Thế giới hôm nay: 31/10/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại trong quý thứ ba, giảm xuống mức tính theo năm là 1,9%. Con số này tốt hơn một số dự đoán, nhưng thấp hơn so với hai quý đầu năm 2019. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và nền kinh tế thế giới gặp khó khăn được xem là nguyên nhân gây ra sự giảm tốc. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức tốt.

Khi công bố thu nhập quý thứ ba của mình, Airbus, gã khổng lồ ngành hàng không – vũ trụ châu Âu, cảnh báo rằng họ sẽ phải “thích ứng” các hoạt động của mình tại Anh, nơi họ thuê 14.000 nhân công, để phù hợp với Brexit. Trong khi đó, một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia cho thấy nếu Anh thực hiện theo thỏa thuận Brexit mới được chính phủ đàm phán thì sẽ bị thiệt hại 70 tỷ bảng so với khi ở lại EU.

Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu áp đảo công nhận vụ giết hơn 1 triệu người Armenia của Đế quốc Ottoman vào năm 1915-16 là một cuộc “diệt chủng”. Thổ Nhĩ Kỳ luôn phủ nhận bất kỳ chiến dịch mang tính hệ thống nào chống lại người Armenia. Cuộc bỏ phiếu đánh dấu sự xuống cấp hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ với nước đồng minh NATO này, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xâm lược Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chile tuyên bố hủy một hội nghị thượng đỉnh khu vực quan trọng vì các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn. Cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – TBD (APEC) trước đó dự kiến tổ chức tại Santiago, thủ đô Chile, vào ngày 16 tháng 11. Người ta hy vọng Tổng thống Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ gặp nhau và có thể ký một thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ.

Hai khối chính của quốc hội ủng hộ chính phủ Iraq đã thúc giục thủ tướng Abdul Mahdi từ chức sau khi ông này từ chối kêu gọi một cuộc bầu cử. Nước này đã bị rung chuyển bởi nhiều tuần biểu tình rầm rộ kêu gọi cải cách kinh tế và chấm dứt tham nhũng. Cảnh sát đã phản ứng quyết liệt và đã có khoảng 250 người thiệt mạng.

Lợi nhuận của hãng Volkswagen tăng lên. Người khổng lồ sản xuất ô tô đã kiếm được 5 tỷ euro trong quý ba, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập tăng lên nhờ nhu cầu đối với xe hơi sản xuất bởi Porsche, một thương hiệu xa xỉ ra mắt mẫu xe điện đầu tiên trong năm nay, bên cạnh doanh số bán hàng mạnh mẽ của các dòng SUV.

WhatsApp đang kiện NSO Group, một công ty của Israel bán phần mềm gián điệp cho các chính phủ. WhatsApp cáo buộc NSO xâm nhập vào điện thoại của khoảng 1.400 người dùng trên khắp thế giới, bao gồm các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo nổi tiếng và luật sư nhân quyền, bằng cách gửi malware đến thiết bị của họ. Facebook, công ty sở hữu WhatsApp, tiết lộ vụ hack lần đầu vào tháng Năm. NSO phủ nhận các cáo buộc.

TIÊU ĐIỂM

Ấn Độ bãi bỏ quy chế bang của Jammu & Kashmir

Từ nửa đêm nay, bang Jammu & Kashmir của Ấn Độ chính thức không còn tồn tại. Vùng đất nơi người Hồi giáo chiến đa số hiện là hai “lãnh thổ liên bang” được quản lý bởi hai thống đốc bổ nhiệm bởi Delhi. Vào tháng 8, Ấn Độ đã giải tán cơ quan lập pháp địa phương và chấm dứt bảy thập niên bán tự trị của khu vực này, gây ra tranh cãi dữ dội. Bang này bao gồm Ladakh, một khu vực vùng cao đa số Phật giáo thưa dân, và vùng đất thấp Jammu đa số người Ấn giáo. Nhìn chung người dân hai khu vực này chào đón sự hội nhập sâu hơn với các vùng khác của Ấn Độ.

Nhưng 7,5 triệu người chủ yếu Hồi giáo ở Thung lũng Kashmir từ lâu đã cảm thấy lo lắng trước sự hiện diện thường xuyên của quân đội Ấn Độ, lực lượng mà trong cuộc chiến đấu với các thế lực ly khai đã khiến khoảng 50.000 người thiệt mạng trong ba thập niên qua. Delhi cam kết trật tự mới sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng tình hình 90 ngày qua tại thung lũng, với các vụ bắt giữ hàng loạt, viễn thông bị chặn, trường học và cửa hàng bị đóng cửa, và các cuộc tấn công lẻ tẻ của các chiến binh được Pakistan hậu thuẫn, cho thấy không có dấu hiệu tốt cho một tương lai thịnh vượng.

ASEAN chuẩn bị họp hội nghị thượng đỉnh

Hôm nay, các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên và đại diện của các siêu cường khu vực sẽ cùng đến thủ đô Bangkok của Thái Lan. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 sẽ diễn ra tại IMPACT Arena – một địa điểm thường được dùng cho các concert nhạc pop và các show thương mại hào nhoáng. Hội nghị thượng đỉnh là hoạt động cuối cùng của Thái Lan trong vai trò chủ tịch ASEAN; Việt Nam sẽ tiếp quản vào tuần tới. Các thủ tướng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tham dự. Thủ tướng Ấn Độ cũng có thể xuất hiện.

Về tác động, không nên mong đợi quá nhiều. Được quảng cáo là một diễn đàn quan trọng về đối thoại chiến lược, nó cũng có thể trở thành minh chứng cho thấy sự bất lực của khối. Hội nghị thượng đỉnh có khả năng bỏ qua cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya (chính phủ Myanmar không muốn thảo luận về nạn diệt chủng), làm ngơ các khu rừng đang cháy trong khu vực (các cơn mưa theo gió mùa đã đến) và phải vật lộn để thúc đẩy các chính sách nhằm giảm tác động của suy giảm thương mại toàn cầu lên tăng trưởng kinh tế khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ: tranh cãi vẫn tiếp diễn

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã vỡ vụn. Tranh cãi mới nhất giữa hai đồng minh NATO đến vào thứ Ba, khi Hạ viện Hoa Kỳ công nhận vụ sát hại trên 1 triệu người Armenia của các lực lượng Ottoman vào năm 1915-16 là diệt chủng. (Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ điều này trong nhiều thập niên qua.) Các nhà lập pháp cũng bỏ phiếu hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này trước động thái mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga, và điều tra tài sản cá nhân cũng như thu nhập của tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Để trở thành luật, biện pháp trừng phạt sẽ phải được Thượng viện chấp thuận và được ký bởi Tổng thống Donald Trump, điều khó xảy ra. Nhưng sự phẫn nộ của những người Cộng hòa đối với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Syria là có thật. Thổ Nhĩ Kỳ cũng giận dữ không kém: Thứ Ba vừa rồi là ngày lễ quốc gia quan trọng nhất của họ. Ông Erdogan sẽ đến Washington sau hai tuần nữa. Ông sẽ không được chào đón bằng thảm đỏ.

Số liệu ảm đạm của kinh tế Châu Âu

Sự phục hồi kinh tế của Châu Âu đã mất đà kể từ đầu năm 2018. Số liệu GDP được công bố hôm nay khả năng cao sẽ tiếp diễn xu thế này trong quý 3 năm 2019. Các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế của khu vực đồng euro có thể đã tăng trưởng chỉ 0,1% so với quý trước. Thương mại toàn cầu suy giảm và tắc nghẽn trong ngành công nghiệp xe hơi đã cùng khiến cho mọi thứ chậm lại. Trong khi đó, nhiều người cho rằng nước thành viên lớn nhất của khu vực đồng euro, Đức, đã rơi vào suy thoái (mặc dù số liệu GDP của họ sẽ chỉ xuất hiện vào giữa tháng 11).

Các bộ phận khác của nền kinh tế, ít nhất là cho tới bây giờ, vẫn đang hoạt động trơn tru. Một thị trường lao động vững chắc đã cho phép người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu. Một phần nhờ vào đó, các số liệu được công bố ngày hôm qua cho thấy nền kinh tế Pháp tăng 0,3% trong quý 3 so với quý trước đó. Song các cuộc thăm dò của giới kinh doanh dự đoán sản xuất ảm đạm vẫn không hề thuyên giảm. Càng kéo dài, càng có nhiều khả năng phần còn lại của nền kinh tế cũng sẽ bắt đầu trì trệ.

Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow nghỉ hưu

Hôm nay, John Bercow sẽ nghỉ hưu sau một thập niên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hạ viện. Ông đã là một chủ tịch bất thường – can thiệp sâu hơn và công khai hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào, gây chia rẽ nhưng đồng thời cũng rất sinh động. Đảng Bảo thủ cáo buộc ông là một cầu thủ chứ không phải một trọng tài, với việc ông nhiều lần gây ảnh hưởng thông qua định kiến của ông về Brexit và Đảng Bảo thủ (một chỉ trích càng được làm sắc nét hơn bởi thực tế ông từng là một nghị sĩ Bảo thủ). Những người ủng hộ ca ngợi ông vì đã hành động để bảo vệ quyền của các nghị sĩ trước nhánh hành pháp hùng mạnh.

Các nghị sĩ sẽ chọn một chủ tịch mới vào ngày 4 tháng 11 từ chín ứng viên. Công đảng cho rằng đã đến lượt họ chỉ định một chủ tịch. Trong khi các nghị sĩ Bảo thủ vặn lại rằng thực ra họ đã có Bercow, người nổi tiếng với lập trường chống Đảng Bảo thủ. Nhiều người cho rằng bây giờ là lúc để có một chủ tịch nữ khác. Bagehot, nhà phân tích chính trị của The Economist, đặt cược Harriet Harman, một nghị sĩ Công đảng và là nữ nghị sĩ phục vụ lâu nhất ở Hạ Viện, sẽ đảm nhận công việc này.