01/08/1943: Tàu tuần tra PT-109 của John F. Kennedy bị đâm chìm

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: PT-109 sinks; Lieutenant Kennedy is instrumental in saving crew, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, một tàu khu trục Nhật Bản đã đâm vào tàu PT (patrol torpedo/ngư lôi cơ giới) số hiệu 109 của Mỹ,  làm tàu bị vỡ đôi. Thiệt hại lớn đến nỗi các tàu PT khác của Mỹ trong khu vực cho rằng thủy thủ đoàn của tàu 109 đều đã chết. Thực tế thì hai thuyền viên đã thiệt mạng, nhưng vẫn có 11 người khác sống sót, bao gồm cả Trung úy John F. Kennedy.

Trước đó, máy bay Nhật đã mở cuộc “đi săn” tàu PT ở Quần đảo Solomon, ném bom căn cứ PT tại đảo Rendova. Người Nhật cần phải đưa một số tàu khu trục đến cực nam đảo Kolombangara để chuyển đồ tiếp tế cho lực lượng tại đây, và ngư lôi từ đội tàu PT Mỹ là hiểm họa tiềm tàng. Bất chấp những vụ đánh bom căn cứ tại Rendova, rất nhiều tàu PT đã lên đường đánh chặn khu trục hạm Nhật. Giữa trận chiến, tàu Nhật, Amaqiri, đã đâm trúng tàu PT-109, khiến 11 thủy thủ bị hất xuống Thái Bình Dương.

Sau năm giờ bám vào những mảnh vỡ từ con tàu PT gặp nạn, các thủy thủ đã tới được một đảo san hô. Kennedy quyết định bơi ra biển một lần nữa, với hy vọng tìm được một chiếc tàu Mỹ nào đó đi qua, nhưng chẳng ích gì. Kennedy đành bơi trở lại bờ, nhưng dòng nước chảy xiết và chứng đau lưng mãn tính khiến việc trở về của ông trở nên khó khăn. Khi lên được đảo, ông đã đổ bệnh. Sau khi Kennedy hồi phục, thủy thủ đoàn PT-109 đã bơi đến một hòn đảo lớn hơn, nơi họ tin là đảo Nauru, nhưng thực tế là đảo Cross. Họ gặp được hai người dân bản địa, những người đồng ý giúp chuyển tin nhắn về phía nam. Kennedy đã khắc một tin nhắn lên chiếc vỏ dừa: “Đảo Nauru. Người bản địa biết vị trí [của chúng tôi]. Anh ta có thể dẫn đường. 11 người còn sống cần thuyền nhỏ.”

Tin nhắn đến được tay trung úy Arthur Evans, người đang giám sát bờ biển đảo Gomu, nằm cạnh một đảo bị người Nhật chiếm đóng. Kennedy và đoàn của mình đã chèo thuyền đến Gomu. Một tàu PT sau đó đưa họ trở lại Rendova. Kennedy cuối cùng đã được trao Huân chương Hải quân và Thủy quân Lục chiến vì lòng dũng cảm trên chiến trường.

Chiếc vỏ dừa dùng để gửi tin nhắn sau này đã được trưng bày tại Phòng Bầu dục.

PT-109, một bộ phim dựa trên câu chuyện này, với sự tham gia của Cliff Robertson trong vai Kennedy, đã được công chiếu vào năm 1963.