Mỹ có phạm tội ác chiến tranh ở Việt Nam?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Cody J. Foster, “Did America Commit War Crimes in Vietnam?”, The New York Times, 01/12/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngày 01/12/1967, ngày cuối cùng trong phiên xét xử thứ hai của Tòa án Tội ác Chiến tranh Quốc tế, các nhà hoạt động chống chiến tranh từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Roskilde, Đan Mạch. Ban bồi thẩm – còn được gọi là Tòa án Russell theo tên người sáng lập, nhà triết học Bertrand Russell – đã dành một năm để điều tra hành động can thiệp của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á và lúc này đã sẵn sàng công bố phát hiện của mình. Các thành viên của phiên tòa nhất trí cho rằng Mỹ “có tội trong mọi cáo buộc, bao gồm diệt chủng, sử dụng vũ khí bị cấm, ngược đãi và giết tù nhân, di chuyển tù nhân một cách bạo lực” tại Việt Nam, cũng như các nước láng giềng Lào và Campuchia.

Russell thường tuyên bố rằng mình đã được truyền cảm hứng từ Tòa án Nuremberg. Nhưng Tòa án Russell không phải là một cơ quan chính phủ hay tổ chức hiệp ước; nó không có thẩm quyền pháp lý cũng như phương tiện để thực thi công lý sau những phát hiện của mình. Nhiệm vụ của nó là nâng cao nhận thức về tác động của chiến tranh đối với thường dân Việt Nam. “Tòa án Nuremberg đã yêu cầu và bảo đảm việc trừng phạt các cá nhân,” Russell tuyên bố trong các phiên xét xử. “Còn Tòa án Tội ác Chiến tranh Quốc tế kêu gọi các dân tộc trên thế giới, quần chúng, hành động để ngăn chặn tội ác.”

Nhà triết học Jean-Paul Sartre đã chủ tọa các phiên tòa và giúp thu hút 23 học giả, nhà khoa học, luật sư, cựu nguyên thủ quốc gia và các nhà hoạt động hòa bình được quốc tế công nhận, những người mà ý thức đạo đức đã khiến họ nhận lời mời tham dự. Xuyên suốt hai phiên tòa riêng biệt, từ ngày 02 đến ngày 10 tháng 05/1967 tại Stockholm, và từ ngày 20/11 đến 01/12/1967 tại Roskilde, các thành viên đã cân nhắc, xem xét các bằng chứng mà mỗi người tự thu thập trong những chuyến đi thực tế đến Việt Nam trong khoảng thời gian giữa hai phiên tòa.

Các chuyến đi này cho phép các thành viên ban bồi thẩm đánh giá thiệt hại mà cuộc chiến đã gây ra cho dân thường và trực tiếp xác minh những tuyên bố họ được nghe trong phiên tòa đầu tiên. Trong một chuyến đi kiểu này, nhà hoạt động xã hội Lawrence Daly, nhà báo Tariq Ali và nhà văn Carol Brightman, đã mang về bằng chứng không thể chối cãi rằng Không quân Hoa Kỳ đã cố tình ném bom các cơ sở và hạ tầng dân sự, bao gồm bệnh viện, trường học, nhà thờ và làng mạc.

Các thành viên khác, khi đến vùng nông thôn, đã gặp được nhiều dân thường đồng ý tới Đan Mạch để phát biểu trước phiên tòa thứ hai. Nhân chứng đầu tiên, một nông dân Việt Nam 37 tuổi, đã phơi bày phần thân thể cháy sém của mình trước bồi thẩm đoàn, và giải thích, thông qua một phiên dịch viên, rằng một chiếc máy bay Mỹ đã thả bom cháy xuống khu ruộng của gia đình anh ở Quảng Nam khi anh đang cày ruộng.

Anh không chỉ có một mình. Nạn nhân này tiếp nối nạn nhân kia, tất cả đều mô tả cách các “thẩm vấn viên” Mỹ càn quét khắp làng, tìm kiếm kẻ thù và tra tấn thường dân để lấy thông tin. Một cựu thẩm vấn viên người Mỹ, Peter Martinsen, đã xác nhận với tòa án rằng Trường Tình báo Quân đội đã dạy họ các chiến lược thẩm vấn vi phạm Công ước Geneva. “Thẩm vấn viên cũng tham gia tra tấn thực tế,” ông nói, trước khi thú nhận rằng những phương pháp đó đôi khi dẫn đến cái chết của tù binh chiến tranh Việt Nam. Sau đó, vào năm 1970, các thẩm vấn viên và thường dân Việt Nam khác đã xác nhận rằng họ đã bị nhấn chìm trong nước, bị sốc điện và bị đốt. Một số thậm chí còn tiết lộ bị tấn công tình dục thông qua việc đưa rắn và gậy vào cơ thể. “Thật kinh khủng khi nhớ lại một cuộc thẩm vấn mà bạn phải đánh đối phương để lấy lời khai, sau đó đánh anh ta vì tức giận, cuối cùng bạn đánh anh ta chỉ để thỏa mãn sự hưng phấn,” Martinsen nói thêm.

Những lời khai này cũng tiết lộ rằng Mỹ đã di dời dân thường một cách thô bạo để cô lập kẻ thù. Ví dụ, chương trình ấp chiến lược đã buộc một số lượng lớn người dân vào sống trong các ấp/huyện được cách ly, nhằm bình định làng mạc và ngăn chặn cộng sản xâm nhập nông thôn. Các nhân chứng cũng khai rằng lính Mỹ đã sát hại bất kỳ ai dám kháng cự và thiêu rụi các ngôi làng khi họ di dời dân thường Việt Nam. Máy bay ném bom và pháo binh của Mỹ sau đó sẽ được thống báo làng đã “trống” để có thể thoải mái bắn phá trước khi bao phủ toàn bộ khu vực bằng chất độc màu da cam. Chiến thuật kiểu này đã xóa bỏ vô số sinh kế; những người sống sót chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ hy vọng và đưa gia đình của họ vào sống trong các ấp được chuẩn bị sẵn.

Các thành viên của Toà án Russell cũng lo lắng không kém về việc quân đội sử dụng vũ khí tối tân trong các khu vực dân thường. Một quả bom đặc biệt đã khiến họ chú ý, bởi thiết kế của nó chỉ nhằm mục đích gây thương vong hàng loạt. Chuyên gia vũ khí Jean-Pierre Vigier thuộc Đại học Paris, đã làm chứng trước tòa rằng cái gọi là bom ổi (guava bomb) – một loại bom chùm – có thể bắn ra 300 viên bi sắt theo mọi hướng khi nổ. Loại bom này ít gây thiệt hại cho bê tông và thép, ông nói; thay vào đó, nó như thể được tạo ra để xé rách da thịt người. “Kết luận duy nhất của tôi là việc đánh bom dân thường là một chính sách có chủ ý của Lầu Năm Góc, có lẽ với hy vọng khiến họ gây áp lực buộc chính phủ phải đầu hàng,” Daly đã kết luận sau khi nghe các lời chứng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, những phát hiện của Tòa án Russell đã giúp tiếp thêm sinh lực cho phong trào phản chiến toàn cầu nhằm gây áp lực buộc chính quyền Johnson kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Bị ảnh hưởng bởi những gì họ chứng kiến ở Việt Nam trong thời gian giữa hai phiên xét xử, hai thành viên của ban bồi thẩm, nhà hoạt động chống chiến tranh Dave Dellinger và nhà văn Carl Oglesby, đã cộng tác với các nhà hoạt động phản chiến khác để lên kế hoạch biểu tình hòa bình trên khắp thế giới vào tháng 10/1967. Tháng đó, hàng ngàn người biểu tình chống chiến tranh đã đối đầu với quân đội bên ngoài Lầu Năm Góc và trước các đại sứ quán Mỹ trên khắp Tây Âu, Trung và Nam Mỹ, cũng như khắp châu Á. Chiến dịch Giải trừ Vũ khí Hạt nhân của Russell và Hội đồng Hòa bình Anh tại Việt Nam đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Washington và bên ngoài số 10 phố Downing ở London. Chiến dịch Đoàn kết với Việt Nam, một tổ chức khác do Russell tài trợ, đã hợp tác với Tariq Ali để tổ chức tuần hành ở Quảng trường Trafalgar song song với việc biểu tình trước đại sứ quán Úc, New Zealand và Mỹ.

Tòa án Russell và các cuộc tuần hành đã không làm kết thúc chiến tranh, nhưng vẫn giúp thúc đẩy sự phản đối quốc tế đối với chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc: chẳng hạn, những người theo chủ nghĩa dân tộc Puerto Rico, đang tìm cách giải phóng đất nước của họ khỏi chủ nghĩa đế quốc Mỹ, coi người Việt là đồng minh tinh thần, ngay cả khi người Puerto Rico buộc phải đi nghĩa vụ quân sự để chiến đấu nhân danh Mỹ tại Việt Nam.

Tòa án cũng gây được tiếng vang ở Mỹ. Stokely Carmichael, một thành viên của ban bồi thẩm, và các nhà lãnh đạo người da đen trẻ tuổi khác đã tham gia cùng các nhà cách mạng này khi nhận định tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chỉ là một sản phẩm khác của bản chất áp bức chủng tộc của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Họ lập luận rằng cộng đồng người Mỹ gốc Phi tồn tại như một thuộc địa trong lòng nước Mỹ bị chi phối bởi hận thù chủng tộc và bạo lực.

Tội ác chiến tranh được phát hiện bởi Tòa án Russell, cùng với các chi tiết về Thảm sát Mỹ Lai sau đó, đã hạ thấp uy tín của Mỹ ở nước ngoài và gây ra một cuộc khủng hoảng bản sắc quốc gia ở trong nước. Những phát hiện này đã buộc các công dân Mỹ phải thừa nhận cách tiếp cận “giết bất cứ thứ gì di chuyển” của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng những sự thừa nhận ấy chẳng tồn tại được lâu; thực tế tội ác của Mỹ ở Việt Nam đã bị che đậy bởi các tổng thống, chính trị gia và nhiều nhà lãnh đạo khác đang tìm cách hàn gắn đất nước – ngay cả khi điều đó có nghĩa là phớt lờ lịch sử – nhằm thúc đẩy một thứ chủ nghĩa dân tộc ái quốc mới. Những khẩu hiệu tập đoàn được chính phủ ủng hộ như Chiến dịch “The Pride Is Back” (Niềm tự hào đã quay trở lại) hồi thập niên 1980 đã thao túng ký ức tập thể bằng cách làm ngơ các tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền mà Tòa án Russell đã giúp vạch trần.

Di sản quan trọng nhất của Tòa án Russell là sự xuất hiện của những “tòa án nhân dân” (people’s tribunals) rất lâu sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Các tòa án nhân dân, cũng được gọi là các “Tòa án Russell”, đã điều tra các chế độ độc tài ở Thế giới Thứ ba, đảo chính Chile năm 1973, xung đột giữa Israel và Palestine và cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Gần đây nhất, Tòa án Thế giới về Iraq đã được mở năm 2003 để buộc tội Mỹ về các tội ác chiến tranh và sự vi phạm Công ước Geneva. Một lần nữa phiên tòa buộc thế giới phải lắng nghe những câu chuyện mới về ném bom dân thường và các chiến thuật tra tấn mới của lực lượng vũ trang Mỹ.

Hy vọng của Russell là các phiên tòa của ông sẽ tạo ra động lực hướng tới một phong trào hòa bình quốc tế lấy người dân làm trung tâm, một phong trào đã làm được nhiều hơn ngoài các cuộc biểu tình. Ông cho rằng, nhân dân – nếu được tổ chức và huy động đúng cách – có thể kiểm soát được các chính phủ. Đó là một ý tưởng cấp bách ở thời điểm năm 1967 và ngày nay cũng thế.

Cody J. Foster là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử tại Đại học Kentucky.

Hình: Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre (ở giữa) tham gia một phiên tòa xác định rằng Mỹ đã vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế ở Việt Nam.