20/11/1923: Cấp bằng sáng chế cho đèn giao thông ba tín hiệu

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Garrett Morgan patents three-position traffic signal, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1923, Văn phòng Sáng chế Mỹ đã cấp Bằng sáng chế số 1.475.074 cho đèn giao thông ba tín hiệu của nhà phát minh kiêm nhà báo 46 tuổi Garrett Morgan. Dù phát minh của Morgan không phải là đèn tín hiệu giao thông đầu tiên (chiếc đầu tiên đã được lắp đặt ở London vào năm 1868), nó vẫn là một bước đổi mới quan trọng: nhờ có thêm tín hiệu thứ ba ngoài Dừng và Đi, nó giúp điều phối các phương tiện băng qua đường một cách an toàn hơn so với loại đèn trước đó.

Morgan, con trai của hai người từng là nô lệ, sinh ra ở Kentucky vào năm 1877. Khi mới 14 tuổi, ông chuyển đến Ohio để tìm việc làm. Đầu tiên, ông làm thợ sửa đồ vặt ở Cincinnati; tiếp theo, ông chuyển đến Cleveland, tiếp tục với công việc thợ sửa máy may.

Năm 1907, Morgan mở cửa hàng sửa chữa của riêng mình, và đến năm 1909, ông mở thêm một cửa hàng chuyên về may mặc. Công việc kinh doanh thành công rực rỡ, và đến năm 1920, Morgan đã kiếm đủ vốn để thành lập một tờ báo, Cleveland Call, sau trở thành một trong những tờ báo quan trọng nhất trên toàn quốc của người da đen.

Morgan đương nhiên đủ giàu để sở hữu một chiếc xe hơi vào thời điểm mà đủ loại phương tiện (xe đạp, xe ngựa giao hàng, xe điện,..) và cả người đi bộ chen chúc trên những con đường chật hẹp ở trung tâm thành phố Cleveland – khiến giao lộ luôn tắc nghẽn. Khi đó, người ta dùng đèn giao thông điều khiển bằng tay tại các giao lộ lớn, nhưng chúng không thực sự hiệu quả: bởi việc chuyển đổi qua lại giữa Dừng và Đi mà không có khoảng nghỉ ở giữa khiến người lái xe không có đủ thời gian để phản ứng khi hiệu lệnh thay đổi. Điều này dẫn đến rất nhiều va chạm xảy ra giữa các phương tiện đang đi đúng hướng khi vào giao lộ. Khi tận mắt chứng kiến vụ tai nạn nghiêm trọng ngay tại một góc đường có vẻ đã được điều hướng ổn thỏa, Morgan nảy ra ý tưởng: nếu ông thiết kế một tín hiệu thứ ba là Chuẩn bị Dừng/Đi – ý tưởng ban đầu của đèn vàng ngày nay – thì người lái xe sẽ kịp phản ứng trước khi có phương tiện khác băng qua đường.

Đèn tín hiệu mà Morgan được cấp bằng sáng chế có hình dạng một trục hình chữ T với ba vị trí đèn. Vào ban đêm, khi giao thông thưa thớt, nó có thể hoạt động ở chế độ Giảm tốc độ (tương tự như đèn vàng nhấp nháy ngày nay), cảnh báo người lái xe phải cẩn thận khi đi qua giao lộ. Morgan đã bán bản quyền phát minh của mình cho General Electric với giá 40.000 đô la.