc cách mạng của họ năm 2010. Nền dân chủ xuất hiện từ đó đã phải chịu đựng các vụ ám sát, tấn công khủng bố và một nền kinh tế vụn vỡ. Gần đây nhất, nó vẫn sống sót sau cái chết hồi tháng 7 của tổng thống Beji Caid Essebsi. Với 26 người cùng cạnh tranh để kế nhiệm ông, và người chiến thắng cần ít nhất 50% số phiếu bầu, rất có thể sẽ cần thêm một cuộc bỏ phiếu bổ sung. Ứng cử viên dẫn đầu Nabil Karoui, người hứa hẹn một cuộc chiến chống đói nghèo, vận động tranh cử từ trong tù.

Cảnh sát bắt giữ ông này hồi tháng 8 vì cáo buộc trốn thuế và rửa tiền, các tội danh mà các trợ lý của ông khẳng định mang tính chính trị (và ông vẫn đủ điều kiện để tranh cử tổng thống). Ông Karoui sẽ phải chia sẻ số phiếu bầu dân túy với các ứng viên như Kais Saied, một giáo sư luật muốn áp dụng án tử hình và cho rằng đồng tính luyến ái là một âm mưu nước ngoài nhằm làm suy yếu Tunisia. Cho dù là ai chiến thắng, chúng ta nên trông đợi một cuộc bỏ phiếu nhằm thay đổi nguyên trạng hiện nay.

Nước Anh xuất hiện đảng lớn thứ ba

Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ EU sẽ tràn đầy hi vọng khi bước vào hội nghị thường niên diễn ra vào thứ Bảy tuần này. Đảng lớn thứ ba của Vương quốc Anh chứng kiến số lượng nghị viên của mình tăng lên, do các nhà lập pháp cấp tiến chán ngấy với cả đảng Bảo thủ và Công đảng lần lượt chuyển sang hàng ngũ của họ – năm người trong mùa hè qua, và dự kiến sẽ còn tăng. Triển vọng bầu cử của họ cũng đã tăng lên. Đảng này đứng thứ hai trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu năm nay, đứng trước cả hai đảng chính của Anh.

Tỉ lệ cử tri ủng hộ họ qua thăm dò khoảng 20%, bám sát Công đảng, nhờ vào sự phản đối Brexit quyết liệt của họ. Một màn trình diễn như vậy trong một cuộc tổng tuyển cử sẽ không đủ để họ lập chính phủ. Nhưng nếu xuất hiện thế bế tắc, họ có thể có tiếng nói quyết định về việc ai được thành lập chính phủ tiếp theo. Trớ trêu thay, một đảng đầy những người ghê tởm cả đảng Bảo thủ và Công đảng rốt cuộc có thể định đoạt việc một người trong hai đảng này lên nắm quyền.

Trăng tròn tháng chín và những điều mê tín

Trăng tròn tháng 9 hay “Trăng thu hoạch” (Harvest Moon) từng đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Bởi vì nó xuất hiện ngay sau khi mặt trời lặn, nên họ có thể tiếp tục gặt hái mùa màng dưới ánh trăng cho đến khuya, do đó mới có tên gọi như vậy. Đây cũng là lần Trăng tròn gần nhất với ngày Thu Phân (23 tháng 9 năm nay), đánh dấu khởi đầu về mặt thiên văn học của mùa thu, khi mặt trời ở ngay trên đường xích đạo và ngày đêm dài bằng nhau.

Thật trùng hợp, Harvest Moon năm nay cũng sẽ là một “mặt trăng siêu nhỏ,” bởi vì nó nằm ở điểm xa Trái đất nhất trong quỹ đạo của nó. Điều này có nghĩa là trông nó sẽ nhỏ hơn 14% so với hồi tháng Hai. Mặc dù đỉnh trăng tròn trên bờ biển phía đông nước Mỹ và Anh sẽ đến sau nửa đêm – và do đó về mặt kỹ thuật là sáng thứ Bảy – nhưng nhiều người mê tín cho rằng xuất hiện trăng tròn vào đêm thứ Sáu ngày 13 sẽ mang đến điềm gở nào đó. Đặc biệt, theo truyền thuyết, Harvest Moon giúp cho người sói có sức mạnh lớn hơn bao giờ hết.